Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (1)
(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 95 -
Lẽ Sống
(Gioan 14,15-21)
Trong một cuốn phim có tựa đề: "Ðời Con Ðẹp" đã từng được giải Oscar trong những năm gần đây. Cuốn phim kể lại chuyện của bác sĩ Victor Frank cùng với vợ và đứa con thơ đã từng bị giam giữ trong các trại tập trung thời Ðức Quốc Xã. Nhờ tính khôi hài, tình yêu và niềm tin mà bác sĩ Frank đã giữ vững được tinh thần cho đến ngày được ra khỏi trại và được sum họp với vợ con.
Cuốn phim "Ðời Còn Ðẹp" kể lại kinh nghiệm của bác sĩ Victor Frank. Ba năm bị lưu đày tại nhiều trại tập trung ở Ba Lan đã giúp cho bác sĩ Frank, chuyên gia tâm lý khám phá ra được một chân lý quan trọng trong cuộc sống của con người, chân lý đó là: Trong những hoàn cảnh nghiệt ngã đau thương nhất của cuộc sống, con người có thể tồn tại nhờ họ có Tình Yêu và Niềm Tin để tìm được ý nghĩa cho cuộc sống. Bác sĩ Frank đã quan sát những phản ứng khác nhau của những người bạn trong tù của ông như sau:
- Có những người trước khi vào tù thì được nhiều người tôn trọng và ngưỡng mộ, nhưng bỗng chốc đã để lộ nguyên hình của kẻ hèn hạ có thể bán đứng anh em vì một chút lợi lộc nhỏ mọn.
- Một số người khác thoạt tiên thể hiện bản lĩnh của nhà lãnh đạo, thế nhưng liền sau đó thất vọng và ngã gục.
- Lại có một số khác âm thầm chịu đựng cho đến cùng, và đã tìm được ý nghĩa của cuộc sống trong những hoàn cảnh nghiệt ngã tột cùng đau thương khốn khổ.
Trong cuốn phim, bác sĩ Frank cho biết: chính nhờ tình yêu đối với vợ đã giúp cho ông tiếp tục tìm thấy ý nghĩa và lẽ sống bằng tình yêu ấy, mặc dầu không biết vợ mình bị giam giữ ở đâu, còn sống hay đã chết. Bác sĩ Frank đã chia sẻ kinh nghiệm như sau:
- "Không có gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu, những ý nghĩ và hình ảnh của người vợ yêu dấu của tôi, cho dẫu người ta có báo tin rằng vợ tôi đã chết thì tôi sẽ không bao giờ quên chiêm ngắm hình ảnh của nàng, hoặc thôi không chuyện vãn với nàng nữa, càng lúc tôi càng cảm nhận được sự hiện diện với vợ tôi, vợ tôi vẫn luôn ở bên cạnh tôi."
Chính tình yêu đối với vợ đã mang lại hy vọng và sức mạnh giúp cho bác sĩ chịu đựng mọi nghịch cảnh và tồn tại cho đến ngày được giải cứu khỏi các trại tập trung. Khám phá được ý nghĩa của cuộc sống đây hẳn không phải là một điều xa xỉ hay phụ thuộc trong cuộc sống mà là một nhu cầu hiện sinh còn quan trọng hơn cả cái ăn, cái uống của con người.
*
* *
Quí vị và các bạn thân mến,
Ý nghĩa, lẽ sống của người tín hữu Kitô chúng ta chính là Chúa Giêsu Kitô. Ðây là điều mà một lần nữa hôm nay Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta. Kitô giáo chúng ta không phải là một ý thức hệ, cũng không phải là một hệ thống luân lý chỉ gồm những điều phải tuân giữ, lại càng không phải là một xã hội theo một thể chế chính trị nào đó. Kitô giáo thiết yếu là một Con Người, Con Người đó hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một. Ngài đang hiện diện trong Giáo Hội và trong cuộc sống của mỗi người chúng ta. Ngài là sức sống của mỗi một người tín hữu Kitô chúng ta. Một vị thánh hiền, một bậc vĩ nhân đi qua trong lịch sử nhân loại đã để lại sự nghiệp của mình, nhưng với Chúa Giêsu thì khác, Ngài không hiện diện như một xác chết được tẩm liệm, Ngài cũng chẳng hiện diện qua những di tích Ngài để lại, Ngài cũng chẳng để lại sự nghiệp nào. Ngài đã chết và Ngài đã sống lại, và chính vì đã sống lại cho nên Ngài vẫn có đó, Ngài hiện diện một cách sống động nơi đây, trong giây phút này đây.
Ðó là niềm tin, là sức sống, là lịch sử của Giáo Hội từ hai ngàn năm qua. Ðó là lẽ sống của biết bao nhiêu người tín hữu đã đi trước chúng ta. Trong Ngài, họ đã tìm thấy ý nghĩa cho cuộc sống, để có thể vui sống, nhất là kiên trì cho đến cùng giữa những thử thách và bách hại, tất cả đều đã sống niềm xác tín của thánh Phaolô như Ngài đã viết trong thư gởi cho giáo đoàn Rôma: "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?" Ðây là niềm xác tín mà Giáo Hội mời gọi chúng ta hâm nóng lại cho chúng ta lắng nghe Tin Mừng hôm nay.
Trong bài diễn văn từ biệt các môn đệ, trước khi đi vào cuộc tử nạn và phục sinh, Chúa Giêsu muốn mời gọi họ chuẩn bị tinh thần để đón nhận cách thế hiện diện của Ngài. Ngài nói với các ông: Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi. Thầy sẽ đến với các con. Quả thật, sau khi đón nhận Chúa Thánh Thần, các môn đệ đã cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Giêsu, từ những con người quê mùa dốt nát và nhát đảm, các môn đệ đã được Chúa Thánh Thần biến thành những viễn giả rao giảng không biết mỏi mệt, và nhất là dùng chính cái chết của mình để làm chứng cho sự hiên diện của Chúa Giêsu.
Hai ngàn năm qua, sức sống được Thánh Thần thông ban cho các môn đệ đã tràn ngập thế giới, đã trở thành lẽ sống cho không biết bao nhiêu người. Chính nhờ sức sống ấy mà các tín hữu Kitô tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống và sống đúng theo ơn gọi làm người của mình. Sống công bình, sống bác ái, sống phục vụ, sống quên mình không phải là độc quyền của Kitô giáo. Tôn giáo nào cũng đề cao những giá trị ấy. Giới răn yêu thương cũng không phải là giới răn riêng của các tín hữu Kitô chúng ta, thế nhưng, Chúa Giêsu đã ban bố giới răn ấy như một giới răn mới mẽ và là của riêng của Ngài là bởi vì Ngài ban chính sức sống và tình yêu của Ngài cho các tín hữu, để họ yêu thương bằng chính tình yêu của Ngài.
Chúa Giêsu chính là tình yêu. Chúa Giêsu chính là sức sống của các tín hữu. Chúng ta họp nhau trong Thánh Lễ mỗi ngày Chúa Nhật để xin Chúa Kitô ban sức cho chúng ta để chúng ta tiếp tục sống và làm chứng cho mọi người thấy rằng:
- Ngài thực sự là Ðấng đang hiện diện và tác động trong chúng ta.
- Ngài chính là lẽ sống mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta.
- Ngài là sức mạnh để chúng ta tiếp tục chiến đấu.
- Ngài là niềm hy vọng để chúng ta tiếp tục tiến bước. Ðó phải là niềm tin của chúng ta.
- Với trái tim ấy, Ngài mời gọi chúng ta đặt tất cả tin tưởng và phó thác vào Tình Yêu vô biên của Thiên Chúa.
Trong Trái Tim Chúa Giêsu, chúng ta hãy đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa và nói lên tất cả niềm tri ân cảm mến của chúng ta.