Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (1)
(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 56 -
Ông Hoàng Hạnh Phúc
Văn sĩ nổi tiếng người Ai-len, ông Oscar Quaide qua đời năm 1900 có để lại một câu chuyện ngụ ngôn với nội dung như sau:
Tại một trung tâm thành phố nọ có một pho tượng rất nổi tiếng đó là pho tượng của ông Hoàng hạnh phúc. Toàn thân ông được dát bằng những lá vàng hảo hạng, đôi mắt ông làm bằng 2 viên ngọc bích trong veo và chuôi kiếm của ông có gắn một viên hồng ngọc lớn, khuôn mặt ông đẹp như thiên thần, tự nơi ông toát ra hạnh phúc, thanh bình, sung mãn.
Một đêm kia, có một chú chim én nhỏ bay về phương nam để tránh mùa đông giá rét, trong khi tìm chỗ nghỉ qua đêm, chú nhìn thấy pho tượng. Nhưng đang lúc chú rúc đầu vào cánh, một giọt nước bỗng rơi xuống mình chú, tưởng là mưa, chú én định bay đi tìm chỗ khác, nhưng ngước nhìn lên nó hết sức ngạc nhiên bởi vì đó không phải là những giọt nước mưa mà là nước mắt của chính ông Hoàng, ông Hoàng giải thích cho chú én nghe:
- Ngày xưa khi còn sống và mang trái tim con người, ta không hề biết nước mắt là gì, ban ngày ta vui chơi, tối đến ta khiêu vũ đến sáng, ta không màng đến những gì xảy ra bên ngoài. Khi ta chết người ta dựng lên pho tượng này. Từ trên cao nhìn xuống, giờ đây ta mới thấy bao nhiêu thống khổ của người khác. Vì thế, tuy trái tim ta bằng chì, ta cũng không thể nào cầm được nước mắt. Nói xong, ông Hoàng chỉ cho chim én thấy một cái nhà tiều tụy trong góc phố, nơi đó có một bà mẹ đang cố gắng thêu một chiếc áo dạ hội cho một nàng cung nữ nào đó để mua một ít cam cho đứa con trai nhỏ đang lên cơn sốt. Ông Hoàng nhờ chim én gỡ lấy viên hồng ngọc lớn từ chuôi thanh gươm đến cho người đàn bà.
Sau khi hoàn thành công tác, chú én trở lại pho tượng và thốt lên: Tự nhiên tôi thấy ấm áp mặc dù trời rất lạnh. Ông Hoàng mới giải thích: Ðó là vì chú đã làm được một việc thiện.
Ngày hôm sau, con én chuẩn bị lên đường bay sang Ai Cập nơi đàn én đang chờ đợi nó, nhưng ông Hoàng lại nài nỉ nó ở lại với ông một đêm nữa, rồi ông chỉ cho nó một căn gác nhỏ, đây là căn gác của một văn sĩ nghèo, ông ta đang cặm cụi viết cho xong vỡ kịch nhưng trời quá lạnh mà nhà thì không có lò sưởi, văn sĩ cứ loay hoay mà không sao hoàn thành được tác phẩm. Ông Hoàng bảo chú én gỡ lấy một viên ngọc trong đôi mắt của ông và tặng cho văn sĩ, ông ta sẽ bán viên ngọc, lấy tiền mua củi để sưởi.
Hôm sau ông Hoàng lại nài nỉ chú én ở lại thêm với ông một đêm nữa, ông nhờ nó mang một viên ngọc còn lại trong mắt ông đến biếu cho một cô bé bán diêm. Ông Hoàng trở nên mù lòa, ông không còn thấy gì nữa. Thấy thế, chú én không nở bay đi, nó muốn trở thành đôi mắt cho ông nên nó bay lượn qua các ngã phố và về thuật lại cho ông nghe tất cả những nỗi thống khổ của người dân trong thành. Nghe thế, ông Hoàng bảo nó lấy từng lá vàng được dát trên thân ông và mang tặng cho những người đói khổ.
Những ngày sau đó, người dân trong thành phố nhìn lên pho tượng thấy một con chim én chết dưới chân ông Hoàng, còn ông Hoàng thì trông thê thảm không khác gì một gã ăn mày. Ông thị trưởng thành phố liền ra lệnh cho hạ pho tượng xuống và nung lại để lấy kim loại đổ đúc một pho tượng khác, lạ lùng thay trái tim bằng chì của ông Hoàng nhất định không chịu chảy ra.
Tác giả kết thúc câu chuyện như sau:
- Thiên Chúa đã sai sứ thần của Ngài xuống trần gian tìm hai vật quí giá nhất trong thành phố nói trên và dĩ nhiên sứ thần đã mang về trái tim của ông Hoàng và xác của con chim én. Thiên Chúa liền phán với sứ thần: Ngươi đã chọn lựa đúng. Chú chim nhỏ này sẽ mãi mãi ca hát trong vườn thượng uyển trên thiên quốc và trong thành phố bằng vàng của ta, ông Hoàng hạnh phúc sẽ muôn đời ca tụng danh Ta.
*
* *
Quí vị và các bạn thân mến,
Câu chuyện trên đây có thể gợi lên cho chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa và cùng đích của cuộc sống. Sống thọ bao nhiêu rồi cũng phải chết, danh vọng bao nhiêu rồi cũng sẽ qua đi, cái tồn tại mãi mãi hẳn không phải là một pho tượng hay một cái xác ướp. Cái tồn tại mãi mãi là chính bản thân của chúng ta. Chiếm trọn cả thế gian mà mất chính bản thân thì được ích gì. Chúa Giêsu đã không cảnh cáo chúng ta sao. Mục đích của cuộc sống do đó chính là không đánh mất bản thân, không làm cho mình ra hư mất và để đạt được mục đích ấy Chúa Giêsu lại bảo chúng ta: Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mạng sống mình vì Ta thì sẽ tìm lại mạng sống ấy.
Có chết lạnh cóng như chú chim én trên đây vì phục vụ, có biết gỡ bỏ hết tất cả những phù phiếm trong pho tượng để trao cho những người khốn khổ như ông Hoàng trong câu chuyện trên đây con người mới thật sự tìm gặp lại bản thân trong cuộc sống trường sinh.
Lạy Chúa, giữa những lao đao vất vả vì cuộc sống hằng ngày.
Xin cho chúng con đừng bao giờ đánh mất hướng đi của cuộc sống và nhất là đánh mất chính bản thân vì một chút lợi lộc hay danh vọng phù phiếm.
Xin cho chúng con chỉ biết có mỗi một hạnh phúc trong cuộc sống là tìm lại được bản thân trong sự hiến thân vô vị lợi cho tha nhân. Amen.