T
Tạ Ơn
(= Eucharistic)
Từ Hy Lạp eucharistie có nghĩa là lòng tri ân. Từ này bao gồm tiếp đầu ngữ eu, diễn tả điều thiện, và danh từ charis nghĩa là ơn sủng. Trước hết, tạ ơn là lời cám ơn Thiên Chúa vì biết bao ân huệ của Người, nhất là trong các bữa ăn. Người Do Thái coi những lời chúc tụng này có một tầm quan trọng đặc biệt vì đó là những "lời hay ý đẹp" để đáp lại những "việc tốt lành" của Thiên Chúa. Như thế, đây là nơi gặp gỡ giữa hai chiều kích bổ túc nhau trong phụng vụ: công trình của Thiên Chúa được đáp ứng bằng công trình của cộng đoàn nhân loại; sáng kiến của Thiên Chúa được đáp lại bằng lời tạ ơn của con người.
Từ ngữ tạ ơn của Kitô giáo phát xuất từ lời chúc tụng của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly: "Rồi Người cầm tấm bánh, dâng lời tạ ơn (eucharistèsas)" (Lc 22,19; 1Cr 11,24; xc. Mt 26,27; Mc 14,23). Trong khung cảnh bữa ăn Vượt Qua là bữa ăn hiến tế gắn liền với việc sát tế chiên và tưởng nhớ cuộc giải phóng khỏi Ai Cập, Chúa Kitô thực hiện trước việc dâng hiến trọn vẹn thân mình Người làm hy tế cứu độ, và thiết lập lễ tưởng niệm của Giáo Ước mới.
Trong cất cả các tôn giáo, bữa ăn được linh thiêng hóa: đó là một tác động trung tâm, trong đó cộng đoàn nhân loại chính thức nhìn nhận sự tồn tại của mình là nhờ thần linh; và ngược lại, trong bữa ăn đó, cộng đoàn cũng góp phần vào "lương thực" thần linh bằng cách dâng lại cho thần thánh một phần các ân huệ nhận được từ các ngài. Trong lễ hy tế, Thiên Chúa và con người là những "thực khách", nghĩa là hai bên thông hiệp vào cùng một sự sống. Hy lễ toàn thiêu mà khi cử hành người ta thiêu đốt toàn bộ lễ vật làm thành làn hương thơm dâng lên Thiên Chúa (St 8,21), diễn tả một sự chuyển dời - một cuộc vượt qua - của tế vật và qua đó, cả người tế lễ nữa, từ thế giới phàm tục bước vào thế giới thần linh.
Ðó là ý nghĩa các nghi thức hiến tế bánh không men (của những người định canh, như ông Cain) và hiến tế chiên của những bộ lạc du mục, như ông Abel), khi những nghi thức đó trở thành "Cuộc tưởng niệm biến cố giải phóng khỏi Ai Cập, tưởng niệm lễ Vượt Qua. Israel ra khỏi nhà tôi mọi bên Ai Cập chỉ là để cử hành "sự phục vụ" cao cả của Giavê: dân Israel trở thành dân Hiền Thê của Thiên Chúa trong nghi lễ phụng vụ trang trọng của Giao ước, vào ngày "được triệu tập". Hiến tế của Giao ước Xinai (Xh 24), xét về nhiều điểm, là "hình ảnh tiên trưng" của hy tế Giao Ước mới trên đồi Canvê. Khi Môsê rẩy máu hiến tế trên dân, sau khi đã đổ một phần trên bàn thờ, tượng trưng cho Thiên Chúa, Ông đã chẳng nói "Ðây là máu Giáo Ước Ðức Chúa đã lập với anh em" (Xh 24,8) đó sao? Ta hãy so sánh với Mt 26,28: "Người trao cho các môn đệ và nói: "Ðây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội". Ðức Kitô là người Tôi Tớ Ðau Khổ, Ðấng công chính hóa nhiều người nhờ việc rảy máu của Người" (Is 52,15 trong bản văn Hípri 52,11.12; xc. Phục vụ).
Sau khi ký kết Giao Ước, ông Môsê và các kỳ mục trong dân Israel lên núi Xinai và một cách nào đó, họ được đến chiêm ngắm Thiên Chúa của dân Israel: "Dưới chân Người như có nền lát bằng lam ngọc, trong vắt như chính bầu trời. Người không ra tay hại những bậc vị vọng của Israel. Họ được chiêm ngưỡng Thiên Chúa, và sau đó họ ăn uống" (Xh 24,10-11). Nhờ hy lễ của Giao Ước mới, Giáo Ước không chỉ cho phép chúng ta ăn uống trước mặt Thiên Chúa nhưng còn ăn và uống thịt, máu của Con Người (Ga 6,52), chúng ta được tham dự vào đời sống vĩnh cửu, đời sống của Chúa Con trong tương quan mật thiết với Chúa Cha (6,54-57). Khi thiết lập lễ Tạ Ơn trong bữa Tiệc Ly, Ðức Giêsu đã thực hiện trước hy tế Canvê và chứng tỏ rằng "mọi hy tế trong Giao Ước cũ đã được thành toàn" (kinh Tiền Tụng V mùa Phục Sinh). Lúc bắt đầu bữa ăn Vượt Qua, lời chúc tụng khi nâng chén thứ nhất (chưa phải chén tạ ơn) qui hướng tất cả việc cử hành nghi lễ về bữa tiệc cánh chung trong nước Thiên Chúa (Lc 22,16). Ðang khi dùng bữa và khi người ta rót chén thứ hai, vị chủ tọa nói mấy lời giáo huấn hoặc đọc bài Haggadah (bài giáo huấn trong nghi thức Vượt Qua của người Do Thái) để nhấn mạnh rằng bữa ăn Vượt Qua hiện thực hóa cuộc giải phóng khỏi nước Ai Cập mà lúc này đây họ đang làm lễ tưởng niệm. Chính vào lúc này Ðức Giêsu phải giải thích cho các tông đồ biết rằng Người là Con Chiên Vượt Qua đích thực, là bánh không men đích thực, là Người Tôi Tớ tự hiến mình làm lễ tế để thiết lập giao ước mới; trong Tin Mừng Gioan, các diễn từ tiệc ly nói lên điểm chính yếu trong các chủ đề của ông. Vào lúc người ta sắp sửa bắt đầu phần chính trong bữa ăn, vị chủ tọa đọc lời chúc tụng - một lời tạ ơn - trên bánh không men. Chính vào lúc này. Ðức Giêsu thêm: Ðây là mình Thầy, hy sinh vì anh em" (Lc 22,19). Cuối bữa ăn, người ta chúc tụng khi nâng chén thứ ba, Ðức Giêsu thêm: "Chén này là Giao Ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em" (Lc 22,20). Lời chúc tụng khi nâng chén thứ tư mở đầu cho phần hát các thánh vịnh Hallel (Nhóm thánh vịnh ca tụng. Tv 112-117), được hát sau khi kết thúc bài Haggadah (xc. Mc 14,26).
Vì được đặt trong khung cảnh những lời chúc tụng bằng thánh vịnh và trong khung cảnh một bữa ăn hiến tế, nên lễ tạ ơn bao hàm ý nghĩa của hy tế Canvê, hành vi của tình yêu tột cùng của Ðức Kitô đối với Chúa Cha và đối với các kẻ thuộc về Người (Ga 14,31 và 13,1). Sau khi lễ tế độc nhất trên thập giá đã được thực hiện (Dt 9,26.28; 10,10), lễ Tạ Ơn vẫn luôn là bí tích của hiến tế Canvê, là lễ tưởng niệm hy tế đó. Khi Ðức Giêsu nói: "Hãy làm như Thầy vừa làm mà tưởng nhớ đến Thầy" (Lc 22,19; 1Cr 11,24-25). Ngài qui chiếu vào cơ cấu lễ tưởng niệm của Israel; "tưởng niệm", đó là thiết lập được một mối dây xuyên suốt quá khứ, hiện tại và tương lai, bằng cách hiện thực hóa quá khứ trong hiện tại để hướng đến tương lai (xc. Chu kỳ Phụng vụ; Lịch sử Cứu độ). Chứng kiến Mình và Máu Ðức Giêsu tách rời nhau trên bàn thờ, chúng ta trở nên những người đồng thời với hiến tế của Người, được mời gọi dâng hiến thân mình như Người: đồng thời chúng ta cũng tham dự vào bàn tiệc Nước Trời, bởi vì chính Ðức Kitô quang vinh đang tự hiến mình làm lương thực cho chúng ta. Lễ Tạ Ơn hiện thực hóa hy tế Canvê, và cũng là một lời mời gọi nhớ đến Chúa Cha để Người hoàn tất Công Trình của Người, bằng cách thực hiện cuộc đăng quang cuối cùng của Chúa Con, cuộc đăng quang đó sẽ dẫn đưa chúng ta vào cõi phúc vinh quang. "Hãy làm việc này để Thiên Chúa nhớ đến tôi", đó quả thực là một ám chỉ về một lời nguyện trong nghi thức Haggadah, lời nguyện này, trong mỗi lần cử hành lễ Vượt Qua, là lời cầu xin Thiên Chúa để "Ngài nhờ đến Ðấng Cứu Thế", nghĩa là xin cho ngày quang lâm của Ðấng Cứu Thế mau đến, thánh vịnh cuối cùng của nhóm thánh vịnh Hallel (Tv 117,25-29) đã chẳng gợi lên một cuộc rước đón chào Ðấng Cứu Thế như một lời dự báo đó sao? Quả thực, Ðức Giêsu, Ðấng Cứu Thế và cũng chính là hiện thân của Giao Ước, đã đến trong tư thế của một vị Thiên Chúa làm người. Người đã đóng ấn trong máu của Người một Giao Ước mới và vĩnh cửu. Tuy nhiên, công trình cứu độ của Người sẽ chỉ hoàn tất trong cuộc đăng quang cuối cùng.
Về phía Thiên Chúa, tất cả đã hoàn tất. Nhưng với chúng ta thì không như thế. Khi hiến mình làm ân ban trong lễ Tạ Ơn, Ðức Kitô mang lại cho Hội Thánh khả năng tiến bước ngày một sâu hơn vào kỳ công của tình yêu: đón nhận Chúa Con nơi Cha, đón nhân từ Chúa Cha và Chúa Con một Thánh Thần duy nhất, cũng chính là Thánh Thần được phó dâng trên Thánh Giá; và như thế Hội Thánh trở thành Hiền Thê của Chúa Con, Hội Thánh hướng về Chúa Cha trong vận hành của Thánh Thần, Ðấng làm cho Hội Thánh đi cho đến cùng con đường của tình yêu. Như thế, Thánh Thần hiện diện ở trung tâm cuộc trao đổi Thánh Thể - Admirabile commercium, cuộc trao đổi kỳ diệu - và đó không phải là điều đáng ngạc nhiên, vì Thánh Thần đã được ban tặng cho chúng ta như Hòm Bia của cuộc sống vĩnh cửu, của cõi phúc vinh quang, nơi đó Người là mối tương quan ngôi vị giữa Chúa Cha và Chúa Con.
Lễ Tạ Ơn là bí tích của một hy tế, là chóp đỉnh của toàn thể phụng vụ, nên lễ Tạ Ơn bao gồm tất cả Mầu Nhiệm mà Hội Thánh cử hành trong sự hiệp nhất với thiên quốc. Tất cả mọi bí tích, tất cả các phụ tích, tất cả mọi Giờ Kinh Phụng Vụ đều qui hướng về lễ Tạ Ơn, đây là nguồn mạch và là tuyệt đỉnh của tất cả đời sống Hội Thánh, của tất cả Công Trình Thiên Chúa. Trong việc cử hành trung tâm này, Hội Thánh thực sự gặp gỡ Thiên Chúa của mình, và mỗi người con của Hội Thánh thể hiện trọn vẹn bản chất của mình. Trong tư cách chứng nhân của Công Trình Thiên Chúa, các tín hữu đã được thanh tẩy - thêm sức thể hiện năng lực của mình trong việc lặp lại lời Amen (xin vâng) đối với Giao Ước và với Vinh Quang Thiên Chúa; trong khi đó, các thừa tác viên có chức thánh lại bày tỏ chính Chúa Kitô theo những cách thức khác nhau, như là vị Thượng Tế (các vị giám mục và cả các linh mục là những người tham dự vào chức tư tế của giám mục) và như người phục vụ (các phó tế) và như vậy bảo đảm được tính cách khách quan trong việc thực hiện kiệt tác của tình yêu là bí tích Thánh Thể. Hiệp nhất với vị tư tế, cộng đoàn phụng vụ là Hiền Thê gắn bó với Lang Quân, tức là Người Con luôn qui hướng về Cha: Thánh Thần là nguồn sinh lực của toàn bộ sự duy nhất hữu cơ này.
Tam Nhật
(= Triduum)
Tiếng La tinh triduum có nghĩa là khoảng thời gian ba ngày (tres: 3, dies: ngày). Tam Nhật Vượt Qua là trọng tâm của năm phụng vụ, bắt đầu từ thánh lễ chiều thứ Năm Tuần Thánh cho đến hết ngày Chúa Nhật Phục Sinh. Ba ngày này diễn ra từ bữa Tiệc Ly cho đến ngày Phục Sinh, đó là ba ngày mà Chúa vẫn thường nhắc tới trong Tin Mừng (xc. Mt 12,40; 26,61; Ga 2,19), và làm thành Mầu Nhiệm Vượt Qua (xc. Thứ Năm Tuần Thánh; Thứ Sáu Tuần Thánh; Thứ Bảy Tuần Thánh; Lễ Phục Sinh).
Tam Nhật cũng dùng để chỉ ba ngày cầu nguyện khẩn thiết hơn để tạ ơn Thiên Chúa, nhằm một ý hướng riêng biệt nào đó... Nhưng những thực hành này do lòng sốt sắng cá nhân hoặc của quần chúng hơn là do phụng vụ.
Tang Lễ
Trong tiếng La tinh, obsequiae bắt nguồn từ động từ obsequere, nghĩa là biểu lộ lòng tôn kính hoặc cảm tình đối với một người nào đó. Tang lễ là toàn bộ các nghi thức dùng để tôn kính những người đã qua đời, đặc biệt là phần rước thi hài (xc. Chết; An táng; Nghi thức an táng).
Tấm Ðậy Chén Thánh
(= Pale)
Trong tiếng La tinh, palla nghĩa là áo choàng, khăn quàng. Ðây là một tấm bìa cứng bọc vải trắng, hình vuông, dùng đậy chén thánh trên bàn thờ để ngăn bụi hoặc côn trùng đậu vào.
Tân Tòng
(= Néophyte)
Tiếng Hy Lạp, neophytos nghĩa là vừa mới trồng (neo: mới; phutos: cây). tân tòng là những người vừa mới được Thánh Tẩy, được sinh ra trong đời sống của Thiên Chúa, và được khai tâm vào các mầu nhiệm (xc. Khai tâm; Mầu nhiệm).
Tẩy Rửa (Nghi Thức)
(= Lustration / Ablution)
Trong tiếng La tinh, lustratio nghĩa là sự thanh tẩy nhờ hy lễ xá tội, hy lễ này được gọi là lustrum. Ðộng từ luere, từ đó phát xuất từ ngữ lustrum, nghĩa là tháo cởi, tha bổng, đền tội. nghi thức tẩy rửa là một sự thanh tẩy theo nghi thức, thông thường bằng nước (xc. Tẩy rửa).
Tế Phẩm
(= Oblats)
Trong tiếng La tinh, Oblatus là quá khứ phân từ của động từ offere (dâng hiến, tiến dâng). Trong phụng vụ, tế phẩm chỉ bánh và rượu, dùng để dâng trong Hy Lễ Tạ Ơn. Khi có thể, ta dâng các tế phẩm ấy cách trọng thể cho vị chủ tế, bằng một nghi thức đi rước trong phần tiến lễ. Sau khi đọc các công thức chúc tụng trên bánh và rượu, và trong một số trường hợp, sau khi đã xông hương tế phẩm, linh mục hát (hay đọc) lời nguyện trên lễ vật (xc. Lễ vật).
Tiền Tụng (Kinh)
(= Préface)
Tiếng La tinh praefacio có nghĩa là bước mở đầu, lời nói đầu, khai mào (prae: trước; fair: nói). Kinh Tiền Tụng là mở đầu Kinh Tạ Ơn, là phần mở đầu long trọng của việc tạ ơn Chúa Cha. Dẫn vào Kinh Tiền Tụng là lời đối thoại cổ kính Susum corda (Hãy nâng tâm hồn lên) và tiếp theo Kinh Tiền Tụng là bài hát "Thánh Thánh Thánh". Tất ả các Kinh Tiền Tụng đều theo cùng một mẫu:
1. Một lời chúc tụng, tạ ơn đã thành công thức, dâng lên Chúa Cha nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng ta;
2. Lý do tạ ơn được việc cử hành này nhấn mạnh;
3. Dẫn vào kinh "Thánh Thánh Thánh". Ðây cũng là một kinh đã thành khuôn mẫu cố định. Phần có thay đổi trong Kinh Tiền Tụng - phần trung tâm - là một bản tóm tắt đặc biệt về mầu nhiệm được cử hành. Khi thu thập các công thức riêng của khoảng 80 Kinh Tiền Tụng có trong sách lễ Rôma, người ta có được một bản tóm tắt phong phú về mầu nhiệm của Giao Ước mà Hội Thánh vẫn luôn cử hành.
Tiến Chức
(= Ordinand)
Tiếng La tinh ordiandus có nghĩa người sắp được truyền chức. Trong nghi lễ truyền chức, vị tiến chức là người sắp được truyền chức giám mục, linh mục, phó tế.
Tiến Lễ
(= Offertoire)
Tiếng La tinh offertorium nghĩa là lúc dâng bánh và rượu để trở thành Mình và Máu Thánh Ðức Kitô. Ðúng hơn phải gọi là phần chuẩn bị lễ vật, có ý nhấn mạnh rằng việc dâng hy tế Thánh Thể cốt yếu là lúc đọc Lễ Qui hay Kinh Tạ Ơn. Trong sách Ca Tiến Cấp, bài ca tiến lễ là một bài ca hát theo nhạc Ghê-gô-ri-ô để hát trong cuộc rước, lúc các tín hữu dâng cho vị chủ tế và các thừa tác viên những lễ vật để thánh hiến hoặc những lễ vật khác. Bài hát này, thường là một trong những bài hát hay nhất của mục lục sách hát, có thể được lặp đi lặp lại khi rước lễ vật, xen kẽ với những câu xướng cần thiết trích từ thánh vịnh, giống như trong trường hợp đi rước lúc nhập lễ hay hiệp lễ.
Tiến Sĩ (Thánh)
(= Docteur)
Trong tiếng La tinh, doctor nghĩa là người dạy học (docere). Hội thánh tặng tước hiệu "tiến sĩ" cho một số vị thánh đã đặc biệt bảo vệ, làm rạng rỡ, và đào sâu giáo thuyết Kitô giáo. Mới đây có hai vị thánh nữ được phong tước hiệu này, đó là thánh Catarina Xiêna và thánh Têrêsa Avila. trong thánh lễ cũng như trong các Giờ Kinh Phụng Vụ, có phần chung kính các thánh tiến sĩ.
Tiếng Hát
(= Chant)
Trong các kiểu diễn tả của nhân loại, tiếng nói là một loại cấp độ cao, giá trị cao. Phát xuất từ lời nói, nhưng tiếng hát mang lại cho lời nói sự diễn cảm phong phú: hợp với lời nói, tiếng hát có thể tiếp sức và mang lại chiều kích đích thực cho tất cả tình cảm nhân loại. Việc cầu nguyện, nhất là cầu nguyện chung, luôn cần đến tiếng hát. Thánh Âu Tinh nói: "Hát hay tức là cầu nguyện hai lần". Hát chung, đồng giọng hay dị giọng, biểu lộ và cổ võ sự duy nhất tâm hồn. Nếu phụng vụ là tác động toàn diện, chính thức nối kết hoạt động cộng đồng của con người với sự sống của Thiên Chúa, thì một cuộc cử hành trọn vẹn phải có tiếng hát, là lối diễn tả đặc biệt của tâm hồn con người. Kinh thần Vụ long trọng là một cử hành kiểu mẫu, trong đó các cử điệu và tiếng hát có thể đạt đến cao điểm: phần tinh túy nhất của con người được dâng hiến để làm vinh danh Chúa.
Thánh Âu Tinh còn nói: "Ai yêu thì hát". Trong phụng vụ, Dân Thiên Chúa được tháp nhập vào sự sống thần linh, rung động và nhảy mừng bằng tất cả con người. Hiền thê của Ðức Kitô nói lên niềm hoan lạc, nỗi khát khao hay sự đau khổ trong tình yêu của mình bằng cách sử dụng thánh vịnh, là các bài ca được linh ứng. Bắt nguồn từ lời cầu nguyện của thánh vịnh, âm nhạc Ghê-gô-ri-ô là lối hát riêng của phụng vụ Rôma (PV 116), là loại ca nhạc có cùng bản chất với nền văn minh Tây Phương. Bài hát đa âm của Ðông Phươg được đặc biệt ưa chuộng, vì dễ hát. Tất cả các bài ca phụng vụ đều có thể sử dụng được, miễn là chúng giúp cầu nguyện nhờ nét đẹp của chúng, như thánh giáo hoàng Piô X đã nói, và miễn là mọi tín hữu có thể tham dự vào cách này hay cách khác.
Tím (Màu)
(= Violet)
Trong phụng vụ, màu tím là màu của thời gian sám hối (mùa Vọng, mùa Chay). Người ta cũng sử dụng màu tím trong lễ cầu Mùa, nghi thức sám hối, cũng như trong nghi thức an táng.
Tin (Nhân Ðức)
(= Foi)
Trong tiếng La tinh, fides nghĩa là sự tin tưởng. Là việc gắn bó trọn vẹn con người nơi Thiên Chúa, Ðấng ban tặng chính mình. Ðức tin bao gồm nhưng lại vượt qua sự tán thành các biểu thức đức tin. trong tình bằng hữu, hai người bạn cùng tự ký thác cho nhau. Ðiều hai người có thể nói với nhau một cách khách quan phát xuất từ tình bằng hữu và củng cố tình bạn đó. Phụng vụ là cách thực hành đức tin trọn vẹn nhất, hoàn hảo nhất, vì phụng vụ là hành vi của cộng đoàn gắn bó với Thiên Chúa của Giao Ước (xc. Tin kính; Tín điều; Phụng vụ; Giao ước; Công đoàn Phụng vụ).
Tin Kính (Kinh)
(= Credo)
Trong tiếng La tinh, credo có nghĩa là tôi tin, đây là từ đầu tiên của Kinh Tin Kính (xc. Biểu tượng; Kinh Tin Kính). Kinh Tin Kính là tổng hợp các biểu thức của đức tin, một hình thức cô đọng niềm tin Kitô giáo. Kinh Tin Kính đầu tiên chính là lời của người mù từ lúc mới sinh trả lời câu hỏi của Chúa "Anh có tin Con Người không?"; Sau khi được chữa lành, anh ta nói: "Thưa Ngài, tôi tin" (Ga 9,26-38). Cũng vậy, khi cử hành nghi thức soi sáng trong bí tích Thánh Tẩy, gồm có ba lần dìm vào bể nước (theo nghi thức cổ xưa), người cử hành bí tích hỏi trước mỗi lần dìm rằng: "Anh có tin Thiên Chúa là Cha toàn năng không? Anh có tin Ðức Giêsu Kitô không? Anh có tin Ðức Chúa Thánh Thần không?" Mỗi lần như vậy, người dự tòng trả lời: "Tôi tin". Trong nghi thức Vọng Phục Sinh, khi nhắc lại lời tuyên tín thánh tẩy, vị chủ tế cũng đặt những câu hỏi như vậy.
Như thế, Kinh Tin Kính có nguồn gốc từ phụng vụ và nghi thức Thánh Tẩy; Kinh Tin Kính chỉ là sự triển khai những câu hỏi trong nghi thức Thánh Tẩy. Ban đầu, Kinh Tin Kính là dấu hiệu để các Kitô hữu nhận ra nhau, là đá thử vàng để bảo vệ sự duy nhất của đức tin, rồi Kinh Tin Kính trở thành cao điểm của những xác quyết tín lý, nhất là tại công đồng Nicea (325) và công đồng Côn-tăng-ti-nốp (381).
Nếu như Kinh Tin Kính mang lại đời sống thần linh cho người chịu Thánh Tẩy, xét như là lời vâng đáp lại công trình của Chúa Thánh Thần, thì người ta hiểu rằng, trong thánh lễ, sự lặp lại lời kinh đó của cộng đoàn cũng mang lại một đời sống thiêng liêng mới. Vì vậy, trong các lễ Chúa Nhật và lễ trọng, phải đọc Kinh Tin Kính. Người ta có thể dùng bản kinh của các Tông Ðồ (bản vắn) hoặc Kinh Tin Kính của công đồng Nicea và Côn-tăng-ti-nốp (bản dài, dùng trong thánh lễ).
Tin Mừng
(= Evangile)
Tiếng hy Lạp eu-aggélion có nghĩa là Tin Mừng. Từ ngữ này được viết ngay câu đầu tiên của Tin Mừng theo thánh Marcô, tóm tắt Tin Mừng cứu độ được Ðức Giêsu loan báo và thực hiện. Tiếp đến, từ ngữ Tin Mừng còn để chỉ 4 cuốn sách tường thuật về đời sống, sự chết và sự phục sinh của Ðức Giêsu, làm nên chóp đỉnh của toàn bộ Thánh Kinh. Hội Thánh luôn tỏ lòng tôn trọng đặc biệt đối với các sách Tin Mừng.
Trong thánh lễ, cao điểm của phần phụng vụ Lời Chúa là bài Tin Mừng được long trọng công bố. Lúc đó, mọi người phải lắng nghe như nghe chính Ðức Giêsu loan báo Tin Mừng cứu độ. Người công bố Tin Mừng là phó tế, hoặc nếu không có phó tế, thì là chính linh mục. Chính vì tính cách cao trọng, nên trong phụng vụ, Tin Mừng chỉ được công bố bởi một thừa tác viên có chức thánh. Thêm vào đó, để nói lên lòng tôn kính tương xứng đối với Lời của Ðức Kitô, sách Tin Mừng được đặt ngay trên bàn thờ. Chính tại đó, phó tế đến nhận sách Tin Mừng để long trọng cung nghinh tới giảng đài với người cầm nến cao và bình hương đi trước. Trước khi đọc bài Tin Mừng theo ngày lễ, phó tế chào cộng đoàn, và công bố bài đọc. Phó tế vẽ dấu thánh giá trên sách Tin Mừng, trên trán, trên miệng, và trên ngực. Lúc đó, giáo dân đứng lên và cũng làm dấu thánh giá. Phó tế xông hương sách Tin Mừng và bắt đầu hát hay đọc bài Tin Mừng, với ánh sáng đèn nến kèm theo, tượng trưng Ðức Kitô là ánh sáng trần gian. Kết thúc bài Tin Mừng là lời tung hô của cộng đoàn đáp lại lời mời gọi của phó tế. Và, để trân trọng một lần nữa, phó tế hôn kính sách Tin Mừng.
Trong nghi lễ Truyền Chức, sau nghi thức đặt tay và lời nguyện thánh hiến, phó tế cung kính đến nhận sách Tin Mừng. Lúc đó, đức Giám Mục nói: "Thầy hãy nhận lấy Tin Mừng Ðức Kitô mà thầy có nhiệm vụ công bố".
Trong nghi lễ tấn phong giám mục, trước nghi thức đặt tay và lời nguyện thánh hiến, vị giám mục chủ phong đặt sách Tin Mừng mở sẵn trên đầu vị thụ phong đang quì gối, để ám chỉ rằng Chúa Thánh Thần ngự trên vị thụ phong, vì Người đã xức dầu tấn phong, sai đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó (Mc 4,18; Is 61,1).Giám mục là người có đủ thẩm quyền loan báo Tin Mừng, noi theo cung cách Ðức Kitô. Chính giám mục ban cho phó tế được tham dự vào sứ vụ này.
Tín Ðiều
(= Dogme)
Tiếng Hy Lạp dogma nghĩa là ý kiến, quyết định, do động từ dokein có nghĩa là đánh giá, xét đoán. Trong Hội Thánh Công Giáo, tín điều là một đề mục, hay là một yếu tố cốt thiết của Ðức Tin Kitô Giáo. Mỗi định tín mới đều chỉ là diễn tả cách chính thức một chân lý đã hàm chứa trong đức tin. Có nhiều tín điều, như tín điều Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, đã được cử hành trong phụng vụ trước khi được các công đồng định tín, theo như một ngạn ngữ thần học: Lex orandi, les credendi, nghĩa là luật cầu nguyện của phụng vụ là qui luật cho đuứ tin (xc. Ðức tin; Kinh Tin Kính).
Tín Hữu
(= Fidèle)
Tín hữu là những người có niềm tin (fides), những người tín thác vào Thiên Chúa của Giao Ước. Khi gắn bó với Chúa Kitô như hiền thê gắn bó với hôn phu, các tín hữu tạo thành Dân của Giao Ước mới. Nhờ dấu ấn của Chúa Kitô họ lãnh nhận khi chịu Thánh Tẩy và Thêm Sức, các tín hữu có đủ tư cách để cử hành phụng vụ. Họ đặc biệt diễn tả và nuôi dưỡng đức tin khi qui tụ thành cộng đoàn để "chúc tụng Ðấng đã kêu gọi họ từ bóng tối bước vào ánh sáng tuyệt diệu của Người" (1Pr 2,9). Như vậy, họ có thể cảm nghiệm Thiên Chúa thành tín như thế nào (1Cr 1,9; 10,13; 2Cr 1,18; 1Tx 3,3) (xc. Ðức tin; Cộng đoàn; Linh mục; Tư tế).
Tòa
(= Chaire)
Ban đầu, đó là ngai của giám mục trong những dịp cử hành phụng vụ long trọng: đây là tòa chủ tọa, tòa giảng dạy, biểu tượng của quyền giám mục. Ngày 22 tháng 2 hằng năm, có lễ kính Tòa Thánh Phêrô tại Rôma. Giáo chủ Rôma là Ðức Giáo Hoàng, vì người kế vị thánh Phêrô, thủ lãnh Tông Ðồ đoàn, trên ngai tòa Rôma tức là Tòa Thánh (xc. Ðức thánh cha; Rôma; Ngai).
Sau này, người ta cũng gọi là tòa một ghế ngồi được nâng cao và trang hoàng đặt ở giữa lòng nhà thờ, phía bên trái giảng đài. Ðó là nơi để giảng giải.
Ngày nay người ta lấy lại thói quen cổ xưa là giảng ở giảng đài hay ghế chủ tọa.
Tòa Ðặt Tranh Thánh
(= Icônostase)
Trong các nhà thờ Ðông Phương, tòa đặt tranh thánh là một cái vách ngăn cao, ngăn cách lòng nhà thờ với cung thánh và là nơi để treo những ảnh thánh hướng về phía lòng nhà thờ. Tranh thánh quí trọng nhất thường là Ðấng Cứu Thế (đôi khi là tranh Chúa Ba Ngôi) được đặt ở phía phải của Cửa Thánh. Cửa thánh được mở ra giữa tòa đặt tranh thánh. Ở phía trái thường đặt tranh của Ðức Mẹ Thiên Chúa (xc. Tranh thánh).
Tòa Thánh
(= Saint - Siège)
(xc. Tòa; Ðức thánh cha; Rôma)
Toàn Xá
(= Jubilé)
Tiếng Do Thái yôbél nghĩa là sừng cừu đực, và từ đó chuyển sang tiếng La tinh là Iubilaeus. Tại Israel, năm toàn xá được cử hành mỗi 50 năm, khởi đầu bằng một tiếng tù và - làm bằng sừng cừu. Do đó, từ iubilaeus có nghĩa là dịp vui, mùa mở hội. trong năm toàn xá, mọi nợ nần đều được ân xá, mỗi người được trở về phần đất hương hỏa của mình, trong khi đất được nghỉ ngơi để phục hồi, đến nỗi người ta không gieo trồng gì trong năm đó.
Sách Lêvi viết: "Các ngươi phải tính bảy tuần năm, nghĩa là bảy lần bảy năm, thời gian của bảy tuần năm đó là 49 năm. Tháng thứ bảy, ngày mồng mười trong tháng, các ngươi sẽ thổi tù và trong toàn xứ của các ngươi. Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh, và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Ðối với các ngươi, đó là thời kỳ toàn xá: mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình" (Lv 255,8-10).
Với sự xuất hiện của Ðấng Thiên Sai, năm hồng ân đích thực của Thiên Chúa được công bố (xc. Is 61,2; Lc 4,19) theo nghĩa chính Người là sự phóng thích toàn diện, là ơn cứu chuộc (xc. 1Cr 1,30) nhờ Thánh Thần người ban cho Hội Thánh (xc. Ngũ tuần). Do ý định của Ðức Kitô, Hội Thánh trở thành người quản lý kho tàng ơn cứu độ (xc. Ân xá). Ðể đáp ứng kịp thời hơn với tình trạng đặc trưng của con người là càng ngày càng giảm đi lòng hăng say (xc. Chu kỳ phụng vụ), các đức giáo hoàng đã thiết lập việc cử hành năm toàn xá trong Hội Thánh. Năm thánh đầu tiên được cử hành vào năm 1300, với đặc điểm là việc ban phát rộng rãi ơn tha thứ tội lỗi và các hệ lụy theo sau. Khoảng cách ban đầu giữa các năm thánh là 100 năm, nhưng dần dần giảm bớt chỉ còn 25 năm. Năm toàn xá được cử hành với nhiều nghi lễ đặc biệt tại Rôma và trong toàn Hội Thánh. Nhưng ý nghĩa của năm thánh chỉ được thể hiện đầu đủ trong các bí tích Sám Hối và Thánh Thể.
Ngày kỷ niệm 50 năm tuyên khấn lần đầu - hay kim khánh - được đánh dấu bằng việc long trọng lặp lại lời khấn này trong nghi lễ phụng vụ, và nếu có thể, nên cử hành trong thánh lễ (xc. Tuyên khấn).
Tôn Giáo
(= Religion)
Trong tiếng La tinh religio có nghĩa là chú ý tỉ mỉ, tôn thánh. Nguyên thủy, tôn giáo hệ tại việc đón nhận những phong tục tập quán của một cộng đoàn nhân loại trong đó mình là phần tử. Những nghi thức cho thấy đối tượng chính yếu của lòng tôn kính đối với những phong tục của cộng đoàn, bởi vì các nghi thức đó có liên quan tới điều thánh thiêng. Từ tôn giáo thường được sử dụng để chỉ toàn bộ các hành vi và phong cách giữ cho con người có được mối tương quan với điều thiêng thánh. Trái lại, theo nghĩa thứ nhất, từ này đi liền với những nghi thức. Hiện nay người ta có khuynh hướng cá biệt hóa hoặc tri thức hóa tôn giáo.
Thực ra, hoạt động có tính cách nghi thức là cách diễn tả cốt yếu ưu tiên của sinh hoạt tôn giáo. Quả vậy, nếu tôn giáo bao gồm tín ngưỡng và luân lý, thì chỉ trong môi trường phụng vụ, tôn giáo mới được thể hiện trọn vẹn, không phải chỉ có tính cách cá nhân và nội tâm, nhưng còn có tính cách cộng đoàn và ngoại tại. Giáo lý và qui luật sống hoàn toàn có liên hệ với các nghi thức thánh thiêng (xc. Vaticanô II: về những tương quan của Hội Thánh với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, số 2). Phụng vụ là lời tuyên xưng đức tin trọn vẹn nhất. Tuy nhiên, những đòi hỏi luân lý Kitô giáo phải được hiểu vừa như là chuẩn bị, vừa như là kéo dài đời sống phụng vụ.
Tôn Kính
(= Dulie)
Trong tiếng Hy lạp douleia có nghĩa là sự làm tôi, nô lệ. Muốn hiểu từ ngữ này, cần trở về với quan niệm phục vụ theo nghĩa kép trong tiếng Hípri: Thiên Chúa đã giải phóng Dân Người khỏi ách nô lệ Ai Cập để đưa về địa vị phục vụ Ðức Chúa. trong ngôn ngữ thần học, tôn kính là việc phụng tự dành cho các thánh: đó là thái độ kính trọng, phó thác, gắn bó, được diễn tả bằng nhiều cách phục vụ, kinh nguyện và cử chỉ đạo đức. Các ngày lễ và các hành vi phụng vụ khác nhằm biểu dương các thánh cho thấy toàn bộ việc tôn kính này. Riêng đối với đức Maria, có việc biệt kính để tôn vinh Người. Việc tôn kính ở đây khác hẳn với việc tôn thờ, thờ lạy, chỉ dành cho một mình Thiên Chúa. Thực tế, trong phụng vụ, giữ được sự phân biệt này quả là một vấn đề tế nhị về mục vụ, bởi vì đôi khi việc tôn kính vẫn có những kiểu cách thái quá.
Tôn Thờ
(= Latrie)
Trong tiếng Hy Lạp latreia có nghĩa là phục vụ. Từ này chỉ công việc phục vụ có tính cách phụng vụ dành cho một mình Thiên Chúa, tức là việc thờ lạy. Còn tôn kính là việc phục vụ có tính cách phụng vụ dành cho các thánh. Biệt kính là thái độ tôn kính đối với Ðức trinh Nữ Maria.
Tông Ðồ
(= Apôtre)
Trong tiếng Hy Lạp apostolos có nghĩa là được sai đi. Ðể tiếp nối sứ mạng của mình. Ðức Kitô đã chọn mười hai Tông Ðồ (xc. Mt 10; Ga 17,18.20.21). Sau khi Chúa thăng thiên, ông Matthia được chọn để thay thế ông Giuđa, kẻ phản bội (Cv 1,15-26). Lễ kính các Tông Ðồ trải dài suốt năm phụng vụ. Ngoài các phần riêng của mỗi vị, người ta còn dùng phần chung các Tông Ðồ. Mùa Phục Sinh, có phần chung đặc biệt. Thánh Phaolô (xc. 1Cr 15,1) là người được Truyền Thống của Hội Thánh gọi là Tông Ðồ, và được mừng kính chung với thánh Phêrô vào ngày 29 tháng 6, thánh Máccô và thánh Luca, tác giả sách Tin Mừng, cũng như thánh Bácnaba, đều được phụng vụ mừng như những thánh Tông Ðồ.
Tổng Nguyện (Kinh)
(= Collecta)
Tổng Nguyện là lời nguyện đầu tiên trong ba lời nguyện của thánh lễ. Ðây cũng là lời nguyện độc nhất được Giờ Kinh Phụng Vụ sử dụng lại. Sở dĩ gọi là tổng nguyện bởi vì lời nguyện này thu góp và hợp nhất những lời cầu xin khác nhau của các tin hữu thành một lời nguyện duy nhất. Linh mục nhân danh cộng đoàn đang qui tụ dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện của mọi người đã được cô đọng lại.
Ðể cộng đoàn chú ý đến phần vụ của lời tổng nguyện, nên đọc lời nguyện này sau khi đã thinh lặng trong chốc lát. Trong thời gian thinh lặng này, mỗi người có thể âm thầm thành hình những lời xin riêng, trước khi vị chủ tế gom lại thành một bó duy nhất. kết thúc lời tổng nguyện, mọi người thưa Amen tỏ ý chấp thuận những lời linh mục vừa đọc.
Tu Viện
(= Convent)
Tiếng La tinh conventus nghĩa là cộng đoàn. Ban đầu, trong các đan viện, conventus là việc các tu sĩ tụ họp để cử hành phụng vụ. Dần dần từ ngữ này không còn có nghĩa là việc các tu sĩ họp để cử hành công trình của Thiên Chúa, nhưng có nghĩa là nơi các tu sĩ cư ngụ (xc. Cộng đoàn phụng vụ; Cộng đoàn).
Tủ Ðựng Áo Lễ
(= Chapier)
Tủ hình bán nguyệt, có nhiều ngăn kéo để xếp các áo choàng. Từ này còn dùng để chỉ những người mặc áo choàng, họ có nhiệm vụ giúp chủ tế, và không buộc phải có chức thánh. Ngày nay không còn những người như thế này nữa.
Tuần Bát Nhật
(= Octave)
Tiếng La tinh octavus có nghĩa là thứ tám. Các đại lễ của dân Israel thường được cử hành suốt một tuần và ngày thứ tám kết thúc những ngày lễ ấy một cách trọng thể. Trong sách Lêvi có ghi những chỉ dẫn như sau: "Ngày 15 tháng thứ Bảy là lễ Lều, kính Ðức Chúa trong vòng bảy ngày. Ngày đầu tiên, phải họp nhau để thờ phượng Ta, các người không được làm một công việc nặng nhọc nào. Trong vòng 7 ngày, các ngươi phải tiến dâng lễ hỏa tế lên Ðức Chúa. Ngày thứ 8 các ngươi phải họp nhau để thờ phượng Ta, các ngươi không được làm một công việc nặng nhọc nào" (Lv 23,34-36; xc. 2Sbn 7,9).
Trong phụng vụ của Hội Thánh, ngày thứ 8 vẫn là ngày thánh kết thúc một đại lễ, nhưng tiếng octavus cũng chỉ cả tám ngày mừng lễ. Ngày nay chỉ có Tuần Bát Nhật lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh. Ngày thứ tám của lễ Giáng Sinh là ngày 1 tháng 1, lễ trọng Kính Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa; ngày thứ tám của lễ Phục Sinh là ngày Chúa Nhật Áo Trắng (xc. Áo trắng dài; hay Chúa nhật Quasimodo hoặc Chúa nhật II Phục sinh).
Tuần Thánh
(= Semaine sainte)
Tuần lễ chủ yếu của năm phụng vụ, bắt đầu từ Chúa nhật lễ Lá đến Chúa nhật Phục sinh, để cử hành đặc biệt hơn các biến cố trong những ngày cuối cùng của Chúa Giêsu, tức là cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người. Trong tuần lễ trọng đại này, tam Nhật Vượt Qua là những ngày quan trọng nhất.
Tung Hô
(= Acclamation)
Tác động ngắn và đồng thanh của cộng đoàn để bày tỏ bằng miệng lòng nhiệt thành ưng thuận đối với các công việc đang được thực hiện. Ngoài các câu đáp lại lời chào của chủ tế, tiếng Amen ở cuối các lời nguyện, các câu tung hô chính được xếp sau các bài đọc, trước và sau bài Tin Mừng, sau mỗi ý nguyện trong lời nguyện cộng đồng, trước lời Tiền Tụng, sau Truyền Phép, cuối vinh tụng ca của Lễ qui, sau kinh Khấn xin tiếp theo sau Kinh Lạy Cha, sau phép lành của linh mục và lời giải tán cộng đoàn. Ðó là với thánh lễ. Còn trong các Giờ Kinh Phụng Vụ, cũng có những tác động tương tự (xc. Ðáp ca; câu xướng đáp).
Không nên quá đề cao - cần dè dặt và lưu ý xứng hợp - tầm quan trọng của cách tham dự bằng ngôn từ được lặp đi lặp lại này, vốn là phần dành riêng cho giáo dân. Mỗi lần như vậy, họ bày tỏ sự ưng thuận đối với Công trình Thiên Chúa đang được hoàn tất trong phụng vụ, và về phần mình, họ đáp lại sáng kiến của Thiên Chúa được các thừa tác viên giới thiệu cho họ.
Tuyên Khấn
(= Profession)
Tiếng La tinh professio có nghĩa là hành vi tuyên bố một cách công khai (profiteri kép bởi: pro: trước, và fateri: xưng, thú). Toàn bộ phụng vụ là một lời tuyên xưng, một lời tuyên bố công khai niềm tin Kitô giáo của mình. Ðối với mỗi người Kitô hữu, việc tuyên xưng đức tin tuyệt hảo nhất là lời tuyên xưng khi chịu Thánh Tẩy, hay lời công nhận cá nhân và long trọng các lời hứa của bí tích Thánh Tẩy, vào tuổi thích hợp. Mỗi năm, vào đêm Vọng Phục Sinh, mọi tín hữu đều được mời gọi lặp lại lời tuyên xưng đức tin khi chịu Thánh Tẩy. Vào các ngày Chúa Nhật và lễ trọng, việc hát hoặc đọc Kinh Tin Kính thực sự là một lời "tuyên xưng đức tin".
Nhưng từ professio áp dụng vào đời tu còn là công bố những lời khấn hứa chính yếu của đời tu, đó là thanh bần, thanh khiết và tuân phục. Hình thức tuyên khấn khác nhau tùy theo mỗi hội dòng qui định. Việc tuyên khấn không phải là một bí tích, bởi vì việc tuyên khấn nhằm khai triển trọn vẹn ý nghĩa của bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức (do đó, có truyền thống gọi việc tuyên khấn là lần Thánh Tẩy thứ hai), nhưng đó là một trong những nghi lễ phụng vụ quan trọng của Hội Thánh. Thông thường, các tu sĩ tuyên khấn trong thánh lễ sau bài diễn giảng Tin Mừng. Sau những câu hỏi vẫn quen dùng để khấn sinh bày tỏ quyết định tự do, khấn sinh sẽ phủ phục, trong khi đó cộng đoàn hát kinh Cầu các Thánh để cầu nguyện cho người ấy. Việc tuyên khấn đúng nghĩa là lúc khấn sinh đọc lời tuyên khấn đã được công nhận đúng theo luật. Sau đó bề trên nhận lời khấn đọc một công thức chúc lành (hoặc thánh hiến) trọng thể, và người vừa tuyên khấn lãnh nhận tu phục hoặc một dấu hiệu của đời tu, nếu trước đó chưa có nghi thức này. Trên đây là nghi lễ tuyên khấn vĩnh viễn. trong trường hợp khấn tạm, cũng vẫn có bấy nhiêu nghi thức chính yếu, nhưng được đơn giản hóa và bỏ kinh cầu Các Thánh. Người ta cũng dự liệu một nghi lễ thật đơn giản cho việc khấn lại hằng năm.Nghi thức Ngân Khánh, Kim Khánh khấn dòng (xc. Toàn xá) lấy lại điểm chính yếu của việc khấn dòng.
Tuyên Úy
(= Chapelaine)
Tuyên úy là vị linh mục phụ trách một nguyện đường - còn gọi là cha tuyên úy. trong các nghi lễ đại trào, từ này dùng để chỉ những người giúp nguyện đường của giám mục, giáo hoàng: người cầm gậy, cầm mũ và người mang sách.
Tư Tế (Chức)
(= Sacerdoce)
Tiếng La tinh sacerdotium nói lên tình trạng của vị tư tế, bắt nguồn từ tiếng la tinh sacerdos nghĩa là tư tế. Tư tế là người được ban tặng điều hành linh thánh, nên cũng là người có thể ban phát của thánh. Cũng như sự linh thánh là đặc tính của những gì liên quan đến Thiên Chúa, thì chức tư tế nói lên sự gần gũi thần linh.
Trong các tôn giáo, chức tư tế hay chức năng tư tế hệ tại trọng trách và đặc tính tiếp xúc với những gì thần thiêng. Tư tế là người phụ trách việc thánh. Trong giao ước cũ, các tư tế cũng là những người được tới gần Thiên Chúa (Xh 3,5; Lv 9,7tt; 21,17.21; Xh 44,15...) để đón nhận lời Người và chuyển lại cho dân chúng, đồng thời để dâng lên Thiên Chúa lễ tế của dân Israel (Ml 2,7; Xh 29,24.26). Tuy nhiên, từ giao ước Xinai, Thiên Chúa muốn làm cho dân Người thành một vương quốc tư tế (Xh 19,6; xc. 1Pr 2,9), nhờ thế mà toàn Dân Hôn Thê đó được nối kết với đời sống của Thiên Chúa và như vậy đón nhận được điều thánh thiêng làm sản nghiệp. Tuy nhiên, vì một mặt dân riêng là dân tội lỗi, mặt khác vì cần những dấu chỉ sống động về sự hiện diện sinh động của Thiên Chúa, nên đối với họ, nên sự có mặt của các tư tế rất cần thiết.
Cộng đồng sự sống giữa Thiên Chúa và Dân Người đã được nói lên ở Xinai qua việc dùng cùng một thứ máu của các con vật được hiến tế để đổ trên bàn thờ và rẩy trên dân chúng (Xh 24,5-8). Giao ước mới được niêm ấn trong chính máu của Ðức Giêsu, Ðấng là Thiên Chúa thật và là người thật, vì vậy, Giao ước đó bảo đảm cho chúng ta một sự tiếp cận hoàn hảo với điều thánh thiêng là chính sự sống của Thiên Chúa.
Chức tư tế của Ðức Giêsu, vị Thượng tế theo phẩm hàm Menkisêđê, bắt nguồn từ sự hạ sinh vĩnh cửu của Người, với tư cách là Con từ trong cung lòng Chúa Cha, đúng như lời thư gửi tín hữu Do Thái (6,5-6), một nơi duy nhất trong Tân Ước nói tới Ðức Kitô như vị tư tế.
Nhờ Người, Ðấng chính là Lời Thiên Chúa (1,3) và là Ðấng, qua hiến tế của mình, làm cho việc cứu độ nên hoàn hảo, những người đã chịu Thánh tẩy có thể tiến về với Thiên Chúa (7,25) và vào trong cung thánh (10,19). Việc tới gần Thiên Chúa là đặc ân riêng của các tư tế, nay cũng là đặc ân của họ (xc. 12,22).
Chức tư tế của cộng đồng Dân Chúa là khả năng tới gần Thiên Chúa và thông hiệp vào đời sống của Người nhờ sự kết hiệp của họ với Ðức Kitô với tư cách là Hiền Thê và là Thân Mình. Ðược đồng hình đồng dạng với Ðức Kitô qua các dấu ấn Thánh Tẩy và Thêm Sức, họ sống đời đời sống thần linh, chủ yếu nơi phụng vụ, trong khi chờ đợi sự hoàn tất Giáo Ước nơi Giêrusalem thiên quốc.
Tại trần thế, để Hội Thánh được bảo đảm tiến gần tới Thiên Chúa và kết hiệp với Ðầu, Ðức Kitô đã trối lại cho Hội Thánh những dấu chỉ sống động về tình yêu của Người. Ðức Giám Mục - mà ngay từ những thế kỷ đầu đã được gọi là linh mục (sacerdos) - trong Hội Thánh, là sự hiện diện hữu hình của Ðức Kitô, Ðấng đã ban quyền cho Người. Tham dự vào chức tư tế của Giám Mục, các linh mục cũng có thể hành sự nhân danh Ðức Kitô, để thay thế vị giám mục đã sai phái mình. Trước cộng đồng Dân Chúa, linh mục là Ðức Kitô, nhất là khi cử hành bí tích Thánh Thể, hành động trung tâm trong đó Người cử hành điều linh thánh.
Như thế ta hiểu được chức tư tế thừa tác của giám mục và các cộng sự viên là để phục vụ cho chức tư tế cộng đồng: các vị là những dấu chỉ sống động của Hôn Phu, đồng thời làm cho Hôn Thê được kết hiệp với Ðức Kitô, và như vậy, tiến bước vào đời sống thần linh.
Phụng vụ, như định nghĩa của Công Ðồng Vaticanô II, là thực thi chức vụ tư tế của Ðức Giêsu Kitô, một chức vụ qua đó Ðức Kitô luôn liên kết với Hội Thánh là Hiền Thê rất quí yêu của Người (PV số 7). Vậy phụng vụ là đỉnh cao và là nguồn mạch (xc. số 10) của đời sống Hội Thánh, từ đó xuất phát tất cả năng lực của sự sống thần linh trong Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần, rồi lại trở về đó, khởi từ Chúa Cha và tiến về Chúa Cha.
Tư Thế
(= Position)
Phụng Vụ dẫn đưa toàn thể con người đến gặp gỡ Thiên Chúa. Vì thế, phụng vụ cũng bao gồm những tư thế thích hợp của thân xác. Các tư thế chính được đưa vào phụng vụ là: đứng, ngồi, quì (xc. Quì gối), đôi khi cũng có cả tư thế phủ phục. Ðó là những tư thế cố định, ngoài ra còn các tư thế kah1c của toàn thể thân xác (xc. Cử điệu).
Từ Biệt (Nghi Thức)
(= Absolute)
Tiếng La tinh absolvere, nghĩa là tháo cởi, xá giải. Ðây là phần kết thúc nghi thức phụng vụ thánh lễ an táng ở thánh đường. Nghi thức này gồm một bài ca khẩn nài Thiên Chúa xá giải tất cả tội lỗi cho người qua đời (kinh Libera). Sau đó, rẩy nước thánh và xông hương thi hài. Ở nghĩa trang cũng có thể làm nghi thức tương tự. Trong sách nghi thức an táng mới, thường gọi là "Lời Từ Biệt cuối cùng hoặc Lời Nhắn Nhủ sau hết" (xc. Từ Biệt lần cuối).
Từ Biệt Lần Cuối
(= Adieu dernier)
Ðây là nghi thức phụng vụ kết thúc nghi lễ an táng tại thánh đường. Ðây là giây phút long trọng, gia đình và cộng đoàn chào thi hài người quá cố một lần cuối, trước khi đem chôn. Nghi thức này gồm có một bài hát từ biệt, rảy nước thánh và xông hương thi hài, cuối cùng là lời nguyện. Nghi lễ này không nhằm cầu cho người quá cố được giải thoát khỏi tội lỗi và các phần phạt do tội lỗi gây nên (xc. Cầu hồn) - dĩ nhiên không loại trừ ý hướng cầu xin đó - cho bằng để tỏ thái độ kính trọng thi hài người quá cố, một thi hài trước đây đã được thánh hóa nhờ các bí tích và dù có những yếu đuối, thi hài đó cũng là Ðền Thờ của Chúa Thánh Thần (1Cr 6,19) (xc. Quá cố).
Tử Ðạo
(= Martyre)
Tiếng Hy Lạp martus có nghĩa là chứng nhân. Vị tử đạo là chứng nhân tuyệt hảo, vì đã tuyên xưng niềm tin đến độ hy sinh mạng sống mình. Ðó là người noi gương một cách tuyệt hảo Ðức Kitô Giêsu, Ðấng đã làm chứng trước tòa tổng trấn Phông-xi-ô Phi-la-tô bằng một lời tuyên xưng cao đẹp (1Tm 6,13), Ðấng đã được sách khải huyền gọi là vị chứng nhân trung thành (1,5). Các vị tử đạo là những vị thánh được phụng vụ của Hội Thánh mừng đầu tiên, hoặc như người ta quen nói, được đưa lên bàn thờ (xc. Tôn kính). Các đồ trang hoàng trong phụng vụ mang màu đỏ để tưởng nhớ việc các vị vì Thiên Chúa mà chịu đổ máu. Các sách phụng vụ đều có phần chung các thánh tử đạo và một mẫu riêng dùng trong mùa phục sinh.
Tưởng Nhớ (Việc)
(= Mémorial)
Tiếng La tinh memoriale tương ứng với zikharon trong tiếng Hípri và anamnesis trong tiếng Hy Lạp (hoặc mnemosunon). Mỗi từ trên đều có ý diễn tả hành vi phụng vụ, nhắc cho cộng đoàn họp nhau để cử hành giao ước nhớ lại kỷ niệm của Thiên Chúa (St 8,1; 9,15; 19,29; Xh 2,24; 6,5; 28,12.29; 39,7; Lv 2,2.9.16; Ds 5,15; 10,9tt; 1V 17,18; 18,26.29; Lc 1,54.55.72). Kỷ niệm của Dân được nối kết với kỷ niệm của Thiên Chúa: việc tưởng nhờ thực sự hiện tại hóa những kỳ công làm nên Giao Ước.
Ðối với ngoại giáo, không có vấn đề Lịch Sử Cứu Ðộ. Dòng thời gian trôi qua làm sống động lại ký ức về thời khai nguyên, về thời hoàng kim ban đầu, lúc các thần hoạt động. Thế giới xuất phát từ thời huyền thoại đó do một quá trình suy thoái. Ðể giữ cho mọi vật không bị hư hại, các hành vi phụng tự tái lập quãng thời gian của con người và vũ trụ trong sự sung mãn của thời khai nguyên. Ðó là huyền thoại về chu kỳ vòng tròn vĩnh cửu, được tác động nhờ các chu kỳ phụng tự, căn cứ vào chu kỳ của trời đất. Có những dòng triết lý lớn, từ Platon tới Spinoza, Leibniz và Hegel, đã lấy lại lược đồ phân tán - hội tụ này. Mặc khải Do Thái - Kitô giáo không thể chấp nhận những quan niệm lưu xuất này, ít nhiều mang tính chất phiếm thần; những quan niệm ấy du nhập vào thần tính cái chu kỳ tất yếu của sự thoái hóa và phục hồi.
Trong Kitô giáo, Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch và tận cùng của muôn vật muôn loài. Nhưng việc Người sáng tạo nên muôn vật hoàn toàn do ý Người muốn. Việc sáng tạo đó không có tính cách tất yếu đòi buộc Người và cũng không làm tiêu hao Người bất cứ cách nào. Như vậy, khởi nguyên cũng như cùng tận của việc sáng tạo nằm ở ngoài thời gian, ngoài lịch sử. Nhưng thời gian của các thụ tạo lại đi theo một hướng thẳng chứ không theo vòng tròn. Con người sống trên trần gian phải lệ thuộc dòng thời gian kế tiếp: cái hiện tại của con người giả thiết có một quá khứ và chuẩn bị tương lai. Khi Thiên Chúa tự do quyết định thiết lập những mối quan hệ đặc biệt với cộng đoàn nhân loại, Người phải thực hiện những hành vi như thể những hành vi đó nằm trong thời gian, đồng thời lại vượt quá phạm vi hoàn toàn có tính cách thời gian. Kế hoạch Giao Ước của Người không chỉ nhắm đến những con người, nhưng là cả một Dân Tộc: nó hàm chứa một lịch sử, nghĩa là một dòng thời gian kế tiếp nhau, được triển khai qua nhiều thế hệ.
Khi Ðức Chúa thiết lập quan hệ với Israel trên núi Xinai, thì hành vi lịch sử này rõ ràng được thực hiện trong thời gian, nhưng lại vượt quá phạm vi của thời gian. Kế hoạch của Thiên Chúa là duy nhất, cũng như hành vi và hữu thể của Người không phan biệt nhau: chính vì thế, trọn vẹn hành vi giao ước của Thiên Chúa luôn đón nhận và hoàn tất những giao ước trước đó, và hàm chứa những giao ước sẽ được thực hiện trong tương lai (xc. Giao ước; Lịch sử Cứu độ). Là sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa với Dân Người để cử hành Giao Ước (xc. Phụng vụ), phụng vụ nối kết cộng đoàn con người, trong chính hành vì gặp gỡ, với kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa; và có thể nói thấm nhập vào diễn tiến của lịch sử.
Mọi hành vi phụng tự đều hiện tại hóa trong Giao Ước hiện tại, Giao Ước trước kia và tham dự trước vào giao ước hoàn hảo hơn sẽ đến. Giao Ước trên núi Xinai kiện toàn không những các giao ước với các tổ phụ, nhưng cả giao ước với ông No-e là nền tảng được tỏ bày trong tôn giáo ngoại giáo, xét trong những gì các tôn giáo đó gìn giữ được đúng đắn trong mối liên hệ với Thiên Chúa. Ngược lại, nhờ hoạt động của các ngôn sứ, giaoước Xinai được phụng vụ hiện tại hóa sẽ mỗi ngày mỗi dẫn đưa giao ước ấy tới một giao ước mới vĩnh cửu. Những người Israel đạo hạnh nhất, những người đã thực sự gặp gỡ Thiên Chúa trong phụng tự của họ một cách nào đó mà họ không biết, đã được tham dự trước vào giao ước mới này.
Khi Ðức Giêsu, là Thiên Chúa thật và là con người thật, hiến dâng Giao Ước mới bằng chính Máu mình trên đồi Canvê, thì thời cuối cùng đã điểm (Cv 2,17). Hy lễ tạ ơn sẽ hiện tại hóa cho các tín hữu Giờ trọng tâm của Lịch Sử Cứu Ðộ, khi cho họ tham dự trước cái thời điểm cuối cùng này được hoàn tất trên Giêrusalem thiên quốc, khi Thiên Chúa nhớ đến Ðấng Mê-si-a hầu cho Người xuất hiện trong Ngày Quang Lâm. Ðó chính là nội dung của bài điệp ca Kinh Chiều II lễ Thánh Thể: Ôi yến tiệc rất thánh, Chúa Kitô thành lương thực nuôi ta: đó chính là việc tưởng nhớ Người đã chịu thương khó, tâm hồn ta được tràn đầy ân sủng của Người, và vinh quang mai hậu đã được ban xuống cho Ta; Hallêluia. Ðó là ý nghĩa trọn vẹn của lệnh Ðức Giêsu truyền trong bữa Tiệc Ly: "Anh em hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy" (Lc 22,19; 1Cr 11,24.25).
Nếu việc tưởng niệm theo phụng vụ chỉ có trong ký ức của con người, có lẽ nó cũng không vượt qua được thực tại của một cuộc tưởng niệm có tính cách lễ lạc mà thôi. Nhưng vì trước hết việc tưởng niệm này gắn liền với kỷ niệm chủ động của Thiên Chúa, vì Người mà Con Thiên Chúa bị sát tế từ khi vũ trụ khởi đầu (Kh 1,38 theo một cách hiểu bản Vulgata, được toàn thể truyền thống bảo đảm) nên việc tưởng niệm theo phụng vụ làm cho toàn bộ Mầu Nhiệm này (xc. Ep 1,9; 3,1-13) trở nên hiện tại, Mầu nhiệm bao gồm, đồng thời cũng vượt qua những phạm trù quá khứ, hiện tại và tương lai như chúng ta vẫn quan niệm Như vậy, mỗi hành vi phụng vụ liên kết kỷ niệm của chúng ta với kỷ niệm của Thiên Chúa. Ðối với chúng ta, hành vi phụng vụ là một hình thức tham dự vào sự vĩnh cửu của Thiên Chúa. (xc. Thánh Thể; Mầu Nhiệm; Tưởng niệm; Mùa Vọng).
Tưởng Niệm (Kinh)
(= Anamnèse)
Gốc tiếng Hy Lạp anaphora gồm có ana: lên cao và phora: hành động đưa đến. Kinh Anaphora là lời nguyện trong phần Lễ Qui và là lời cầu nguyện kế tiếp việc truyền phép. Sau lời tung hô của tín hữu, lời kinh này được ghép vào lệnh truyền phải lặp lại tác động này, tức là câu kết của trình thuật thiết lập Thánh Thể: "Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy" (trong tiếg Hy Lạp: eis tèn émèn anamnèsin, Lc 22,19; 1Cr 11,24.15).
Nên để ý nhiều đến các công thức của Kinh Tưởng Niệm. Kinh Unde et memores của Lễ Qui Rôma bắt đầu như sau: Vì vậy, lạy Chúa, chúng con là tôi tớ Chúa và toàn thể dân thánh Chúa, kính nhớ... Cách diễn tả trong Kinh Tạ Ơn III cũng tương tự như thế: Vì vậy, lạy Chúa, khi kính nhớ cuộc khổ hình của Con Chúa...
Vì là kỷ niệm Thánh Thể, tức kỷ vật tri ân của Hội Thánh, Kinh Tưởng Niệm cũng là một lời gợi nhớ kỷ niệm của Thiên Chúa. Do đó, việc hiện thực hóa bằng phụng vụ hy tế của Giao Ước mới cũng có thể hiểu là cuộc gặp gỡ với kỷ niệm phát xuất từ Thiên Chúa - vì thế không thể không tưởng nhớ biến cố đó - và kỷ niệm hướng thượng của Hội Thánh tuân theo lời kêu mời của Chúa mình (xc. Tưởng nhớ).