Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (1)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 114 -

Hai Ngàn Năm

 

Năm hai ngàn là năm của Chúa: năm của Chúa là bởi vì đây là năm kỷ niệm lần thứ 2,000 Chúa sinh ra. Năm hai ngàn có một ý nghĩa đặc biệt với hơn 1 tỉ người mang danh hiệu Kitô, tức 1/6 dân số thế giới. Tuy nhiên, với đại đa số thế giới, năm hai ngàn cũng chỉ là một trong những năm khác của các nước không theo Kitô giáo sử dụng mà thôi.

Năm hai ngàn cũng như mọi năm khác, sẽ có hai chữ AD đi kèm theo, nghĩa là năm thứ 2,000 của Chúa. Mà bởi phần lớn dân số thế giới gồm có Do Thái Giáo, Ấn Giáo, Hồi Giáo không tin nhận Chúa Giêsu Kitô là Chúa, cho nên họ không tính thời gian lịch sử của họ theo ngày sinh của Chúa Giêsu. Do đó, đối với đất nước họ, năm hai ngàn cũng chỉ là một năm như mọi năm khác mà thôi, đa số những người không tin Chúa Giêsu Kitô đều có lịch riêng của đất nước họ:

Trước hết và hơn ai hết, đối với những người Do Thái, vốn là người đã đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá thì họ mừng năm 2000 chỉ là một nghịch lý mà thôi. Theo niên lịch của họ, năm nay (2000)  đã là năm 5760, và họ đang ở vào ngàn năm thứ sáu. Hồi Giáo vốn đã có trên 1 tỉ người tín đồ, họ cầu nguyện mỗi ngày đến 5 lần, lại càng ý thức hơn về thời gian, nên niên lịch của họ tùy thuộc vào độ sáng của tuần trăng mới. Ðối với người Hồi Giáo: tháng sẽ chưa bắt đầu nếu chính họ không trông thấy trăng lưỡi liềm xuất hiện. Theo niên lịch của họ, năm nay (2000) cũng là năm thứ 4382 rồi. Với Ấn Giáo, họ đang ở vào đầu ngàn năm thứ 6 của họ. Riêng với người Phật Giáo, Phật Giáo cũng đã bước vào ngàn năm thứ 5.

Như vậy, năm 2000 mà do ảnh hưởng hay áp đặt của các nước theo Kitô Giáo mà thế giới đang chờ đón sẽ vô nghĩa và trống rỗng nếu nó không là năm kỷ niệm ngày sinh của Chúa Giêsu sinh ra.

*

* *

Quí vị và các bạn thân mến,

Muốn hay không, hai ngàn năm qua dù tính theo niên lịch nào, lịch sử cũng đã mang dấu ấn của Chúa Giêsu sinh ra. Ngài đã thực sự thay đổi bộ mặt thế giới. Thế giới đã không còn như cũ và thế giới cũng sẽ không biến chuyển như cũ nữa. Như Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói trong chuyến viếng thăm quê hương lần thứ nhất hồi năm 1979. Mãi mãi, con người không thể loại bỏ Chúa Kitô ra khỏi lịch sử của mình. Với việc sinh ra của Ngài, các tín hữu Kitô chúng ta tin và không ngừng loan báo cho thế giới rằng: không một người nào có mặt trên cõi đời này là một hiện tượng vô nghĩa hay một con số không trong muôn vàn con số nữa. Mỗi một con người là một nhân vị độc nhất vô nhị, có một chỗ đứng duy nhất và bất khả di nhượng trong trần thế, bởi vì họ có một chỗ đứng ưu biệt trong trái tim của Thiên Chúa. Ðó là Tin Mừng mà từ 2,000 năm qua các tín hữu Kitô chúng ta đón nhận và không ngừng loan báo cho thế giới. Chúng ta cũng tin rằng: tin mừng ấy đã thay đổi bộ mặt thế giới và có sức mạnh hướng dẫn thế giới đến cùng đích của nó là Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, nhập thể làm người Chúa đã kết hiệp với mỗi người chúng con, nhất là những người bé mọn nghèo hèn nhất trong xã hội. Bước vào ngàn năm thứ ba, kỷ niệm ngày Chúa Giêsu sinh làm người. Xin cho chúng con càng ý thức hơn về sự hiện diện của Chúa giữa chúng con.

Ðược diễm phúc đón nhận hồng ân của Chúa. Xin cho chúng con biết làm chứng và chia sẻ hồng ân ấy với mọi người bằng cuộc sống chứng tá của chúng con.

Với Chúa cùng đồng hành. Xin cho chúng con luôn được tỉnh thức để đón nhận hồng ân của Chúa đang đến với chúng con trong từng cảnh huống của cuộc sống, và nhất là đến trong mỗi người anh em của chúng con. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page