Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (2)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 46 -

Lá Thư Gởi Trên Biển

(Lễ Chúa Thăng Thiên năm 1999)

 

Một người con gái đã nhận được lá thư của cha mình sau 85 năm. Ðây là một chuyện đã xảy ra tại New Zeland hôm 17 tháng 5 năm 1999.

Vào ngày 27 tháng 3 năm 1999, trong lúc chạy thuyền dọc theo bờ sông Thames, một ngư phủ người Anh tên là Steven Gowan đã nhặt được một cái chai bia, trong cái chai có một bức thư. Sau khi kéo mẻ lưới lên, bất chợt anh trông thấy chai bia "số mệnh", rất cũ kỹ, vàng ố, nhưng những tờ giấy bên trong chai bia hoàn toàn khô ráo. Thoạt đầu anh nghĩ đây chắc là một trò đùa của ai đó, nhưng khi nhìn thấy bức thư đề năm 1914, sự tò mò đã thôi thúc anh khám phá bí mật của tờ giấy kia.

Ðây là một lá thứ của một người lính biên thùy 26 tuổi, tên là Thomas Hughes gửi cho vợ mình là cô Elisabeth khi anh lên đường sang mặt trận phía Tây hồi đệ I thế chiến. Lúc cái chai trôi dạt thì trận chiến chỉ mới xảy ra một tháng. Thomas và hàng ngàn chàng trai trẻ khác được đưa đến mặt trận phía Ðông. Vào ngày 21 tháng 12 năm 1914, ngày đầu tiên trên chiến hào, và chỉ vỏn vẹn 12 ngày sau khi anh gửi lá thư theo dòng thủy triều thì Thomas đã hy sinh trong một cuộc chiến. Và anh viết cho vợ con anh những lời lẽ ngắn gọn như sau:

"Vợ yêu dấu của anh. Anh viết cho em vài hàng trên chiếc tàu này và thả nó trôi trên biển xem nó có đến tay em không. Nếu khi nhận được thư này, em nhớ ghi rõ ngày giờ và ký tên vào và cất kỹ. Vài chữ này xem như là hình ảnh của anh gửi về cho em." Thomas Hughes cũng không quên viết mấy chữ cho con gái của ông như sau: "Con yêu dấu của ba. Ba luôn nhớ con. Hôn con cưng của ba."

Trong bức thư cũng có 1 đoạn viết thêm: "Thưa quý ông bà, hay các cô cậu, xin hãy thương xót người lính tội nghiệp tên là Thomas Hughes, thuộc lực lượng bộ binh Durham 2 của quân đội viễn chinh Hoàng Gia Anh, đang trên đường đến mặt trận ngày 09 tháng 9 năm 1914, vội viết vài dòng gửi đến vợ con tôi. Vì vậy, nếu ai nhặt được bức thư tội nghiệp này, xin vui lòng gửi đến vợ con tôi". Và anh đã ghi địa chỉ của vợ chồng anh ở Bắc Stoskton-on-Tees...

Thời gian trôi qua rất nhanh, khi anh viết lá thư này thì con gái anh lúc đó mới lên 2 tuổi tức là bà Emily Crowhurst hiện nay đã 86 tuổi. Còn vợ ông, bà Elissabeth đã suy sụp hoàn toàn sau ngày nhận được tờ giấy báo tử của chồng và sau đó bà cũng đã chết vào năm 1979.

Người ngư phủ Gowan đã giữ đúng theo lời yêu cầu của người viết những dòng chữ trong cái chai, ông đã theo địa chỉ trên lá thư, tìm đến gia đình của bà Elisabeth, hiện giờ con bà là Emily Crowhurst cư ngụ. Khi nhận được bức thư của người cha yêu quý, bà Emily kêu lên: "Chúa ơi! Tin vui mới tuyệt vời làm sao! Giá mà bức thư này nhận được lúc mẹ tôi còn sống".

Bà Emily đã ký tên và ghi rõ ngày giờ nhận được lá thư như cha mình đã căn dặn. Ðó là thứ Hai ngày 17 tháng 5 năm 1999. Bà nói thêm như sau:

"Tôi tin rằng cha tôi sẽ rất hãnh diện khi biết lá thư này đến tay tôi. Cha tôi là một người rất cẩn thận, tôi vẫn luôn nhớ đến người và thỉnh thoảng đọc lại những lá thư cũ của người. Mặc dù gia đình chúng tôi sống với nhau rất hạnh phúc, nhưng đây mới thật sự là phần thưởng vô giá, không chỉ dành cho tôi, mà cho cả gia đình tôi. Mẹ tôi đã sống những ngày cuối đời hết sức vất vả, nhớ chồng và rất cô đơn. Giá như bức thư này đến lúc mẹ tôi còn sống, thì bà đã được an ủi và sống thêm vài năm nữa... thế giới đã nhìn nhận cha tôi và làm cho cha tôi sống lại bên mẹ tôi không chỉ là một tấm ảnh hay một lá thư mà là một con người thật".

Quí vị và các bạn thân mến,

Câu chuyện trên đây có thể gợi cho chúng ta một vài suy nghĩ về sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống đức tin của chúng ta. Ngày 17 tháng 5 năm 1999 vừa qua là một thời điểm đáng ghi nhớ trong cuộc đời của bà Emily Crowhurst, phải 85 năm sau người con mới nhận được lá thư của cha mình, nhưng bà vẫn nói: "Tôi luôn tưởng nhớ đến người cha của mình mặc dầu bà không còn nhớ rõ hình dáng, mặt mày." Lá thư đến tuy muộn màng nhưng như là một chứng giám cho tình thương mà ông luôn dành cho bà. Dù bà không còn nhớ được bóng dáng của người cha, bà vẫn luôn ấp ủ hình bóng ông trong tâm hồn mình: "Khuất bóng mà vẫn luôn hiện diện. Xa cách mà vẫn gần gũi."

Trong đời sống thiêng liêng, đây là mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người. Lễ Chúa Thăng Thiên mà Giáo Hội mừng kính đã kết thúc mùa Phục Sinh, từ cao điểm mùa Phụng vụ, chúng ta trở về với mùa Thường Niên. Từ những cuộc cử hành long trọng, chúng ta trở về với đời thường. Chính nơi đây, qua những cố gắng, thất bại và buồn vui của cuộc sống chúng ta không ngừng được mời gọi để nhận ra sự hiện diện của Chúa. Chính nơi đây, qua những gặp gỡ mỗi ngày với tha nhân, chúng ta không ngừng được mời gọi để đón nhận Chúa. Như trong giấc mơ của một tu sĩ nào đó: "Chính lúc chúng ta chỉ nhận ra có một dấu chân trên cát là lúc Chúa bồng chúng ta trên cánh tay Người để đưa chúng ta đi qua những thử thách." (The footprints in the sand along the beach)

Ðời sống đức tin của chúng ta chẳng khác nào một cuộc thám hiểm, mỗi một bước đi là một bước mò mẫm kiếm tìm dấu vết của sự hiện diện của Chúa, bao lâu còn tìm thấy được dấu vết của sự hiện diện ấy là bấy lâu cuộc sống vẫn còn có ý nghĩa và đáng sống.

Lạy Chúa, không thiếu những lúc chúng con hụt hẫng muốn buông xuôi bỏ cuộc và mặc cho dòng đời lôi cuốn.

Xin cho chúng con luôn cảm nhận được sự hiện diện của Chúa và tin tưởng bước trong tin yêu và hân hoan. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page