L

 

La Tinh (Ngôn Ngữ)

(= Latin)

Tiếng La Tinh là một ngôn ngữ được sử dụng tại Latium (một phần đất thuộc miền Trung nước Ý). Phụng vụ của Hội Thánh Rôma đã sử dụng tiếng Hy Lạp trong hai thế kỷ đầu của kỷ nguyên Kitô giáo. tại Rôma, người ta đã chuyển từ tiếng Hy Lạp sang tiếng La tinh vào hậu bán thế kỷ thứ III. Phi châu tiến hành công việc đó sớm hơn một chút. Mặc dù tại Tây Phương, tiếng La tinh vẫn là thứ ngôn ngữ viết được sử dụng rộng rãi cho đến thời cận đại, nhưng tại xứ Gallia (Pháp) thì vào cuối thế kỷ thứ VI, người ta không còn nói tiếng La tinh nữa.

Cho dù việc sử dụng tiếng bản xứ trong các cuộc cử hành phụng vụ đã lan rộng và hợp pháp, nhưng tiếng La tinh vẫn còn là một ngôn ngữ riêng của phụng vụ Rôma và cần được bảo tồn (xc. Ngôn ngữ). Ðặc biệt, phải cố dự liệu để cho các tín hữu có thể cùng đọc hoặc cùng hát bằng tiếng La tinh các phần thường dành cho họ trong thánh lễ (Hiến chế Phụng vụ thánh, số 54). Vì thế, nhạc Ghê-gô-ri-ô, loại nhạc riêng của phụng vụ Rôma, sử dụng tiếng La tinh (xc. Ghê-gô-ri-ô).

 

Lá (Lễ)

(= Rameaux)

Trong tiếng La tinh, ramus có nghĩa là cành, nhánh và ramellus là nhánh nhỏ, cành nhỏ. Chúa nhật trước lễ Phục Sinh gọi là Chúa Nhật Lễ Lá hay Chúa Nhật Thương Khó. Trong phần nghi thức trước thánh lễ, Hội Thánh long trọng cử hành việc Ðấng Mê-si-a tiến vào thành Giêrusalem, như bốn sách Tin Mừng tường thuật lại: "Dân chúng lũ lượt tuôn đến mừng lễ, thoạt nghe tin Ðức Giêsu tới Giêrusalem, họ cầm nhành lá thiên tuế đi đón Người và reo hò: Hoan hô! Vạn phúc Ðấng ngự đến nhân danh Chúa" (Ga 12,12-13). Những lời này được hát lên như điệp ca mở đầu nghi thức tại một địa điểm ngoài nhà thờ, nơi các tín hữu tụ tập lại (tại Tây Phương, người ta không dùng lá thốt nốt mà là cành hoàng dương hay nguyệt quế). Thầy phó tế, hoặc nếu không có phó tế thì vị linh mục chủ tế đọc một đoạn Tin Mừng nói về việc Ðấng Mê-si-a tức là Ðức Kitô iến vào thành; sau đó đoàn rước tiến vào nhà thờ. Thánh lễ mở đầu bằng lời nguyện đầu lễ. Theo truyền thống Kitô giáo, sau thánh lễ các tín hữu đem lá đã làm phép về, trang hoàng thành hình thánh giá tại tư gia: đó là một cử chỉ tôn kính và tin cậy phó thác đối với Ðức Chúa chịu đóng đinh.

 

Lạy Cha (Kinh)

(= Notre Père)

Kinh Lạy Cha (Mt 6,9-13; xc. Lc 11,2-4) có một ví dụ ưu tiên trong phụng vụ. Trong thánh lễ, chúng ta hát Kinh Lạy Cha sau khi kết thúc Kinh Tạ Ơn. Sau khi đã giao hòa với Chúa Cha nhờ lễ phẩm mới là Mình và Máu Chúa Kitô, cộng đoàn đã dám ngỏ lời với Chúa Cha trong cùng một tâm tình như Ðức Giêsu (xc. Ga 20,17) và theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần (xc. Rm 8,15). Trong phụng vụ các Giờ Kinh, vào cuối giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều, mọi người cùng đọc Kinh Lạy Cha - riêng đối với các dòng theo luật thánh Biển Ðức, chỉ có viện phụ đọc kinh này. Thường thường người ta cũng đọc kinh này khi cử hành các bí tích và á bí tích.

 

Lạy Chiên Thiên Chúa (Kinh)

(= Agnus Dei)

Ðây là lời tung hô Ðức Kitô, hát ba lần liên tiếp vào lúc bẻ bánh trong thánh lễ. Thực ra, đây chỉ là một cách lặp lại lời cầu khẩn trong Kinh Vinh Danh: "Lạy Chiên Thiên Chúa, Ðấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con" (lần thứ ba: "Xin ban bình an cho chúng con").

Công thức này lấy lại những lời ông Gioan Tẩy Giả giới thiệu Ðức Giêsu, khi Người đến chịu phép rửa tại sông Giođan: "Ðây Chiên Thiên Chúa, Ðấng xóa tội trần gian" (Ga 1,29). Ngoài ra, lời kinh này còn nói lên hy lễ của Người Tôi Tớ Ðau Khổ, như ngôn sứ Isaia đã loan báo: "Chính các bệnh tật của chúng tôi, Người đã mang lấy; chính các đau khổ của chúng tôi, Người đã gánh lấy. Ðức Chúa lại để Người phải lụy vì tội vạ của tất cả chúng tôi. Bị tra tấn, Người đã chịu đựng và không mở miệng, như cừu bị dẫn tới lò sát sinh, như chiên mẹ ngậm câm, không hề mở miệng" (Is 53,4.6.7).

Trong nhạc Ghê-gô-ri-ô, cũng như trong truyền thống nhạc đa âm cổ điển và trong "lễ Missa" ngày xưa, Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa là một đoản khúc đầy cảm kích và diễn tả lòng khiêm tốn chứa chan tình yêu mến. Các nhà sáng tác nhạc luôn quan tâm đến khía cạnh đó. Kinh này được đưa vào thánh lễ theo nghi thức Rôma hồi đầu thế kỷ thứ VII.

Có khi người ta trưng bày hình tượng Chiên Thiên Chúa trên bàn thờ hay nơi nào khác ở nhà thờ vào thứ Bảy trong tuần lễ áo trắng (thứ Bảy trong tuần mừng lễ Phục Sinh). Ðó là những tượng nổi bằng sáp đắp hình con chiên đang nằm, một chân tựa vào cây thánh giá dựng đứng. Ðó là một tục lệ của Phụng Vụ Rôma, gắn liền với Nến Phục Sinh: Các tín hữu vẫn có thói quen thu lượm những mẩu sáp vào ngày thứ Bảy Tuần Thánh để dùng chống lại quỉ ma. Về sau, cứ bảy năm một lần, Ðức Giáo Hoàng làm phép trọng thể những tượng Chiên Thiên Chúa. Thói quen này là một hình thức tôn kính Ðức Kitô chịu chết và phục sinh; đó cũng là một dấu chỉ gắn bó với Rôma.

 

Lạy Chúa Xin Thánh Hóa (Kinh)

(= Quam oblationem)

Ðây là những chữ La tinh mở đầu phần xin Chúa thánh hóa lễ vật trước khi truyền phép trong Kinh Tạ Ơn I (lễ quy Rôma). Phần này tương đương với phần cầu xin ơn thánh hóa của Chúa Thánh Thần trong 3 Kinh Tạ Ơn còn lại: "Lạy Chúa, xin thánh hóa, chấp nhận và chuẩn y những lễ vật này..." (xc. Kinh Tạ Ơn).

 

Lạy Thiên Chúa (Kinh)

(= Te Deum)

Te Deum là những từ ngữ đầu tiên của Thanh Thi Tạ Ơn long trọng bằng tiếng La tinh: "Lạy Thiên Chúa, chúng con xin ca ngợi hát mừng". Thánh thi này được sáng tác vào cuối thế kỷ thứ IV hay đầu thế kỷ thứ V do đức cha Nicetas, giám mục thành Remesiana, một thành phố ở Dacia thuộc Ðịa Trung Hải (hiện nay là bờ Ðịa Trung Hải về phía Rumani). Truyền thống cổ xưa gọi bản kinh đáng trân trọng này là "Thánh thi của thánh Amrôxiô", bởi vì có truyền thuyết cho rằng bản kinh do thánh Amrôxiô, được Thánh Thần linh hứng, đã sáng tác vào chính lúc thánh Âu Tinh bước ra khỏi giếng Rửa Tội.

Vinh tụng ca long trọng này triển khai lời ca ngợi theo cung cách những bài Kinh Tiền Tụng (vì cũng bao gồm cả Kinh Thánh Thánh Thánh): các Tông Ðồ, các ngôn sứ, và các vị tử đạo đều được mời gọi hợp tiếng với Hội Thánh trên trần gian để cùng với các thiên thần ca ngợi vinh quang Ba Ngôi Thiên Chúa. Bản kinh này tóm tắt (Công trình cứu độ của Ðức Kitô, và kết thúc bằng một chuỗi những lời kêu cầu lấy từ các thánh vịnh.

Kinh Te Deum được hát vào cuối giờ Kinh Sáng mỗi Chúa Nhật và các ngày lễ kính cũng như lễ trọng. Bản kinh này là bài ca Tạ Ơn trang trọng đặc biệt.

 

Lễ Kính

(= Fête)

Lễ kính là lễ bậc hai trong phụng vụ, dưới lễ trọng và trên lễ nhớ. Trong thánh lễ và trong Phụng Vụ Các Giờ Kinh, bậc lễ này có các bài đọc riêng. Ở đầu sách lễ, sách bài đọc và sách các Giờ Kinh Phụng Vụ, đều có lịch phụng vụ chỉ rõ những lễ kính. Chẳng hạn lễ Chúa Biến Hình, lễ Ðức Mẹ Thăm Viếng, lễ kính Các Thánh Tông Ðồ và các Thánh Tác Giả Sách Tin Mừng (trừ lễ hai thánh Phêrô và Phaolô là lễ trọng), lễ các Thiên Thần, lễ kính một số thánh Tử Ðạo.

Thánh lễ bậc lễ kính có Kinh Vinh Danh.

 

Lễ Nhớ

(=Mémoire)

Lễ nhớ là bậc lễ dưới lễ trọng và lễ kính. Trong chu kỳ phụng vụ chư thánh, không những thánh lễ mà cả các Giờ Kinh Phụng Vụ phải cử hành để kính nhớ vị thánh. Trường hợp đó gọi là lễ nhớ buộc, khác với lễ nhớ tự do, là lễ người ta có thể tùy nghi cử hành để kính vị thánh đó, cả trong kinh nguyện phụng vụ cũng vậy.

 

Lễ Nhớ Tự Do

(= Votif)

Tính từ La tinh votivus phát xuất từ danh từ votum có nghĩa là sự khấn hứa (xem từ ngữ này). Lễ nhớ tự do là một thánh lễ được cử hành theo lòng sốt sắng của linh mục hay của cộng đoàn, vào những ngày phụng vụ tự do, tức là những ngày không phải là lễ trọng, Chúa Nhật, lễ kính hay lễ nhớ buộc (xc. Cử hành). Các lễ nhớ tự do đều được cử hành để kính nhớ các mầu nhiệm của Chúa Kitô, kính Chúa Thánh Thần, Ðức Trinh Nữ Maria và các Thánh. Lễ nhớ tự do cũng bao gồm các thánh lễ theo những ý nguyện khác nhau: trong sách lễ Rôma, có soạn sẵn những bản văn, công thức đầy đủ hoặc từng phần dành cho những dịp đó.

 

Lễ Qui

(= Canon)

Trong tiếng Hy Lạp, kanôn có nghĩa là qui tắc. Những khoản luật của một cộng đồng là những qui luật về đạo lý hay kỷ luật được cộng đồng ban bố. Trong phụng vụ Rôma, Lễ Qui là tiếng thường được dùng nhất để chỉ Kinh Tạ Ơn, tức là phần trọng tâm của thánh lễ, bắt đầu từ lời tiền tụng cho đến hết câu Per Ipsum (Chính nhờ Người). Lễ Qui là qui tắc phải giữ khi cử hành thánh lễ: đây không phải chỉ là một qui luật về cấu trúc, nhưng là một công thức bắt buộc. Trong phụng vụ Ðông Phương, các công thức Thánh Thể này còn được gọi là kinh Anaphora. Cũng từ đó mà những tấm bìa cứng đặt thẳng đứng giữa bàn thờ, trên đó ghi những công thức truyền phép cũng như những kinh nguyện chính và cố định của thánh lễ, được gọi là những Qui Tắc bàn thờ.

Về việc ghi tên vào sổ bộ các thánh hoặc phong thánh, xin coi Thánh Nhân, Bìa Xếp.

 

Lễ Riêng

(= Propre)

Lễ riêng gồm toàn bộ các cử hành phụng vụ riêng của cộng đoàn này hay cộng đoàn kia: nhất là các lễ kính thánh. Tập sách bao gồm các bản văn tương ứng với lịch mừng các lễ riêng cũng được gọi là phần lễ riêng. Có nhiều lễ riêng với những cấp độ khác nhau: lễ riêng của một nước, một tỉnh, một giáo phận, một thành phố, một nhà thờ hoặc một nhà nguyện; lễ riêng của một dòng tu, một hội dòng hoặc một cộng đoàn tu sĩ.

Các lễ riêng mừng theo bậc đại lễ những lễ sau đây: lễ thánh bổn mạng riêng của một vùng, một thành phố; lễ cung hiến và kỷ niệm cung hiến một thánh đường; lễ mừng thánh hiệu của một nhà thờ; lễ mừng thánh hiệu, thánh sáng lập hoặc thánh bổn mạng chính của một dòng hay của một hội dòng.

Các lễ riêng mừng theo bậc lễ kính là những lễ sau: lễ thánh bổn mạng chính của giáo phận; lễ kỷ niệm cung hiến vương cung thánh đường; lễ thánh bổn mạng chính của một miền hoặc một tỉnh, một nước, một miền đất khá rộng; lễ thánh hiệu, thánh sáng lập, thánh bổn mạng chính của một dòng hay một hội dòng, một tỉnh dòng (nếu những lễ này không phải là lễ trọng như vừa nói trên kia). Có thể kể thêm những lễ kính riêng khác của một nhà thờ, những lễ kính khác đã được ghi trong lịch riêng của một giáo phận, một dòng hoặc một hội dòng.

Các lễ riêng mừng theo bậc nhớ buộc là những lễ sau: lễ thánh bổn mạng được chọn thêm của một nơi, một giáo phận, một miền hay một tỉnh, một nước, một miền đất khá rộng, một dòng, một hội dòng hoặc một tỉnh dòng; các lễ nhớ buộc khác đã được ghi trong lịch riêng của một giáo phận, một dòng hoặc một hội dòng.

Các lễ riêng mừng theo bậc nhớ tự do là lễ các thánh được một địa phương nào đó tôn kính đặc biệt hơn. Tất cả những ai theo lịch ghi các lễ kể trên, đều được mừng các lễ này.

 

Lễ Trọng

(= Solemnité)

Trong tiếng La tinh, solemnitas có nghĩa là lễ trọng, ghép bởi sollus (tất cả) và annus (năm); vì thế lễ trọng là một ngày trọng đại liên quan đến cả năm. Trong phụng vụ, từ ngữ lễ trọng chỉ bậc cao nhất trong việc cử hành các ngày lễ: lễ này bắt đầu từ chiều hôm trước với Kinh Chiều 1 và đôi khi có thánh lễ vọng riêng. Lễ Phục Sinh là lễ trọng nhất trong các lễ trọng (xc. Cử hành).

 

Lễ Vật

(= Offrandes)

Trong tiếng La tinh, offeranda có nghĩa là điều phải dâng. Lễ vật trong thánh lễ chủ yếu là những tế phẩm dành để dâng hy lễ Thánh Thể: bánh và rượu. Trong một vài trường hợp, đến phần có tiến lễ, có thể đem các lễ vật khác lên bàn thờ: sản phẩm của thiên nhiên, ít nhiều mang tính cách biểu tượng, hay đôi khi một thành quả tìm kiếm được. Lời nguyện trên lễ vật hoàn tất việc chuẩn bị lễ phẩm và đi liền trước phần đối đáp dẫn vào lời Tiền Tụng của Kinh Tạ Ơn.

 

Lịch Cử Hành

(= Ordo)

Trong tiếng La tinh, ordo có nghĩa là sắp xếp, trật tự. Ordo là lịch phụng vụ hằng năm, dành cho một giáo phận hay một tu hội, trong đó các chỉ dẫn để cử hành thánh lễ và các Giờ Kinh Phụng Vụ cho mỗi ngày trong năm. Cuốn lịch này cũng gồm có những giáo huấn hữu ích cho đời sống phụng vụ, sinh hoạt của giáo phận hay của tu hội.

 

Lịch Phụng Vụ

(= Calendrier)

Ngày sóc (calendes) theo người Rôma là ngày đầu tiên trong một tháng, ngày triệu tập, ngày của những kỳ hạn. Calo trong tiếng La tinh và Kalès trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là kêu gọi hay triệu tập. Như vậy, lịch là cuốn sách ghi những kỳ hạn, là cuốn sổ ghi các khoản việc, nhưng nó còn là danh mục các ngày mà người ta được triệu về để thanh toán sổ sách; nó là phép tính lịch trong năm.

Lịch phụng vụ là danh sách các lần khác nhau triệu tập cộng đồng Kitô hữu trong một năm. Thiết tưởng cần nhớ lại rằng chữ Ecclesia (Hội Thánh) có gốc từ kalêô của tiếng Hy Lạp. Vào những ngày ấn định, Hội Thánh được qui tụ bởi Thiên Chúa và cho Thiên Chúa, để cử hành giao ước một cách trọn vẹn hơn.

Phần phụng vụ theo mùa được áp dụng chung cho Hội Thánh toàn cầu: gồm có chu kỳ giáng sinh và phục sinh, xen giữa hai chu kỳ này là các Chúa Nhật thường niên. Phụng Vụ Chư Thánh, một phần lớn được áp dụng chung cho toàn Hội Thánh.

Lịch phụng vụ riêng của một Hội Thánh địa phương hay một dòng tu (xc. Lễ Riêng) thêm vào lịch chung ngày lễ kỷ niệm cung hiến thánh đường, lễ các thánh bổn mạng, các thánh hiệu và các thánh sáng lập dòng, các thánh địa phương hoặc các thánh dòng (xc. năm Phụng Vụ; Cử Hành).

 

Lịch Sử Cứu Ðộ

(= Histoire de salut)

Lịch sử cứu độ là ý định nhân lành của Chúa Cha (Ep 1,9-14) diễn ra trong thời gian, trước khi hoàn tất trong vinh quang. Xét cho cùng, đó là lịch sử của những giao ước (xc. Kinh Tạ Ơn IV).

Việc sáng tạo là khởi điểm, chẳng bao lâu bị phá hủy bởi tội nguyên tổ, và đó là sự từ chối giao ước đầu tiên. Có thể nói giao ước với ông Nôe đặt nền trên những giá trị tích cực của các tôn giáo tự nhiên và cả nền phụng tự của các tôn giáo này nữa, bất chấp những sự thoái hóa hầu như trầm trọng của những tôn giáo đó. Về mặt lịch sử, giao ước với ông Ápraham là điểm xuất phát đích thực của những tương quan thân hữu giữa Thiên Chúa và loài người. Từ đó đưa đến giao ước Xinai, làm phát sinh Dân Thiên Chúa, trong khung cảnh một nền phụng vụ kỳ vĩ giữa sa mạc. Những sự bất tín của dân Israel, từ chuyện con bò vàng và trải dài suốt lịch sử cuộc xuất hành cũng như trong lịch sử các quan án và các vua, đã khiến các ngôn sứ phải loan báo một giao ước mới mà Con Thiên Chúa nhập thể sẽ đóng ấn trong máu của Người.

Sau biến cố Canvê, Lịch Sử Cứu Ðộ không ngừng kết nạp các nghĩa tử được Hội Thánh sinh ra, nhờ Chúa Thánh Thần, và đưa họ vào trong đời sống của Thiên Chúa, cho tới khi Giêrusalem thiên quốc được thành toàn: "Lúc muôn loài đã qui phục Ðức Kitô thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ qui phục Ðấng bắt muôn loài phải qui phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên mọi loài" (1Cr 15,28).

Xinai, Canvê và Giêrusalem thiên quốc là những mốc chính yếu của lịch sử cứu độ. Trong mỗi giai đoạn lịch sử cứu độ mà ta đang sống, phụng vụ hiện tại hóa giao ước trước đồng thời chuẩn bị giao ước tiếp theo. Như vậy, phụng vụ tạo ra một mối giây đan kết thời gian. Ðó là ý nghĩa của lễ tưởng niệm trong dân Israel, đó là ý nghĩa của việc tưởng niệm hiến lễ Tạ Ơn mà Chúa Kitô đã để lại cho chúng ta trước khi Người chịu chết trên thập giá (xc. Tạ Ơn). Mỗi giai đoạn mới của lịch sử cứu độ "thực hiện" và hoàn tất những giai đoạn trước. Do đó trong phụng vụ, Hội Thánh còn lắng nghe Thánh Kinh Cựu Ước, đang khi chờ đợi sự hoàn tất của Tân Ước nơi Giêrusalem thiên quốc, chờ đợi sự "hưởng kiến trong bình an", nơi đó không còn đền thờ, vì đền thờ của thành là Ðức Chúa, Thiên Chúa toàn năng và Con Chiên (kh 21,22). Trong vinh quang, lịch sử không bị tiêu tan, nhưng đạt được sự hoàn tất của mình; còn phụng vụ thì trở thành đích điểm hoàn hảo: đó là sự tham dự vào đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi của một dân tộc "được cứu chuộc để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa" (xc. Ep 1,14) (xc. Giao Ước; Cộng đoàn phụng vụ; Chu kỳ; Tưởng nhớ).

 

Linh Hồn Tôi (Thánh Ca)

(= Magnificat)

Từ La tinh đầu tiên của bài thánh ca tạ ơn trong dịp Ðức Maria thăm viếng bà Elisabét: "Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa" (Lc 1,46-55). Bài ca này gồm tóm điểm cô đọng tuyệt vời trong linh đạo thánh vịnh về "những người nghèo của Giavê", đó là những người ý thức được giới hạn của mình để Thiên Chúa thực hiện những công trình của Người nơi họ và với họ. Người Tôi Tớ khiêm hạ của Thiên Chúa cũng biết rằng mình là Mẹ của Người Con. Như toàn thể phụng vụ là tác động của cộng đoàn Kitô hữu để Thiên Chúa "tác động" nơi mình, thì người ta cũng hiểu rằng bài ca Magnificat chiếm vị trí ưu tiên trong các Giờ Kinh Phụng Vụ: hằng ngày, bài ca này là trọng tâm của giờ Kinh Chiều; sau khi làm dấu thánh giá, cộng đoàn hát Kinh Magnificat, trong lúc vị chủ sự xông hương bàn thờ khi có thể.

 

Linh Mục

(= Prêtre)

Trong tiếng Hy Lạp, presbuteros, cũng giống từ presbus hay presbutos, có nghĩa là niên trưởng, sứ giả. Như vậy, từ ngữ linh mục bao hàm một tư cách đáng kính trọng lẫn một tác vụ trung gian. Trong Tân Ước, khó mà phân biệt giữa chức linh mục (presbuteroi) và chức giám mục (episkopoi). Tuy nhiên, một vài chỉ dẫn dần dần cho thấy giám mục (episcope) là người có nhiệm vụ coi sóc giáo đoàn với sự trợ giúp của linh mục đoàn (presbutres) (1Tm 5,17; Tt 1,5). Vào đầu thế kỷ II, sự phân biệt về phẩm trật giữa giám mục và linh mục được ấn định rõ ràng hơn. Linh mục là một vị niên trưởng, nghĩa là một người khôn ngoan được Giám Mục chọn làm cộng tác viên trong việc thi hành chức tư tế. Ðể hiểu vai trò và sứ vụ của linh mục, phải khởi đi từ trách vụ của giám mục mà linh mục tham gia vào đó nhờ chức vụ tư tế (xc. Giám mục; Chức thánh).

Vì ông Môsê đã chọn các vị niên trưởng làm những người phụ tá để họ có thể trợ giúp ông trong trách vụ lãnh đạo dân, và trách vụ trung gian (Xh 18,21), thế nên các niên trưởng cũng tham dự vào đặc ân của ông Môsê là được sống thân mật với Thiên Chúa (Xh 24,1.9), và nhận được một "phần" Thần Khí của ông (Ds 11,24-25); tương tự như vậy, các giám mục cũng chia sẻ chức tư tế của mình cho "những người đầy khôn ngoan" mà các ngài đã chọn và đặt tay trên họ (xc. Lời nguyện thánh hiến trong lễ nghi truyền chức linh mục).

Như vậy, linh mục là người trợ giúp hay là cộng tác viên của vị Trưởng Tế tức là giám mục. Linh mục là đại diện (sứ giả) của giám mục tại bất cứ nơi nào ông được giám mục sai đến, và vì thế, linh mục cũng có đủ quyền hành để có thể thực sự trợ giúp đấng kế vị các Tông Ðồ.

Dưới quyền các giám mục, các linh mục cũng thực thi ba vai trò của chức vụ tư tế như các giám mục, đó là chăn dắt, giáo huấn và thánh hóa. Vì được tham gia vào trách vụ của Ðấng Trung Gian duy nhất là Ðức Kitô (1Tm 2,5), nên theo cấp độ tác vụ riêng, các linh mục công bố Lời Chúa cho mọi người. Nhưng các ngài thực thi thánh vụ của mình cách hoàn hảo nhất trong việc phụng tự hay trong cộng đoàn cử hành Thánh Thể: trong đó, các ngài hành động với tư cách của Ðức Kitô và công bố mầu nhiệm của Người, các ngài kết hợp lễ vật của các tín hữu với hy tế của vị Thủ Lãnh; và trong hy tế thánh lễ, các ngài hiện thực hóa và chuyển thông hiệu lực của hy lễ duy nhất trong Tân Ước, là hy tế của Ðức Kitô đã một lần dứt khoát thánh hiến mình cho Chúa Cha làm lễ vật hy sinh tinh tuyền (Dt 9,11-18) (Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Hội Thánh, số 28).

Thánh lễ, được cử hành nhân danh giám mục và trong sự hiệp thông với giám mục - sự hiệp thông được biểu lộ một cách đặc biệt qua việc đồng tế với giám mục, cũng như trong thánh lễ đầu tiên tức là lễ truyền chức - là trung tâm của đời sống và sứ vụ linh mục.

Khi ban các bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức, chúc lành cho các đôi hôn phối, Giải Tội, Xức Dầu bệnh Nhân, các ngài nhằm hướng họ đến bí tích Thánh Thể. Chỉ có bí tích Truyền Chức là linh mục không được cử hành, vì duy có các giám mục là những vị đã đạt đến sự viên mãn của chức thánh mới được quyền trao ban các chức thánh. Tuy nhiên, để làm nổi bật ý nghĩa của sự hiệp thông trong chức tư tế, tất cả các linh mục hiện diện trong lễ truyền chức, tiếp theo sau giám mục, đều lần lượt đặt tay trên các tiến chức, trước lời nguyện phong chức. Người ta biết rằng cử chỉ đặt tay của giám mục và lời nguyện phong chức làm nên thành phần cốt yếu của nghi thức truyền chức linh mục. Trao phẩm phục (dây các phép, áo lễ); xức dầu hai bàn tay, trao dĩa thánh đựng bánh, và chén thánh đựng rượu là những nghi thức phụ thuộc (xc. Tư tế; Giáo sĩ).

 

Linh Mục Ðoàn

(= Presbyterium)

Tiếng La tinh presbyterium có gốc từ tiếng Hy Lạp pres buterion, nghĩa là hội đồng các linh mục tụ họp quanh vị giám mục. Linh mục đoàn là cộng đoàn các linh mục cộng tác với vị giám mục trong sứ vụ tông đồ và trong việc cử hành các bí tích. Mối liên hệ có tính cách bí tích trên đây giữa giám mục và các linh mục thuộc quyền, được diễn tả chủ yếu và rõ nét nhất trong thánh lễ đồng tế. Ngoài ra, từ này còn được dùng để chỉ nơi các linh mục cử hành thánh lễ đồng tế hoặc các nghi thức phụng vụ khác.

 

Linh Thánh

(= Sacré)

Trong tiếng La tinh, sacrum vừa có nghĩa là đối tượng được tôn kính vừa có nghĩa là một hành vi tôn giáo. Sacrum xuất phát từ động từ sancire, có nghĩa là làm cho một vật nào đó trở thành bất khả xâm phạm nhờ vào một hành vi tôn giáo. Cũng như sanctum, sacrum là cái bất khả xâm phạm bởi vì có mối liên lạc với giới thần thiêng. Gốc của từ sacrite là sac hoặc sak được dùng để chỉ những gì gần gũi hoặc phát xuất từ thần linh. Do đó tiếng Việt Nam gọi là linh thánh.

Nếu như linh thánh là đặc tính của một cái gì đã trở nên bất khả xâm phạm vì có liên hệ với Thiên Chúa, ta có thể hiểu linh thánh theo hai cách bổ túc lẫn nhau: một đàng, tất cả những gì tự nó xuất phát từ Thiên Chúa và lý do hiện hữu của nó chỉ là vì đã được Thiên Chúa đụng đến; đàng khác, tất cả những gì đã xuất phát từ Thiên Chúa và đang hướng về Người. Cách nhìn thứ nhất, theo hướng từ trên xuống dưới, cho thấy một quan niệm nội tại về linh thánh: mọi thụ tạo, sở dĩ là linh thánh, vì được hiện hữu trong tương quan với Ðấng tạo Hóa. Cách nhìn thứ hai, theo hướng từ dưới lên trên, lại đặt linh thánh - siêu vượt trên những hữu thể giới hạn vốn đã được chia sẻ phần nào tính cách linh thánh - lên đến lãnh vực thần linh đúng nghĩa; và muốn nối kết lại với lãnh vực đó đòi phải có một chuỗi những sự thoát li, những cuộc "vượt qua". Ở đây, cần đặc biệt chú ý đến ý niệm siêu việt.

Mỗi dấu vết của Thiên Chúa lưu lại trên các hữu thể làm cho chúng thành linh thánh, nhưng tùy thuộc mức độ được nhận thức và được sống tính cách linh thánh của các vật hay các hành vi (xc. Bí tích; Hy tế) hướng đến điều linh thánh tuyệt hảo, tức là sự sống của Thiên Chúa, thuộc lãnh vực siêu việt. Hai chiều kích của linh thánh như trên - từ Thiên Chúa đến các thụ tạo của Người và từ các thụ tạo lên Thiên Chúa - chính là cấu trúc của phụng vụ, hướng đến chỗ hoàn hảo nhờ mầu nhiệm Nhập Thể cứu chuộc: Ðức Giêsu, là Thiên Chúa và là người, là hữu thể linh thánh (xc. Lc 1,35), tràn đầy sự sống Thiên Chúa đến mức tuyệt hảo; Ngươờ có thể đưa chúng ta đi theo Người vào cung lòng Chúa Cha. Phụng vụ là cách Hội Thánh thể hiện điều linh thánh, nhờ chức tư tế của Chúa Kitô.

 

Lọ Ðựng Rượu, Nước

(= Burettes)

Cách gọi này chỉ về lọ đựng rượu hoặc nước dùng trong việc cử hành thánh lễ. Các lọ này được làm bằng thủy tinh để dễ phân biệt bên trong là rượu hay nước. Người ta đặt trên một khay nhỏ bằng thủy tinh, khay này cũng được dùng trong lúc chủ tế rửa tay.

 

Lòng Thánh Ðường

(= Nef)

Trong tiếng La tinh, navis có nghĩa là tàu, thuyền. Ðây là phần lòng nhà thờ, tính từ cửa chính tới cung thánh, thường dành cho các tín hữu họp thành cộng đoàn khi cử hành phụng vụ. Trong các nhà thờ cổ, phần này thường có hình vòm, gợi lên hình dáng chiếc vỏ tàu, do đó có từ navis. Khoa nghiên cứu biểu tượng của Hội Thánh cũng cắt nghĩa đó là chiếc tàu của thánh Phêrộ và các đấng kế vị đang lênh đênh giữa biển đời sóng gió.

 

Lọng

(= Ombrelle)

Tiếng La tinh umbrella hay umbella: Vật dụng tạo bóng râm. Lọng là cái dùng để che trên Mình Thánh Chúa trong các cuộc rước. Lọng là một dạng phương du đơn giản.

 

Lời

(= Parole)

Lời tức là Lời Chúa, Lời mà trong cử hành phụng vụ, chúng ta dùng lời của mình để đáp lại. (xc. Linh thánh).

 

Lời Dẫn

(= Monition)

Trong tiếng La tinh, monitio có nghĩa là cảnh tỉnh, ý kiến khuyên nhủ (động từ monere nghĩa là cảnh tỉnh). Lời dẫn là lời do người chủ sự hay một thành viên của cộng đoàn nói lên để giải thích vắn tắt ý nghĩa các bài đọc hoặc nghi thức sắp diễn ra, và cũng để tạo ra bầu khí thích hợp cho việc tham dự tích cực của các tín hữu. Trong một đại lễ, thừa tác viên giữ nhiệm vụ giải thích cho cộng đoàn ý nghĩa của nghi thức và các bài đọc bằng những lời dẫn giải thích hợp, được gọi là người dẫn lễ.

 

Lời Nguyện

(= Oraison)

Tiếng La tinh oratio: lời, lời nói, kinh nguyện (do động từ orare: nói, cầu xin). Lời nguyện là lời thân thưa với Chúa, lời cầu nguyện dâng lên trước nhan Chúa. Nếu lời cầu nguyện là một cuộc đối thoại của tâm hồn chìm đắm trong Chúa, một kinh nguyện nội tâm (xc. Chiêm niệm; Kinh nguyện), thì lời nguyện phụng vụ là sự diễn tả chung và công khai của cộng đoàn đang cầu nguyện; lời nguyện do vị chủ sự với tư cách là người thu thập và "tóm kết" ý nguyện của cả cộng đoàn, đọc theo công thức đã được soạn sẵn.

Cấu trúc của một lời nguyện thường gồm có:

1. lời kêu cầu Thiên Chúa;

2. một hay nhiều lý do;

3. một ý nguyện đúng nghĩa;

4. mục đích;

5. câu kết.

Theo mẫu đó, chúng ta có thể phân tích lời nguyện nhập lễ Chúa Nhật 11 thường niên: "Lạy Thiên Chúa toàn năng, là sức mạnh của nhũng kẻ trông cậy Chúa, xin đoái thương nhận lời chúng con cầu khẩn (1). Vì không có Chúa, loài phàm hèn yếu đuối không làm được việc gì (2). Xin hằng ban ơn thánh phù trợ (3); để khi tuân giữ các giới răn Chúa, chúng con có thể dùng ý chí và hành động làm đẹp lòng Chúa (4). Nhờ Ðức Giêsu Kitô..." (5).

Ba lời nguyện trong thánh lễ là lời tổng nguyện, lời nguyện trên lễ vật (xc. Tế phẩm), lời nguyện hiệp lễ. Cũng có thể nói đến lời nguyện kết thúc phần lời nguyện cộng đồng (lời nguyện giáo dân), các lời nguyện thầm của linh mục trước khi hiệp lễ... Ngoài ra, cũng phải kể đến Kinh Lạy Cha, lời cầu nguyện của Chúa; và Kinh Tạ Ơn, một lời cầu nguyện dài và đầy ý nghĩa. Trong các Giờ Kinh Phụng Vụ, lời nguyện kết thúc thường lấy theo lời nguyện đầu lễ (Tổng nguyện). Sách các nghi thức (sách các phép) có qui định nhiều lời nguyện để cử hành các bí tích và các phụ tích.

 

Lời Nguyện Cộng Ðồng

(= Prière universelle)

Lời nguyện cộng đồng hay lời nguyện giáo dân là lời nguyện mà cộng đoàn phụng vụ dâng lên để xin Thiên Chúa đáp ứng những nhu cầu của thế giới và của mọi thành phần trong cộng đoàn, còn sống hay đã qua đời. Truyền thống phụng vụ cổ xưa đã có lời nguyện này (Sách lễ - Eucologe - của Serapion, giám mục thành Thmuis, thế kỷ IV; Qui chế các tông đồ - Constitutions Apostoliques, khoảng năm 380). Lời nguyện cộng đồng có lẽ phát sinh do ảnh hưởng của phụng vụ Do Thái và chiếu theo lệnh truyền của thánh Phaolô gửi cho ông Timôthêu: "Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Ðó là điều tốt đẹp lòng Thiên Chúa, Ðấng cứu độ chúng ta, Ðấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý" (1Tm 2,1-4).

Lời nguyện cộng đồng gồm có lời kêu gọi của linh mục, tiếp đến là những ý cầu nguyện được thầy phó tế xướng lên, hoặc nếu không có phó tế, thì do một hay nhiều người tiêu biểu cho các thành phần của cộng đoàn. Tất cả cộng đoàn bày tỏ ước nguyện của mình bằng một lời tung hô hay một câu đáp sau mỗi ý cầu nguyện. Cuối cùng, linh mục kết thúc bằng một lời nguyện. Diễn tiến thông thường của các ý cầu nguyện hơn kém như nhau: cầu cho Hội Thánh, các chủ chăn và các tín hữu; cầu cho các nhà cầm quyền trên thế giới, để họ đem lại cho thế giới sự bình an đích thực trong công lý; cầu cho những người đau khổ, cho những người quá cố, cho các nhu cầu riêng của các thành phần trong cộng đoàn và cho toàn thể cộng đoàn.

Trong thánh lễ, lời nguyện cộng đồng là phần chuyển tiếp giữa phần phụng vụ Lời Chúa, vốn gợi lên những ý nguyện cầu, và phần phụng vụ Thánh Thể. Ðúng hơn, lời nguyện ấy tiếp liền sau bài Tin Mừng, thường thì sau bài giảng hoặc Kinh Tin Kính. Trong kinh nguyện phụng vụ, Kinh Sáng và Kinh Chiều, có lời nguyện cộng đồng hay lời cầu, được xếp vào phần kết thúc, trước Kinh Lạy Cha và lời nguyện. Phần lớn các nghi lễ cử hành bí tích đều có lời nguyện cộng đồng.

 

Lời Nguyện Trên Dân Chúa

(= Prière sur le peuple)

Trong nghi thức giải tán cộng đoàn, trước khi ban phép lành, linh mục có thể đọc một lời nguyện trên dân chúng. Sau khi kêu gọi cộng đoàn cúi đầu, linh mục đọc lời nguyện, giơ tay lên hướng về phía cộng đoàn. Sách lễ Rôma có đề nghị một số công thức về lời nguyện này.

 

Lời Than Trách

(= Impropères)

Trong tiếng La tinh, improperium có nghĩa là lời than trách. Bài thán ca là lời than trách thống thiết của Ðức Kitô đối với dân đã phụ bạc Người. Trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh, cộng đoàn hát bài ca này đang khi tôn thờ Thánh Giá. Cứ mỗi ân huệ Thiên Chúa ban cho dân trong cuộc Xuất Hành xưa, lại được đối chiếu với một cảnh tượng của cuộc khổ nạn. Ðể đền tạ, cộng đoàn lặp lại nhiều lần câu điệp khúc tung hô bằng tiếng Hy Lạp là Hagios o Theos (Ôi Thiên Chúa chí thánh).

 

Lửa

(= Feu)

Ðêm canh thức Phục Sinh bắt đầu bằng nghi thức làm phép lửa, lửa đó sẽ dùng để thắp sáng cây nến Phục Sinh. Trong Tin Mừng, Ðức Giêsu tuyên bố Người đến đốt lên một ngọn lửa trên trần gian (Lc 12,49). Chỉ mình Người mới có thể làm phép rửa trong Thánh Thần và trong lửa (Mt 3,11). Dầu sao, người ta không nhấn mạnh ý nghĩa biểu tượng của lửa vì chính nó, nhưng vì ánh sáng mà lửa làm phát sinh một cách sống động. Thực vậy, lời nguyện làm phép lửa mở đầu như sau: "Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, nhờ Con Chúa là ánh sáng thế gian, Chúa đã ban cho nhân loại ánh sáng từ ánh sáng của Ngài. Xin thương chúc lành cho ngọn lửa này đang chiếu sáng trong đêm tối". Ngọn lửa mới tượng trưng Chúa Kitô phục sinh, là ánh sáng bừng lên từ đêm tối, nhưng cây nến phục sinh sẽ là biểu tượng của Chúa Kitô phục sinh một cách lâu bền hơn.

Trong phần lớn những cử hành phụng vụ của Hội Thánh, người ta thắp những cây nến, ngầm nói lên sự lan truyền của ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần và của sự sống Chúa Kitô phục sinh, ánh sáng thế gian.

 

Lưu Trữ

(= Réserve)

Trong tiếng La tinh, servare có nghĩa là giữ lại và tiếp đầu ngữ re có tác dụng nhấn mạnh. Của lưu trữ thánh là Thánh Thể được cất giữ trong nhà tạm.

 

 


Back to Home