Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (2)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 41 -

Chiêm Ngắm Ngôi Mộ Chúa Giêsu

(Ngày Thứ Bảy Tuần Thánh 1999)

 

Ai trong chúng ta cũng đã một lần đưa tiễn người thân ra nghĩa địa và trong nhiều dịp khác nhau, chúng ta cũng đã đến thăm viếng và cầu nguyện cho người quá cố.

Có lẽ không có gì buồn thảm cho bằng nghĩa trang, nhưng cũng không có cảnh tượng nào êm ả và thanh thản cho bằng nghĩa trang, và tiếng nghĩa trang gợi cho chúng ta một chia ly mất mát, nhưng người chết lại tìm thấy nơi đó một nơi an giấc nghìn thu. Sống và chết, chia ly và gặp gỡ, mất mát và tìm gặp lại, chán nản và hy vọng, có lẽ đó là ý tưởng lẫn lộn trong chúng ta mỗi khi chúng ta đứng trước một ngôi mộ của một người thân, hay trầm mặc suy tư trong một nghĩa trang.

Thứ Bảy Tuần Thánh hôm nay, Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta chiêm ngắm ngôi mộ Chúa Giêsu. Những người môn đệ vừa tẩm liệm và đặt xác Ngài vào trong ngôi mộ. Bóng tối đã bao trùm trái đất, tưởng niệm Ðấng đã chết bị chôn vùi trong lòng đất để rồi từ cõi chết sống lại, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy canh thức, hãy cùng vượt qua với Chúa Giêsu đi từ cõi chết qua sự sống.

Có những lúc trong cuộc sống chúng ta bị dao động và buồn thảm trước cái chết của một người thân, nhất là một người đang tràn trề nhựa sống, sự sống như bị cướp đi một cách bất ngờ, chúng ta như cảm thấy hoàn toàn bất lực, cả bầu trời như sụp xuống, chúng ta cảm thấy như cuộc sống không còn một ý nghĩa nào nữa, tất cả như đã vỡ tan đến độ không có gì có thể hàn gắn được nữa.

Trước cái chết của Chúa Giêsu, nhiều người cũng có những phản ứng như chúng ta. Ba ngày sau khi chôn cất Ngài, có hai người môn đệ trở về Emmaus nơi làng cũ của họ. Họ rời bỏ Giêrusalem với tất cả thất vọng chán chường. Chúng tôi đã tin nơi Ngài, chúng tôi đã bỏ tất cả để đi theo Ngài, chúng tôi không còn tin ai ngoài Ngài, Ngài đã mang lại hy vọng cho chúng tôi, chúng tôi chờ đợi một cuộc cách mạng mà Ngài sẽ thực hiện: Israel sẽ thoát khỏi ách thống trị của ngoại bang để trở thành một cường quốc và dĩ nhiên chúng tôi cũng sẽ được dự phẩm vinh hiển trong cuộc chiến thắng của Ngài. Thế nhưng, thế là hết, Ngài đã thất bại hoàn toàn. Người ta đã bắt Ngài, đã giết Ngài. Thế là hết. Tất cả những tâm tình đau xót của các môn đệ của Ngài thời xưa có lẽ cũng là tâm trạng của chúng ta trong cuộc lữ hành trần gian này.

Qua phép rửa này, chúng ta cũng đã chấp nhận theo Chúa Giêsu, chúng ta đã đầu tư tất cả cho và vì Ngài. Thế nhưng, mây mù đã kéo tới, sóng gió đã ập phủ, thử thách dồn dập xảy đến, chúng ta không còn thấy đâu là hướng đi cho cuộc sống, chúng ta không còn thấy bóng dáng và sự hiện diện của Ngài nữa, bóng tối đã bao trùm hoàn toàn cuộc sống của chúng ta, và như một phản ứng tự nhiên, chúng ta buông xuôi mặc cho dòng đời đưa đẩy. Thế là hết.

Quí vị và các bạn thân mến,

Thế là hết. Ðó là ngôn ngữ thông thường của con người. Thế là hết, khi chúng ta đứng trước một thất bại. Thế là hết, khi chúng ta đứng trước sự chết. Thế là hết, khi chúng ta đứng trước sự chia ly. Nhưng kiểu nói ấy không bao giờ có trong ngôn ngữ của Ðấng là Sự Sống, là niềm hy vọng của chúng ta. Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự và Ngài tiếp tục công cuộc sáng tạo của Ngài.

Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu đã không chấm dứt chiều thứ Sáu Tuần Thánh. Con đường Thập giá của Chúa Giêsu không tận cùng bằng cái chết trên đồi Golgotha, nhưng dẫn đến ngôi mộ trống, dấu chứng của Phục Sinh. Tin Mừng của Chúa Giêsu đã không chấm dứt bằng cái chết, nhưng hướng mọi sự đến Phục Sinh.

Với Thiên Chúa cái chết đã thành khởi điểm của sự sống mới. Ngôi mộ đã trở thành lòng đất nảy sinh mầm sống mới. Từ ngôi mộ trống đến niềm tin. Từ cõi chết sang sự sống. Từ thất vọng đến hân hoan. Ðó là kinh nghiệm của Thánh Gioan tông đồ: nhìn ngôi mộ trống, Ngài đã thốt lên: "Tôi đã thấy và đã tin". Thực ra, Thánh Gioan tông đồ đã thấy những gì: "Một ngôi mộ trống và chiếc khăn liệm". Ðó là hai bằng chứng về sự vắng mặt của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không còn ở đó nữa. Ðối với Thánh Gioan, ngôi mộ trống đã trở thành dấu chỉ của sự sống lại. Chỉ có niềm tin mới có thể nhìn xuyên qua sự vắng mặt, sự trống rỗng để thấy được sự hiện diện. Trong bóng đêm dày đặc, nhìn thấy bình minh đang ló dạng. Trong mất mát, nhìn thấy lợi lộc. Trong thất bại, nhìn thấy khởi đầu của thành công. Trong tất cả mọi sự sẵn sàng thốt lên với xác tín như Thánh nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu: "Tất cả đều là ân sủng".

Sống là một cuộc làm lại không ngừng, lắm khi chúng ta phải bắt đầu làm lại từ con số không, điều thiết yếu đó là chúng ta phải luôn luôn giữ vững niềm hy vọng. Ðó là tất cả sứ điệp Phục Sinh của Chúa Giêsu. Không có gì là mất mát vĩnh viễn trong cuộc sống. Ngài không còn ở đây nữa. Ngài đã sống lại. Ngài sẽ đón anh em ở Galilê, ở đó anh em sẽ gặp Ngài. Galilê là nơi xuất phát của Chúa Giêsu và các tông đồ. Hãy trở lại Galilê, nghĩa là hãy bắt đầu từ khởi điểm, hãy bắt đầu từ lúc bắt đầu. Chúa Giêsu đã đi từ Galilê lên Giêrusalem. Ðó là cuộc hành trình đi từ cái chết đến sự Phục Sinh. Ngài cũng muốn các môn đệ của Ngài lặp lại cuộc hành trình ấy. Hãy trở lại Galilê, tại đó anh em sẽ gặp Ngài. Galilê của chúng ta là gì nếu không phải là cuộc sống hằng ngày với không biết bao nhiêu mò mẫm, cố gắng, thất bại, đắng cay. Chính trong cuộc sống đó mà Chúa Giêsu kêu mời chúng ta hãy trở lại để gặp gỡ với Ngài. Từ nay, mỗi một giây phút qua đi trong cuộc sống của chúng ta đều mang nặng sự hiện diện của Ðấng Phục Sinh. Sống Mầu Nhiệm Vượt Qua chính là cố gắng không ngừng để được thấy sự hiện diện ấy.

Lạy Chúa Kitô, chiêm ngắm ngôi mộ trống trong ngày thứ Bảy Tuần Thánh hôm nay, xin cho chúng con mãi mãi thốt lên như Thánh Gioan: "chúng con đã thấy và chúng con tin". (x. Gioan 20:8)

Trong mọi cảnh huống của cuộc sống, xin cho chúng con luôn nhận ra dấu chỉ sự hiện diện của Chúa. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page