V
Việc Ðạo Ðức
(= Exercices)
Từ exercitium tiếng La tinh xuất phát bởi động từ Exercere nghĩa là không để cho ngơi nghỉ, động từ này có lẽ ghép bởi Ex: ngoài, và Arcere: gồm chứa, nhốt trong một đô thị (Arx). Như vậy, Exercitium là làm cho sinh lực hoạt động. Người ta dùng từ này để gọi các việc đạo đức, tức là những cách thực hành không phải là hành vi phụng vụ của cộng đoàn Kitô hữu (xc. Á Phụng Vụ).
Vinh Danh (Kinh)
(= Gloria)
Vinh tụng ca trong tiếng Hy Lạp, doxologia được dịch sang tiếng La tinh, bắt đầu bằng chữ Gloria (Vinh danh). Nguyên nó là một bài thánh thi buổi sáng. Kinh này là tổng hợp nhiều bản văn Kinh Thánh, đặc biệt từ lời ca ngợi do các thiên thần hát lên trong đêm Chúa Giáng Sinh (Lc 2,13-14). Vì vậy, nó có tên gọi là thánh ca thiên thần (xc. Ga 1,29; Tv 109,1; Cv 2,34-36). Bài ca này xuất hiện sớm nhất cũng là vào thế kỷ thứ IV, nhưng chỉ được đưa vào thánh lễ Rôma vào đầu thế kỷ thứ VI, sau đó trong tất cả các Chúa Nhật và các ngày lễ kính thánh tử đạo. Sau cùng, được dành cho lễ các thánh giáo hoàng, rồi đến lễ các thánh giám mục.
Ngày nay, người ta đọc đối đáp hay hát kinh Vinh Danh trong mọi Chúa Nhật, trừ Mùa Vọng và Mùa Chay. Tất cả lễ trọng và lễ kính đều hát Kinh Vinh Danh.
Một Kinh Vinh Danh khác ca tụng Chúa Ba Ngôi cũng bắt đầu bằng chữ gloria, thì ngắn gọn hơn: Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa. Trong các giờ kinh phụng vụ và đôi khi trong thánh lễ, câu vinh danh này là câu kết thông thường cuối một thánh vịnh hoặc một phần thánh vịnh, cũng như của phần lớn những bài thánh ca. Trong phụng vụ, cộng đoàn hiệp thông với và quanh Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần. Cũng như Chúa Con và nhờ Thánh Thần của các nghĩa tử, cộng đoàn tôn vinh Thiên Chúa, khi lặp lại: Vinh Danh.
Vinh Quang
(= Gloire)
Doxa trong tiếng Hy Lạp là ý kiến về một người nào đó (dokéin nghĩa là đánh giá, thẩm định), là sự thẩm định về một người có danh tiếng. Trong tiếng Hy Lạp, vinh quanh được kể như ánh sáng, vẻ rạng rỡ. Trước hết, vinh quang hàm chứa một sự chiếu tỏa ra điều danh tiếng khởi từ nguồn của nó, và khi trở về, lại hàm chứa sự phản ánh vinh quang. Ðiểm phát phải chiếu tỏa và điểm phản chiếu phải tái tạo một thứ ánh sáng không phải là ảo ảnh.
Duy chỉ Cha của ánh sáng (Gc 1,17) là nguồn mạch hoàn hảo của Vinh Quang (chữ viết hoa muốn nói đó chính là sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi); người chiếu tỏa toàn thể vinh quang của Người nơi Chúa Con, sự rực rỡ vinh quang của Người, ấn dấu của bản thể Người, chính Ngôi Lời tôn vinh Cha trong tất cả sự thật. Thần Khí vinh hiển (1Pr 4,14) là trung gian sự phát tỏa và phản hồi của Vinh Quang trong đời sống Ba Ngôi. Nhờ mầu nhiệm nhập thể, chúng ta đã nhìn thấy Vinh Quang nầy, Vinh Quang đến từ Chúa Cha, làm vinh hiển Chúa Con (Ga 1,14), và rạng ngời trên dung mạo Chúa Kitô (2Cr 4,6). Nhờ Người, tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một tấm gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí" (2Cr 3,18). Sự trao đổi Vinh Quang này ngay trong Ba Ngôi đã tạo nên cơ cấu phụng vụ: trước khi tôn vinh, phải đón nhận Vinh Quang; Vinh Quang đến với chúng ta từ Chúa Cha, nhờ đó Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, và tùy mức độ chiếm hữu Thánh Thần của Chúa Con, chúng ta có thể trả lại Vinh Quang cho Chúa Cha. Khi cầu xin trong lời nguyện tư tế: Lạy Cha, xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha (Ga 17,1), Chúa Giêsu đã xác định tất cả hữu thể và cuộc sống làm Con của Người, như cuộc hiến mình để thông ban Vinh Quang của Chúa Cha như Người không ngừng đón nhận và phản chiếu (7,19-22). Bí tích Thánh Thể đặt chúng ta vào trung tâm của Vinh Quang này, cũng như tất cả mọi cử hành phụng vụ có Thánh Thể là trung tâm, trong khi chờ ngày dẫn đưa chúng ta tới phụng vụ trên trời, nơi chúng ta hy vọng sẽ được tháp nhập hoàn toàn vào việc ngợi khen Vinh Quang (xc. Ep 1,6.12.14). Ðối với người Do Thái, vinh quang không cất đi sự rạng rỡ, nhưng cất đi sức nặng. Cũng chính ở đó, độ dày hay sức nặng của hữu thể thuộc về một mình Thiên Chúa, đến nỗi những sự tỏ hiện của Thiên Chúa, theo nghĩa đen, là một sự đè bẹp. Mặc khải dần dần cho thấy độ dày của sự sống Thiên Chúa được kết thành bởi sức nặng tình yêu; Tân Ước mặc khải rằng nơi Thiên Chúa có Ba Ngôi để trao hiến và đón nhận tình yêu, và sức ép của tình yêu Ba Ngôi không nhằm đè bẹp nhưng là để thắt chặt. Trong phụng vụ, tất cả những bất ổn hoặc hời hợt phải biến đi, các tín hữu được đặt ở trung tâm trọng lực của sự sống Ba Ngôi, Ðấng là Tình Yêu được thông ban và tái tạo trong Thánh Linh (xc. Biến hình; Ba Ngôi; Ca tụng; Vinh tụng ca).
Vinh Tụng Ca
(= Doxologie)
Theo tiếng Hy Lạp, doxa có nghĩa là vinh quang, và logos nghĩa là lời. Như vậy, doxologia là lời về vinh quang, tức là một công thức cử hành vinh quang Thiên Chúa. Những công thức loại này có nhiều trong Kinh Thánh. Trong phụng vụ, các vinh tụng ca chính là:
- "Chính nhờ Ðức Kitô, cùng với Ðức Kitô và trong Ðức Kitô..." kết thúc kinh Tạ ơn của Thánh lễ,
- "Vì Chúa là vua uy quyền và vinh hiển muôn đời" sau kinh Khấn xin của Kinh Lạy Cha,
- "Vinh danh Chúa Cha..." kết thúc các thánh vịnh trong các Giờ Kinh Phụng Vụ,
- Ðoạn cuối cùng trong các thánh thi.
Ngoài ra, người ta cũng gọi kinh Vinh Danh trong Thánh Lễ và Kinh Te Deum là những vinh tụng ca (xc. Ca tụng).
Vô Nhiễm Nguyên Tội
(= Immaculation)
Lễ trọng vào ngày 8 tháng 12, kính Ðức Mẹ Maria thụ thai mà không vương tội, nhờ hồng ân độc nhất, tức là ân sủng phát xuất từ cuộc tử nạn của Chúa Con trên thập giá. Ðức Maria được hoài thai trong cung lòng bà thánh Anna, mà không vướng mắc tội nguyên tổ. Thực vậy, việc Con Thiên Chúa chuẩn bị cho mình một người mẹ xứng đáng thật hợp lý. Ðược ơn vô nhiễm nguyên tội, Ðức Mẹ cũng được tràn đầy ơn sủng (Lc 1,18) phù hợp với thiên chức làm Thiên Chúa Thánh Mẫu. Tuy nhiên, không như Chúa Con, Ðấng vừa là Thiên Chúa vừa là người, Ðấng không hề phạm tội, Ðức Maria không phải là không thể mắc tội: Mẹ có thể phạm tội, nhưng Mẹ đã hoàn toàn tuân theo ân sủng của Thiên Chúa không ngừng đổ tràn nơi mình. Trong chương trình của Thiên Chúa, chính vì con người chúng ta và vì ơn cứu độ chúng ta mà Ðức Maria được ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, theo như tín điều được Ðức Giáo Hoàng Piô IX công bố năm 1854 và như chính lời Mẹ nói với chị Bernadette tại Lộ Ðức năm 1858. Ðược tuyển chọn riêng để trở thành Ðức Mẹ Thiên Chúa, thì chính Mẹ, do sự trung thành hoàn toàn với Thánh Ý Thiên Chúa, thi hành một chức năng trung gian với tư cách làm mẹ, để nối dài sự trung gian của Chúa Con, vì lợi ích của tất cả mọi người. Tất cả những ai trung tín và gắn bó với Chúa Con, sẽ đến với Mẹ, trong vinh quang Thiên Chúa, cùng với Mẹ, trở thành Hiền Thê của Ðức Kitô, xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn, hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền (Ep 5,27).
Vương Cung Thánh Ðường
(= Basilique)
Trong tiếng Hy Lạp, basilikè có nghĩa là (cổng) hoàng cung. Ðối với dân Rôma, basilica là một kiến trúc dân sự, chia thành nhiều dãy song song, làm nên một thứ quảng trường (forum) có mái che, tại đây người ta bàn bạc công việc hoặc gặp gỡ nhau. Khi được bình an dưới thời hoàng đế Con-tăng-ti-nô, những kiến trúc đầu tiên của Kitô giáo là các đền thờ Rôma được cải tạo, hoặc các thánh đường được xây dựng dựa theo họa đồ các đền thờ Rôma. Ðền thờ thánh Phêrô, đền thờ Ðức Bà Cả, đền thờ thánh Phaolô ngoại thành là những vương cung thánh đường. Nhà thờ Chúa Giáng Sinh ở Bêlem là một vương cung thánh đường rất cổ xưa.
Trong ngôn ngữ thông thường, vương cung thánh đường là tước hiệu do đức giáo hoàng đặt cho một số đền thờ, đặc biệt tại các nơi hành hương (Lộ Ðức, Lisieux, Montmatre, v.v...)
Vượt Qua (Lễ)
(= Pâque)
Cách gọi Chúa Nhật mừng trọng thể Chúa Phúc Sinh. Không rõ từ nguyên thế nào. Thường người ta ghép nó với Pâsah trong tiếng Hípri có nghĩa là nhảy, đi qua, miễn xá (xc. Xh 12,11.23.27): Ðức Chúa miễn xá không sát hại các con đầu lòng của người Israel, nhờ máu của con chiên Vượt Qua. Thực tế, có lẽ phải đưa từ vượt qua trở về với một từ gốc Sêmít cổ: pashahu, có nghĩa là làm nguôi.
Nghi thức giết chiên Vượt Qua nguyên thủy là một hy tế của các người chăn chiên du mục, nhằm xin cho bầy súc vật sinh sôi nẩy nở vào mùa xuân. Ngược lại, việc dâng tiến lúa mì đầu vụ lại là nghi lễ của các nông gia đã sống nếp sống định cư. Những nghi lễ này, khi liên kết với việc giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập, đã trở thành lễ vượt qua của người Hípri, tưởng niệm việc Ðức Chúa ra tay hành động để cứu thoát Dân Người.
Bằng toàn thể Mầu Nhiệm Vượt Qua - Thương Khó, Tử Nạn, Phục Sinh - Ðức Kitô, Con Chiên đích thực (Ga 1,29.36; 18,28; Lc 22,7-16) và Bánh hằng sống (Ga 6,35) đã hòa giải con người tội lỗi với Chúa Cha và niêm ấn Giao Ước. Như vậy, lễ Vượt Qua do Ðức Giêsu thiết lập đón nhận và kiện toàn vừa việc cử hành sự đổi mới của mùa xuân - một thứ phục sinh trong thiên nhiên cây cỏ và sinh vật, được nhiều tôn giáo coi là linh thánh, vừa việc cử hành tưởng niệm việc giải phóng có tính cách lịch sử Ðức Chúa đã thực hiện để cứu thoát Dân Người.
Lễ Vượt Qua, theo nghĩa chặt, là lễ trọng bậc nhất, mừng Chúa Phục Sinh, là trọng tâm của toàn thể năm phụng vụ; lễ ấy bắt đầu với đêm canh thức Vượt Qua, chiều thứ Bảy Tuần Thánh, và kéo dài hết ngày Chúa Nhật. Năm mươi ngày trong mùa Phục Sinh chỉ là một cách mở rộng "Ngày Chúa đã làm ra" (Tv 117,23).
Người Do Thái giết chiên Vượt Qua và ăn mừng lễ Vượt Qua vào chiều ngày 14 tháng Ni-san, ngày trăng đầy vào mùa xuân. Chúa Kitô, khi chịu chết trên thánh giá vào ngày thứ Sáu 14 tháng Ni-san và phục sinh "Ngày thứ nhất trong tuần" (Ga 20,1), nghĩa là ngày áp ngày sabát. Ðối với người Kitô hữu, có ba cách giải quyết để định ngày mừng lễ Phục Sinh: hoặc xác định ngày đó vào ngày Chúa Nhật tiếp sau ngày trăng tròn mùa xuân; hoặc sau cùng, như "Nhóm 14" (vào thế kỷ thứ II, ở Tiểu Á), giữ ngày lễ đúng ngày 14 tháng Ni-san. Tại công đồng Ni-xê-a (325), ngày lễ này được xác định vào ngày Chúa nhật sau ngày trăng tròn lúc xuân phân. Tuy nhiên, vì những cách tính khác nhau, các Hội Thánh Ðông Phương và Tây Phương không mừng lễ cùng một ngày. Bình thường đó là vấn đề xác định ngày lễ vào một ngày Chúa Nhật cố định (Chúa Nhật thứ nhất hoặc thứ hai của tháng Tư) và phải ghi nhận rằng công đồng Vaticanô II không chống đối cách tính này (xc. Phụ trương Hiến Chế Phụng Vụ Thánh). Nhưng anh em Chính Thống chống đối mạnh mẽ.