Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (1)
(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 113 -
Óc Khôi Hài
Ðức cố Giáo Hoàng Gioan XXIII không những đã được thương mến trong Giáo Hội mà còn được cả thế giới nhắc đến như một vị Giáo Hoàng hiền từ, nhân hậu và nhất là có óc khôi hài. Ngài luôn biết dùng nụ cười hoặc một câu nói khôi hài để đánh tan bầu khí căng thẳng, hoặc nâng đỡ tinh thần của những người nản chí thất vọng.
Ngày kia, có một vị Giám Mục đến xin yết kiến và nói lên tất cả những nhọc nhằn lo âu mất ngủ vì trách nhiệm chủ chăn của mình. Sau khi nghe biết tâm sự của vị Giám Mục, Ðức Gioan XXIII nở nụ cười và nói như sau:
- Khi mới được bầu làm Giáo Hoàng, tôi cũng lo âu và mất ngủ như Ðức Cha. Thế rồi, một đêm kia trong giấc ngủ, có một thiên thần hiện đến với tôi, vỗ vào cái bụng to của tôi và nói: "Gioan ơi! Chớ có lo lắng thái quá, hãy phó thác mọi sự trong tay Chúa và nghỉ ngơi cho khỏe". Thế là từ hôm đó trở đi tôi cứ sờ vào cái bụng to của mình và tự nhủ như thế, từ đó tôi không mất ngủ nữa".
Óc khôi hài là một trong những nhân đức cao quí của con người. Óc khôi hài là biểu tỏ của hạnh phúc và an toàn. Người có óc khôi hài cũng có thể làm cho người khác được hạnh phúc và như thế mang lại cho chính mình sự thỏa mãn vì làm cho người khác được hạnh phúc. Óc khôi hài là dấu chỉ của sự trưởng thành, một người được gọi là trưởng thành phải là người biết cười trong lúc hạnh phúc cũng như trong đắng cay của cuộc sống.
Khôi hài là dấu tỏ của một người bạn chân thành. Người có óc khôi hài là người có thể cười trước những vấp phạm và thiếu sót của người khác mà không chế nhạo hoặc làm cho người khác mất mặt.
Người có óc khôi hài còn biết nhìn đời một cách lạc quan thay vì chỉ dừng lại ở những đổ vỡ và khuyết điểm.
Người có óc khôi hài chỉ thấy một cơ may có thể làm lại, một dịp khác để thành công.
Óc khôi hài như là khí chúng ta thở, xoa dịu những nỗi đau và căng thẳng trong cuộc sống, cuộc sống trở thành phấn khởi, trở thành đáng sống. Ở đây chúng ta đừng lầm lẫn óc khôi hài với sự cười cợt lố bịch. Một người có dáng vẻ nghiêm nghị, ít nói, ít cười nhưng có thể là người có nhiều óc khôi hài hơn những người nhẹ dạ cười cợt lố bịch. Theo châm ngôn của người Hy Lạp, nhân đức thường đứng ở bậc trung dung. Người Á Ðông chúng ta nói: Không bất cật, không thái quá. Người chỉ biết cười cợt khôi hài suốt ngày và cười cợt không đúng chỗ không thể là người trưởng thành được.
Lắm khi người ta lầm lẫn óc khôi hài với óc tiếu lâm, đành rằng trào phúng là một trong những phương thế giúp con người có thể sống trường tồn trước những áp lực bất công của người khác, nhưng một khi nó biến thành một thứ tiếu lâm thì nó chỉ là một thứ bệnh hoạn đáng thương mà thôi. Ða số các câu chuyện tiếu lâm thường gắm liền với tình dục. Nhưng thiết tưởng cha mẹ nào cũng biết rằng kể chuyện tiếu lâm không lành mạnh cho con cái nghe là vô tình đầu độc và giết hại chúng.
Nhiều người cũng lầm lẫn óc khôi hài với sự châm chọc. Sự châm chọc có thể làm cho ngươì này cười nhưng lại làm cho người khác đau khổ. Nói chung, sự châm chọc chế diễu nào dù nhẹ nhàng và kín đáo đến đâu cũng là một xúc phạm đến người khác.
Nhưng liệu sự khôi hài có thể tốt cho mọi người, mọi lúc, mọi hoàn cảnh hay không? Một cái cười có thể làm cho người này vui nhưng lại làm cho người khác khó chịu. Một câu chuyện vui, một cái cười có thể làm cho bầu khí hôm nay bớt căng thẳng nhưng lại không thích hợp cho ngày mai. Người ta có thể vui đùa trong tiệc cưới nhưng không ai lại cười trong đám ma. Trong một hoàn cảnh nào đó sự vui cười làm cho bầu khí tươi mát nhưng lại cũng có thể nó làm cho người khác khó chịu.
Do đó, biết hài đúng lúc là cả một sự tế nhị mà người ta cần phải trau dồi đắn đo. Nói chung, sự chu ý, mối quan tâm của mình đối với người khác đó phải là một nguyên tắc hấp dẫn quan hệ của chúng ta đối với người khác. Ðó là nguyên tắc mà Thánh Phaolô đã diễn tả một cách tế nhị qua câu: "Hãy vui với người vui. Hãy khóc với người khóc".
- Hãy chấp nhận cuộc đời, chấp nhận bản thân và chấp nhận tha nhân. Ðó là thái độ có thể giúp chúng ta tạo được êm ấm trong gia đình.
- Chấp nhận cuộc đời là biết đón nhận mọi biến cố xảy đến trong cuộc sống với tất cả tin tưởng và phó thác cho Thiên Chúa.
- Chấp nhận bản thân là chấp nhận những giới hạn và bất toàn của mình. Chấp nhận bản thân có thể giúp ta thắng vượt được sự bất mãn và mong vượt được sự bất mãn đối với chính bản thân chúng ta cũng dễ dàng mang lại niềm vui, hay ít ra bộ mặt luôn vui tươi sẽ làm phấn khởi cho tha nhân.
- Chấp nhận cuộc đời, chấp nhận bản thân chúng ta dễ dàng chấp nhận tha nhân, Chấp nhận tha nhân có nghĩa là chấp nhận những sự khác biệt của họ cũng như chính những giới hạn và lầm lỗi của họ. Vợ chồng, cha mẹ, con cái sống chung với nhau dễ dàng nhận ra những khuyết điểm, những thiếu sót và những giới hạn của nhau nếu không có cái nhìn lạc quan. Nếu không có nụ cười khôi hài chúng ta sẽ chỉ thấy toàn những đắng cay chua xót. Khi được thiên thần báo tin mình sắp thụ thai, lão bà Sara, vợ ông Abraham đã cười. Cái cười ấy quả là một cái cười của tin tưởng và phó thác vào một Thiên Chúa là chủ tể của sự sống, của cuộc đời.
- Hãy để cho nụ cười lạc quan của Chúa được luôn tươi nở trong gia đình.
- Hãy để cho nụ cười của Thiên Chúa luôn tươi nở qua sự chấp nhận lẫn nhau, tha thứ cho nhau và bằng tất cả những nụ cười trìu mến cảm thông giữa mọi người với nhau.