Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (1)
(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 85 -
Cảm Thông
Ngày nọ, Ðức Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ nước Lỗ sang nước Tề. Trong đám học trò có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai người học trò trung thành nhất của Khổng Tử. Thời Ðông Chu chiến tranh loạn lạc khắp nơi khiến cho dân chúng lầm than đói khổ. Thầy trò Khổng Tử cũng có nhiều lúc phải nhịn đói cầm hơi.
Ngày đầu tiên khi đến đất Tề, Khổng Tử và các môn sinh được một người giàu có giúp cho ít gạo. Khổng Tử liền phân công Tử Lộ và một số môn sinh khác vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi đảm nhận việc nấu cơm. Ðang khi Nhan Hồi nấu cơm dưới nhà bếp thì Khổng Tử ngồi đọc sách. Nghe tiếng động liền đi xuống bắt gặp Nhan Hồi đang mở vung xới cơm, nhìn thấy cảnh người học trò đang đưa cơm vào miệng. Thấy cảnh người học trò yêu ăn vụng, Khổng Tử nhìn lên trời than thở!
- Người học trò tín cẩn nhất của ta lại là kẻ ăn vụng!
Khi Tử Lộ và các môn sinh khác về đến thì nồi cơm cũng vừa chín. Khổng Tử tập họp mọi người lại rồi nói:
- Bữa cơm đầu tiên trên đất Tề này làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương. Thầy nhớ đến Cha Mẹ cho nên muốn xới một bát cơm để cúng Cha Mẹ, các con nghĩ có nên không? Nhưng liệu nồi cơm này có sạch không? Nhan Hồi liền chấp tay thưa:
- Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch, vì cơm vừa cạn, con mở vung ra xem thử, chẳng may một cơn gió lùa vào, bồ hóng và bụi trên trần nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm, con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp, sau đó con đã xới bớt phần cơm bụi bám, định vứt đi, nhưng nghĩ rằng: cơm ít, sợ thiếu phần của anh em cho nên con đã ăn phần đó. Thưa thầy, như vậy hôm nay con đã ăn cơm rồi.
Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng:
- Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật, suýt nữa Khổng này đã trở thành kẻ hồ đồ.
*
* *
Quí vị và các bạn thân mến,
Giai thoại trên đây của thầy trò Khổng Tử gợi lên cho chúng ta suy nghĩ và sống tình cảm thông với mọi người. Người ta hiểu về con người theo khoa học, nhưng đối với con người thì người ta chỉ có thể cảm thông mà thôi. Cuộc sống con người là một huyền nhiệm, người ta đi vào huyền nhiệm chứ không mổ xẻ được huyền nhiệm. Kinh Thánh đã dùng từ "biết" theo nghĩa ấy. Biết một con người là đi vào tri giao với người ấy, là một cách nào đó kết hợp với người ấy.
Thiên Chúa không nhìn mỗi người như một con số. Qua mầu nhiệm nhập thể làm người, Ngài đã đi vào tri giao mật thiết với mỗi con người. Thái độ tri giao và cảm thông ấy của Thiên Chúa đã được Chúa Giêsu thể hiện qua cách cư xử của Ngài đối với các tội nhân, những người nghèo khổ, những người bị xã hội đẩy ra bên lề. Chúa Giêsu nên một với họ, Ngài trở nên thân thiết với họ, Ngài cảm thông với họ.
Lạy Chúa, Chúa đã sống cảm thông và tha thứ cho tất cả mọi người.
Xin giúp chúng con đến với mọi người không với những nhản hiệu và thành kiến có sẵn mà với con tim quảng đại, biết chấp nhận những khác biệt và sẵn sàng tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình. Amen.