S
Sách Lễ
(= Missel)
Tiếng La tinh missale chuyển dịch sang tiếng Việt là Sách lễ, tức là cuốn sách để cử hành hay tham dự thánh lễ. Sách lễ của chủ tế không có các bài đọc trong thánh lễ.
Có lẽ giáo dân chưa được khích lệ đủ để sử dụng sách lễ theo tinh thần canh tân phụng vụ của Công Ðồng Vaticanô II. Sách lễ gồm phần lớn là Kinh Thánh. Ngoài ra, Sách lễ còn có lời cầu nguyện và thánh ca của Hội Thánh, nên sách lễ là một thứ lương thực đặc biệt cho đời sống Kitô hữu.
Khi không thể tham dự thánh lễ mỗi ngày, tín hữu có thể đọc và suy niệm "phần lương thực" mỗi ngày mà Hội Thánh đã dọn sẵn: mỗi tín hữu tìm thấy trong sách lễ của ăn phù hợp với đời sống đức tin của mình và thấy mình được hướng dẫn trong việc cầu nguyện nhờ Hội Thánh là Mẹ các tín hữu. Người ta cảm thấy đơn độc khi đặt mình trước bộ Kinh Thánh. Nhưng với sách lễ, người ta nhận được từ Hội Thánh lương thực hàng ngày cho đời sống kitô hữu, vì sách lễ từng bước giúp ta hiểu Kinh Thánh và biết cầu nguyện.
Sách Nguyện
(= Bréviaire)
Tiếng La tinh bréviarium nghĩa là tóm tắt, rút gọn. Việc hát kinh thần vụ trong cung nguyện đòi hỏi phải dùng nhiều sách: sách điệp ca, sách thánh vịnh, sách xướng đáp, sách hát khi rước kiệu, sách các lời nguyện, sách bài đọc, sách thánh thi, sách bài giảng... Từ thế kỷ thứ IX, xuất hiện các "Sách nguyện rút gọn" hoặc sách tóm tắt các giờ kinh Phụng Vụ của các kinh sĩ, để cho giáo dân sử dụng. Có lẽ người ta cũng soạn một vài tập sách gồm các phần chính của kinh thần vụ để tiện dùng cho các đan sĩ không thể đến cung nguyện được.
Chương 50 trong tu luật Biển Ðức có ghi: "Các anh em bận rộn làm việc trong một thời gian khá dài không thể đến nguyện đường theo giờ ấn định, và khi viện phụ xác nhận đúng như vậy, thì những anh em đó sẽ chu toàn "Công trình Thiên Chúa" (Thần vụ) ngay tại nơi làm việc, với lòng tôn kính Thiên Chúa và trong tư thế quì gối. Cũng vậy, những người lữ hành cũng không bỏ các giờ kinh phụng vụ đã qui định, nhưng phải chu toàn theo mức độ có thể trong hoàn cảnh đặc biệt của mình, đừng chểnh mảng trách vụ này".
Sách nguyện, theo như cách gọi hiện nay, chỉ xuất hiện khi có luật buộc các giáo sĩ phải đọc kinh Thần Vụ (thế kỷ XI-XII), loại sách nguyện này trở nên phổ biến đồng thời với sự phát triển của các dòng hành khất ở thế kỷ XIII. Là những người sống nay đây mai đó, các tu sĩ Ða Minh và Phan Sinh phải mang theo các bản văn kinh Thần Vụ để đọc. Khi đó, các sách nguyện trở thành một cuốn sách thu tóm tất cả các yếu tố của giờ kinh phụng vụ, không cần ghi nốt nhạc. Qua các thế kỷ, kinh Thần Vụ dần dần mất đi ý nghĩa toàn vẹn, vốn được soạn ra để hát trong các cộng đoàn tu trì và các thánh đường. Phần lớn các linh mục và tu sĩ quen dần với việc thi hành nghĩa vụ ca tụng Thiên Chúa bằng cách đọc sách nguyện một mình. Ngay từ đầu, có lẽ anh em Dòng Tên đã được chuẩn miễn khỏi mọi cử hành thần vụ trong cung nguyện. Chỉ còn các nhà thờ chính tòa và nhà thờ có Kinh Sĩ Hội cũng như các tu viện tiếp tụ cử hành các giờ kinh công cộng và có những phần được hát.
Công đồng Vaticanô II cải tổ phụng vụ và kêu gọi tôn trọng việc đọc kinh nguyện đúng theo giờ giấc - nghĩa là không đọc tất cả các giờ kinh liền một lúc - và phải cố trù liệu để cử hành trong bầu khí cộng đoàn, bằng cách cho các tín hữu tham dự. Ngày nay người ta hay dùng cách gọi "các giờ kinh phụng vụ", thay vì "sách nguyện", đó là một dấu hiệu đáng mừng.
Sám Hối (Bí Tích)
(= Pénitence)
Con người luôn ý thức một cách tương đối rõ rệt về sự dữ trong thế giới và nơi bản thân mình: các nghi thức sám hối hay hòa giải đóng một vai trò khá quan trọng trong các tôn giáo, điều này được chứng tỏ qua các bản văn cầu xin ơn tha thứ. Mặc khải Cựu Ước nói đến nhiều khuôn mặt nổi bật đã thực hành sám hối - đặc biệt là vua Ða vít (2V 12,13; Tv 50; xc. 2S 24,10) - và cũng có nhiều công thức tự thú nổi tiếng (Nkn 9; Ðn 9,4-19; và rải rác trong các thánh vịnh). Duy Ðức Giavê mới có thể tha thứ. Người biểu lộ việc tha thứ tội lỗi qua lời các tiên tri, nhưng cũng qua hành động của Người nơi mỗi tâm hồn và qua các việc kỳ diệu Người thực hiện cho Dân tỏ lòng sám hối.
Tội lỗi của Dân cứ kéo dài, bất chấp cả Giao Ước, khiến cho niềm trông đợi Ðấng Cứu Thế ngày càng trở nên mãnh liệt, vì chỉ có Ðấng ấy mới thực sự có thể ban cho dân một quả tim mới (xc. Ez 36,26). Khi Ðức Giêsu, Ðấng Cứu Thế, xuất hiện, Người đã nhận mình là chính Ðấng tha thứ tội lỗi, và Ngài đến để trao ban quyền tha thứ cho những kẻ Người tuyển chọn (Mt 9,1-8). Quả thế, thánh Phêrô và các Tông Ðồ đã được quyền cầm buộc và tha tội (Mt 16,19; 18,18; Ga 20,23).
Lịch sử việc thực hành bí tích Sám Hối hay Hòa Giải trong Hội Thánh thật phức tạp. Ban đầu, bí tích này chỉ dành cho những tội nặng và công khai, bao gồm việc thú tội và hòa giải được thực hiện trước cộng đoàn, bí tích này chỉ được lãnh nhận một lần. Dần dần, việc sám hối lại áp dụng cho những tội hoàn toàn kín, và được nhận thường xuyên. Năm 1215, công đồng Latran IV ấn định phải xưng tội hằng năm. Nếu bí tích Sám Hối cần thiết để phục hồi ân sủng sau khi người tín hữu cắt đứt tình thân với Thiên Chúa do việc phạm tội nặng, thì cũng rất nên lãnh bí tích Sám Hối ngay cả khi không phạm tội "chết" (tội trọng) chống lại Tình Yêu; việc thực hành Sám Hối trong trường hợp này cốt để nuôi dưỡng sự tinh tế trong tình bằng hữu. Trong tinh thần đó, các tu sĩ phải lo xưng tội thường xuyên theo như Hội Thánh nhắc nhở.
Là sự nối lại tình thân, việc sám hối phục hồi mối dây liên kết hối nhân với Thiên Chúa và Hội Thánh. Nhưng hành vi của hối nhân là: ăn năn tội cách trọn, tức là những tâm tình đau đớn vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa và anh chị em, việc xưng tội, việc đền tội do linh mục đề nghị. Hiển nhiên việc ăn năn tội cách trọn là quan trọng nhất và giúp thông hiệp vào ân sủng của Thiên Chúa. Tha tội là hành vi của linh mục, đại diện Thiên Chúa và Hội Thánh. Vì thế, phụng vụ sám hối hàm chứa sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và một phần tử của Dân Người (xc. Phụng vụ) nhằm phục hồi và củng cố Giao Ước vì lợi ích của hối nhân, và như thế cũng là lợi ích của cả Hội Thánh.
Qui luật hiện hành về việc sám hối đã dự liệu 3 hình thức để cử hành bí tích sám hối: cử hành sám hối cá nhân được thực hiện giữa hối nhân và linh mục; cử hành sám hối cộng đồng với việc xưng tội và tha tội cho từng cá nhân; và việc cử hành sám hối cộng đồng với việc xưng tội và tha tội tập thể trong những trường hợp do luật định. Khi áp dụng hình thức thứ ba, các hối nhân nên nhớ rằng sau đó, họ phải xưng tội nặng với một linh mục. Các tín hữu nên thực hành bí tích Sám Hối cá nhân xen kẽ với sám hối cộng đồng theo một nhịp độ thích hợp, vì cả hai hình thức này bổ túc lẫn nhau.
Sáng Lập (Vị)
(= Fondateur)
Tiếng La tinh fundator nghĩa là người đặt nền tảng. Lễ mừng vị thánh sáng lập Hội Thánh địa phương (thường là giáo phận) hay một gia đình tu trì được cử hành như lễ trọng. Ngoài khu vực chính tòa của giáo phận, lễ này mừng theo bậc lễ kính (xc. Lịch phụng vụ; Lễ riêng).
Sát Hạch
(= Serutin)
Tiếng La tinh scrutinium, nghĩa là việc lục lọi, truy tìm, tra xét (scrutari). Trong Kitô giáo cổ thời, vào Mùa Chay, việc chuẩn bị lãnh bí tích Thánh Tẩy có một vài lễ nghi chuẩn bị, được gọi là sát hạch nghĩa là thẩm xét ý hướng của những người dự tòng để xem tâm hồn đã sẵn sàng chưa và cử hành các nghi thức trừ tà cho họ. Luật hiện hành về việc ban bí tích Thánh Tẩy cho người lớn còn giữ lại ba lần sát hạch, thường được ấn định vào các Chúa Nhật 3, 4 và 5 Mùa Chay. Các lần sát hạch được tiến hành trong thánh lễ Chúa Nhật, sau bài giảng và gồm một lời nguyện thầm, một lời nguyện cộng đồng cho các người dự tòng và nghi thức trừ tà.
Sinh Nhật (Lễ)
(= Nativité)
Trong năm phụng vụ, Hội Thánh cử hành ba lễ sinh nhật: sinh nhật Ðức Giêsu (25/12), sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả (24/06), và sinh nhật Ðức Mẹ (8/09). Hai lễ sinh nhật sau qui chiếu về lễ sinh nhật thứ nhất (xc. Giáng sinh).
Sống (Sự)
(= Vie)
Theo giáo huấn của thánh Phaolô (Rm 1,9; 12,1; Pl 3,3), toàn bộ cuộc sống Kitô hữu là một cuộc cử hành phụng vụ, hiểu theo nghĩa đó là một cuộc dâng tiến lên Thiên Chúa tất cả cuộc đời của mình trong sự kết hợp với Ðức Kitô. Một cuộc sống mang chiều kích phụng vụ như thế không thể thực hiện được nếu không có những tác động phụng vụ đúng nghĩa, tức là những hành động cô đọng đời sống của Hội Thánh trong mọi chiều kích: người Kitô hữu được sinh ra trong bí tích Thánh Tẩy, trưởng thành trong bí tích Thêm Sức, được nuôi dưỡng trong bí tích Thánh Thể, được tẩy luyện trong bí tích Sám Hối; bí tích Truyền Chức đem lại cho Hội Thánh những vị đại diện xứng đáng của Ðức Kitô, còn bí tích Hôn Phối thánh hóa đời sống gia đình, bí tích Xức Dầu chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ chung cuộc với Chúa. Như vậy, cách này khay cách khác, đời sống Kitô hữu không ngừng đi từ việc cử hành phụng vụ này đến việc cử hành phụng vụ khác. Theo giáo huấn của công đồng Vaticanô II: "Phụng vụ là tột đỉnh qui hướng mọi hoạt động của Hội Thánh, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Hội Thánh" (PV số 10).
Chính sự phong phú của các tác động phụng vụ đã khiến các tác động này không thể làm nên toàn bộ cuộc sống Kitô hữu trên trần gian. Mọi nỗ lực để cất lời ca tụng vĩnh cửu (laus perennis) đều đã thất bại, vì như thế là rơi vào cơn cám dỗ muốn tạo lập phụng vụ thiên quốc ngay tại trần gian này mà thực ra bây giờ mới chỉ là bước khai mào. Cá nhân và cộng đoàn cùng hoạt động một lúc, ở mức độ cao nhất, trong mối tương quan sống động với Thiên Chúa, là một điều hầu như không tưởng đối với tâm lý hữu hạn của chúng ta. Vì vậy, thật là xứng hợp khi việc cầu nguyện cá nhân và việc chiêm niệm chuẩn bị hay tiếp nối việc cử hành phụng vụ dưới mọi hình thức. Chỉ trong Giêrusalem thiên quốc thì phụng vụ mới là tất cả cuộc sống của những người được chọn, là những người nhờ sự kết hiệp với Ðức Kitô và ân huệ của Thánh Thần, được tham dự vào dòng chảy đối lưu hai chiều của tình yêu Ba Ngôi.
Suy Tôn Thánh Giá
(= Exaltation De La Sainte Croix)
Ðây là việc tôn kính Thánh Giá, khí cụ đem lại ơn cứu độ, và tôn vinh Ðức Kitô: "Phần Tôi, một khi được giương cao lên khỏi đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi" (Ga 12,32). Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày cử hành cuộc thương khó và cái chết của Ðức Kitô trên Thập Giá, còn ngày 14 tháng 9 là lễ Suy Tôn cây Thánh Giá, trên đó Ðức Kitô đã chịu khổ hình và chịu chết vì chúng ta.
Theo lịch sử, lễ này có liên hệ với việc cung hiến vương cung thánh đường Ngôi Mộ Thánh mà hoàng đế Constantin cho xây cất ở Giêrusalem năm 335. Thánh dường này xây trên đồi Canvê, trên Mộ Ðức Kitô để tôn kính cái chết và sự phục sinh của Chúa. Lễ này cũng nhắc lại biến cố năm 630 hoàng đế Héraclius, chiếm lại được Thánh Giá trước đó đã bị người Ba Tư giữ làm chiến lợi phẩm ở Giêrusalem: Thánh Giá đó được chính hoàng đế Héraclius long trọng rước về mộ thánh.
Cuối giờ Kinh Chiều của ngày lễ này, người ta có thói quen tôn thờ Thánh Giá và ban phép lành bằng di tích Thánh Giá đó.