Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (1)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 74 -

Ðức Tin và Lý Trí

Vấn Ðề Thờ Cúng Ông Bà Tổ Tiên

 

Thờ cúng tổ tiên không phải là độc quyền của người Việt Nam. Một số nơi khác xung quanh Việt Nam như Ấn Ðộ hay Trung Quốc, Nhật Bản, v.v... cũng có thờ cúng tổ tiên, nhưng dĩ nhiên theo cung cách riêng của mỗi một dân tộc, đáng chú ý là đạo Bà La Môn hay Ấn Ðộ giáo bình dân.

Trong đạo Bà La Môn, người ta thờ cúng tổ tiên cốt để cho người chết được lên trời trở thành bất tử. Người chết hoặc lên trời tới mặt trời để sống trên đó hoặc là lên cung trăng để rồi trở về trái đất.

Trong Ấn Ðộ Giáo dân gian, tục thờ cúng tổ tiên được đẩy xa hơn. Một tín đồ Ấn Giáo bao giờ cũng nghĩ rằng mình sẽ lên trời chứ không bao giờ bị đày đọa xuống địa ngục. Sau khi chết đi sẽ có một sự phán xét của thần Yama, người chết phải được con cháu nuôi và thờ cúng thì mới qua khỏi sự phán xét ấy. Những nghi lễ có liên quan đến người chết đó là những nghi lễ quan trọng nhất của tôn giáo bình dân này. Nói chung, thờ cúng để người chết được lên sống trên trời. Ðó là nguyên lý thờ cúng tổ tiên trong các tôn giáo tại Ấn Ðộ.

Tại Nhật Bản cũng có tục thờ cúng tổ tiên được gọi là Sinsô, sự thờ cúng này không bắt nguồn từ Thần Ðạo mà có lẽ được du nhập từ Trung Quốc. Bàn thờ tổ tiên không đặt ở gian phòng chính trong nhà mà thường đặt ở một góc trong phòng ngủ, điều đó có nghĩa là nếu việc thờ cúng tổ tiên có là một tín ngưỡng đi nữa thì nó không đóng một vai trò nổi bật so với Thần Ðạo và Phật Giáo. Riêng chỉ có tại Trung Quốc và Việt Nam, việc thờ cúng tổ tiên mới được đưa vào vị trí quan trọng nhất trong đời sống tinh thần của đại đa số dân cư. Nét đặc thù trong việc thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam là tổ tiên, gia đình và tổ tiên của cả nước gắn chặt với nhau trong tưởng niệm và thờ cúng. Trong ý thức của người Việt Nam, thờ cúng tổ tiên cả nước đã khắc sâu hàng ngàn năm tạo thành một thế song hành với việc thờ cúng tổ tiên của từng họ, từng gia tộc, từng gia đình, cái này nương tựa vào cái kia gần như không tách rời nhau.

Trong tác phẩm: "Ðất lề, Quê thói", tác giả Nhất Thanh đã nói việc thờ cúng tổ tiên như sau: Nói về họ là nói cả hệ thống cùng một giòng máu từ người sáng lập gọi là thủy tổ trở xuống các loại sau. Từ ngàn xưa, khi chưa có ảnh hưởng ngoại lai, mỗi làng có bao nhiêu họ là có bấy nhiêu nhà thờ, họ cũng gọi là nhà thờ tại tông, thờ vị thủy tổ và các vị tổ phân chi, họ có nhiều chi đông đúc, lại có mỗi chi một nhà thờ gọi là nhà thờ tư chi. Dưới nữa, các gia đình khá giả cũng có nhà thờ riêng thờ từ ông tổ bốn đời trở xuống làm nhà riêng biệt để thờ, không ở mà chỉ mở cửa khi cúng lễ ngày tết, ngày giỗ, ngày có việc cáo yết. Không có từ đường riêng thì bàn thờ được thiết lập nơi gian giữa nhà chính là chỗ tôn kính nhất.

Theo tác giả Nhất Thanh, việc thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam bắt nguồn từ lòng hiếu, kính nhớ, ân thâm nghĩa trọng, chả vậy mà ngay từ lúc còn nhỏ dại, trẻ con ở đâu cũng được học thuộc lòng câu:

Cây có gốc mới nở ngành sanh ngọn.

Nước có nguồn mới có bể rộng sông sâu.

Người ta nguồn gốc từ đâu?

Có cha có mẹ rồi sau có mình.

Tâm từ con người tự nhiên như vậy, người Việt Nam tự ngàn xưa vẫn xem việc thờ cúng tổ tiên là việc rất tự nhiên, nhưng việc thờ cúng ấy là một đạo lý hay một tín ngưỡng? Câu hỏi ấy thật không dễ trả lời. Có lẽ đối với người Việt cổ, thờ cúng tổ tiên vừa là đạo lý vừa là một tín ngưỡng, nhưng đối với đại đa số người Việt Nam hiện nay thì đạo lý là yếu tố hàng đầu. Ðây chính là mẫu số chung của tất cả mọi người Việt Nam có tôn giáo.

Tín đồ Phật Giáo, Ấn Giáo, Lão Giáo hay Kitô Giáo tất cả đều lấy việc kính nhớ hay thờ cúng tổ tiên làm cái gốc chung cho con người. Dù thuộc tôn giáo nào, người Việt Nam nào cũng luôn tâm niệm: Sự Tử như Sự Sinh, Sự Vong như Sự Tồn, nghĩa là thờ lúc chết cũng như thờ lúc còn sống, thờ lúc đã khuất bóng cũng như lúc hãy còn. Chính vì thế mà trên nhiều bàn thờ tổ tiên trong các gia đình Việt Nam chúng ta thường thấy treo bức hình có hai chữ: "Như Tại", tức là như đang có mặt tại đây. Ông bà tổ tiên dù đã khuất bóng nhưng vẫn như hiện diện bên cạnh người còn sống. Ðây chính là cái cốt lõi của đạo lý và nét đặc trưng nền văn hóa Việt Nam và đây cũng chính là cái cao quí trong việc kính nhớ tổ tiên của người Việt Nam, mà bởi lẽ không có gì cao quí trong văn hóa của các dân tộc và xa lạ hay xung khắc với Tin Mừng, cho nên khi được truyền bá vào Việt Nam, Kitô Giáo không bài xích hay chống lại việc thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam.

Trong kỳ đại hội hồi tháng 10 năm 1682 tại Hội An Ðà Nẵng, hai vị Giám Mục người Pháp và gần 100 Linh Mục cũng như nhiều giáo dân đã gặp nhau để thảo luận về vấn đề có nên hay không nên cấm các tín hữu Kitô Việt Nam thiết lập bàn thờ gia tiên trong nhà, thay đổi và hạn chế những lễ nghi trong đám tang ông bà cha mẹ cũng như thờ cúng tổ tiên. Vào thời kỳ đã có nhiều giáo sĩ nhất là các giáo sĩ dòng Tên đã nhận thấy rằng: thờ cúng tổ tiên không phải là mê tín dị đoan. Hơn 100 năm sau; một Ðức Cha nổi tiếng là Ðức Cha Bá Ða Lộc người Pháp cũng đã nêu lên thắc mắc về vấn đề này. Theo vị Giám Mục này, việc thờ cúng tổ tiên phải được coi như là việc tỏ tình kính mến đối với người đã khuất, chính vì thế mà nhân dịp trở về Roma, Ðức Cha Bá Ða Lộc đã trình bày vấn đề này và xin nhìn nhận việc thờ cúng tổ tiên của các tín hữu Kitô Việt Nam vào thời đó là việc làm chính đáng.

Ngày nay, đối với các tín hữu Kitô Việt Nam, việc kính nhớ ông bà tổ tiên không còn là một vấn đề bàn cãi nữa. Bên cạnh bàn thờ Chúa vẫn có một chỗ đứng dành cho bàn thờ ông bà tổ tiên. Trong lời cầu dâng lên Thiên Chúa vẫn lồng vào việc kính nhớ ông bà tổ tiên. Niềm tin nuôi dưỡng và cổ võ lòng kính nhớ ông bà tổ tiên cũng củng cố niềm tin. Niềm tin không bao giờ chối bỏ hay đi ngược lại với đạo lý con người. Suy rộng ra, lý trí và niềm tin không hề mâu thuẫn hay chối bỏ nhau.

Ðó là niêm xác tín mà chúng ta chia sẻ với nhau.

Thân mến chào các bạn.

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page