Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (1)
(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 25 -
Xã Hội Tân Tiến
Dạo tháng 5 năm 1999, không biết bao nhiêu người Mỹ đã nôn nao chờ đợi cuốn phim có tựa đề: "Chiến tranh giữa các vì sao" hồi I: "Sự đe dọa của bóng ma" của nhà đạo diễn Jorge Sucrate. Sở dĩ có sự háo hức như thế là bởi vì họ đã từng say mê cuốn phim có tựa đề "Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao" cũng do ông thực hiện hồi năm 1977.
Các nhà phê bình điện ảnh cũng dự đoán rằng cuốn phim mới này sẽ đạt được một mức thu nhập lớn nhất trong ngành điện ảnh. Chuyện phim "Chiến Tranh giữa các Vì Sao" đã trở thành quen thuộc đối với hầu hết giới trẻ và các trẻ em Mỹ. Riêng đối với các tín hữu Kitô, các nhân vật trong chuyện phim xem ra cũng rất gần gủi với nhiều nhân vật trong Kinh Thánh:
Anakin không có cha lại được sinh ra bởi một trinh nữ như Chúa Giêsu. Cũng như Môisen, Anakin lại là một nô lệ lớn lên trong sa mạc, nuôi hy vọng một ngày kia sẽ giải phóng dân tộc mình. Cũng như Gioan Tẩy Giả, tin Chúa Giêsu là Ðấng thiên sai phải đến. Hiệp sĩ Ky Kin Yon tin rằng Anakin là người phải đến mang lại sự hài hòa cho vũ trụ. Anakin là người duy nhất có sức mạnh, cũng như Chúa Kitô, Ðấng duy nhất, được Thánh Thần sinh động. Trong một cảnh Anakin đứng trước hội đồng July, như Chúa Giêsu đã từng đứng trước các vị Thưỡng Tế trong đền thờ, ngay cả hoàng hậu Amidala, người mẹ của vũ trụ đang bị bao vây cũng có dáng dấp của Mẹ Maria.
Trong một cuộc họp báo, đạo diễn Jorge Sucrate nhận định rằng: "Chiến tranh giữa các vì sao" chỉ là một câu chuyện thần thoại dành cho trẻ em dưới 13 tuổi mà thôi. Thật ra, như nhà phê bình Albert Roylo đã nhận định trên báo Thế Giới số ra ngày 22 tháng 05 năm 1999. Do phim "chiến tranh giữa các vì sao" kể từ năm 1977. Người dân Mỹ bắt đầu chạy theo các triết lý và thần thoại Ðông Phương. Theo ông, chuyện thần thoại trong chiến tranh giữa các vì sao đã hoàn toàn đáp ứng với tình trạng hỗn loạn và trống rỗng của Hoa Kỳ trong thời hậu hiện đại, khi Kitô giáo không còn nắm giữ vai trò chủ đạo trong văn hóa Mỹ thì ngoại giáo sẽ mau chóng trở lại để lấp đầy chỗ trống ấy vậy.
*
* *
Quí vị và các bạn thân mến,
Sự trống rỗng tinh thần tại các xã hội tân tiến ngày nay là biểu hiện của một sự mâu thuẫn lớn nhất trong thời đại chúng ta. Con người thời đại có nhiều tòa nhà và xa lộ lớn hơn, nhưng cái nhìn thì lại hẹp hòi hơn. Con người thời đại tiêu pha nhiều hơn, nhưng lại có ít hơn. Họ mua sắm nhiều hơn, nhưng lại vui hưởng ít hơn. Nhà cửa của con người thời đại rộng rãi hơn, nhưng gia đình thì ngày càng nhỏ bé hơn. Họ có nhiều tiện nghi hơn, nhưng lại có ít thì giờ hơn. Họ có nhiều bằng cấp hơn, nhưng lại ít thâm thuý hơn. Họ có nhiều hiểu biết hơn, nhưng lại ít phán đoán hơn. Các nhà chuyên môn ngày càng nhiều, nhưng những vấn đề cũng ngày càng nhiều hơn. Thuốc thang ngày càng dồi dào hơn, nhưng bệnh tật cũng nhiều hơn. Của cải ngày càng gia tăng, nhưng những giá trị đích thực của cuộc sống thì ngày càng bị giảm thiểu. Năm tháng của cuộc đời có gia tăng đó, nhưng phẩm chất của cuộc sống thì lại ít hơn. Con người đã có thể lên cung trăng, cố gắng tìm cách thám hiểm các hành tinh khác, nhưng lại không thể băng qua đường để gặp gỡ một người láng giềng mới. Con người đã chinh phục vũ trụ, nhưng vẫn xa lạ với không gian của nội tâm. Con người đã cố gắng làm sạch không khí, nhưng lại là cho tâm hồn ra ô nhiễm.
Nói tắt một lời, con người có tất cả mà vẫn không lấp đầy được lỗ trống trong tâm hồn. Họ tìm kiếm hạnh phúc, nhưng không đạt được hạnh phúc đích thực.
Lạy Chúa, Chúa đã ban bố cho chúng con Hiến Chương Nước Trời, và đề ra cho chúng con niềm hạnh phúc đích thực. Xin cho chúng con biết đeo đuổi niềm hạnh phúc ấy và luôn tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Amen.