Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (1)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 94 -

Người Cha Mở Tiệc Ăn Mừng

 

Bài dụ ngôn "Người Con Hoang Ðàng" được ghi lại trong Tin Mừng theo Thánh Luca mô tả người cha như một địa chủ giàu có với nhiều ruộng nương, súc vật và kẻ ăn người ở.


Bức tranh "Người Con Hoang Ðàng" của danh họa Rembrandt, người Hòa Lan, vào thế kỷ thứ 17.


Danh họa Rembrandt, tác giả bức tranh nổi tiếng "Sự Trở Về Của Người Con Hoang Ðàng" đã làm nổi bật sự giàu có của người cha khi khoác trên người ông và người con cả những chiếc áo choàng sang trọng. Hai người phụ nữ đứng nhìn cảnh hội ngộ của người cha với người con thứ cũng đứng tựa vào một cây cột lớn của một dinh thự đồ sộ. Sự giàu sang ấy lại tương phản với nỗi đau khổ lâu ngày hiện rõ trên gương mặt mù lòa đớn đau của người cha. Nêu bật nét tương phản ấy, danh họa Rembrandt muốn nói với chúng ta rằng: Thiên Chúa, Ðấng phải đau khổ vì tình yêu vô biên dành cho con cái Ngài cũng là Ðấng giàu lòng thiện hảo và xót thương. Người cha không chờ cho người con thứ phải mở miệng nói lên lời xin lỗi, ông tha thứ mà không cần phải dài dòng chất vấn. Ngay tức khắc, ông sai gia nhân mở tiệc ăn mừng người con hoang đàng trở về, trong khi người con chỉ xin được đối xử như một tôi tớ trong nhà. Người cha sai mặc cho anh chiếc áo sang trọng nhất vốn dành cho thượng khách. Và cho dẫu người con không cảm thấy xứng đáng khi được gọi làm con, người cha vẫn đeo vào tay anh chiếc nhẫn và xỏ vào chân anh đôi dép để minh chứng anh như một người con. Ðể nói lên niềm vui của chính mình và sự phục hồi của người con hoang đàng trở về, người cha đã tổ chức tiệc vui ăn mừng.

Chúa Giêsu vẫn thường mượn hình ảnh của những bữa tiệc để nói lên mầu nhiệm Nước Chúa. Cử hành là nét đặc trưng của Nước Chúa. Thiên Chúa không những tha thứ, giao hòa và chữa trị, Ngài còn muốn biến những cử chỉ ấy thành nguồn vui cho tất cả những ai mời gọi mọi người cùng vui mừng với Ngài. Thiên Chúa vui mừng và mời gọi mọi người cùng vui mừng với Ngài. Thiên Chúa không muốn giữ riêng niềm vui cho Ngài, Ngài muốn mọi người đều chia sẻ niềm vui với Ngài.

Trong bức tranh của Rembrandt, người ta thấy người con cả và ba người khác trong gia đình giữ khoảng cách khi chứng kiến cuộc hội ngộ của người cha và người con thứ. Họ đứng chứng kiến như khách bàng quan. Họ không muốn chia sẻ niềm vui của người cha và niềm vui được tha thứ của người con thứ. Phải chăng, đó không phải là hình ảnh của mỗi người trong chúng ta? Chúng ta có thực sự hiểu rằng sống ơn cứu độ là sống trong niềm vui đó không?

*

* *

Quí vị và các bạn thân mến,

Thiên Chúa là Chúa của niềm vui. Ngài vui mừng. Ngài vui mừng không phải vì những vấn đề của thế giới đã được giải quyết, không phải vì nổi khổ của nhân loại đã chấm dứt, cũng không phải vì có nhiều người hoán cải và ca tụng lòng thiện hảo của Ngài. Thiên Chúa vui mừng bởi vì một trong vô số con cái của Ngài đã lạc mất, nay được tìm thấy. Chúng ta được mời gọi để đi vào niềm vui ấy của Thiên Chúa. Ðó là niềm vui như thế gian ban tặng. Ðó là niềm vui khi thấy một đứa con đi về nhà cha giữa những đổ nát, hoang tàn và lo âu của thế giới.

Có lẽ chúng ta không quen vui trong những điều nhỏ nhặt thầm kín từng ngày, chúng ta chỉ chú ý đến những chuyện buồn hằng ngày, chúng ta chăm chú theo dõi chiến tranh bằng bạo động, tội ác và những cuộc xung đột, chúng ta dễ quen với những tin buồn mà không tìm thấy hay cảm nhận được niềm vui trong những góc tăm tối và giấu ẩn của thế giới. Chọn lựa ánh sáng ngay cả khi bóng tối đang bao phủ và đe dọa, Chọn lựa sự sống ngay cả những khi sức mạnh của chết chóc có lôi kéo. Chọn lựa chân lý ngay cả khi bị vây hãm bởi dối trá, lọc lừa. Ðó chính là sự thách đố của những ai nhận biết mình là con cái của Ðấng là cội nguồn của niềm vui.

Lạy Chúa là cội nguồn của niềm vui đích thực. Xin ban cho chúng con luôn cảm nhận được niềm vui vì sự hiện diện của Chúa.

Trong một xã hội chỉ có buồn thảm và dối trá, lọc lừa, bạo động. Xin cho chúng con luôn thể hiện được niềm vui của ơn cứu độ bằng cuộc sống yêu thương, phục vụ, cảm thông và tha thứ. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page