Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (1)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 57 -

Của Cải Vật Chất

Không Ðem Lại Hạnh Phúc

 

Trong một tạp bút của báo tuổi trẻ, tác giả Hải Anh từ Paris Pháp Quốc có đóng góp đoạn văn với nội dung như sau:

Chị là một công dân Pháp mang nữa dòng máu Việt, sau nhiều năm thất lạc, cuối cùng chị cũng tìm được tung tích người mẹ ruột của mình và hai đứa em trai cùng mẹ khác cha và gia đình của họ.

Với niềm hân hoan đoàn tụ, chị bắt đầu chắt chiu những đồng tiền thu nhập, tuy không to lớn của mình để trở về thăm người thân. Căn nhà nơi mẹ chị trú ngụ nằm trong một khu phố nhỏ của Saigòn, 2 tầng, cũ kỹ và chật hẹp. Bà mẹ hơn 80 tuổi ở tầng trệt, bên trên là gia đình đông đúc của hai đứa em trai, mỗi gia đình chiếm cứ một phần. Kể cả người mẹ sống biệt lập về tài chánh, nhưng vẫn phải gắn chặt vào nhau bởi bao ràng buộc: Phòng vệ sinh chung, bếp chung, của chung căn nhà, vì thế luôn luôn chộn rộn tiếng người cãi cọ.

Từ hôm chị mua cho mẹ chiếc ti vi be bé thì không khí gia đình càng trở nên ấm áp ít ra có vẻ là như thế. Sau một ngày tất bật với những mưu sinh riêng lẽ, cả nhà đổ xuống tầng dưới túm lụm bên chiếc máy truyền hình. Bọn trẻ con hò hét lăng xăng quanh bà nội như bầy chim vỡ tổ, đêm nào cũng vậy mãi đến tận khuya, họ vẫn còn ngồi lại với nhau, hào hứng bàn tán tranh cãi, dù chỉ là chuyện của cái tên Oshin hay cái ông Osha nào đó trong bộ phim. Bà lão quá già để hiểu biết lời lẽ, ý tứ của bầy con cháu, chỉ nhè nhẹ lắc lư nhịp võng thiếp dần đi trong những âm sắc thân quen. Chị kể lại cho bạn bè: "bất tiện và ồn ào kinh khủng nhưng bà lão rất vui".

Lần thứ hai về nước với số tiền chắt chiu kha khá trong tay. Chị đề nghị nới nhà thêm một tầng nữa cho rộng rãi. Mọi người lập tức tán đồng hoan hỉ, nhưng tiếc thay căn nhà không được phép xây lên vì thiếu bản vẽ nền móng cũ. Ý kiến chia thành ba phe, cậu em út đòi đập cả nhà xây lại, ông anh tuyên bố cứ lên càng cao khi nào sập hẳn hay, bà mẹ phủ bác mọi điều, sợ đủ thứ, sợ tốn tiền, sợ bất hợp pháp, sợ sập nhà. Phải chăng với bà cuộc sống hiện tại đã là ổn thỏa. Cuối cùng sau khi bàn thảo số tiền của chị được sử dụng như sau:

Xây thêm hai góc bếp riêng và hai nhà tắm trên lầu, mua cho mỗi hộ một giàn ti vi mới. Chị ra đi mang theo niềm vui của người chị, người con, rằng, từ nay cuộc sống của căn nhà ấy sẽ đỡ phần chật vật. Nhưng lần tiếp theo, sau khi về thăm mẹ và khi trở qua lại thì bạn bè bỗng cảm thấy chị dàu dàu tư lự, ai gạn hỏi chị, chị chỉ thở dài: "Bà lão rất buồn, căn nhà đã biến thành ba ốc đảo".

*

* *

Quí vị và các bạn thân mến,

Qua câu chuyện trên, chúng ta thử nhìn lại chính mình và định hướng lại cuộc sống. Chúng ta không thể không suy nghĩ về giá trị của của cải vật chất bởi vì đó là mối bận tâm hằng ngày của chúng ta. Có đầy đủ tiện nghi vật chất để sống hợp với nếp sống văn minh, để sống cho ra người có văn hóa, để sống xứng với phẩm giá con người, điều đó xem ra không có gì ngược lại với Tin Mừng. Ước mơ có được một chiếc xe Dream, một đầu máy video, một máy truyền hình đa hệ, ước mơ ấy xem ra cũng là một ước mơ chính đáng và bình thường. Tự nó của cải vật chất không phải là một điều xấu xa, giàu tự nó cũng không phải là một cái tội. Tuy nhiên, như trong Tin Mừng, Chúa Giêsu thường cảnh cáo các môn đệ của Ngài, của cải vật chất dễ biến con người thành nô lệ, thay vì hưởng dụng của cải như một phương tiện thì con người lại biến của cải thành chủ nhân. Tội lỗi không nằm trong vật chất mà trong chính thái độ của con người. Tội lỗi đi vào trong thế giới bởi vì con người đã đảo lộn trật tự Thiên Chúa và quyết định.

Ðược tạo dựng để làm chủ của cải vật chất, con người lại biến thành nô lệ cho của cải, thay vì sử dụng của cải vật chất để tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu là sự công bình, giây liên đới, tình yêu thương giữa người với người, thì con người lại làm nô lệ cho của cải và chối bỏ người khác. Thay vì sử dụng của cải vật chất để xây dựng Nước Trời thì con người lại biến của cải thành những hàng rào kiên cố để xây lên những ốc đảo và giam mình vào trong đó. Ðó là nguy cơ của của cải vật chất mà Tin Mừng không ngừng kêu gọi các tín hữu đề cao cảnh giác.

Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con cầu nguyện để có lương thực hằng ngày trong khi mưu cầu cho cuộc sống.

Xin cho chúng con cũng biết tìm kiếm lương thực thiêng liêng hằng ngày để giữa những bôn ba vất vả vì cuộc sống chóng qua ở đời này, chúng con vẫn luôn biết tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu.

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page