Tr

 

Tranh Thánh

(= Icône)

Trong tiếng Hy Lạp eikôn có nghĩa là hình ảnh. Phụng vụ Ðông Phương dành cho các tranh thánh một vị trí quan trọng, xem đó như là dấu chỉ rõ ràng về điều các tranh này mô tả, hoặc hơn nữa, về các biểu hiện của tranh: Chúa Ba ngôi, Ðức Kitô, Thánh Mẫu, các Thiên Thần và các Thánh, tất cả các mầu nhiệm của nhiệm cục cứu độ, tức là Lịch Sử Cứu Ðộ. Việc tôn kính các tranh thánh bắt nguồn từ mầu nhiệm Nhập Thể, dựa theo các định tín của công đồng Nixêa II (787). Vì Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh và giống như Người (St 1,26), và vì Con Thiên Chúa nhập thể là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha (Cl 1,15), nên khoa vẽ tranh thánh trước hết là một việc thánh thiêng. Bởi thế, các họa sĩ vẽ tranh thánh ý thức rằng mình đem tài năng của mình để phục vụ Công Trình Thiên Chúa: họ ăn chay và cầu nguyện trước khi vẽ. Sau khi được làm phép và xức dầu, tranh thánh được đưa vào trong phụng vụ, mà phụng vụ là toàn bộ hình ảnh về Nhiệm Cục Cứu Ðộ. Vì là việc diễn đạt các hữu hình các mầu nhiệm không phải để nhìn ngắm, nhưng để lãnh nhận. Tại Ðông Phương, người ta không trưng bày Thánh Thể: Thánh Thể được ban làm lương thực. Trong các Hội Thánh Ðông Phương, nhờ có số lượng lớn tranh thánh, các tín hữu được sống trước khung cảnh Giêrusalem trên trời và phụng vụ thiên quốc. Nhờ các tranh thánh đó, tín hữu làm quen với cộng đoàn các thánh, các thiên thần, Thánh Mẫu Thiên Chúa, Ðức Kitô và Chúa Ba Ngôi.

 

Trắng (Màu)

(= Blanc)

Màu phẩm phục phụng vụ dùng trong mùa Giáng Sinh và mùa Phục Sinh. Phụng vụ còn dùng màu trắng trong các lễ cung hiến, lễ Ðức Trinh Nữ Maria, lễ các thiên thần, các thánh mục tử, các thánh tiến sĩ và các thánh nam nữ không tử đạo.

Màu trắng diễn tả sự tinh sạch, và hơn thế, còn biểu lộ vinh quang Thiên Chúa và sự chói ngời của tất cả những gì liên hệ đến Thiên Chúa. Ðó là màu của sự Phục Sinh (xc. Áo trắng dài).

Ðối với Hội Thánh Ðông Phương, mầu trắng là mầu tang chế.

 

Trinh Nữ

(= Vierge)

Tiếng La tinh vigro nghĩa là thiếu nữ tinh tuyền. Trinh nữ tuyệt hảo nhất là Ðức Maria, đấng đã thưa với sứ thần Gabriel trong biến cố truyền tin rằng: "Tôi không biết đến việc vợ chồng" (Lc 1,34). Nối gót Ðức Maria và đáp lời mời gọi của Ðức Kitô (xc. Mt 25,1.13), ngay từ những thế kỷ đầu, đã có những thiếu nữ tuyên khấn sống khiết tịnh, bắt đầu là cách tư riêng, sau đó là công khai, nhất là từ thế kỷ thứ IV.

Các sách bí tích thời xưa còn lưu giữ những lời nguyện cổ kính trong nghi lễ thánh hiến trinh nữ, đặc biệt là sách nghi thức đức giáo hoàng Lêô, và được sử dụng lại trong sách nghi thức canh tân. Cũng như trong mọi nghi thức cung hiến trọng thể (truyền chức, tuyên khấn), nghi thức thánh hiến trinh nữ cũng gồm có lời dẫn nhập của vị chủ sự (thường là giám mục), các câu hỏi thẩm vấn ý định của ứng viên, hát kinh cầu, và lời nguyện thánh hiến; sau đó là nghi thức trao nhẫn, và tùy nghi trao khăn lúp và sách các Giờ Kinh Phụng Vụ. Ðối với các nữ đan sĩ, nghi thức thánh hiến thường đi liền với việc tuyên khấn trọng thể trong cùng một nghi lễ.

Trong lễ kính các thánh, sách lễ và sách các Giờ Kinh Phụng Vụ có phần chung các thánh Trinh Nữ.

Ðối với Ðức Maria và các thánh Trinh Nữ, những vị đã tuyên khấn sống đời trinh khiết, thì không phải là không có hôn lễ, như thánh Âu Tinh giải thích: các vị ấy nhắc nhở cho tín hữu rằng, vào thời chung cuộc, toàn thể Hội Thánh chính là Hiền Thê của Ðức Kitô (xc. Mt 9,15; Ga 3,29), là Giêrusalem thiên quốc được sách Khải Huyền trình bày "như là tân nương trang điểm để đón Tân Lang" (21,2; xc. Ep 5,25-32).

 

Tro

(= Cendres)

Trong truyền thống Thánh Kinh cũng như trong phần lớn các tôn giáo cổ xưa, tro tượng trưng cho sự vô nghĩa của con người. Hiện hữu của con người thật bấp bênh: mặc dù có sự cao cả vắn vỏi - thực sự hào nhoáng - hiện hữu con người sẽ mau chóng tiêu tan thành kiếp bụi tro. Khi kỳ kèo với Ðức Giavê nhân việc Người định hủy diệt thành Xôđom và Gômôra, ông Ábraham đã thận trọng nhìn nhận tính cách hão huyền của mình trước nhan Thiên Chúa: "Mặc dù con chỉ là thân tro bụi, con cũng xin mạn phép thưa với Chúa" (St 18,27). Trước nhan Thiên Chúa, con người không những mỏng manh và bấp bênh, nhưng còn là và chủ yếu là tội nhân, nghĩa là phản nghịch lại ý muốn yêu thương của Ðấng Tạo Hóa. Ngọn lửa bừng bừng khí nộ của Thiên Chúa sẽ vùi dập sự kiêu ngạo của con người thành tro bụi (Ed 28,18).

Phụng vụ thứ Tư Lễ Tro cụ thể gợi lên cho người tín hữu ý thức về thân phận thụ tạo tội lỗi của mình: Khi nhận tro rắc trên đầu, người tín hữu được nhắc nhở: Hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro. Hội Thánh không buộc phải lăn mình trong tro (Gr 6,26), hay phải ngồi trên đống tro (G 42,6; Gn 3,6; Mt 11,21), nhưng chỉ cần rắc tro trên đầu cách tượng trưng, trong tinh thần sám hối và tỏ dấu hoán cải (Gd 4,11-1,55; 9,1; Ed 27,30). Thường tro được xức trên trán (xc. Chay tịnh).

Theo truyền thống, người ta đốt các tàu lá đã làm phép để lấy tro.

 

Trung Gian (Ðấng)

(= Médiateur)

Người trung gian là người đứng giữa nhiều người hoặc nhóm người để giúp họ hòa giải với nhau. Theo cách nói của thánh Phaolô trong 1Tm: "Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Ðấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người; đó là một con người, Ðức Giêsu Kitô, Ðấng tự hiến làm giá chuộc mọi người" (2,5-6). Ông Môsê là người trung gian của Giao Ước Xinai, nhưng ông chỉ là một con người, cho dù ông có được sống thân mật với Ðức Chúa và có được đưa vào vinh quang Thiên Chúa. "Hiện nay Ðức Giêsu được một tác vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là trung gian của một Giao Ước tốt đẹp hơn" (Dt 8,6; xc 9,15; 12,24). Là Thiên Chúa thật và cũng là người thật, Ðức Kitô Giêsu liên kết con người với Thiên Chúa một cách hoàn hảo: không phải Người chỉ sống giữa loài người, nhưng Người còn vừa là Thiên Chúa vừa là người. Ngôi Lời Nhập Thể là Giao Ước mới, vĩnh cửu, không gì có thể phá vỡ được. Tuy nhiên ta không thể nói rằng Ðức Kitô là người trung gian cho chính Người: là con người và là Thiên Chúa, Người là Ðấng hòa giải loài người với Thiên Chúa, Người là Ðấng hòa giải loài người với Thiên Chúa, Người là Ðấng dẫn đưa nhân loại về với Chúa Cha.

Nếu Ðức Kitô là Giao Ước, là "Thần sứ giao ước" (xc. Mt 3,1) và nếu phụng vụ là sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Dân của Người để cử hành Giao Ước (xc. Giao Ước; Phụng vụ), thì ta hiểu rằng vai trò trung gian của Ðức Kitô nằm ở trung tâm của Phụng Vụ. Không phải là vô lý khi tài liệu đầu tiên của Huấn Quyền liên quan đến Phụng Vụ bắt đầu bằng những chữ Ðấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và con người (mediator Dei et hominum: Tông huấn của Ðức Giáo Hoàng Piô XII, ngày 20/12/1947). Chức vụ tư tế của Ðức Kitô đặt căn bản trên vai trò làm Ðấng Trung Gian của Người, hành vi chính yếu Người thực hiện, đó là hy lễ trên núi Canvê, không ngừng được hiện tại hóa trong bí tích Thánh Thể. Theo PV của Công Ðồng Vaticanô II, toàn thể Phụng Vụ là cách thực hiện chức vụ tư tế của Ðức Giêsu Kitô (số 7), đó là cách liên kết Hội Thánh với sự sống của Chúa Con.

Sự sống của Chúa Con hệ tại việc Người được đón nhận từ Chúa Cha, Ðấng sinh ra Người trong Hơi Thở tình yêu của Thánh Thần, và rồi lại trở về với Chúa Cha nhờ sự thúc đẩy của cùng một Thánh Thần. Vai trò trung gian của Chúa Con Nhập Thể, cũng như Ngôi vị của Người, được liên kết với Chúa Thánh Thần. Sứ mạng của Chúa Con và sứ mạng của Thánh Thần, Ðấng Bầu Chữa, liên kết với nhau: Ngôi Lời Nhập Thể, được Chúa Cha phái đến, là chính Ngôi Lời làm phát sinh Tình Yêu, được sinh ra trong Tình Yêu, trao ban Tình Yêu tức là Chúa Thánh Thần. Công trình trung gian của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, trong Lịch Sử Cứu Ðộ và trong đời sống vĩnh cửu của những người được tuyển chọn, mang lại cho các con cái Thiên Chúa, trong tư cách là con, khả năng sống sự sống của Chúa Ba Ngôi. Giữa đời sống của Ba Ngôi, có thể nói Chúa Thánh Thần là Ðấng Trung Gian, hiểu theo nghĩa Người là mối dây liên lạc có ngôi vị, là cái hôn và là sự duy nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con. Những sứ mạng và vai trò trung gian của Ngôi Lời Nhập Thể và của Thánh Thần - Ðấng Bầu Chữa, để mưu ích cho các thụ tạo thiêng liêng đã được cứu chuộc và thánh hóa, giúp cho các thụ tạo này đi vào dòng chảy của phụng vụ vĩnh cửu, tức là sự trao đổi giữa Chúa Cha và Chúa Con trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần (xc. Chúa Thánh Thần; Kinh cầu xin Chúa Thánh Thần; Tư tế).

 

Trung Gian (Người)

(= Pontife)

Trong tiếng La tinh pontifex có nghĩa là người bắc cầu. Trong lãnh vực tôn giáo, người trung gian là một linh mục, thi hành vai trò nối kết giữa cộng đoàn nhân loại với Thiên Chúa, Phụng Vụ là môi trường chính yếu để thi hành vai trò trung gian này (xc. Tư Tế). Ðức Giáo Hoàng, vị đại diện Chúa Kitô và thủ lãnh của toàn thể Phẩm Trật Hội Thánh, cũng được gọi bằng danh hiệu này (xc. Ðức Thánh Cha). Ðức Giám Mục là người trung gian của phụng vụ Kitô giáo (xc. Giám Mục).

 

Trung Gian (Vai Trò)

(= Médiation)

Trong tiếng La tinh medius có nghĩa là người ở giữa, người trung gian. Ðây là hành vi hay tình trạng của người đứng ở giữa nhiều người, nhiều bên để làm cho họ hòa giải với nhau. Phụng vụ là cách thực thi hoàn hảo nhất vai trò trung gian tư tế của Ðức Kitô giữa Thiên Chúa. Thân Phụ của Người, và nhân loại do Người đã dựng nên, là anh em của Người, qua hiến lễ Người đã dâng (xc. Tư Tế). Vai trò trung gian của Ðức Maria, hoàn toàn tùy thuộc sự trung gian nơi Con của Người, được liên kết với việc Mẹ luôn gắn bó với công trình của Thiên Chúa và công trình của Con Mẹ, và với việc Mẹ được đưa lên hưởng phúc vinh quang bên cạnh Ðức Giêsu, Ðấng hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta (Dt 7,25). Ðức Maria là Omnipotentia supplex nghĩa là Ðấng khẩn cầu toàn năng (xc. Vô nhiễm nguyên tội).

 

Truyền Chức (Bí Tích)

(= Ordre)

Từ La tinh Ordo có nghĩa là hàng, sự kế tục. Mọi cộng đoàn hân vị, mọi xã hội, đều gồm có một cấu trúc nội tại, ngay cả cộng đoàn Ba Ngôi Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần cũng vậy (xc. 1Ga 1,3: Societas trong bản Phổ Thông). Cũng như Chúa Cha sai Chúa Con - chứ không phải ngược lại, Ðức Kitô cũng sai các Tông Ðồ để tiếp nối sứ vụ của Người qua trung gian và thời gian, bằng cách ban cho các vị những thẩm quyền cần thiết để thi hành chức vụ: các Tông Ðồ cũng tiếp nhận Thánh Thần trong Ðức Kitô (Ga 20,21-22; xc. Mt 3,16). Bí tích Truyền Chức làm cho Hội Thánh có một cấu trúc và một trật tự nội tại, với những dấu chỉ sống động và hữu hiệu về sự hiện diện của Ðức Kitô. Giám Mục có chức tư tế trọn hảo.trong giáo đoàn của mình, giám mục là nguyên ủy của mọi chức thánh. Tùy theo cách thức khác nhau, linh mục và phó tế tham dự vào sứ vụ thẩm quyền viên mãn của giám mục: linh mục trong chức năng tư tế còn phó tế trong chức năng phục vụ. Như vậy, để hiểu được bí tích Truyền Chức, không phải là tìm xem chức linh mục thêm gì vào chức phó tế hoặc chức giám mục thêm gì vào chức linh mục, nhưng phải bắt đầu từ chức giám mục mà tìm xem các linh mục và phó tế, tùy theo cách thức khác nhau, đã tham dự vào sứ vụ và thẩm quyền của giám mục như thế nào. Bí tích Truyền Chức tác động nhờ ân huệ của Chúa Thánh Thần để mưu ích cho tín hữu. Nghi thức cốt yếu của Bí Tích Truyền Chức là việc đặt tay, cùng với lời cầu nguyện thánh hiến (xc. Giám Mục; Linh Mục; Phó Tế; Phẩm Trật; Giáo Sĩ).

 

Truyền Chức (Nghi Thức)

(= Ordination)

Tiếng La tinh ordinatio nghĩa là sắp xếp theo trật tự, tổ chức phân phối nhiệm vụ. Ðây là nghi lễ long trọng ban bí tích Truyền Chức. Hành vi chính yếu trong nghi lễ truyền chức giám mục, linh mục và phó tế là việc đặt tay khi đọc lời nguyện thánh hiến. Phải là giám mục mới ban các bí tích Truyền Chức thành sự (xc. Giám mục; Linh mục; Phó tế).

 

Truyền Tin (Lễ)

(= Annonciation)

Vào ngày 25 tháng 3 cử hành lễ trọng mừng kính biến cố loan báo cho Ðức Maria việc Chúa Nhập Thể. Các sách phụng vụ đều ghi là lễ Báo Tin Chúa, hiểu ngầm cho Ðức Maria. Ai cũng biết là trình thuật về biến cố đầ tiên này đã được thánh Luca trình bày trong phần đầu sách Tin Mừng của người (1,26-38). Lễ này được công nhận vào khoảng thế kỷ thứ IV, mặc dù Mầu Nhiệm Nhập Thể đã được đề cập đến ngay từ đầu kỷ nguyên Kitô giáo trong các tác phẩm của các giáo phụ và các tác phẩm nghệ thuật thánh.

Ðối tượng cốt yếu của lễ này là việc Nhập Thể làm người của Ngôi Lời trong cung lòng Ðức Maria, trong đó có lời loan báo cho Ðức Trinh Nữ và sự ưng thuận của Người. Thiên Chúa là Ðấng khởi xướng, nhưng muốn có sự ưng thuận chính thức của Ðức Trinh Nữ để Người thụ thai do tác động của Chúa Thánh Thần. Nhờ tiếng Xin Vâng - Fiat - của Ðức Maria, thái độ biểu lộ sự cộng tác hoàn hảo nhất của con người vào công trình Thiên Chúa, Ngôi Lời đã thành xác phàm (Ga 1,14). Giao Ước chung cuộc giữa Thiên Chúa và nhân loại đã được thiết lập. Ỏ đây, Ðức Maria là khuôn mẫu của Hội Thánh, một Hội Thánh, trong mọi sinh hoạt của mình, nhất là trong phụng vụ, vẫn ưng thuận một cách tích cực và năng động trước công trình Thiên Chúa, qua trung gian Ðức Kitô, Ðấng vừa là Thiên Chúa vừa là người, và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.

Cần bết rằng Lễ Truyền Tin được cử hành đúng chín tháng trước lễ Giáng Sinh, điều này tương ứng với thời gian thai nghén của con người.

 

Trừ Tà (Nghi Thức)

(= Exorcisme)

Tiếng Hy Lạp exorkidzéin nghĩa là xua đuổi. Trừ tà là cầu xin (orkidzéin) để trục xuất (ex). Nghi lễ trừ tà là xua đuổi ma quỉ để giải thoát cho con người hay các đồ vật. nghi lễ này gồm các lời nguyện, cử chỉ như hà hơi, đặt tay, làm dấu thánh giá, rảy nước thánh. Trừ tà nằm trong các nghi thức thời dự tòng là các nghi thức chuẩn bị lãnh bí tích Thánh Tẩy. Một số nghi thức chúc lành cũng được bắt đầu bằng việc trừ tà.

Việc thực hành trừ quỉ đã có từ xa xưa trong Hội Thánh, mặc dù thường bị pha trộn một số yếu tố dị đoan. Nghi thức trừ tà có cơ sở là gương Ðức Kitô: các Tin Mừng kể lại cách thức Người trừ quỉ (Mt 8,28tt; 15,21-28; Mc 1,23-28; Lc 8,12; xc. Ga 12,31).

 

Trừ Tà (Tác Viên)

(= Exorciste)

Thầy trừ tà là thừa tác viên để thi hành việc trừ tà. Các lần trừ tà trong thời gian dự tòng có thể được thực hiện do linh mục, phó tế hay ngay cả giáo lý viên. Những lần trừ tà khi cử hành bí tích Thánh Tẩy được dành cho linh mục hoặc phó tế. Việc trừ tà trong một số nghi thức chúc lành được dành cho linh mục. Ðể thực hiện việc trừ quỉ trong những trường hợp tà ma ám ảnh, bùa ếm... Ðức Giám Mục chỉ định một hay nhiều linh mục trong giáo phận của người để thi hành việc này.

 

Trưng Bày Thánh Thể

(= Exposition)

Ðó là việc trưng bày Thánh Thể cho tín hữu tôn thờ. Thông thường, Mình Thánh được đặt trong mặt nguyệt, rồi đặt trong mặt nhật và đặt trên bàn thờ, có nến xung quanh. Không được phép trưng bày Thánh Thể trong thánh lễ. Cũng có thể trưng bày di tích các thánh để giáo dân tôn kính tại một nơi xứng hợp (xc. Tranh thánh).

 

 

 


Back to Home