Ng

 

Ngai

(= Cathèdre / Trône)

Gốc tiếng Hy Lạp kathèdra: tòa, ghế. Trong ngôn ngữ phụng vụ, từ này chỉ ngai của giám mục, tức là chiếc ghế giám mục ngồi để chủ tọa một cuộc cử hành phụng vụ. Trong các nhà thờ cổ, ngai được đặt ở giữa tòa nhà, phía trong cùng của hậu cung nhà thờ.

Ngai đức giám mục là biểu tượng quyền giáo huấn. Thông thường, chính từ ngai của mình mà đức giám mục ngỏ lời với dân chúng. Ðức Kitô cũng như các kinh sư Do Thái, có thói quen ngồi giảng dạy (xc. Mt 55,12; 13,1.2). Chẳng phải là trong tư thế "ngồi bên hữu Chúa Cha" mà Ðức Giêsu chủ tọa phụng vụ vĩnh cửu diễn ra trước nhan Người dó sao? (Tv 109,1; Mt 26,64; Cv 2,34; 7,55-56; Kh 4,3tt; 5,6tt; 22,1).

Ngai chính thức của đức giám mục được đặt trong nhà thờ chính tòa, nhưng mỗi nhà thờ trong địa phận đều thường xuyên dành sẵn một ngai cho giám mục, điều này nhắc ta nhớ rằng không thể có một cuộc cử hành phụng vụ nào, không có một lời giáo huấn nào mà không hiệp thông với vị giám mục, mà linh mục là các cộng sự viên của người: "Chỉ được coi là chính đáng bí tích Thánh Thể nào được cử hành dưới sự chủ tọa của đức giám mục hay của vị được người ủy thác trách nhiệm. Ở đâu có giám mục, ở đấy có cộng đoàn, cũng như ở đâu có Chúa Giêsu Kitô, ở đấy có Hội Thánh Công Giáo" (thánh Inhaxiô thành Antiôkia, thư gửi người Miếc-na 8,1-2).

 

Ngày Trong Tuần

(= Férie)

Tiếng La tinh feriae có nghĩa là những ngày dành để nghỉ ngơi và mừng lễ. Trong ngôn ngữ phụng vụ của Hội Thánh, người ta gọi feriae là ngày trong tuần: Chúa Nhật là ngày thứ nhất, thứ Hai là ngày thứ hai, và cứ như vậy cho tới ngày thứ Sáu; thứ Bảy gọi là ngày sabát". Cách gọi tên như thế hàm ý mỗi ngày phụng vụ đều là ngày lễ: như vậy, phải chăng chúng lại không là khung cho chu kỳ thường nhật đó sao?

Mặt khác, người ta còn gọi ngày trong tuần là ngày không có lễ trọng, lễ kính hay lễ nhớ buộc.

 

Nghệ Thuật

(= Art)

Tiếng La tinh ars có nghĩa là sự khéo léo, tài nghệ, sự thành thạo. Nguyên thủy, nghệ thuật là một tài khéo thuộc phạm vi thực hành; đó là đặc điểm của người thợ giỏi, làm việc có phương pháp và chính xác nhằm đạt được một tác phẩm hoàn mỹ. Sự mô tả này phù hợp với người thợ thủ công, còn người nghệ sĩ nhắm đến sự hoàn thiện, hay một vẻ thẩm mỹ trong lãnh vực mỹ thuật: kiến trúc, hội họa, chạm trổ, điêu khắc, âm nhạc. Với cả hai ý nghĩa trên, nghệ thuật chiếm một vị trí trong phụng vụ, là hành động dâng lên Thiên Chúa phần tinh hoa nhất của con người và tài năng của họ. Phần cuối của Phụng Vụ là hai chương bàn về thánh nhạc và nghệ thuật thánh (chương 6-7). Hơn bất cứ một công việc nào khác, công trình của Thiên Chúa đòi hỏi những ai có khả năng hoàn thiện phải làm hết sức mình.

 

Nghi Lễ

(= Cérémonie)

Tiếng La tinh caeremonia hay caerimonia có nghĩa là nghi thức thánh, sự biểu lộ có tính cách thờ phượng. Từ ngữ này bắt nguồn từ tiếng Phạn Kar (làm) với tiếp vĩ ngữ môn: có nghĩa là một việc đã hoàn thành tức là một việc linh thánh. Ðàng khác, về mặt từ nguyên, các tác giả La tinh còn cho biết xưa có thành Caere thuộc xứ Etrurie, là nơi người Rôma cất giữ các vật thánh thuộc các đền thờ của họ, khi thành Rôma thất thủ vào tay người Gaulois. Người ta còn cho rằng thành ngữ cereris munia như là nguyên gốc, có nghĩa là những vật dâng cúng cho nữ thần Cérès (thần nông nghiệp), vì những bó lúa được dâng cúng cho vị thần này chính là những vật dâng cúng theo một nghi lễ rất long trọng.

Trong ngôn ngữ phụng vụ thông thường, từ ngữ nghi lễ biểu thị một cử hành có tính cách trang trọng đặc biệt. Những từ ngữ cử hành, nghi lễ nhấn mạnh đến khía cạnh bên ngoài của các chức năng trong việc phượng tự, nổi bật tính cách trang trọng oai nghiêm. Nếu chỉ chú ý hoặc quá đề cao khía cạnh này tức là không hiểu đúng bản chất đích thực của phụng vụ, ngược lại, khi thi hành việc linh thánh mà loại bỏ khía cạnh tôn nghiêm và trang trọng tức là làm biến dạng những tác động đưa con người vào hiệp thông với Thiên Chúa, và khiến những tác động đó trở thành tầm thường, trái ngược với những gì là linh thánh.

 

Nghi Lễ (Sách)

(= Cérémonial)

Sách chỉ dẫn hay sách ghi các tập tục qui định các nghi thức phụng vụ. Chữ đỏ trong sách lễ và các sách nghi thức khác chỉ dẫn cách thức cử hành chung cho toàn thể Hội Thánh, nên dĩ nhiên các qui luật ấy rất tổng quát. Bởi vậy, các hội đồng giám mục hay các tu hội và các cộng đoàn địa phương đối với cộng đoàn riêng của mình, cần phải xác định những qui định thực hành cần thiết, để các cuộc cử hành được có trật tự và xứng đáng. Sách nghi thức có thể được viết thành bản văn, hoặc được truyền tụng và được ghi nhớ qua chính việc cử hành các nghi lễ phụng vụ.

 

Nghi Thức

(= Rit / Rite)

Tiếng Phạn Riti có nghĩa là cử điệu, sự sắp xếp, cách sử dụng. Từ ngữ đó phát xuất bởi động từ ri, có nghĩa là đi. Tiếng Việt gọi là nghi thức. Theo quan niệm thông thường, nghi thức là một hành vi có tính cách văn hóa, hơn kém đã được cố định, cũng là một hành vi có tính cách tôn giáo, hơn kém đã thành thói quen. ban đầu, từ ngữ này có nghĩa là "những thói quen đã được chấp nhận để duy trì trật tự thế giới" (xc. Tôn giáo). Nghi thức không phải là một hành vi máy móc, nhưng là một hành vi nhân linh có tính cách cộng đoàn, mang dấu ấn thần linh, vì thế gọi là "chấp nhận" để diễn tả tác động của thần linh. Trong hầu hết các tôn giáo, việc thực hành một nghi thức chính là hành động như Thiên Chúa và với Thiên Chúa. Vì được sống trong nghi thức trước khi được thể hiện thành suy tư trong huyền thoại (xc. Huyền thoại) đời sống tôn giáo thiết yếu là sự tháp nhập của cộng đồng nhân loại vào trong tác động của thần linh. Như vậy, chiều kích thần linh của phụng tự phải được xếp hàng đầu. Trong phụng vụ, toàn thể vũ trụ được liên kết trong cùng một hành động - ít là một cách tượng trưng - và qui hướng về tác động của thần linh. Thiên Chúa tự trao ban và con người trong mọi chiều kích - cá nhân, cộng đoàn, ngoại giới, nội tại, vũ trụ - tự hiến cho Thiên Chúa và ký thác mình cho hành động cứu độ của Thiên Chúa.

Trong Kitô giáo, các nghi thức cốt yếu (như Hy Lễ Tạ Ơn, các Bí Tích) chính là những hành động của Thiên Chúa mà Hội Thánh được sát nhập vào. Vượt lên trên các nghi thức cốt yếu đó, toàn bộ phụng vụ là một hành vi chung của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh, cũng như của Hội Thánh là dân của Giao Ước (xc. Phụng Vụ, Hy Lễ, Cộng Tác). Người ta cũng gọi nghi thức là toàn bộ những nét đặc trưng của riêng một nền phụng vụ nào đó, chẳng hạn nghi thức bizantin, nghi thức cope hay nghi thức malabar (xc. Phung vụ).

 

Nghi Thức (Sách)

(= Rituel)

Tiếng La tinh rituales libri có nghĩa là sách nghi thức. Sách nghi thức là một cuốn sách phụng vụ ghi chép các nghi thức cử hành phụng vụ. Từ Công Ðồng Vaticanô II, phần lớn các bí tích và các phụ tích quan trọng đều đã có sách nghi thức canh tân. Sách nghi thức Rôma, tuyển tập hầu hết các nghi thức mà linh mục cần dùng khi cử hành phụng vụ, cũng đã được xuất bản. Sách Nghi Thức Giám Mục cũng đã có những nghi thức mới.

 

Nghi Thức Thánh Lễ (Sách)

(= Ordo missae)

Từ ngữ La tinh có nghĩa là trật tự thánh lễ. Sách Nghi Thức Thánh Lễ chỉ dẫn cách thức dâng lễ được công bố bằng một tài liệu chính của Tòa Thánh. Sách này xác định cách thức thích hợp để đem lại cho mỗi nghi thức một vị trí đích thực. Sách nghi thức thánh lễ hiện hành trong Hội Thánh La tinh được Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI công bố tháng Tư năm 1969. Lịch sử thánh lễ cho thấy có nhiều sách nghi thức thánh lễ qua các thời đại; hiện nay, nếu kể cả những cách thức cử hành thánh lễ, chẳng hạn trong các nghi lễ Ðông Phương, thì những sách ấy còn nhiều nữa (xc. Phụng vụ; Thánh lễ; Phần thường lễ; Ðức Thánh Cha).

 

Nghĩa Trang

(= Cimetière)

Tiếng Hy Lạp koimeterion là nơi người ta ngủ, do động từ koiman ở dạng trung gian và thể thụ động, có nghĩa là nghỉ ngơi, ngủ. Nghĩa trang là nơi người quá cố an nghỉ. Nghi thức an táng tại nghĩa trang có các lời nguyện riêng.

 

Ngồi

(= Assis)

Ngồi và đứng là những tư thế chính của người tín hữu trong khi cử hành phụng vụ. Ngồi là tư thế để lắng nghe, tiếp thu và chiêm niệm, tư thế mà cô Maria, em cô Mátta và ông Ladarô, đã ưa thích, để lãnh nhận trọn vẹn giáo huấn của Chúa Giêsu: "Cô Mátta có người em tên là Maria, cô này ngồi dưới chân Chúa để nghe Lời Người" (Lc 10,39).

Trong thánh lễ, người ta ngồi để nghe các bài đọc, để hát thánh vịnh hay một bài hát suy niệm xen giữa các bài đọc; khi đọc Tin Mừng thì cộng đoàn đứng; còn khi nghe giảng cũng như khi chuẩn bị lễ phẩm thì ngồi. Sau phần hiệp lễ, người ta có thói quen ngồi giây lát trong tình thân mật thầm lặng với Ðấng mà ta vừa đón nhận.

Những nguyên tắc này cũng được áp dụng cho các cuộc cử hành khác.

 

Ngôn Ngữ

(= Langue)

Tiếng La tinh lingua có nghĩa là lời nói, ngôn ngữ, tiếng địa phương, tiếng bản quốc. Ðây là những chỉ dẫn của Công Ðồng Vaticanô II liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ trong phụng vụ.

1. Việc dùng tiếng La tinh, trừ luật riêng, phải được duy trì trong các nghi lễ la tinh.

2. Tuy nhiên, có thể sinh lợi rất nhiều cho dân chúng nếu dùng tiếng bản quốc hoặc trong thánh lễ, hoặc trong việc cử hành các bí tích, hay trong những phần khác của phụng vụ, cho nên tiếng bản quốc dễ được chấp thuận, được sử dụng nhiều hơn, nhất là trong các bài đọc và các bài giáo huấn, một số lời nguyện và bài hát (PV số 36) (xc. La tinh).

Các bản dịch đã được hội đồng giám mục quyết định và thực hiện phải được Rôma phê chuẩn.

 

Ngũ Tuần (Lễ)

(= Pentecôte)

Tiếng Hy Lạp pentecoste (hêmêra) nghĩa là ngày thứ 50.trong Cựu Ước, lễ Mùa Gặt (Xh 23,16; 34,22) hoặc lễ các Tuần (Lv 23,15-22) là lễ tiến dâng những sản phẩm đầu tiên của mùa gặt, cử hành vào tuần thứ bảy sau lễ Vượt Qua. Do đó, gọi là ngày thứ 50 sau lễ hội Mùa Xuân (xc. Tb 2,1). Con số 50, con số kết thúc tuần lễ cao điểm trong bảy tuần, gợi lên sự sung mãn hay sự tốt lành, tương tự như trong thể chế năm toàn xá của Israel. Cứ bảy tuần năm thì có một năm Toàn Xá (năm thứ 50) (xc. Xh 21,2; 23,10tt; Lv 15,3tt), con số đó cũng gợi lên sự đổi mới hoàn toàn. Dân Israel ra khỏi Ai Cập - cuộc Vượt Qua - chỉ là để hướng về Giao Ước Xinai. Và vì thế, lễ ngũ tuần đã trở thành lễ kỷ niệm của "Ngày Ðại Hội" (Ðnl 9,10; 10,4; 18,16), diễn ra khoảng 50 ngày sau khi ra khỏi Ai Cập (xc. Xh 19,1): "Tháng thứ ba"). Dù đã được sinh ra trong cuộc Vượt Qua, Dân - Hiền Thê chỉ đạt tới ý nghĩa trọn vẹn của mình và sự giải phóng hoàn toàn khi kết hiệp với Chúa Chúa, trong Giao Ước.

Trong Tân Ước, Ðức Giêsu thanh tẩy và cứu chuộc Hội Thánh của Người nhờ hiến tế trên núi Canvê; ở đó, Người đã trao ban trọn vẹn Thánh Thần của Người cho Hội Thánh (Ga 19,30); vào ngày Phục Sinh, Ðức Giêsu thông ban Thánh Thần cho các Tông Ðồ, để các ông tiếp nối sứ vụ của chính Người (Ga 20,22-23). Nhưng chỉ 50 ngày sau cái chết của Ðức Giêsu - Ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2) - Thánh Thần mới đến canh tân toàn thể Hội Thánh khi tẩy rửa Hội Thánh trong "Dòng sông có nước trường sinh" (Kh 22,1) là chính Người. Mầu nhiệm vượt qua chỉ đạt được chiều kích trọn vẹn trong sự viên mãn của lễ Ngũ Tuần, là ngày Hội Thánh nhận được những hoa trái đầu tiên làm bảo chứng do phần gia nghiệp (Ep 1,13-14) là thực thi chức năng tư tế của mình khi ca tụng "những kỳ công của Thiên Chúa" (Cv 2,11), nhờ ơn Thánh Thần tác động.

Lễ Ngũ Tuần là lễ trọng, kết thúc mùa Phục Sinh, chiều hôm đó người ta tắt nến phục sinh. Trước đây còn có Tuần Bát Nhật của Lễ Ngũ Tuần, nhưng nay được bãi bỏ để ngày thứ 50 đóng trọn vai trò hoàn tất của mình. Thay vào đó thời gian 10 ngày giữa lễ thăng thiên và lễ Ngũ Tuần được cử hành như một sự chuẩn bị long trọng để đón Chúa Thánh Thần đến, trong chuyên chăm cầu nguyện với Ðức Maria, Thân Mẫu Chúa Giêsu (Cv 1,14). (xc. Chúa Thánh Thần).

 

Nguyện Ðường

(= Chapelle)

Tiếng La tinh capella có nghĩa là áo choàng nhỏ. Nguyên thủy, từ này chỉ nơi lưu giữ áo choàng của thánh Martin. Sau đó được dùng để chỉ bất kỳ ngôi nhà nào dành cho việc phượng tự: các nguyện đường đứng độc lập như một thánh đường nhỏ, hay là một công trình phụ thuộc của một ngôi thánh đường trong kiến trúc tổng thể, bởi đó người ta cũng dùng từ này để gọi các nơi đặt bàn thờ ở hậu đường, hay nhà chầu Thánh Thể.

Trong nghi lễ đại trào, từ này chỉ đoàn giúp lễ, nghĩa là những người hầu cận gần nhất quanh vị chủ tế: phó tế hoặc thầy giúp lễ, chưởng nghi, những người cầm gậy, mũ, sách.

 

 


Back to Home