Nh
Nhà Tạm
(= Tabernacle)
Trong tiếng La tinh, tabernaculum nghĩa là lều. Chúng ta biết rằng sau khi ký kết giao ước Sinai, Lều Hội Ngộ hay Trướng Tao Phùng (kiểu nói thường thấy trong sách Xuất Hành, Lêvi và Dân Số) là nơi linh thánh mà Giavê và Dân Người gặp nhau qua trung gian là ông Môsê. Trong Tân Ước, Lều đích thực, không do tay người phàm làm ra (xc. Dt 9,11.24), là nhân tính mà Con Thiên Chúa đã mặc lấy; bản văn Ga 1,14 bằng tiếng Hy lạp đã chẳng viết: "Và Ngôi Lời đã làm người, và cắm lều ở giữa chúng ta" đó sao?
Trong các nhà thờ, nhà tạm là một cái hộp được trang trí, hoặc những tủ nhỏ có khóa, dùng để lưu giữ Mình Thánh Chúa. Ðó là nơi "cắm lều" của Chúa Kitô Thánh Thể giữa chúng ta; khăn phủ nhà tạm hay áo nhà tạm cũng làm nổi bật ý nghĩa của cái lều.
Trong các nhà thờ tương đối rộng, không nên đặt nhà tạm ở giữa cung thánh, nhưng đặt trong một nhà nguyện riêng để tôn kính Chúa hiện diện trong Thánh Thể. Ðối với các nhà thờ nhỏ, nhà tạm có thể được đặt trên bàn thờ hoặc gắn vào tường. Phải có một ngọn đèn chầu để nói lên sự hiện diện của Chúa. Các tín hữu được mời gọi đến viếng Thánh Thể, để cảm nhận được niềm hân hoan của ông Môsê trong "Lều Hội Ngộ", nơi đây "Ðức Giavê đã trò chuyện với ông Môsê diện đối diện, như bạn với bạn" (Xh 33,11).
Nhà Thờ Chánh Tòa
(= Cathédrale)
Cathédrale là tính từ dùng như danh từ để chỉ nhà thờ chánh tòa. Nhà thờ chánh tòa là nhà thờ có đặt ngai của đức giám mục, nghĩa là ngai tòa để thực hiện quyền bính và quyền giáo huấn của giám mục, và tượng trưng quyền chủ tọa của giám mục trong các cử hành phụng vụ. Nhà thờ chánh tòa thường tọa lạc ở khu vực tỉnh lỵ.
Nhẫn
(= Anneau)
Từ rất xa xưa đã có tục lệ đeo nhẫn để tượng trưng một giao kết tự nguyện. Phụng vụ Kitô giáo đã thánh hóa tục lệ này trong nhiều trường hợp. Có lẽ ý nghĩa nền tảng của việc đeo nhẫn là sự trung tín đối với mối dây hiệp nhất hôn nhân: những "chiếc nhẫn cưới" là biểu tượng của giao ước hôn nhân; trong bí tích hôn phối, giao ước này đạt đến ý nghĩa trọn vẹn trong tương quan với mầu nhiệm giao ước giữa Thiên Chúa và Dân Người trong Ðức Kitô. Linh mục làm phép nhẫn cưới theo công thức sau đây: "Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, chính Ngài đã giao ước với chúng con qua Ðức Giêsu Kitô, giờ đây xin Chúa chúc phúc cho những chiếc nhẫn này và ban cho những ai đeo nhẫn này luôn giữ được lòng trung tín toàn vẹn".
Trong nghi lễ tấn phong giám mục, vị tân giám mục nhận một chiếc nhẫn tượng trưng cho dây ràng buộc mà Người ký kết với Hội Thánh; đối với Hội Thánh, vị giám mục là dấu chỉ sung mãn và có tính bí tích nói lên sự hiện diện của Ðức Kitô, hôn phu của Hội Thánh. Khi đeo nhẫn cho tân giám mục, vị chủ phong đọc: "Hiền huynh hãy lãnh nhận chiếc nhẫn, ấn tín đức tin. Với đức tin nguyên tuyền làm trang sức, hiền huynh hãy giữ Hiền Thê của Chúa, là Hội Thánh, được vẹn toàn". Ý nghĩa tượng trưng đó cũng được áp dụng cho các đan viện phụ, là những vị, theo luật thánh Biển Ðức, "giữ địa vị của Ðức Kitô trong đan viện của các ngài" (chương 2).
Theo lời thánh Âu Tinh, các trinh nữ được thánh hiến không phải không có hôn lễ; trái lại, họ được đưa vào trung tâm của mầu nhiệm giao ước. Bởi vậy, khi thánh hiến các trinh nữ, đức giám mục trao nhẫn cho họ và nói: "Con hãy lãnh nhận chiếc nhẫn của hôn lễ thánh với Chúa Kitô; và hãy giữ lòng trung tín với vị Hôn Phu của con, để xứng đáng được đón vào dự tiệc cưới hoan lạc vĩnh cửu".
Nhập Lễ
(= Introit)
Trong tiếng La tinh, introitus nghĩa là việc tiến vào. Nhập lễ trước hết gợi lên một cuộc rước tiến vào thánh lễ. Trong hệ từ vựng của bình ca Ghê-gô-ri-ô, từ này dùng để chỉ một bài hát ngắn dùng trong cuộc rước đó. Bài hát này chủ yếu gồm một điệp ca, và một câu thánh vịnh; khi hát câu thánh vịnh, người ta lập lại điệp ca. Ðôi khi có nhiều câu thánh vịnh, và dù trong trường hợp nào, vẫn luôn luôn có thể thêm Vinh Tụng Ca (Gloria Patri).
Như Trẻ Sơ Sinh (Bài Ca)
(= Quasimodo)
Từ la tinh bắt đầu bài ca nhập lễ Chúa Nhật II Phục Sinh: Quasimodo getini infantes..., nghĩa là Như trẻ sơ sinh... Trong ngày Chúa Nhật kết thúc tuần bát nhật Phục Sinh, những người mới lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy trong đêm Vọng Phục Sinh không còn mặc những áo dài trắng mà họ đã mặc suốt tuần trước đó. Vì vậy, Chúa Nhật này được gọi là Chúa Nhật đã bỏ áo trắng (in albis: hiểu ngầm depositis: Chúa nhật bỏ áo trắng). Các người tân tòng này đã tham dự nghi thức cởi bỏ áo trắng từ chiều hôm trước, tức thứ Bảy in albis (hiểu ngầm deponendis: thứ bảy cởi bỏ áo trắng) (xc. Áo trắng dài).