Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (1)
(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 63 -
Tha Thứ
Lòng tha thứ giúp cho con người tin nhận Chúa Kitô. Ðó là chứng từ của một phụ nữ Mỹ gốc Do Thái tên Rose.
Năm 1940, Rose là một cô gái 13 tuổi, cùng với toàn thể gia đình, một gia đình Do Thái sinh sống tại Ba lan. Rose đã bị Ðức quốc xã giam giữ tại những trại tập trung. Năm 1945 khi quân đội đồng minh giải phóng, cô được may mắn sống sót và được định cư tại Hoa Kỳ. Bà Rose luôn nhớ đến những năm tháng đầy kinh hoàng trong các trại tập trung.
Một đêm Giáng Sinh nọ, bà không thể tưởng tượng được rằng chính những người lính Ðức và các quản giáo mừ ng lễ Giáng Sinh một cách vui vẻ. Trong những bài hát của họ có nhắc đến tên Ðấng Cứu Thế mà dân Do Thái hằng mong đợi, Bà Rose tự nghĩ: vị cứu tinh mà Thiên Chúa đã hứa cho dân tộc của bà, Ngài đang ở đâu? Sao Ngài không đến tiêu diệt các quân tàn bạo dã man kia. Kể từ đêm đó, bà luôn tìm kiếm một câu giải đáp cho bí ẩn ấy. Nhưng không bao giờ tìm thấy. Năm 1970, một ngày nọ, không còn chịu đựng nổi, bà ngước mắt lên trời cầu nguyện như sau:
Lạy Chúa của cha ông chúng con.
Lạy Thiên Chúa của Abraham, của Isaac, của Gia cóp. Xin hãy tỏ cho con thấy Ðấng Cứu Tinh mà Chúa đã hứa cho dân tộc con. Chúng con đã quá đau khổ vì những người kêu cầu danh Ngài và tự xưng là môn đệ của Ngài.
Thế rồi năm 1980, người ta mời bà đến Berlin để phát biểu nhân một cuộc tụ họp để lên án Ðức quốc xã. Sau khi đã quì gối cầu nguyện lâu giờ, người đàn bà đã nhận lời mời. Năm 1981, bà đã có mặt tại chính sân vận động Berlin. Trước một cử tọa gần 40 ngàn người. Bà Rose kể lại những chuỗi ngày của bà trong các trại tập trung. Kết thúc chứng từ, bà trích lời của Tiên Tri Isaia đoạn 53 như sau: "Ðẹp thay những bước chân của người sứ giả loan báo Tin Mừng, những ai đã tin vào những gì đã được loan báo cho chúng tôi". Tuy nhiên, chính những nỗi đau khổ của chúng tôi mà Ngài đã gánh chịu và Ngài đã bị đâm thâu qua vì tội lỗi chúng tôi. Ngài đã tự hiến thân chịu chết và đã bầu cử cho những tội nhân.
Bà Rose thuật lại rằng: khi bà trở lại chỗ ngồi, một số người đến gần bà và bằng một giọng rất cảm động van xin bà:
- Chúng tôi chính là những người canh tù tại các trại tập trung. Bà có thể tha thứ cho chúng tôi không?
Bà Rose đáp trong nước mắt:
- Nếu Thiên Chúa đã tha thứ cho tôi bằng cái chết của con Ngài. Tôi cũng thế, tôi cũng phải tha thứ cho quí ông.
Một người đàn ông đã đến quì khóc dưới chân bà. Từ lúc đó, bà Rose không còn nghi ngờ gì về Chúa Kitô nữa.
*
* *
Quí vị và các bạn thân mến,
Tha thứ là thể hiện cao cả nhất của tình yêu. Yêu thương đồng nghĩa với trao ban. Con người có thể cho đi của cải của mình. Con người cũng có thể trao ban chính mạng sống của mình vì những người mình yêu thương. Nhưng tha thứ thì còn hơn cả trao ban chính mình. Tha thứ quả thực là trao ban hai lần. Chúa Giêsu đã thể hiện tình yêu trọn vẹn của Thiên Chúa khi trên thập giá, Ngài đã tha thứ cho những kẻ đang hành hạ Ngài. Ðó là nét cao cả nhất trong dung mạo Chúa Giêsu. Con người sẽ cảm thấy gần gủi với Ngài khi họ sống yêu thương, nhưng con người sẽ nhận ra được dung mạo đích thực của Ngài khi họ làm một nghĩa cử tha thứ. Qua cử chỉ tha thứ, con người được cảm thấy mình được tái tạo, được sống lại và đó chính là ơn ích cao trọng nhất mà Ðấng cứu tinh nhân loại đã mang lại. Ngài là Ðấng cứu tinh của nhân loại, bởi vì Ngài dã tha thứ và mang lại cho con người một cơ may mới để không ngừng tái tạo và sống lại. Mỗi một hành động tha thứ là một cuộc phục sinh.
Lạy Chúa, Chúa biết đối với bản tính loài người chúng con tha thứ là điều khó khăn nhất trong cuộc sống. Không có Chúa, chúng con không thể làm được gì.
Xin ban ơn giúp chúng con luôn biết vượt qua những trở ngại để thực thi sự tha thứ và không ngừng cảm nhận được sự tha thứ của Chúa. Amen.