Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (1)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 80 -

Nhân Chứng

(Tục lệ Xông Ðất ngày Ðầu Năm Mới)

 

Từ sách cổ kinh rằng: Ngày đầu Năm Mới được người vui vẻ, dễ tính, tốt nết đến nhà trước hết thì cả năm trong nhà mọi việc được dễ dàng.

Người đến trước nhất là người xông nhà xông đất. Nếu gặp người khó tính, độc ác, hay người khờ dại, lẳng tính đến xông nhà thì cả năm làm ăn lủng củng khó khăn hoặc gặp nhiều chuyện bực mình. Vì vậy, các cụ thường kén chọn người đến xông nhà theo ý muốn. Người xông nhà đốt pháo mừng và cất to giọng chúc chủ nhà đủ mọi điều tốt lành và tùy từng trường hợp:

Tăng phúc, tăng họ, nếu nhà có cha mẹ già.

Xung đăng quả cốc, nếu là nhà nông.

Tốt tài sai lộc, nếu là nhà công nghệ.

Mua may bán đắc, nhất bán vạn lời, nếu là nhà buôn.

Thăng quan tiến chức, nếu là người làm việc nhà nước.

Chủ nhà hoan hỉ đón chào và cám ơn, đồng thời cũng chúc mừng lại mọi điều hay và có nơi còn đưa mừng tiền lì xì đựng trong một bao giấy nhỏ màu hồng gọi là hồng bao. Tục đưa biếu tiền như vậy còn gọi là mở hàng. Các nhà buôn quan tâm nhiều nhất việc xông nhà xông đất. Những người ở tỉnh thành sau khi đi lễ chùa, đền, miếu xong trở về xông đất nhà mình. Gia đình nhiều người đi lễ thì lúc trở về để cho người tốt nết nhất vào trước.

Không biết ngày nay có mấy người còn giữ thói tục mê tín này vào dịp đầu năm nữa không. Nhưng thiết nghĩ phong tục này nói lên một sự thật rất phù hợp với giáo lý công giáo. Ðó là, người xấu và người tốt đều có một ảnh hưởng nào đó với xã hội chung quanh. Một hành động tàn ác hay một hành vi nhân đức, nếu không ít thì nhiều, có ảnh hưởng tới xã hội chung quanh mình.

Thánh Kinh thuật lại rằng, khi Giavê Thiên Chúa có ý định trừng phạt thành Sôđôma tội lỗi. Abraham lên tiếng cầu khẩn với Chúa và nói: nếu tìm được trong thành 50 người lành thì xin Chúa tha phạt cho dân thành. Chúa ưng thuận, nhưng rồi 50 người lành không có. Abraham xin giảm số người lành xuống 45, rồi 30, rồi 20. Rốt cục, 10 người cũng không tìm thấy. Sau cùng, Sôđôma tội lỗi ngập trời bị hủy diệt.

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu hơn một lần nhấn mạnh đến ảnh hưởng xấu mà một người có thể gây ra cho người khác và nói: nếu ai làm dịp tội cho một trong các trẻ nhỏ này thì thà rằng lấy cối đá buộc vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn. Nói một cách tích cực hơn, tín hữu công giáo là người có sứ mạng xông đất cho anh em đồng loại của mình. Không phải chỉ xông đất đầu năm thôi, nhưng còn phải xông đất bao lâu mình còn hơi thở trên mặt đất này. Sứ mạng xông đất, nghĩa vụ mang lại điều thiện hảo sâu xa nhất cho anh em đồng loại trên đây được trao phó cho người công giáo ngay từ khi họ lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy, khi vị Linh Mục trao cho chính người nhận bí tích, hoặc cho cha mẹ đỡ đầu, nếu đó là một hài nhi, một cây nến sáng tượng trưng cho ánh sáng này, mang nhiều tốt lành cao đẹp nhất đi xông cho đêm tối của trần gian. Sứ mạng này cũng đã từng được chính Chúa Giêsu minh định trong bài giảng trên núi:

Các con là muối đất, nếu muối đã mất vị thì còn muối cái chi, thật là vô dụng chỉ nên đổ ra ngoài cho người ta dày đạp. Các con là ánh sáng thế gian. Một thành xây trên núi không thể che giấu được. Chẳng ai thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt trên giá đèn để soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng các con phải được soi trước mắt người ta như vậy để họ xem thấy mọi việc lành các con làm mà ngợi khen Cha các con ở trên trời.

Công đồng chung Vatican II trong sắc lệnh về tông đồ giáo dân cũng đã trình bày sứ mạng xông đất của người tín hữu Kitô qua những dòng sau đây:

Các giáo dân có rất nhiều cơ hội để thực thi công tác tông đồ rao giảng Tin Mừng và thánh hóa chính cuộc sống chứng tá Chúa Kitô và những việc thực hiện trong tinh thần siêu nhiên có sức mạnh mẽ lôi kéo con người đến cùng đức tin và cùng Thiên Chúa. Thực vậy, như Chúa đã nói: sự sáng của các con hãy chiếu tỏa trước mặt mọi người để họ xem thấy việc lành các con làm mà ngợi khen Cha các con trên trời.

Tuy nhiên, việc tông đồ này không phải chỉ giới hạn trong cuộc sống chứng tá mà thôi. Người tông đồ đích thực còn tìm những dịp để loan báo Chúa Kitô bằng lời nói, hoặc cho những người không tin tưởng, hầu giúp họ tiến về đức tin, hoặc cho các tín hữu để giáo huấn họ, củng cố và kích thích họ sống một cuộc sống nhiệt thành hơn, vì tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy chúng ta. Làm sao cho tâm hồn tất cả các tín hữu phải vang dội những lời này của thánh tông đồ: khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.

Từ bao thế kỷ nay, tại nhiều nơi trên mặt đất này vẫn có rất nhiều tín hữu công giáo đã âm thầm chu toàn sứ mạng xông đất trần gian như Ðức Cố Giám Mục Ðịa Phận Hưng Hóa Phêrô Nguyễn Huy Quang thuật lại:

Tại một làng nhỏ bé ở miền thượng du Bắc Việt. Toàn dân làng là người công giáo, nhưng từ 20 năm rồi không có linh mục coi sóc. Tuy nhiên, các tín hữu vẫn tổ chức các buổi đọc kinh và hát thánh ca tại các nhà thờ. Ðây cũng là nơi họ tổ chức các lễ cưới và rửa tội một cách trọng thể. Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng dân làng công giáo này vẫn sống trong an vui và bình thản.

Tiếng đồn về niềm an vui dân làng công giáo này đến tai những người dân của một làng Sơn Cước, nên dân làng Sơn Cước này yêu cầu dân làng công giáo cho người đến dạy họ các bài kinh và thánh ca để họ cũng được vui tươi. Nhưng dân làng công giáo không tìm được ai, người lớn thì phải đi làm việc đồng áng, trẻ em đi học, còn người già cả thì không đủ sức hành trình xa xôi. Một số người công giáo mới nói: ở làng chúng tôi có một anh mù 32 tuổi. Tuy anh mù, nhưng anh thuộc lòng hết các kinh, sách bổn và biết các nghi thức trong đạo. Nếu quý vị bằng lòng thì chúng tôi sẽ gửi anh mù đến giúp quý vị.

Sau khi hỏi ý kiến lẫn nhau, dân làng Sơn Cước bên kia đồng ý và sai người dẫn hai con ngựa đi rước anh mù. Anh mù cùng họ ra đi và ở lại làng Sơn Cước bốn tháng. Cứ mỗi tối, sau khi làm việc trở về, dân làng Sơn Cước tụ họp nhau nay nhà này, mai nhà khác để học các kinh và bài hát đạo. Rồi sau khi khảo sát, anh mù ban phép rửa tội đầu tiên cho một người dân làng Sơn Cước, và người tân tòng này lại rửa tội cho người khác nữa, và cứ như thế cho đến hết.

Sau khi toàn dân làng Sơn Cước được rửa tội, họ tìm cách báo tin cho Ðức Cha Quang về những gì đã xảy ra.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page