Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (1)
(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 90 -
Con Là Con Cha
Khi người con hoang đàng trở về trong vòng tay âu yếm của người cha, anh chỉ còn là một người rách rưới nghèo nàn.
Anh
đã bỏ nhà ra đi với tiền bạc, với niềm kiêu hãnh và
quyết tâm sống một cuộc sống riêng tư của mình, xa người
cha, xa cửa nhà. Nhưng giờ đây anh đã mất tất cả, mất
tiền bạc, mất sức khỏe, mất danh dự, mất tự trọng, mất
tiếng tốt, mọi sự đều đã bị tiêu pha.
Bức tranh "Người Con Hoang Ðàng" của danh họa Rembrandt, người Hòa Lan, vào thế kỷ thứ 17. |
Trong bức tranh nổi tiếng: "Sự Trở Về Của Người Con Hoang Ðàng", danh họa Rembrandt đã diễn tả sự mất mát ấy bằng một vài chi tiết khá nổi bật.
Trước hết là chiếc đầu nhẵn nhụi của người con hoang đàng, trong khi cha anh và những người xung quanh có mái tóc dài, thì đầu anh không còn một sợi tóc. Răng tóc là gốc con người, khi một người bị cạo đầu, dù là trong nhà tù, trong quân đội hay trong một trại tập trung, người đó bị tước đi một trong những đặc điểm nổi bật nhất của cá tính.
Chiếc áo còn lại trên người anh cũng chỉ là một mớ giẻ rách. Trong khi chiếc áo choàng đỏ của người cha và những người đứng xung quanh nói lên địa vị và phẩm giá của họ thì chiếc áo rách tả tơi của anh biểu hiện sự nghèo nàn tơ trụi mà thôi.
Sự nghèo nàn khốn khổ càng được làm nổi bật qua đôi dép anh đang mang, chiếc dép của bàn chân phải sờn hơn một nửa, còn chiếc dép ở bàn chân trái thì tuột ra dưới đất để lộ lòng bàn chân rướm máu. Ðiều này chứng tỏ người con hoang đàng phải đi một đoạn đường dài của rách rưới và tủi nhục trước khi gặp lại người cha.
Người con hoang đàng đã mất tất cả, duy chỉ có một điều mà anh quyết tâm giữ lấy. Ðó là chiếc gươm mà danh họa Rembrandt đã gắn bên hông phải của anh. Ðây là biểu hiệu duy nhất còn lại của phẩm giá của anh. Cho dẫu ở tận đáy vực thẳm của khốn cùng và tủi nhục, người con hoang đàng vẫn còn cố bám vào chân lý, anh vẫn còn là con của cha mình; nếu không bám chặt vào chân lý ấy, có lẽ anh đã bán cả chiếc gươm ấy đi rồi. Chiếc gươm vẫn còn đó để nhắc nhở anh rằng: cho dẫu anh có trở về van xin cha anh như một người ăn xin, anh vẫn không bao giờ quên rằng: anh vẫn còn là con của cha anh. Chính cái địa vị làm con ấy đã thúc đẩy anh đứng dậy và trở về với cha mình.
Sự trở về của người con diễn ra ngay chính lúc anh nhận thức được tước vị làm con của mình. Cho dẫu anh đã mất tất cả những gì thuộc về mình. Thật ra, chính vì mất hết tất cả mà anh đã đi sâu vào tận đáy thẳm con người của anh, ở đó anh đã chạm vào tận xương tủy bản thể của anh. Khi anh khao khát được ăn thức ăn của heo, anh đã nhận thức được rằng: anh không phải là một con heo, mà là con của cha anh. Ðây chính là điều xác tín khiến anh đứng lên trở về với cha, đứng lên để chọn lựa sống hơn là chết.
*
* *
Quí vị và các bạn thân mến,
Phẩm giá độc nhất vô nhị của mỗi con người: đó là điều duy nhất còn lại cho dẫu con người đã mất tất cả. Nghèo khổ không làm mất phẩm giá ấy đã đành, mà ngay cả tội lỗi tày trời cũng không cướp mất phẩm giá ấy. Trong sâu thẳm của mỗi người, tiếng Chúa gọi: "Con là con yêu dấu của Ta" vẫn không ngừng vang vọng. Thiên Chúa không đày đọa và bỏ rơi bất cứ một người nào, ngay cả những con người độc ác, xấu xa nhất. Thiên Chúa cũng không thất vọng về bất cứ một người nào. Giữa bùn nhơ của tội lỗi, ánh lửa của phẩm giá cao trọng nơi con người vẫn tiếp tục âm ỉ cháy. Chính vì không thất vọng về con người mà Thiên Chúa không ngừng đeo đuổi nó. Trên vạn nẻo đường đời, ngay cả khi con người quay mặt làm ngơ với Ngài, Thiên Chúa cũng không bỏ mặc con người. Ðây phải là niềm xác tín của chúng ta khi chúng ta nghĩ về thân phận tội lỗi của bản thân và nhất là khi chúng ta nhìn về tha nhân. Tin tưởng ở tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta cũng được mời gọi để có thái độ cảm thông và tha thứ trước sự yếu đuối của người khác.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết luôn sống xứng với phẩm giá cao trọng của chúng con và biết nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá nơi người khác. Amen.