Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (1)
(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 68 -
Ngôi Nhà Mở Rộng
Ramli là một thị trấn của thủ đô Telaviv của Israel (Hiện nay, Chính phủ Israel đã dời thủ đô về Giêrusalem), giữa trung tâm thị trấn nổi bật hơn cả là một dinh thự làm toàn bằng đá trắng mà mọi người quen gọi là: Ngôi nhà Á Rập. Dinh thự được bao bọc bởi một ngôi vườn rất được chăm sóc. Trong vườn vẫn còn một cây chanh mang nhiều kỷ niệm.
Năm 1948, một gia đình tị nạn Do Thái trở về từ Bungary đã đến sinh sống tại đây. Người ta gọi họ là gia đình Askynazy, còn họ vẫn gọi ngôi nhà mình đang sinh sống là ngôi nhà Á Rập mà không hiểu tại sao.
Một ngày vào năm 1967, vài tuần lễ sau khi phía Israel mở ra cuộc chiến tranh 7 ngày để chiếm đóng vùng Sud Jodanie. Trong cả hàng triệu người đang tị nạn từ năm 1948, cóhai người đến gõ cửa ngôi nhà của gia đình Askynazy. Họ là hai người Á Rập: một thanh niên cường tráng và một cụ già mù mắt. Họ tự giới thiệu và tỏ ý muốn thăm lại ngôi nhà của họ. Cụ già sờ lại từng viên đá, từng góc trong ngôi nhà và cảm động vô cùng khi biết rằng cây chanh mà ông đã trồng cách đó 20 năm vẫn còn sống. Từ ngày hôm đó cuộc sống của gia đình Askynazy không còn như trước nữa. Từ nay, ngôi nhà Á Rập cũng là ngôi nhà của người Á Rập, tức là ngôi nhà của gia đình Palestine Alkhery. Giữa gia đình Askynazy và gia đình Alkhery cũng phát sinh một quan hệ mới, họ gặp nhau thường xuyên hơn. Riêng cuộc đối thoại giữa Ðalya của gia đình Askynazy và người thanh niên Palestine tên là Pacienkhary ngày càng thân tình va sâu xa hơn.
Năm 1988, chuyện đau thương đã xảy ra cho gia đình Alkhery khi Pacien bị đày qua Liban vì có dính líu vào một vụ mưu sát do những kẻ khủng bố tổ chức. Thời gian trôi qua, Ðalya lập gia đình với một người Do Thái, rất tích cực với phong trào tranh đấu cho hòa bình. Ðalya đẩy mạnh quan hệ với gia đình Alkhery. Năm 1991, cùng với người chồng, Ðalya đã biến ngôi nhà của cô thành một ngôi nhà mở rộng, tức một trung tâm gặp gỡ cho giới trẻ Do Thái và Palestine. Người được chọn đứng đầu trung tâm là Maicofanus, một thanh niên công giáo thuộc thị trấn Ramly.
Jesinlamdo, chồng của Ðalya nói rằng: ngôi nhà mở rộng của họ đang thực hiện một cuộc giao lưu tam giác giữa một gia đình Hồi Giáo, một gia đình Do Thái và một gia đình Kitô Giáo. Ðây là thế giới thu gọn của những quan hệ phức tạp và đa nguyên của vùng Trung Ðông. Nó muốn chứng tỏ rằng: bằng sự hiểu biết, tôn trọng, cảm thông và chia sẻ đất đai cho nhau, người ta có thể đạt được hòa bình.
Luật sư Jorsal làm việc tại trung tâm phát biểu như sau:
- Ðất nước của chúng ta là đất nước của phức tạp và mâu thuẫn. Tôi là một người Do Thái, nhưng không theo Do Thái. Tôi là một người Palestine, nhưng không phải là Hồi Giáo. Tôi là một người Chính Thống Hy Lạp, nhưng lại không phải là Hy Lạp. Ngôi nhà mở rộng tìm cách xây dựng lại từ những mảnh vỡ vụn trong khuôn khổ của đối thoại và hòa bình. Ðây chỉ là một cố gắng nhỏ, nó chẳng khác nào một hạt giống, nhưng là hạt giống của hòa bình, nó sẽ nẩy mầm và mang lại hoa trái.
*
* *
Quí vị và các bạn thân mến,
Câu chuyện của ngôi nhà mở rộng trên đây mời gọi chúng ta đào sâu ý nghĩa đích thực của hòa bình. Hòa bình không hẳn là vắng bóng chiến tranh, và nếu vắng bóng chiến tranh không đồng nghĩa với hòa bình thì sự cân bằng giữa các lực lượng cũng không đương nhiên mang lại hòa bình. Một quốc gia không có chiến tranh cũng không hẵn đã có hòa bình.
Làm sao có hòa bình đích thực khi sự khác biệt, nhất là khác biệt về tư tưởng và niềm tin không được nhìn nhận và tôn trọng.
Có thể gọi là hòa bình thực sự không, khi những quyền cơ bản nhất của con người không được nhìn nhận và tôn trọng.
Có thể gọi là hòa bình thực sự không, khi người dân trong một quốc gia phải sống trong nghi kỵ, dối trá và nhất là sợ hãi.
Hòa bình đích thực chỉ có khi những khác biệt được tôn trọng mà thôi, điều này dĩ nhiên phải được thực hiện trước tiên trên bình diện quốc gia, kế đó hòa bình ấy cũng là hoa trái của những cố gắng không ngừng của mỗi người trong môi trường sống hằng ngày của mình. Cố gắng để vượt qua chính mình và tìm đến với người khác. Cố gắng để nhìn nhận và tôn trọng những khác biệt của người khác. Cố gắng để cảm thông với những khổ đau của người khác và nhất là cố gắng để tha thứ không ngừng. Chúng ta hãy cùng cầu nguyện bằng lời kinh hòa bình của thánh Phanxicô Assisi:
Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa.
Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Ðể con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng.
Ðể con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.
Lạy Chúa xin hãy dạy con: Tìm an ủi người hơn được người ủi an. Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết. Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.
Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ.
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Ôi Thần Linh thánh ái, xin mở rộng lòng con, xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí, ơn An Bình.