N
Nào Vui Lên
(= Gaudete)
Ðó là từ La tinh đầu tiên trong bài ca nhập lễ của Chúa Nhật III Mùa Vọng. Chúa Nhật này được coi như một bước tạm dừng giữa Mùa Vọng và như một sự tham dự trước hạn vào niềm vui của lễ Giáng Sinh. Ðể làm nổi bật ý nghĩa của ngày đó, người ta có thể dùng lễ phục màu hồng, chơi đàn đại phong cầm, và có thể trang hoàng bông hoa trong thánh đường. Chúa Nhật IV Mùa Chay cũng mang ý nghĩa trên.
Năm Phụng Vụ
(= Année liturgique)
Là chu kỳ các cử hành phụng vụ hằng năm của Hội Thánh. Phân chia thành các mùa phụng vụ và phần phụng vụ chư thánh. Phần phụng vụ chư thánh bao gồm tất cả lễ các thánh có ghi trong lịch của Hội Thánh toàn cầu, không qui định các lễ riêng của các Hội Thánh địa phương. Nhưng các thánh chỉ phụ thuộc vào công trình trung tâm phụng vụ, tức là diễn tiến trải dài suốt năm của mầu nhiệm cứu độ do Chúa Kitô thực hiện. Phần phụng vụ theo mùa gồm hai chu kỳ Giáng Sinh và Phục Sinh, xen giữa hai chu kỳ này là 34 tuần của mùa Thường Niên.
Chu kỳ Giáng Sinh gồm thời gian chuẩn bị gọi là mùa Vọng; lễ Giáng Sinh và liền sau đó là mùa Giáng Sinh; lễ Hiển Linh và "thời gian" của lễ này kéo dài đến lễ Chúa Chịu Phép Rửa. Lễ Chúa Chịu Phép Rửa luôn được cử hành vào Chúa Nhật và kết thúc chu kỳ Giáng Sinh; kể từ thứ hai liền sau đó, bắt đầu tuần thứ 1 mùa Thường Niên, mùa này tạm gián đoạn từ thứ Tư lễ Tro để bước vào chu kỳ Phục Sinh.
Chu kỳ Phục Sinh gồm thời gian chuẩn bị gọi là Mùa Chay; Tuần Thánh với cao điểm là Tam Nhật Vượt Qua (từ chiều thứ Năm Tuần Thánh đến Chúa Nhật Phục Sinh). Sau đó là mùa Phục Sinh, trong đó có lễ Thăng Thiên, 40 ngày sau lễ Phục Sinh, và 10 ngày sau lễ Thăng Thiên là lễ Hiện Xuống, kết thúc chu kỳ Phục Sinh. Ngay hôm sau lại tiếp tục mùa Thường Niên.
Chúa Nhật liền sau lễ Hiện Xuống là lễ Chúa Ba Ngôi, lễ trọng; thứ Năm hay Chúa Nhật sau lễ Ba ngôi, Hội Thánh cử hành lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu được ấn định vào thứ Sáu tiếp sau Chúa Nhật thứ II, kể từ lễ Ngũ Tuần. Sau cùng, Chúa Nhật 34 mùa Thường Niên và cũng là Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ dành để cử hành lễ Chúa Kitô Vua, lễ trọng.
Nâng Lên
(= Elécation)
Cử chỉ của linh mục khi nâng Bánh và Chén thánh sau khi đọc lời truyền phép: đây chỉ là việc nâng Mình và Máu Thánh lên cho giáo hữu thờ lạy. Cử chỉ khi đọc Per Ipsum cũng được nâng lên. Thực vậy, khi đó linh mục nâng một lần cả đĩa và chén thánh, trong một cử chỉ hiến dâng của lễ, và đọc lời kết thúc lễ Tạ Ơn.
Theo ý nghĩa phụng vụ, cử chỉ nâng lên khi đọc Per Ipsum thì tầm quan trọng hơn cử chỉ nâng lên sau khi Truyền Phép.
Nến (Sáp)
(= Cierge)
Tiếng La tinh cira có nghĩa là sáp. Careus hoặc trong tiếng La tinh bình dân cergium là một ngọn lửa đốt từ một cái bấc được nhúng nhiều lần vào sáp, hoặc trong một chất liệu nào khác có thể đốt cháy được. Ban đầu, các cây nến được sử dụng để soi sáng cho những công việc trần tục, hoặc những hành vi trong nghi thức. Về sau, người ta vẫn giữ lại các ngọn nến ngay cả khi không cần đến ánh sáng - chẳng hạn khi cử hành các nghi lễ vào ban ngày - nhằm mục đích biểu tượng: gợi lại Ánh Sáng là chính Ngôi Lời Nhập Thể (xc. Ga 1,4-9; 8,12; 9,5). Trong thời kỳ người ta ưa thích các bữa ăn tối có đốt nến, vì ánh sáng của các ngọn nến mang lại một bầu khí thân mật ấm áp, thì thật là đáng tiếc nếu các cuộc cử hành phụng vụ không sử dụng tới tính cách biểu tượng của ngọn nến.
Bên cạnh bàn thờ, hay ngay trên bàn thờ, người ta đặt từ hai đến sáu ngọn nến có chân. Người cầm nến cao là những người mang nến sáng, đi đầu trong các cuộc rước và khi đọc bài Tin Mừng. Khi cung hiến nhà thờ, người ta đốt một ngọn nến trước mỗi lần trong 12 lần ghi dấu thánh giá để thánh hiến, sau khi xức dầu thánh. Trong các giờ kinh thần vụ, trong ngày giáp năm cung hiến, nhà thờ đó đốt lại 12 ngọn nến cháy sáng.
Sau các nghi thức Thánh Tẩy, người mới lãnh bí tích nhận một cây nến lấy lửa từ nến Phục Sinh; vị chủ tế nói với người đó: "Hãy nhận lấy ánh sáng của Chúa Kitô". Ðược trở nên "con của ánh sáng", họ phải bước đi trong ánh sáng và phải cầm đèn cháy sáng đón Chúa Kitô trở lại. Khi thanh tẩy một trẻ nhỏ, vị chủ tế tuyên bố với người cha, người đỡ đầu hoặc với một trong các phần tử của gia đình cầm một cây nến đến châm lửa từ nến Phục Sinh: "Ánh sáng này được trao phó cho quí vị, là cha mẹ, những người đỡ đầu, hãy cố gắng giữ lấy nó..." Như vậy, đối với các người chịu Thánh Tẩy, nến là biểu tượng cho chính sự sống của họ trong Ðức Kitô Phục Sinh.
Nến (Chân)
(= Chandelier)
Giá đỡ dùng để cắm các cây nến. Người ta dùng hai chân nến, mỗi chân có sáu ngọn để trên bàn thờ hoặc xung quanh bàn thờ; khi để xung quanh, các chân nến phải cao ít là một mét. Trong ngày giáp năm cung hiến, người ta đặt các chân nến trước các thập giá thánh hiến nhà thờ.
Trong giờ Kinh Ðêm và Kinh Sáng, vào các ngày thứ Sáu và thứ Bảy Tuần Thánh, có thể dùng một chân nến lớn hình tam giác mang ba ngọn nến. Sau mỗi thánh vịnh lại tắt một ngọn: cuối giờ Kinh Sáng, chỉ còn lại một ngọn nến cháy. Ðây là biểu tượng việc Ðức Kitô trở nên trần trụi, sự "hóa ra không" của Người; ngọn nến cuối cùng là dấu chỉ niềm hy vọng ở tận đáy sâu sự hạ mình mà người Tôi Tớ đau khổ cảm nhận được.
Chân nến phục sinh được dùng để cắm nến Phục Sinh, biểu tượng cho Ðức Kitô Phục Sinh; chân nến phục sinh thường có dáng cao, được trang trí và đặt trong cung thánh từ đêm Vọng Phục Sinh cho đến chiều lễ Ngũ Tuần.
Nến (Lễ)
(= Chandeleur)
Ðây là tên gọi bình dân của ngày lễ 2 tháng 2: lễ Dâng Chúa vào Ðền Thờ. Trong lễ này, người ta làm phép nến - từ đó có tên gọi lễ Nến - để gợi lại lời cụ già Ximêon đã nói trong bài Nunc Dimittis:
"Muôn lạy Chúa
giờ đây theo lời Ngài đã hứa,
Xin để tôi tớ này
Ðược an bình ra đi
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân
Ðó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Israel dân Ngài (Lc 2,29-32).
Sau khi làm phép là cuộc rước dưới ánh sáng những cây nến, dẫn đưa cộng đoàn đến nhà thờ hoặc kêu gọi cộng đoàn trở lại nhà thờ: cuộc rước này tượng trưng cho cuộc gặp gỡ của các "con cái ánh sáng" (Lc 16,8) với Chúa là "Ánh sáng muôn dân".
Các tín hữu có thói quen mang về nhà những cây nến đã được làm phép. Theo phong tục, người ta sẽ đốt những cây nến đó bên cạnh những người chết để tỏ dấu hy vọng ánh sáng vĩnh cửu.
Nến Cao (Người Cầm)
(= Cénoféraire)
Gốc tiếng Hy Lạp keros: sáp và động từ Phéréin: mang. Thường là hai thầy giúp lễ mang nến cao, họ dẫn đầu đoàn rước, có thầy mang bình hương đi trước hoặc đi sau, tượng trưng cho ánh sáng Ðức Kitô mang đến và được lan tỏa nhờ các cuộc lễ. Các người giúp lễ cũng mang nến cao theo thầy phó tế hoặc linh mục khi đọc Tin Mừng. Tin Mừng là ánh sáng cho lòng trí.
Nến Phục Sinh
(= Cierge pascale)
Nghi thức về nến phục sinh, khai mạc cho đêm canh thức Vượt Qua trọng thể, là do biến chuyển từ nghi thức Do Thái. Nghi thức này gồm phần chính yếu là việc đốt các ngọn đèn vào lúc đêm xuống, khởi đầu ngày sabát; nghi thức này đã trở thành Kinh Lên Ðèn trong Kitô giáo: người ta thực hiện nghi thức này vào giờ Kinh Chiều, khi hát bài Phôs Ilaron ("Hỡi ánh sáng ngàn đời rực rỡ"), một bài thánh thi được tôn trọng trong những thế kỷ đầu.
Khởi đầu đêm thánh nhất trong mọi đêm, đêm canh thức dài nhất của năm phụng vụ, Hội thánh đã cử hành nghi thức "lên đèn": gốc tích nến Phục Sinh và là ca tụng, tức bài công bố Tin Mừng Phục Sinh, đã có ít là từ thế kỷ thứ IV.
Sau khi làm phép lửa mới, vị chủ sự vẽ dọc theo cây nến những biểu tượng như sau: một hình thánh giá, chữ Alpha và Ômêga (xc. Alpha), sau cùng là bốn con số của năm, vừa đọc những công thức có ghi sẵn trong sách lễ. Chủ sự cắm năm hạt hương cháy đỏ vào cây nến, làm nổi bật hình thánh giá đã vẽ, biểu tượng cho năm dấu thương tích vinh quang của Chúa Kitô trong cuộc khổ nạn. Người ta lấy lửa mới châm vào nến Phục Sinh và thầy phó tế cầm nến dẫn đầu đoàn rước tiến vào trong thánh đường còn tối; thầy sẽ dừng lại ba lần để tung hô: "Ánh sáng Chúa Kitô". Sau khi xin vị chủ sự ban phép lành - giống như khi đọc Tin Mừng - và xông hương nến Phục Sinh, thầy phó tế sẽ hát bài công bố Tin Mừng Phục Sinh, đây là một bài thi ca cổ xưa tóm tắt niềm vui Phục Sinh.
Nước
(= Eau)
Nước là một yếu tố gần gũi và cần thiết đối với đời sống con người; nước luôn luôn có nhiều ý nghĩa biểu tượng. Theo các học thuyết cổ xưa nhất về sự khai sáng vũ trụ, thì nước là yếu tố phát sinh vũ trụ, nước không thể phục vụ đời sống nếu không được Hơi Thở (Thần Khí) của Thiên Chúa ban sinh lực (St 1,2). Tự nó, nước sẽ đưa mọi vật đến cái chết và chìm vào trong sự hỗn mang nguyên sơ (hồng thủy và biển). Là một biểu tượng lưỡng diện, nước vừa nói lên sự chết lẫn sự sống, vừa thanh tẩy lẫn thánh hóa.
Trong các lễ nghi tôn giáo, nhiều nghi thức tẩy rửa và rảy nước trước hết mang một ý nghĩ tiêu cực, tức là giải thoát khỏi những lỗi lầm hoặc những nhơ uế làm cho ta không được thanh sạch để cử hành phụng vụ (xc. Ed 36,25): nước trong các nghi lễ là để tẩy trừ khỏi nhơ uế. Là nguyên lý sự sống, nước cũng là biểu tượng sự sinh sản hay tái sinh. Như vậy, nước mang lại sự sống (Ed 47,1-12; xc. Kh 22,1-2).
Các nghi thức phụng vụ chỉ sinh hiệu quả nếu chúng chuyển tải được tác động của chính Thiên Chúa. Phép Rửa bằng nước chỉ đóng vai trò chuẩn bị đối với phép rửa bằng Nước và Thánh Thần (xc. Ga 3,5; 1,33). Một khi đã được chất chứa nguồn sinh lực của Thánh Thần (St 1,2), nước gắn liền với Thánh Thần và trở thành biểu tượng đặc biệt của Thánh Thần. Nước chính thức được thánh hóa khi Ðức Giêsu chịu phép rửa trong sông Giođan, như vậy, nước trở thành "nước trường sinh", là "Ân huệ của Thiên Chúa", tức là Thánh Thần (Ga 4,10). Chỉ có Thánh Thần Ðấng ở trung tâm sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa (Ga 4,14), mới có thể làm trào vọt lên đến sự sống đời đời. "Những dòng nước hằng sống" sẽ chỉ tuôn trào vào lúc Ðức Kitô được "tôn vinh" trên Thập Giá (7,37-39): chính vào giờ của Người, sau khi đã trao phó Thánh Thần, Ðức Giêsu mới làm tuôn trào nước và máu từ trái tim bị đâm thủng của Người, đó là những biểu tượng sống động của các bí tích được quyền năng Chúa Thánh Thần tác động (19,34; xc. Ga 5,6-8).
Ðược dìm vào trong sự chết và sự sống của Ðức Kitô nhờ bí tích Thánh Tẩy, con cái Thiên Chúa lãnh nhận những bảo chứng của Thánh Thần làm cho họ được no thỏa (1Cr 12,13) trong khi chờ đợi đến ngày được dìm vào trong dòng nước trường sinh là chính Thiên Chúa (Kh 22,1).
Ðể có một cái nhìn cô đọng về ý nghĩa biểu tượng nước, ta có thể suy niệm về các công thức làm phép nước rửa tội, nước thánh (đêm canh thức Phục Sinh) trong sách lễ Rôma. Ta có thể ghi nhận rằng nước xét nguyên nó, không phải là bí tích: phép Thánh Tẩy hệ tại việc "dìm vào trong nước kèm theo lời đọc" (Ep 5,26).
Nước thánh là một phụ tích: trong bí tích Thánh Tẩy, người ta rảy hoặc đổ nước; khi được rảy nước thánh trong đêm canh thức vọng Phục Sinh, sau phần lập lại lời hứa rửa tội, hay trong thánh lễ Chúa Nhật, các tín hữu nhớ bí tích Thánh Tẩy mình đã lãnh nhận. Cũng vậy, khi sử dụng nước thánh, các tín hữu làm sống lại nơi mình những hiệu quả của bí tích Thánh Tẩy, cho tương xứng với đức tin của mình.
Việc rảy nước thánh trên thi hài của một tín hữu còn là một sự nhắc nhở bí tích Thánh Tẩy người đó đã lãnh nhận. Linh mục sử dụng nước thánh trong nhiều nghi thức làm phép: nước thánh thanh tẩy và mang lại sức sống cho những vật được làm phép. Trong Thánh Lễ, việc linh mục pha nước vào rượu khi chuẩn bị lễ vật, phù hợp với phong tục rót rượu của người Do Thái xưa trong những bữa tiệc mà chính trong khung cảnh này, Ðức Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể. Hành vi này có nhiều ý nghĩa biểu tượng: nhắc nhở việc kết hiệp giữa hai bản tính Thiên Chúa và nhân loại trong Ngôi Lời Nhập Thể; nhắc nhở nước và máu chảy ra từ cạnh sườn Chúa Kitô khi Người chịu chết trên thập giá; sau cùng, việc đó diễn tả việc các tín hữu liên kết với hy lễ và sự sống của Ðức Kitô, Ðấng cứu độ.
Nước Thánh (Bình)
(= Bénitier)
Là bình đựng nước đã làm phép. Có loại cố định, gắn ở cửa nhà thờ để tín hữu dùng, cũng có loại khác nhỏ hơn và xách tay được: loại này có quai xách và một cây rảy nước, dùng trong các nghi thức rảy nước thánh do phụng vụ qui định.
Nước Thánh (Cây Rảy)
(= Goupillon)
Cây rảy nước thánh là một cán nhỏ bằng kim loại, một đầu phình ra giống như một cái cầu nhỏ, rỗng và có đục nhiều lỗ, dùng để rảy nước thánh. Loại cây rảy này đi cùng một bộ với bình nước thánh xách tay, và được cắm trong bình.
Nước Thánh (Rảy)
Trong tiếng La tinh aspersio gốc bởi động từ adspagere: đổ tràn trên, chảy về phía; như vậy, từ này có nghĩa là việc đổ một chất lỏng hoặc rắc tro bụi trên một người hay một vật. Trong phụng vụ, từ này thường chỉ việc rảy nước trên một người hay trên vật để thanh tẩy.
Việc rảy nước chủ yếu trong phép Thánh Tẩy: chủ sự dội nước ba lần trên đầu người được rửa tội; đó là cách thức rửa tội thông thường, còn gọi là "đổ nước", mặc dù việc rửa tội bằng cách dìm xuống vốn cổ xưa và mang nhiều ý nghĩa hơn. Cử chỉ này vừa hàm ý thụ nhân đã được tẩy rửa, vừa mang ý nghĩa tiếp nhận một nguyên lý sống, nguồn sống của Thiên Chúa. Bất kỳ việc rảy nước nào cũng mang hai công hiệu: tích cực và tiêu cực.
Trong đêm Vọng Phục Sinh, sau khi cộng đoàn tuyên xưng lại lời hứa Thánh Tẩy, chủ tế long trọng rảy nước thánh trên cộng đoàn, "để nhớ lại Phép Rửa". Nghi thức này cũng được cử hành vào mỗi Chúa Nhật, lúc bắt đầu thánh lễ.
Khi chấm nước thánh để làm dấu Thánh Giá, người tín hữu cầu xin Chúa giải thoát mình khỏi sự dữ và đổ đầy ân sủng của Người xuống. Các nghi thức rảy nước trong việc cử hành các phụ tích cũng mang cùng một ý nghĩa đó: nghi thức này nhằm tẩy sạch tình trạng lây nhiễm sự dữ ra khỏi vật được rảy nước thánh, đồng thời làm cho những vật ấy trở nên thích hợp với công việc thánh.
Ðôi khi việc rảy nước đi kèm với việc xông hương: sau khi được thanh tẩy và thấm nhuần ân sủng, các vật ấy có thể được tôn kính như là có liên hệ với Thiên Chúa. Trong các đan viện, nghi thức rảy nước thánh cuối giờ Kinh Tối vừa là một cử chỉ thanh tẩy sau một ngày làm việc, vừa có ý diễn tả sự chở che, gìn giữ lúc đêm về (xc. Tẩy rửa; Ðổ nước; Phép Rửa vắn tắt).