Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (1)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 91 -

Người Con Cả

 

Trong bài dụ ngôn: "Người Con Hoang Ðàng" được Thánh Luca ghi lại, người anh cả không có mặt ở nhà khi diễn ra cuộc hội ngộ giữa người cha và người con thứ. Ngay cả trong bữa tiệc mừng người em trở về anh cũng vắng mặt. Thế nhưng, trong bức tranh nổi tiếng "Sự Trở Về Của Người Con Hoang Ðàng", danh họa Rembrandt của Hoà Lan vào thế kỷ 17 đã cho người anh cả được chứng kiến cảnh hội ngộ của người cha và người con thứ.


Bức tranh "Người Con Hoang Ðàng" của danh họa Rembrandt, người Hòa Lan, vào thế kỷ thứ 17.


Nhiều chi tiết cho phép nhà phê bình nghệ thuật kết luận rằng: người đứng quan sát cuộc hội ngộ một cách lạnh lùng không ai khác hơn là người con cả. Những đường nét của người anh cả như được Rembrandt tô vẽ cho thấy, anh có rất nhiều điểm giống người cha: cả hai đều để râu và đều khoác trên vai một chiếc áo choàng đỏ. Những nét bên ngoài ấy chứng tỏ rằng anh và cha anh có rất nhiều điểm giống nhau. Danh họa Rembrandt cũng nêu bật sự tương đồng cha con ấy qua những tia sáng kỳ lạ trên gương mặt ông và gương mặt người anh.

Nhưng nhìn kỹ vào bức tranh, người ta lại thấy có quá nhiều khác biệt giữa hai cha con: Trong khi người cha cúi gập người trên người con thứ, thì người con cả lại tựa trên một cây gậy và đứng thẳng. Chiếc áo choàng của người cha rộng mở và bao bọc bao nhiêu, thì chiếc áo choàng của người anh cả lại thẳng tắp và cứng cỏi bấy nhiêu. Hai cánh tay của người cha trải dài ra và ôm lấy người con thứ trong một cử chỉ ôm ấp và chúc phúc, còn hai cánh tay của người con cả thì khoanh lại trên ngực trong tư thế thách thức. Trên gương mặt của người cha lẫn người con đều có ánh sáng, nhưng ánh sáng trên gương mặt người cha chảy dài xuống toàn thân ông, nhất là hai bàn tay của ông và phủ lên người con thứ một hào quang kỳ lạ; trong khi đó ánh sáng trên gương mặt người con cả thì lạnh lùng và cứng cỏi, ánh sáng ấy đã không đủ làm cho gương mặt của anh rạng rỡ, còn đôi tay của anh thì lại chìm trong bóng tối.

Theo các nhà phê bình nghệ thuật, Rembrandt đã nhìn thấy chính mình trong người con cả. Tiểu sử mới nhất về ông đều xác nhận rằng: ông là một con người ích kỷ, đanh đá và thích trả thù, cách đối xử của ông với người tình của ông nói lên tất cả con người điêu ngoa của ông, ông làm mọi cách để tống bà vào một bệnh viện tâm thần. Ðó là con người mà Rembrandt đã muốn nhìn lại khi tự đồng hóa với người con cả trong bức tranh "Sự Trở Về Của Người Con Hoang Ðàng". Nhiều người đã gọi bức tranh ấy là: Dụ ngôn giữa những dụ ngôn của những người con lạc đường. Không những chỉ có người con thứ đã bỏ nhà ra đi để tìm tự do và hạnh phúc trong một miền xa lạ, mà ngay cả người con cả, dù ở lại bên cạnh cha cũng vẫn là một người con lạc đường. Bề ngoài anh trung thành làm bổn phận của một người con, nhưng trong nội tâm, anh hoang đàng và xa cách người cha chẳng kém gì người con thứ. Anh làm việc bổn phận, chu toàn công việc hằng ngày, nhưng càng lúc càng khốn khổ và mất tự do.

*

* *

Khi kể dụ ngôn người con hoang đàng, Chúa Giêsu không chỉ đề cao lòng nhân từ của Thiên Chúa, Ngài còn nhắm đến thái độ cứng cỏi và thiếu cảm thông của những người Biệt Phái và các Kinh Sư mà hình ảnh người con cả là một biểu tượng.

Qua cách nhìn của danh họa Rembrandt, chúng ta cũng được mời gọi để nhận diện chính mình trong người con cả. Có lẽ cũng như người con cả, chúng ta cũng có thể kể ra vanh vách bao nhiêu công trạng của chúng ta trong việc giữ đạo, nhưng liệu chúng ta có sống cái cốt lõi của đạo là tình thương chưa. Người con cả đã gọi người em của mình là: "Thằng con của cha", con của cha nhưng không phải là anh em của tôi, nó sống chết như thế nào, can chi đến tôi. Chính vì nhìn như thế về người em của mình mà người con cả cho dù bao nhiêu năm hầu hạ bên cạnh cha vẫn không cảm nhận được tình yêu của cha và hơi ấm của gia đình, Anh ở trong nhà và bên cạnh cha, nhưng trái tim của anh thì lại lạnh giá và đi hoang, có lẽ khoảng cách của anh và người cha còn lớn hơn sự xa cách của người con thứ.

Bao lâu nay, có lẽ chúng ta cũng nhìn vào những người anh em và Thiên Chúa là Cha chúng ta với cái nhìn đố kỵ ấy của người anh cả. Chúng ta tưởng mình ở kề bên Chúa vì bao nhiêu kinh kệ sớm tối của chúng ta. Nhưng kỳ thật, chúng ta xa Chúa hơn ai hết, bởi vì chúng ta vẫn có thái độ dửng dưng, đố kỵ hay thù ghét với những người anh em của chúng ta.

Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng con vì bao nhiêu năm qua chúng con đã xa lìa Chúa bằng thái độ dửng dưng, đố kỵ và thiếu cảm thông với người anh em của chúng con.

Xin cho chúng con luôn ý thức rằng: cốt lõi của đạo Chúa là tình thương. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page