Th

 

Tham Dự

(= Participation)

Tiếng La tinh participatio nghĩa là tham dự, bởi partem capere nghĩa là chia sẻ, tham gia. Vì toàn bộ phụng vụ nhằm liên kết Hội Thánh với Thiên Chúa để cử hành Giao Ước được đóng ấn trong máu Ðức Giêsu (xc. Phụng vụ; Công trình Thiên Chúa), nên phụng vụ đòi hỏi sự tham dự tích cực của các tín hữu qua việc thực thi chức tư tế hoàng vương trong mối liên kết với chức tư tế thừa tác. Công đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh đến đòi hỏi này: "Mẹ Hội Thánh tha thiết ước mong toàn thể tín hữu được hướng dẫn tham dự các việc cử hành phụng vụ cách trọn vẹn, ý thức và linh động. Do chính bản tính phụng vụ đòi hỏi việc tham dự như thế; lại nữa, nhờ phép rửa tội, việc tham dự vào các cử hành phụng vụ trở thành quyền lợi và bổn phận của dân Kitô giáo, là dòng giống được lựa chọn, là tư tế hoàng vương, là chủng tộc thánh thiện, là dân được tuyển chọn" (1Pr 2,9; xc, 2,4-5) (PV số 14).

 

Thánh Ca

(= Cantique)

Trong các Giờ Kinh Phụng Vụ, các bài ca trích từ Kinh Thánh ngoài các thánh vịnh, được gọi là thánh ca. Các bài thánh ca Cựu Ước được đọc mỗi ngày trong giờ Kinh Sáng, chẳng hạn như thánh ca của ông Môsê (Ðnl 2,1-10), thánh ca Tôbia (Tb 13), và các bài thánh ca rút từ sách Isaia, Êzêkiel, Khôn ngoan.

Trong Kinh Sách phần thứ III của kinh Thần Vụ được các đan viện cử hành giờ canh thức hay kinh đêm, thì các bài thánh ca Cựu Ước được chỉ sẵn. Ngoài các bài ca Beneditus, Magnificat và Nunc dimittis, là những thánh ca Tin Mừng được hát mỗi ngày vào những lúc nhất định của các giờ Kinh Sáng, Kinh Chiều và Kinh Tối, còn có các bài thánh ca Tân Ước lấy từ sách Khải Huyền, thư Êphêsô, thư Philipphê, thư Côlôsê, thư 1 Timôthêu và thư 1 thánh Phêrô, được hát hằng ngày ở cuối phần thánh vịnh Kinh Chiều.

 

Thánh Giá

(= Croix)

Thập tự là dụng cụ hành hình Ðức Giêsu, sau trở thành biểu tượng của ơn Cứu Ðộ, một dấu chỉ hoàn hảo của Tình Yêu Thiên Chúa đối với chúng ta và Tình Yêu của Chúa Con Nhập Thể đối với Chúa Cha. Nghi thức tôn thờ thánh giá, trọng tâm của phụng vụ chiều thứ Sáu Tuần Thánh, cũng cho thấy ý nghĩa chiến thắng như được kể trong trình thuật Thương Khó của thánh Gioan: Ðức Kitô được nâng cao khỏi đất để lôi kéo mọi sự lên với Người. Toàn bộ phụng vụ dựa trên Mầu Nhiệm Thập Giá và Phục Sinh: vì thế, không lạ gì khi người ta thấy đâu đâu cũng có tượng Thánh Giá và dấu Thánh Giá trong các cử hành phụng vụ. Ðấy không phải là chủ trương của Hội Thánh nhằm đề cao đau khổ, nhưng là một cái nhìn có tính cách "vượt qua" một cái nhìn ngây ngất trước tính hiện thực của một tình yêu không ngừng cứu thoát chúng ta.

Thánh giá xuất hiện trên các tháp nhà thờ cũng như ở bên trên gian cung thánh. Dấu chứng tỏ rõ ràng các nhà thờ được thánh hiến là 12 hình Thánh Giá thánh hiến (xc. Thánh hiến); đối với bàn thờ được thánh hiến cũng vậy, trên đó cũng phải in rõ năm hình thánh giá. Trong các cuộc rước, Thánh Giá bao giờ cũng dẫn đầu. Y phục phụng vụ của linh mục cũng thường có hình thánh giá, đặc biệt là áo lễ. Các giám mục và đan viện phụ cũng mang Thánh Giá trên ngực.

Các cử điệu phụng vụ cũng ưu tiên cho dấu Thánh Giá. Dấu Thánh Giá dùng để mở đầu các cuộc cử hành. Khi đọc Tin Mừng, linh mục ghi dấu Thánh Giá trên sách Tin Mừng, rồi giáo dân cũng làm dấu Thánh Giá trên trán, trên miệng và trên ngực, có ý nói rằng Tin Mừng mà trung tâm là Thánh Giá và Phục Sinh, phải ảnh hưởng trên tư tưởng, lời nói và ý muốn của chúng ta. Trước khi truyền phép, linh mục làm dấu Thánh Giá trên bánh rồi trên rượu, ám chỉ rằng việc tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua một cách bí tích, gắn liên với mầu nhiệm Cứu Chuộc được thực hiện qua Thánh Giá. Tất cả những dấu thánh giá linh mục làm để thánh hiến hay chúc lành có cùng một ý nghĩa như vậy: phúc lành của Thiên Chúa gắn liền với việc Cứu Chuộc mà Thánh Giá là dấu chỉ thường hằng.

Vì thế, việc cử hành mầu nhiệm Thập Giá hòa nhập vào toàn thể phụng vụ. Tuy nhiên, việc cử hành ấy còn rõ ràng hơn vào Chúa Nhật Thương Khó, thứ Sáu Tuần Thánh, cũng như trong lễ Suy Tôn Thánh Giá ngày 14 tháng 9.

 

Thánh Kinh

(= Bible)

Giữa Thánh Kinh và phụng vụ có mối liên kết rất sâu xa: không phải ngẫu nhiên mà các bản văn phụng vụ chủ yếu được trích từ Kinh Thánh.

Trước hết, Thánh Kinh được khai sinh trong khung cảnh phụng vụ. Các truyền khẩu được phát triển và nhân các cuộc phụng tự nhằm phục vụ các cộng đoàn phượng tự. Thiên Chúa qui tụ dân Người để họ nghe Lời Người. Phụng vụ là đỉnh cao của lời ấy: trước khi thành văn, Lời ấy đã được loan báo, và một khi đã thành văn, Lời ấy chỉ gặp lại được trọn vẹn chiều kích của mình trong khung cảnh phụng vụ. Vì tất cả những lý do đó, phụng vụ vẫn là khung cảnh trọn vẹn để Kinh Thánh có thể được hiện thực.

Ngoài ra, cuốn Thánh Kinh mà chúng ta đang có trong tay là kết quả của sự hợp tác giữa Thiên Chúa, tác giả chân chính, và các tác giả được linh hứng. Vì thế, Kinh Thánh cho thấy một loại hình cộng tác hay hợp tác giữa Thiên Chúa và con người. Kinh Thánh cấu thành toàn bộ sinh hoạt của đức tin và đặc biệt là phụng vụ. Chẳng phải phụng vụ đã được định nghĩa như Công Trình Thiên Chúa, tức là tác động của Thiên Chúa đối với Dân Người, phối hợp với sự đáp ứng sống động của Dân được Thiên Chúa qui tụ lại đó sao?

Sau cùng, phụng vụ được soạn thảo chủ yếu từ các bản văn Kinh Thánh, đừng kể các bài đọc đúng nghĩa. Trong thánh lễ, mỗi người có thể nhận ra những gì mượn từ Kinh Thánh hay trực tiếp khởi hứng từ Kinh Thánh: ghi nhận ấy không có gì đáng ngạc nhiên. Sách lễ dường như được hình thành để chứa đựng Kinh Thánh, cùng với những lời đáp trả sống động của Hội Thánh. Sách lễ còn hơn cả Kinh Thánh, vì chính Thánh Kinh được đón nhận một cách sống động, là Thánh Kinh được cử hành, vừa bao gồm Lời của vị Hôn Phu, vừa bao gồm lời than thở đáp trả của vị Hôn Thê. Bởi đó, nếu phải chọn lựa giữa Kinh Thánh và Sách Lễ thì dứt khoát phải chọn Sách Lễ, vì Sách Lễ không chỉ chứa đựng những trang cốt yếu của Kinh Thánh, mà còn bao gồm cả cách thức đón nhận và hiểu Kinh Thánh. Ngay cả khi không tham dự thánh lễ được. sách Lễ cũng sẽ không để chúng ta phải một mình đối diện với Kinh Thánh: vì nhờ Sách Lễ, cùng với tất cả Hội Thánh, với tất cả truyền thống ngàn đời của Hội Thánh, ta sẽ khám phá ra ý định của Thiên Chúa để dấn bước theo thánh ý của Người.

Trong các Giờ Kinh Phụng Vụ, phần Kinh Thánh còn quan trọng hơn so với trong thánh lễ. Cốt lõi của Kinh Thần Vụ được cấu tạo do các thánh vịnh: thật là ý nghĩa khi chúng ta đáp lại lời Chúa bằng chính những lời của nhân loại được Thiên Chúa linh hứng. Một cách nào đó, phần sáng tác của Hội Thánh là một sự kéo dài một lời đáp trả được linh hứng qua Lời Thiên Chúa.

 

Thánh Lễ

(= Messe)

Tiếng La tinh missa nghĩa là hành động giải tán, gửi đi (động từ mittere: sai đi, gửi đi), cho nghỉ. Missa là hành động giải tán tín hữu khi kết thúc cử hành Thánh Thể. Công thức "ite, missa est" nghĩa là hãy đi, anh em được phép giải tán. Xưa kia, cuối phần cử hành Lời Chúa, những người dự tòng được cho về bằng một công thức giải tán (missa): vì chưa được thánh tẩy, nên họ không được tham dự vào Hiến Lễ Thánh Thể, và họ phải ra về sau bài giảng. Từ thế kỷ thứ VI, missa không những có nghĩa là giải tán, mà còn ám chỉ toàn bộ nghi lễ cử hành trước việc giải tán đó: vì vậy mà phụng vụ Lời Chúa trở thành một thứ "missa" (thánh lễ) đối với dự tòng. Tại Tây Phương, từ thế kỷ thứ VI, từ missa được dùng để chỉ phụng vụ Thánh Thể. Danh xưng nguyên thủy của cử hành thánh lễ là: "Bữa ăn của Chúa" (1Cr 11, 20.33); "Lễ Bẻ Bánh" (Cv 2,42-46; 20,7), "Lễ Tạ Ơn". Trong khi Tây Phương gọi là thánh lễ thì Ðông Phương lại dùng lại dùng danh từ "Phụng Vụ" (liturgia) để chỉ về cũng mặt thực tại.

Trong khi danh từ Tạ Ơn chủ yếu chỉ về mầu nhiệm được cử hành, với tất cả ý nghĩa sâu xa của nó, thì danh từ thánh lễ (missa) lại có nghĩa là toàn bộ các nghi thức mà người ta cử hành. Chỉ có một lễ Tạ Ơn, nhưng có nhiều cách cử hành thánh lễ, tùy theo hoàn cảnh không gian và thời gian, theo các nhóm phụng vụ: thánh lễ theo nghi thức Rôma, theo nghi thức Galliecan, theo nghi thức Amrôxiô theo nghi thức Ða Minh (xc. Các nhóm phụng vụ). Lễ Tạ Ơn không thể nào thay đổi được, vì mầu nhiệm đó do Thiên Chúa thiết lập, nhưng nghi thức thánh lễ hay cách thức cử hành thì có thể canh tân.

Các nghi thức chính yếu của thánh lễ Rôma hiện hành (nghi thức thánh lễ do Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI công bố) diễn tiến như sau: ca nhập lễ (xc. Ca nhập lễ), lời chào của chủ tế, sám hối, kinh thương xót, kinh Vinh Danh, lời nguyện, bài đọc 1 (Cựu Ước), đáp ca hay ca tiến cấp, bài đọc 2 (thường trích từ thư thánh Phaolô), Hallêluia, bài Tin Mừng, bài giảng, kinh Tin Kính, lời nguyện cộng đồng, chuẩn bị lễ vật, lời nguyện trên lễ vật, kinh Tạ Ơn, kinh Lạy Cha đi kèm với lời nguyện và nghi thức chúc bình an, bẻ bánh, hiệp lễ, lời nguyện sau hiệp lễ, phép lành và giải tán cộng đoàn. Thứ tự này thích hợp cho các thánh lễ Chúa Nhật, lễ trọng, lễ kính; trong các lễ nhớ và ngày thường, không có kinh Vinh Danh, kinh Tin Kính, và chỉ có một bài đọc (Cựu Ước hay Tân Ước) trước bài Tin Mừng (xc. Sách lễ; Lễ nhớ tự do).

 

Thánh Nhân

(= Saints)

Các ngày lễ kính các thánh trong năm phụng vụ làm thành chu kỳ kính các thánh. Các thánh được "tôn phong" là những vĩ đã được Hội Thánh dùng quyền và dựa trên những thủ tục pháp định, công bố rằng các vị ấy đã tham dự vào vinh quang Thiên Chúa; tuy vậy, không có nghĩa là số đông các vị khác không tham dự vào vinh quang đó (xc. Sổ bộ các thánh; Lễ Chư Thánh; Bìa xếp).

 

Thánh Tâm

(= Sacré - Coeur)

Lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu cử hành vào thứ Sáu sau Chúa Nhật thứ hai tính từ lễ Ngũ Tuần. Lễ này chú trọng đến biểu tượng tình yêu nhân loại của Ðức Kitô, dựa trên trình thuật của thánh Gioan về cạnh sườn bị đâm thâu: "Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Ðức Giêsu. Khi đến gần Ðức Giêsu và thấy Người đã tắt thở, họ không đánh giập ông chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người, tức  thì máu cùng nước chảy ra" (Ga 19,32-34). Ðối với các giáo phụ, nước và máu chảy từ Trái Tim rộng mở của Ðức Kitô. Thánh Gioan đã nói lên tầm quan trọng của sự việc này khi thêm: "Người xem thấy việc này đã làm chứng và lời chứng của người ấy xác thực, người đó biết mình nói sự thật để cho cả anh em cùng tin" (Ga 19,35). Lễ Thánh Tâm là một sự chiêm ngưỡng đầy tình yêu mến và có tính cách đền tạ Tình Yêu (xc. Dcr 12,10: "Họ sẽ ngước nhìn lên Ðấng họ đã đâm thâu", được trích lại trong Ga 19,37; xem thêm Ga 3,16; 13,1).

 

Thánh Tẩy (Bí Tích)

(= Baptême)

Tiếng Hy Lạp baptisma là việc được nhận xuống, hay dìm xuống. Trước hết, thánh tẩy có liên hệ với nhu cầu tự nhiên là tắm rửa: súc vật - thậm chí chim chóc - cũng có nhu cầu đó. Tôn giáo nào cũng luôn luôn có một nghi thức thanh tẩy hoặc tẩy rửa. Với phép rửa của ông Gioan Tẩy Giả, nghi thức này mang một ý nghĩa nặng về luân lý hơn là về nghi tiết: "Người Do Thái được ông làm phép rửa trong dòng sông Giođan, khi họ xưng thú tội lỗi của mình" (Mt 6). Ðể đạt hiệu quả đầy đủ, thánh tẩy phải là một việc của Thiên Chúa, của Ðức Kitô và của Chúa Thánh Thần (xc. Mt 3,11).

Thật vậy, Ðức Giêsu, Chiên đích thực của Thiên Chúa, đã đến để hoàn tất thánh ý Chúa Cha khi Người mang lấy các tội lỗi của thế gian (Ga 1,29). Với trọng trách đó, Người để cho mình bị nhận chìm trong vực sâu của sự dữ và đau khổ. Về việc này, Người thổ lộ với các môn đệ: "Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc ấy hoàn tất!" (Lc 12,50). Qua cái chết cứu chuộc, Ðức Giêsu đã đi xuống tận âm phủ, để rồi đưa lên khỏi mặt nước tất cả những người chấp nhận để mình được cứu và đưa họ đến tận bến bờ của đời sống vĩnh cửu. Người hy sinh mạng sống chính là để lấy lại, hầu cho cái chết bị nhận chìm trong chiến thắng và để tất cả các bạn hữu của người được hưởng sự sống viên mãn (xc. Ga 10,17; 1Cr 15,54).

Muốn được tham dự vào sự sống của Ðức Kitô phục sinh, các tín hữu phải đi vào mầu nhiệm Vượt Qua nhờ thánh tẩy: "Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới" (Rm 6,4). Tất cả những cái chết nho nhỏ hoặc những thử thánh hằng ngày, chuẩn bị cho giờ chết của chúng ta, đều phải được liên kết với hiến tế của Ðức Kitô để có thể góp phần mang lại ơn cứu chuộc: như thế chúng ta đã được dìm trong cái chết của Người. Nhưng sự sống của Người đã hoạt động trong chúng ta: khi đã chịu Thánh Tẩy nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Mt 28,19), chúng ta đã được "dìm" trong đời sống của Chúa Ba Ngôi, đã được uống Thánh Thần (1Cr 12,13), trong khi chờ đợi được dìm vào trong Vinh Quang.

Bí tích Thánh Tẩy làm cho chúng ta nên những người "đã được tái sinh" vào trong sự sống của Thiên Chúa: đối với những người có thể được cứu độ (Ga 3,5; Mc 16,16); đối với những người khác, đời sống ngay chính, xả kỷ hy sinh, và ngay cả việc dâng hiến sự sống vào giây phút lìa đời - hoặc chỉ nguyên sự kiện chết như Ðức Kitô đã chết", trong trường hợp các em nhỏ chết mà chưa được thánh tẩy (xc. Rm 6,5) - đều là những danh nghĩa để đáng được hưởng một sự bổ khuyết nào đó, bởi vì theo một ngạn ngữ thần học. Thiên Chúa không bị ràng buộc với các bí tích. Như vậy, bình thường Thánh Tẩy cần thiết để được ơn cứu độ; Thánh Tẩy là "cửa ngõ dẫn vào các bí tích khác", tức là diều kiện để được chịu các bí tích khác; người ta không thể chịu phép Thêm Sức hoặc rước lễ nếu người ta chưa chịu Thánh Tẩy; để được nuôi dưỡng hoặc để đạt tới tầm vóc của người trưởng thành, cần phải sinh ra đời trước đã. Thánh Tẩy tái sinh khi ban mầm sự sống của Thiên Chúa; sau đó, phải để cho mầm sống ấy lớn lên bằng cách thực hành đời sống Kitô giáo, nhất là bằng việc thực hành đời sống phụng vụ và bí tích. Theo thánh Tôma, chức năng của "ấn tích" chúng ta được khi chịu Thánh Tẩy là làm cho chúng ta có đủ tư cách để thi hành việc thờ phượng. Sinh ra từ phụng vụ Thánh Tẩy, người Kitô hữu không muốn thành một thai nhi chết yểu, sẽ tìm được niềm vui và sức mạnh trong những việc cử hành phụng vụ.

Trong trường hợp cần thiết khẩn cấp (xc. Thánh Tẩy vắn tắt), ai cũng có thể cử hành Thánh Tẩy cho người khác, thậm chí người đó không cần phải là người đã được rửa tội; chỉ cần người đó muốn làm điều Hội Thánh làm. Khi đổ nước trên trán hoặc trên một phần thân thể của người xin Thánh Tẩy, người cử hành phải đọc: "Tôi rửa anh (chị, em), nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần". Thánh Tẩy bằng cách dìm tự nó có ý nghĩa nhất và cũng có tính cách nguyên thủy nhất; nhưng vì những lý do thực hành, nghi thức đổ nước là thông dụng nhất, và cũng thích hợp hơn đối với các trẻ nhỏ (xc. Mở ra; Trừ tà; Dầu; Ðặt tay).

 

Thánh Tẩy (Gian Nhà)

(= Baptistère)

Nơi dành để cử hành bí tích Thánh Tẩy, hoặc ở bên trong thánh đường hoặc trong một nhà bên cạnh, được dự liệu để cử hành nghi thức này (xc. Giếng Thánh Tẩy).

 

Thánh Tẩy Vắn Tắt

(= Ondoiement)

Phép rửa vắn tắt là nghi thức rửa tội đơn giản trong trường hợp nguy tử, cốt yếu là đổ nước trên đầu người muốn chịu thánh tẩy, đang khi đó thì đọc công thức rửa tội: "Tôi rửa anh (chị, em), nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (xc. Tẩy rửa; Rảy nước; Thánh Tẩy; Ðổ nước).

 

Thánh! Thánh! Thánh! (Kinh)

(= Sanctus)

Tiếng La tinh santus nghĩa là thánh. Kinh Thánh! Thánh! Thánh! là ba lần kêu cầu Thiên Chúa chí thánh, trở thành bài ca truyền thống liền sau bài Tiền Tụng của Kinh Tạ Ơn. Lời tung hô Thiên Chúa ba lần thánh lấy lại thị kiến khai mào của ngôn sứ Isaia, vị ngôn sứ đã nghe các thiên thần Xêraphim xướng đáp: "Thánh! Thánh! Thánh! Ðức Chúa các đạo binh, khắp cõi đất đầy tràn vinh quang Người" (Is 6,3). Tiếp theo là: "Hoan hô Chúa trên các tầng trời. Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô Chúa trên các tầng trời". Ðấy là lời tung hô của người Do thái ở Giêrusalem, khi Ðức Giêsu, Ðấng Mêsia, tiến vào Thành thánh vào ngày Lễ Lá (xc. Mt 21,9 và những chỗ song song). Về căn bản, công thức này mượn trong các câu 25 và 26 thánh vịnh 117, một thánh vịnh tiên báo việc Ðấng Mêsia sẽ đến trong vinh quang (xc. Ðạo thiên binh).

 

Thánh Thể (Bí Tích)

(= Saint Sacrement)

Thánh Thể được gọi là Bí Tích Thánh vì đó là bí tích tuyệt vời, trong đó chính tác giả của ân sủng hiện diện thực sự (xc. Thánh Thể; Bí tích). Khung cảnh tự nhiên và nguyên thủy của việc tôn thờ Thánh Thể là việc cử hành thánh lễ, bí tích hy tế trên đồi Canvê; các tín hữu tham dự vào đó bằng việc hiệp lòng hiệp ý và rước lễ. Thánh lễ chiều thứ Năm Tuần Thánh và lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô (xc. Mình Máu Thánh Chúa), đặc biệt dành để kính Thánh Thể.

Mặc dầu thánh lễ là hành vi qui chiếu của phụng vụ Thánh Thể, việc tôn thờ Thánh Thể ngoài thánh lễ đặc biệt hướng về sự hiện diện thực sự của Chúa dưới hình bánh, được thực hiện nhờ mầu nhiệm biến thể. Ðịa vị ưu việt của thánh lễ vẫn phải được duy trì, nhưng việc tôn thờ Thánh Thể ngoài thánh lễ vẫn là điều chính đáng, được thể hiện bằng nhiều cách.

Thánh Thể được cất giữ trong nhà tạm, với thái độ tôn kính Chúa đang hiện diện thực sự, để lúc nào cũng có thể cho rước lễ ngoài thánh lễ, nhất là cho những người bệnh và hấp hối (xc. Của ăn đàng); đã có những nghi thức dự liệu cho việc đó. Các tín hữu cũng có thể đến cầu nguyện một cách riêng tư hơn trước sự hiện diện của Chúa Kitô, như Hội Thánh vẫn hằng khuyến khích.

Ngoài ra, Thánh Thể còn là đối tượng được tôn thờ cách riêng khi chầu Thánh Thể: gồm việc trưng bày, thờ lạy và ban phép lành (xc. Thánh Thể). Trong Chúa hay nhân dịp các cuộc hành hương quan trọng, có thể sắp xếp một cuộc rước kiệu Mình Thánh. Ðại hội Thánh Thể là một cuộc biểu dương Ðức Tin một cách đặc biệt đối với Bí Tích Thánh.

 

Thánh Thể (Chầu)

(= Salut)

Chầu Thánh Thể là một nghi thức á phụng vụ (xc. Á phụng vụ) trong việc tôn thờ Thánh Thể. Thánh Thể đặt trong Mặt Nhật hoặc trong bình thánh được trưng bày cho mọi người thờ lạy. Kế đó là một thời gian dài hoặc ngắn dành cho các bài hát, bài đọc hay một khoảng thời gian thinh lặng thích hợp... Cũng có thể cử hành một giờ kinh trước Thánh Thể được trưng bày. Cuối phần thờ lạy, vị linh mục hay nếu không có linh mục thì phó tế sẽ xông hương trước Thánh Thể nếu như Thánh Thể được đặt trong Mặt Nhật, đang khi đó hát một bài kính Thánh Thể. Tiếp theo, vị chủ sự đọc một lời nguyện, rồi khoác khăn choàng và ban phép lành Thánh Thể, tức là cầm Mặt Nhật hay bình thánh vẽ hình thánh giá trên tín hữu. Sau đó, chủ sự cất Mình Thánh vào nhà tạm (xc. Hộp đựng Mình Thánh; Mặt Nhật).

 

Thánh Thể (Mình Thánh)

(= Présanctifiés)

Ðôi khi người ta gọi việc cử hành phụng vụ vào chiều thứ Sáu Tuần Thánh là "thánh lễ với Thánh Thể đã truyền phép sẵn". Thực vậy, buổi cử hành này vẫn giữ nguyên cơ cấu của thánh lễ, nhưng vào ngày Ðức Kitô chịu chết, Hội Thánh không cử hành hy lễ Thánh Thể; trong phần hiệp lễ ở cuối nghi thức phụng vụ này, người ta dùng Mình Máu Thánh đã truyền phép từ ngày hôm trước, tức chiều thứ Năm Tuần Thánh.

 

Thánh Thể (Thiết Lập)

(= Institution)

Trình thuật việc thiết lập bí tích Thánh Thể làm nên khung cảnh thiết yếu cho những lời hiến thánh (truyền phép). Có lẽ, về phương diện thời gian, bản văn đầu tiên tường thuật về việc thiết lập bí tích Thánh Thể là thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côrintô (1Cr 11,23-26). Thánh Tông Ðồ đã chuyển đạt một truyền thống mà chính người tiếp nhận từ môi trường Antiôkia vào khoảng năm 40-45, đó là truyền thống cử hành phụng vụ tưởng niệm bí tích Thánh Thể. Ba Tin Mừng Nhất Lãm không thể không liên hệ tới những tập tục của Hội Thánh tại những cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi (Mt 26,26-28; Mc 14,22-24; Lc 19-20). Các Kinh Tạ Ơn (Kinh Nguyện Thánh Thể) không nhất thiết lấy nguyên văn một trong bốn bản văn Tin Mừng tường thuật việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Ngay cả những lời hiến thánh cũng vậy. Tuy nhiên, sách lễ Rôma dưới triều đức Phaolô VI đã qui định rằng dù sử dụng Lễ Qui nào đi nữa, công thức hiến thánh vẫn không thay đổi. Còn bản văn tường thuật việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể có những khác biệt nho nhỏ tùy theo mỗi kinh Tạ Ơn.

Từ institutio cũng được dùng để chỉ nghi thức phụng vụ trao ban các tác vụ đọc sách và giúp lễ. Việc trao ban này được thực hiện trong thánh lễ, sau bài Tin Mừng và đó không phải là việc truyền chức.

 

Thánh Thi

(= Humne)

Ðộng từ Hy Lạp humnéin nghĩa là hát, tán dương, công bố. Như vậy, humnos là một bài ca tán dương các thần linh, các anh hùng hay thiên nhiên. Trong phụng vụ Kitô giáo, thánh thi là những bài ca do Hội Thánh biên soạn, theo thể thơ hoặc có âm vận, dùng để hát. Các thánh thi đều tán tụng Thiên Chúa, Ðức Kitô, Ðức Mẹ hay các thánh. Các thánh thi khác với thánh vịnh và thánh ca Kinh Thánh. Vì là một thể loại in đậm dấu ấn của nguồn cảm hứng và khuynh hướng thuộc nhiều thời đại khác nhau, các thánh thi thường vay mượn tiết tấu bình dân, hay ngược lại, được chuyển hóa sang lãnh vực đời thường. Các thánh thi thường được xếp vào đầu các Giờ Kinh Phụng Vụ, nên chúng mang lại cho mỗi giờ kinh một âm sắc đặc biệt, cả trong chu kỳ hằng ngày cũng như trong chu kỳ cả năm.

 

Thánh Thư

(= Epitre)

Từ epistolè trong tiếng Hy Lạp gợi lên việc gởi một sứ điệp do một người phu trạm chuyển đi. Thánh thư là thư gửi cho một hay nhiều người. Trong các bản văn Tân Ước, có rất nhiều thư: nhiều nhất là thư của thánh Phaolô - kể luôn cả thư gửi tín hữu Do Thái, thư của thánh Giacôbê, các thư của thánh Phêrô, thánh Gioan và thánh Giuđa. Vì thời xưa, bài đọc 1 trong thánh lễ thường trích từ các thư này, nên người ta đã dùng cụm từ "bài thánh thư"để chỉ bài đọc này. Ngày nay thì không còn đúng lắm, vì bài đọc 1 thường trích từ các sách Cựu Ước hơn là từ các thư.

 

Thánh Vịnh / Ca Vịnh

(= Psaume)

Từ ngữ Hy Lạp psalmos (do động từ psalléin) là hành động chạm vào một sợi dây để làm cho nó rung lên. Thoạt tiên, từ ngữ này có nghĩa là việc sử dụng các nhạc khí bằng dây, rồi đến các điệu nhạc được diễn tấu, sau cùng là các bản nhạc được hát có đệm nhạc khí. Trong Kinh Thánh, vua Ðavít là một tay đàn xita (cithare) điêu luyện (1S 16,16-23), ông có khả năng sáng tác những bài thơ đúng nghĩa (2S 1,17-27). Vì thế, ông trở thành người khai sáng loại thơ tôn giáo được hát có đệm đàn, tức là các bài thánh vịnh (xc. 1Sk 16,4-36). Cuốn sách 150 thánh vịnh được coi là của Ðavít, mặc dù chỉ có phân nửa là mang tên ông trong tựa đề. Ðúng ra, đây là vinh dự được qui tặng cho một nghệ sĩ thiên tài trong lãnh vực tôn giáo hơn là khẳng định tư cách tác giả thực sự của ông.

Dù đã được sáng tác ở Israel khoảng giữa thế kỷ X đến thế kỷ V trước Công Nguyên, tại sao 150 thánh vịnh vẫn là những kinh nguyện và những lời "chúc tụng" tuyệt vời nhất? Bởi vì những bài ca này chất chứa sự rung cảm của trọn vẹn con người để rồi trở thành những bài ca dâng lên Thiên Chúa tâm tình thờ lạy, sự mãn nguyện và sự bình an, kể cả thói ghen ghét mà nó muốn loại trừ, nỗi xao xuyến và sự sợ hãi, cả tâm trạng rã rời lẫn niềm hy vọng, những ước muốn và chờ mong trong niềm tín thác mới hồi sinh. Tất cả các tác giả thánh vịnh quả thực đã lặp lại dưới nhiều hình thức khác nhau lời nhắn nhủ này: "Hãy trút nhẹ gánh nặng ngươi vào tay Chúa, Người sẽ đỡ đần cho, chẳng bao giờ để chính nhân nghiêng ngửa" (Tv 54,23).

Không có cái gì của con người lại xa lạ đối với Thiên Chúa. Ðức Giêsu, Thiên Chúa làm người, đã nhận lấy cho đủ phần mình lại còn gánh thay chúng ta, mọi nỗi niềm trào lên từ một trái tim tan vỡ (Tv 50, 19), và theo gương Người, Hội Thánh cũng không ngừng nhận lấy tất cả những nỗi niềm đó làm của mình. Việc đọc thánh vịnh hay hát thánh vịnh làm nên phần chính yếu của các Giờ Kinh Phụng Vụ và hầu như trọn vẹn bộ thánh vịnh được đọc hết trong một chu kỳ bốn tuần lễ (các dòng tu chiêm niệm đọc hết bộ thánh vịnh trong khoảng thời gian một hay hai tuần).

Ða số các bài hát trong thánh lễ thường lấy từ thánh vịnh (xc. Ca tiến cấp), giữa bài đọc 1 và bài đọc 2 có một thánh vịnh (ngày thường thì giữa bài đọc và Tin Mừng). Khi cử hành các bí tích hay các phụ tích, hầu như luôn có cả bài hay một vài câu thánh vịnh. Thực sự, Hội Thánh rất cần những bài ca này để giúp Hội Thánh tiến bước trên hành trình gặp gỡ Thiên Chúa, và được thêm sức mạnh trong cuộc chiến chống các mãnh lực của sự dữ.

 

Thánh Vịnh (Hát hoặc Ðọc)

(= Psalmodie)

Từ ngữ Hy Lạp psalmôdia nghĩa là việc hát thánh vịnh (Psalmos: thánh vịnh; và ôdè: hát). Việc hát hay đọc thánh vịnh là phần chính yếu của các Giờ Kinh Phụng Vụ, trong phần lớn các cử hành phụng vụ đều có hát hoặc đọc thánh vịnh.

Có nhiều cách hát hay đọc thánh vịnh. Tất cả cộng đoàn hát chung thánh vịnh hay lắng nghe một người hát, hoặc hai bên cung nguyện đối đáp nhau từng câu hay một số câu trong thánh vịnh, hoặc sau khi một ca viên hát, cộng đoàn kết thúc bằng một điệp ca (xc. Thánh vịnh; Sách; Ðiệp ca).

 

Thánh Vịnh (Sách)

(= Psautier)

Từ ngữ Hy lạp Psaltèrion và từ ngữ La tinh Psalterion, lúc đầu chỉ một nhạc khí có dây để gẩy. Về sau từ này được dùng để chỉ bộ sưu tập các bài thơ tôn giáo được hát có đệm đàn dây. Nguyên thủy các thánh vịnh chia thành năm cuốn tượng trưng cho bộ Ngũ Kinh (Sáng thế, Xuất hành, Lêvi, Dân số, Ðệ nhị luật), sau được gom chung lại thành một toàn tập gồm 150 thánh vịnh; chắc hẳn sự kiện đó đã ảnh hưởng đến việc chọn con số 150 kinh Kính Mừng trong chuỗi Mân Côi, được gọi là Sách Thánh Vịnh của người nghèo.

Sách thánh vịnh là cuốn sách dùng phụng vụ gồm những bài thánh vịnh. Cần ghi nhận việc đánh số các thánh vịnh theo truyền thống phụng vụ - như được sử dụng trong Tự Ðiển này - là kiểu đánh số của Bản Phổ Thông, khác với bản Hípri.

 

Thăm Viếng (Lễ)

(= Visitation)

Là lễ kính Ðức Mẹ, được ấn định vào ngày 31 tháng 5 để kết thúc "tháng kính Ðức Mẹ". Lễ này kỷ niệm việc Ðức Maria đến thăm viếng bà chị họ Êlizabét ít lâu sau biến cố Truyền Tin, như thánh Luca kể lại (1,39-56). Ðược Thánh Thần soi sáng, bà Êlizabét nhận ra rằng Ðức Maria là "Mẹ Thiên Chúa"; còn thánh Gioan Tẩy Giả thì nhảy mừng trong lòng mẹ, khi được Ðấng mà Ðức Mẹ mang trong lòng, đến viếng thăm. Trong dịp này Ðức Maria đã xướng lên bài Magnificat.

 

Thăng Thiên (Lễ)

(= Ascension)

Ascensio trong tiếng La tinh có nghĩa là việc đi lên do động từ ascendre (ad-scandere) đi lên. Lễ Chúa Thăng Thiên là lễ trọng, cử hành 40 ngày sau lễ Phục Sinh.

Kể từ biến cố Phục Sinh, nhân tính của Ðức Giêsu hoàn toàn được mặc lấy vinh quang của Chúa Cha. Nhưng Ðức Kitô vinh hiển còn "lưu lại" với các môn đệ để củng cố niềm tin của họ qua những lần hiện ra với họ. Thời gian 40 ngày (Cv 1,3) trong đó Ðức Giêsu còn lưu lại ở trần gian, gắn liền với ý nghĩa biểu tượng của con số 40, đó là khoảng thời gian thích hợp để có được những kinh nghiệm lớn lao về Thiên Chúa (xc. Xh 24,18; 1V 19,8; Mt 4,2). Cuối thời gian đó, Ðức Giêsu "lên trời" để ở với Chúa Cha luôn mãi, lên ngự bên hữu Thiên Chúa. Ðây không là một sự kiện thứ yếu trong niềm tin Kitô giáo, nhưng là một tín điều trong Kinh Tin Kính, nói lên thần tính của Ðức Kitô, như các lời tuyên tín tiên khởi đã khẳng định (Cv 2,33; 7,55-56; Tv 109,1; Mt 22,44; 26,64; Mc 16,19; Rm 8,34; 1Cr 15,25; Ep 1,20; Cl 3,1; Dt 1,3.13; 8,1; 10,12; 12,2; 1Pr 3,22).

Mầu nhiệm Thăng Thiên chính là bước khai mào của việc tất cả các Kitô hữu được tiến vào trong vinh quang. Còn về nhân tính của Ðức Kitô, việc hội nhập của nhân tính đó vào đời sống Ba Ngôi, từ nay đã trọn vẹn, điều này đem lại niềm hân hoan sâu đậm cho các bạn hữu của Người, đồng thời bảo đảm rằng mai này họ cũng sẽ được tôn vinh. Thật vậy, chúng ta là những chi thể trong Thân Mình Người, thế nên sự sống của Ðầu cũng là của chúng ta. Qua Thánh Thần, phụng vụ không ngừng chuyển thông cho chúng ta sức sống của Thủ lãnh. Chúng ta hiện vẫn còn lưu ngụ bên dưới các tầng mây, còn phải chịu nhiều phong ba bão tố, nhưng "quê hương chúng ta đã được thiết lập ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Ðức Giêsu Kitô sẽ đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người" (Pl 3,20-21). Vì cho chúng ta được tiếp nhận Ðức Kitô vinh quang và làm cho chúng ta nên một với Người, nên việc hiệp lễ là một sự hưởng nếm trước "nơi cư ngụ" của chúng ta trong lòng Thiên Chúa, bên Chúa Con.

 

Thần Bí

(= Mystique)

Từ ngữ Hy lạp musticos có nghĩa là liên hệ tới các mầu nhiệm. Khoa thần bí chân chính, tức là việc dẫn vào đời sống Thiên Chúa một cách đích thực, phải ăn rễ nơi việc cử hành các mầu nhiệm Phụng Vụ (xc. Mầu nhiệm), Phụng Vụ cũng là bảo đảm tuyệt hảo để tránh được các ảo tưởng chủ quan.

 

Thần Vụ

(= Office)

Tiếng La tinh officium nghĩa là việc phục vụ, tác vụ hoặc bổn phận phải thi hành. Từ này xuất phát từ opificium chỉ công việc người ta thực hiện (opus-facio). Tác vụ là công trình hoặc công việc phục vụ mà Hội Thánh dâng lên Thiên Chúa một cách công khai và theo những cấu trúc đã được qui định. Do vậy mà ta có từ: "Thần Vụ". Mọi nghi lễ phụng vụ đều được gọi là Thần Vụ (Office), kể cả thánh lễ; nhưng đôi khi người ta dùng từ này để chỉ riêng về việc cử hành các Giờ Kinh Phụng Vụ mà trước đây vẫn gọi là Kinh Thần Vụ.

 

Thêm Sức (Bí Tích)

(= Confirmation)

Cũng như lễ Ngũ Tuần hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua được Ðức Kitô gọi là "phép rửa" của Người (Lc 12,50), bí tích Thêm Sức hoàn thiện và cũng cố hiệu quả của bí tích Thánh Tẩy, bằng cách làm cho người đã lãnh bí tích Thánh Tẩy nên đồng hình đồng dạng hơn với Ðức Kitô (xc. Ấn Tích).

Toàn bộ công trình thánh hóa được đặc biệt liên kết với Chúa Thánh Thần. Như thế, Người là nguyên ủy của việc tái sinh trong bí tích Thánh Tẩy (xc. Ga 1,33), nhưng lúc đó thụ nhân Thánh Tẩy mới chỉ nhận lãnh mầm sống thiêng liêng, và cùng với ơn thánh họ phải làm triển nở mầm sống đó. Bởi vậy, cần có một bí tích làm cho ơn Chúa Thánh Thần được phát huy đầy đủ, bí tích này được sách Tông Ðồ công vụ tách biệt khỏi bí tích Thánh Tẩy: thánh Phêrô và Gioan đến với dân Xamari và hai ông cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Thánh Thần. Thánh Thần chưa ngự xuống người nào trong họ, họ chỉ mới chịu Thánh Tẩy nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ hai ông đặt tay trên họ và họ nhận được Thánh Thần (8,15-17; xc. 19,4-6).

Nghi lễ Thêm Sức gồm trước tiên là việc đặt tay trên tất cả các thụ nhân trong khi đọc lời khẩn cầu Chúa Cha ban Thánh Thần với bảy ơn, rồi xức dầu thánh trên trán từng người. Công thức xác định ý nghĩa của việc xức dầu này: Con hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần. Thụ nhân thưa: Amen.

Thông thường, tác viên bí tích Thêm Sức là đức giám mục, vì người đã được lãnh nhận đầy đủ Chúa Thánh Thần khi thụ phong giám mục, nhưng người có thể cử một hay nhiều linh mục để cử hành bí tích Thêm Sức thay. Cũng thế, khi ban bí tích Thêm Sức cho một số đông người, đức giám mục có thể cho các linh mục cùng ban bí tích Thêm Sức; cùng với giám mục, các vị này đặt tay đọc lời khẩn cầu Chúa và tham gia xức dầu cho từng thụ nhân.

Khi cử hành Thánh Tẩy cho người trưởng thành, nên ban bí tích Thêm Sức ngay sau bí tích Thánh Tẩy. Trong trường hợp này, bỏ phần xức dầu thánh sau khi đổ nước, để làm nổi bật việc xức dầu trong bí tích Thêm Sức. Các linh mục Thánh Tẩy cho người trưởng thành cũng được ban bí tích Thêm Sức ngay sau khi cử hành Thánh Tẩy. Nhờ đó, tái lập những nghi thức cổ xưa trong việc khai tâm Kitô giáo. Vào đêm phục sinh, các tân tòng được lãnh nhận các ơn bổ túc nhau của các bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể.

 

Thiên Thần

(= Ange)

Tiếng Hy Lạp aggelos có nghĩa là người được sai đi, sứ giả; phát xuất từ động từ aggelein có nghĩa là loan báo.

Các thiên thần là những hữu thể thiêng liêng được gọi tham dự đời sống của Thiên Chúa, sống vây quanh Người và cũng được gọi là con cái Thiên Chúa (Tv 28,1; 88,7; Gc 6; 2,1). Do cuộc sống của các thiên thần chủ yếu là để chúc tụng sự thánh thiện của Thiên Chúa (Is 6,3), các vị cũng lãnh nhận nhiệm vụ làm người phát ngôn về ý định của Chúa và là những đấng bảo vệ con người, có trách nhiệm chuyển lời cầu nguyện của con người lên trước nhan Chúa hiển vinh (xc. Tv 102,20; Tb 3,16; 12,6-15; Kh 8,3-4). Như vậy, các thiên thần cũng thực hiện một vai trò trung gian nào đó, như thị kiến chiếc thang ông Giacóp (St 28,12) đã gợi lên.

Tuy nhiên, vai trò trung gian của các thiên thần lệ thuộc hoàn toàn vào vai trò trung gian của Chúa Kitô (xc. Dt 1,4.5.14; 2,5-10; Gl 33,19; Ga 1,51). Những khoảnh khắc trong cuộc đời Chúa Giêsu dẫn đến việc tham dự của các thiên thần: từ việc Truyền Tin (Lc 1,26-38) rồi sinh ra (Lc 2,9-15), lúc chịu cám dỗ trong sa mạc (Mc 1,13) cũng như lúc hấp hối ở vườn Cây Dầu (Lc 22,43), cho tới khi phục sinh (Ga 20,12) và lên trời (Cv 1,10).

Việc cử hành phụng vụ đưa chúng ta vào trong sự sống của cộng đồng Chúa Cha và Chúa Con (xc. 1Ga 1,3) cùng cho chúng ta tham dự vào đời sống của các thiên thần và đấy sẽ hoàn toàn là đời sống của chúng ta trong thế giới mai sau (Lc 1,35-36); các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời (Mt 18,10). Phụng vụ ở đời này, theo sách Khải Huyền, là tham dự vào phụng vụ trên trời, ở đấy, các người được chọn, cùng với các thiên thần, hát bài ca mới, bài ca về Con Chiên (Kh 5,9-14; 15,2-4). Khi dẫn nhập vào kinh Thánh, Thánh, Thánh (xc. Kh 4,8), các bài Tiền Tụng của Kinh Tạ Ơn mời gọi chúng ta đồng thanh với các thiên thần: "Cùng với các thiên thần, chúng con đồng thanh chúc tụng rằng: Thánh, Thánh, Thánh..." Như vậy, chúng ta tiến tới gần "núi Xion, tới Thành Ðô Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, với con số muôn ngàn thiên sứ. Anh em đã tới tham dự hội vui, dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ được ghi tên trên trời. Anh em đã tới gần Thiên Chúa, Ðấng xét xử mọi người, đến với linh hồn những người công chính đã được nên hoàn thiện" (Dt 12,22-23).

Ngày lễ 29 tháng 9, ngoài các tổng lãnh thiên thần Micae, Gabriel và Raphael, còn mục đích tôn vinh được dành để mừng kính tất cả các thiên thần. Ngày 2 tháng 10 là lễ nhớ buộc, tôn kính các thiên thần bản mệnh.

 

Thinh Lặng

(= Silence)

Thinh lặng làm nên thành phần toàn diện của phụng vụ, vì đó là giây phút hồi tâm suy niệm; thinh lặng tạo nên mối liên hệ sâu sắc giữa lời cầu nguyện chung của Hội Thánh và lời cầu nguyện riêng của mỗi phần tử trong cộng đoàn. Trong thánh lễ, thinh lặng được chỉ định rõ sau bài giảng và sau hiệp lễ. Trong các Giờ Kinh Phụng Vụ, tùy nghi giữ thinh lặng sau các bài đọc dài hoặc ngắn và trước những lời nguyện kết thúc. Tuy nhiên, phải tránh giữ thinh lặng quá lâu  làm mất sự cân xứng trong các cuộc cử hành.

 

Thờ Lạy

(= Adoration)

Nguyên thủy từ adoratio là thờ lạy, lời xin (oratio), ngỏ với (ad) một người đối thoại. Cử chỉ tôn thờ như thế nhấn mạnh chiều kích tương quan. Ngay cả trước khi diễn tả thái độ kính tôn hay cầu xin, thờ lạy là cử chỉ đặt bàn tay lên miệng (ad os) để gửi một cái hôn tới một người nào đó, hoặc nâng tà áo của người mình tôn kính lên miệng để hôn, hoặc hơn nữa, hôn đất để tỏ dấu kính phục. Trong các thế kỷ đầu của Kitô giáo, người ta làm những cử chỉ này để tôn kính hoàng đế và tượng hoàng đế. Các Kitô hữu thì dành những dấu hiệu này để tôn vinh Thiên Chúa và Ðức Kitô; Một tấm biểu Palatin cho thấy có một ông Alexamenos nào đó dâng kính một cái hôn lên Ðức Kitô được vẽ như đầu con lừa buộc vào thập giá. Câu chú thích ở dưới có nghĩa "Alexamenos thờ lạy Thiên Chúa của mình".

Không kể việc linh mục hôn bàn thờ và thầy phó tế hôn sách Tin Mừng sau khi công bố - dấu chỉ lòng kính tôn đối với Thiên Chúa và đối với Lời Người - phụng vụ Rôma còn đề cao viêc tôn thờ thánh giá, trung tâm của buổi cử hành phụng vụ chiều thứ Sáu Tuần Thánh. Trong buổi phụng vụ long trọng của ngày này, người ta tiến đến hôn thánh giá sau khi đã bái gối ba lần: đó là thái độ tôn kính đối với một vị vua, hướng theo tư tưởng của thánh Gioan trong trình thuật Thương Khó. Ngày 14 tháng 9 cũng có thể tôn thờ Thánh Giá bằng việc hôn kính.

Hiểu theo nghĩa rộng hơn, tôn thờ là hành vi nhắm đến việc phụng tự dành cho một mình Thiên Chúa (xc. Tôn Thờ). Thông thường hơn cả, phải kể Thánh Thể là đối tượng được tôn thờ bằng việc bái gối hay quỳ gối.

 

Thú Nhận

(= Confession)

Trong tiếng La tinh confessio nghĩa là thú nhận, xưng thú. Ðây là một trong những hành vi của hối nhân khi lãnh bí tích Giải Tội. Ðộng từ La tinh confiteor còn có nghĩa là làm cho biết, công bố, biểu lộ. Công bố hoặc tuyên xưng đức tin, tức làm chứng một cách công khai. Các thánh tử đạo là những người tuyên xưng một cách hoàn hảo nhất và người ta tôn kính các vị một cách đặc biệt nơi các vị đã tuyên xưng tức là chịu tử đạo (xc. Màn che bàn thờ).

 

Thứ Bảy Tuần Thánh

(= Samedi Saint)

Trong Tam Nhật Vượt Qua, suốt ngày thứ Bảy Tuần Thánh, không có cử hành phụng vụ đặc biệt nào, người ta chỉ cử hành các Giờ Kinh Phụng Vụ. Ðây không chỉ là một ngày dành cho việc chuẩn bị lễ Phục Sinh, nhưng còn dành riêng cho sự thinh lặng và trầm tư. Hội Thánh sống ngày Sabát trọng thể này bên cạnh Ðức Maria, cùng Người suy ngắm các đau khổ, cái chết và việc mai táng của Chúa Kitô, trong niềm hy vọng và tin tưởng.

Hội Thánh cũng dừng lại chiêm ngắm mầu nhiệm Ðức Kitô xuống âm phủ, đây là một điều khoản trong Kinh Tin Kính: linh hồn Ðức Giêsu tạm thời lìa thân xác và đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm (1Pr 3,19), nghĩa là linh hồn Người muốn biết hoàn cảnh của các linh hồn còn bị cầm giữ trong nơi âm phủ, và nhất là Người muốn mang cho họ Tin Mừng giải thoát, nhờ hy tế Canvê và sự Phục Sinh sắp diễn ra của Người. Sự tự hủy hoặc hạ mình tự nguyện của Ðức Kitô thể hiện sâu xa như vậy, đến tận các vực thẳm, để bất cứ ai chấp nhận điều đó thì được giải thoát.

 

Thứ Năm Tuần Thánh

(= Jeudi Saint)

Trong ngày thứ Năm trước Chúa Nhật Phục Sinh, có hai nghi thức cử hành long trọng:

- Thánh lễ Truyền Dầu, qui tụ tối đa các linh mục trong giáo phận xung quanh vị giám mục để làm phép Dầu Bệnh Nhân, Dầu Dự Tòng và để thánh hiến Dầu Thánh. Giữa bài giảng của giám mục và các nghi thức Truyền Dầu, có việc nhắc lại các lời hứa linh mục.

- Thánh lễ tưởng niệm bữa Tiệc Ly của Chúa được cử hành ban chiều để nhắc nhở việc thiết lập bí tích Thánh Thể. Thánh lễ này khai mạc Tam Nhật Phục Sinh. Sau bài giảng, vị chủ tế thực hiện nghi thức rửa chân, làm lại cử chỉ của Chúa (xc. Ga 13,3-17). Cuối thánh lễ, Thánh Thể được rước tới tòa đặt Thánh Thể. Các tín hữu nên thay phiên nhau, cho tới nửa đêm, đến tôn thờ, suy niệm về Lời từ biệt của Chúa, là Di Chúc của Chúa, Ðấng đã tự hiến mình để mọi người được cứu độ.

 

Thứ Sáu Tuần Thánh

(= Vendredi Saint)

Ngày lễ long trọng Hội Thánh mừng kính công trình tình yêu của Chúa Kitô đối với Chúa cha và với chúng ta; Ðây là ngày Chúa chịu khổ nạn và chịu chết. Người trao phó hơi thở cho Chúa Cha và ban Thánh Thần cho Hội Thánh. Ngày này cũng phải là Giờ mà Hội Thánh chiêm ngắm vinh quang của Con Người, Ðấng được nâng cao trong chính hiến tế của Người (xc. Ga 12,23.28.32; 17,1). Trong khi các giờ kinh phụng vụ vào ngày này mang tính cách đơn giản thì việc cử hành nghi lễ long trọng vào buổi chiều lại có cơ cấu như một thánh lễ: ba bài đọc (bài thứ ba là trình thuật khổ nạn theo thánh Gioan); lời cầu nguyện cộng đồng dài; rồi thay vì phần hy tế Thánh Thể là phần thờ lạy và tôn vinh thánh giá; sau cùng là phần rước lễ. Ðể làm nổi bật hiến tế Canvê, hiến tế Ðức Kitô đã dâng một lần là đủ (Dt 7,27). Hội Thánh không cử hành bí tích Thánh Thể trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Ðể rước lễ, người ta dùng Mình Thánh đã được truyền phép trong thánh lễ chiều hôm trước. Vì vậy, theo truyền thống, người ta gọi phụng vụ long trọng của ngày này là thánh lễ với Thánh Thể đã truyền phép sẵn.

 

Thừa Tác Viên

(= Ministre)

Trong tiếng La tinh minister nghĩa là người phục vụ, người giúp việc trong các chức năng phụng vụ.Thừa tác viên là người có khả năng thi hành một trong các chức vụ đó để phục vụ Thiên Chúa và cộng đoàn. Các thừa tác viên được truyền chức là giám mục, linh mục và phó tế. Các thừa tác viên được trao ban là thầy giúp lễ và thầy đọc sách. Có nhiều thừa tác viên không được truyền chức hay trao ban: đó là các thừa tác viên ngoại lệ trao Mình Thánh Chúa, các thừa tác viên cầm thánh giá, nến cao, sách lễ, bánh rượu, bình hương, dẫn lễ... Trong trường hợp nguy tử, mọi người đều có thể là thừa tác viên bí tích Thánh Tẩy: chỉ cần làm theo ý Hội Thánh (xc. Thừa tác vụ).

 

Thừa Tác Vụ

(= Ministère)

Tiếng La tinh ministerium nghĩa là việc phục vụ. Noi gương Ðức Kitô, "Ðấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ" (Mt 20,28), trong việc cử hành phụng vụ, Hội Thánh thi hành một số thừa tác vụ vì lợi ích Dân Chúa đang qui tụ lại. Các thừa tác vụ không có tầm quan trọng như nhau, nhưng mỗi thừa tác vụ góp phần vào toàn bộ việc phục vụ Thiên Chúa (xc. Phục vụ).

Thừa tác vụ được truyền chức giám mục, linh mục và phó tế, những người đại diện Ðức Kitô, thường cần thiết cho việc cử hành phụng vụ. Thừa tác vụ được trao ban: giúp lễ và đọc sách, liên kết với việc phục vụ Bàn Thánh, và phục vụ Lời Chúa, dưới quyền các thừa tác vụ được truyền chức (xc. Thừa tác viên).

 

 

 


Back to Home