Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (1)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 127 -

Những tấm bia mộ tưởng niệm

những thuyền nhân Việt Nam

bỏ mình dưới lòng biển sâu

trên đường đi tìm tự do

 

Những tấm bia mộ tưởng niệm những thuyền nhân Việt Nam bỏ mình dưới lòng biển sâu trên đường đi tìm tự do.

(Radio Veritas Asia 27/06/2005) - Quý vị và các bạn thân mến. Chuyện hai chính phủ Indonesia và Malaysia, do áp lực của Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam, đã ra lệnh đập phá Bia Tưởng Niệm Những Người Việt Nam Ðã Bỏ Mình Trên Biển Cả, đã gợi lại vô số của những câu chuyện bi thảm trong lịch sử thuyền nhân.


Chiếc thuyền nan đưa những thuyền nhân Việt Nam tìm đến bến bờ tự do.


Một phụ nữ đưa 3 con xuống tàu vượt biển sau khi đi thăm chồng tại trại tù cải tạo và nghe chồng nói nhỏ rằng "bố không có ngày về, đưa các con đi đi". Nhưng bà mẹ và các con đã không bao giờ đến bến. Cả 3 đã chết chìm giữa bờ biển Việt Nam và các hòn đảo của Indonesia. Người cha hiện nay đang tỵ nạn tại Hoa Kỳ, ông luôn bị ám ảnh bởi câu hỏi "Ai chịu trách nhiệm về cái chết của vợ con ông".

Một người tù khác đã tự tử lúc còn trong tù cải tạo, nhưng không chết. Vì bị bệnh nặng, ông được cho về nhà để chờ chết. Sau khi an táng chồng, người vợ quyết định cho các con đi vượt biên, vì chúng thuộc thành phần sẽ không được vào đại học, không được làm cho bất cứ cơ quan nhà nước nào. Gia đình có 3 trai và 4 gái. Ðứa con trai lớn tình nguyện đi trước. Một tháng sau, người mẹ và các em được tin "cháu đã mất tích trên biển khơi". Hiện nay, gia đình người đàn bà này đã đến Hoa Kỳ, họ để di ảnh người cha và người anh trên bàn thờ. Người chết vẫn hiện diện bên cạnh người sống.

Trên đây là những câu chuyện có thật, và những câu chuyện như thế thì vô số kể. Có đến hàng triệu câu chuyện như thế, bởi vì có đến hàng triệu người Việt Nam đã bỏ mình trên biển cả hay bị hải tặc tàn sát trên đường đi tìm tự do.

Ở những trại tỵ nạn như Bidong bên Malaysia hay Galang bên Indonesia, người ta vẫn còn thấy những nghĩa trang chôn người Việt Nam. Có những ngôi mồ tập thể chôn hằng trăm xác chết từ cũng một chiếc thuyền bị đắm khi vừa cặp vào bến bờ tự do. Vì lý do y tế, không ai tìm tòi để ghi tên những người xấu số ấy. Nhưng dù có vô danh và được chôn cất vội vàng, họ cũng được mồ yên mả đẹp. Còn biết bao nhiêu người bị chôn vùi dưới lòng biển khơi.

Nếu những người còn sống, mỗi năm gửi về Việt Nam hằng tỷ mỹ kim được gọi là "khúc ruột thừa xa cách ngàn dặm", thế thì những người chết không có được những một ngôi mộ ấy phải được gọi bằng danh xưng nào. Người Việt tỵ nạn khắp nơi trên thế giới đã không xem hằng triệu những con người không mồ yên mả đẹp ấy là đồ bỏ. Chính vì vậy mà họ đã trở lại Galang và Bidong để dựng lên những bia mộ hầu tưởng niệm những con người ấy. Nói như một thi sĩ, những con người không mồ yên mả đẹp ấy đều có thật và họ phải sống mãi để làm chứng cho thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử của dân tộc Việt Nam và cũng là của toàn thể nhân loại.

*

*  *


Nội dung Bia Tưởng Niệm:

Tưởng niệm hàng trăm ngàn người Việt đã bỏ mình trên con đường đi tìm Tự do (1975-1996). Dù họ chết vì đói khát, vì bị hảm hiếp, vì kiệt sức hay vì bất cứ lý do nào khác, chúng ta thảy đều cầu nguyện để họ được yên nghỉ dài lâu. Sự hy sinh của họ sẽ không bao giờ bị lãng quên.

Cộng Ðồng Người Việt Hải Ngoại, năm 2005.


Quý vị và các bạn thân mến. Trên thế giới đã có những Bia Mộ Tập Thể dành cho người Do Thái bị Ðức Quốc Xã sát hại. Có những Ðài Kỷ Niệm của người Armenia bị quân Thổ Nhỉ Kỳ giết tập thể trong thời đệ nhị thế chiến. Tại thủ đô Washington của Hoa Kỳ cũng có Bia Tưởng Niệm những người Do Thái đã tử nạn. Tại thủ đô Ottawa của Canađa và nhiều thành phố khác trên khắp thế giới, người ta cũng thấy có những Tượng Ðài được dựng lên để tưởng niệm các thuyền nhân Việt Nam. Nghĩa tử, nghĩa tận. Tưởng nhớ người quá cố là nghĩa cử cao đẹp nhất của con người, cử chỉ ấy nói lên niềm tin của con người vào cuộc sống bất diệt bên kia cõi chết. Người sống không những tin rằng người chết đã đi vào cõi bất diệt mà khi tưởng nhớ đến người chết họ cũng đang đi vào cõi bất diệt. Tựu trung, cuộc sống không chấm dứt bởi cái chết. Sự hiện diện của người chết giữa người sống nhắc nhở về những giá trị vĩnh hằng mà người sống phải luôn tìm kiếm và xây dựng.

Lạy Chúa, với những của đời chóng qua, xin cho chúng con biết tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu.

 

Nội dung Bia Tưởng niệm bằng tiếng Anh như sau:

In commemoration of the hundreds of thousands of Vietnamese people who perished on the way to Freedom (1975-1996).

Though they died of hunger or thirst, of being raped, of exhaustion or of any other cause, we pray that they may now enjoy lasting peace.

Their sacrifice will never be forgotten.

Overseas Vietnamese Communities, 2005.

 

Tạm dịch Việt:

Tưởng niệm hàng trăm ngàn người Việt đã bỏ mình trên con đường đi tìm Tự do (1975-1996).

Dù họ chết vì đói khát, vì bị hảm hiếp, vì kiệt sức hay vì bất cứ lý do nào khác, chúng ta thảy đều cầu nguyện để họ được yên nghỉ dài lâu.

Sự hy sinh của họ sẽ không bao giờ bị lãng quên.

Cộng Ðồng Người Việt Hải Ngoại, năm 2005.

 

(Mai Hương)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page