H
Hai Lễ (Dâng)
(= Biner)
Ðây là việc cử hành thánh lễ hai lần hay nhiều lần trong một ngày vì những nhu cầu của các cộng đoàn khác nhau. Việc làm này hợp pháp nếu vì thiếu linh mục, mặc dù tự nó là việc không bình thường.
Dù đã cử hành thánh lễ vì lý do mục vụ, linh mục vẫn có thể đồng tế với giám mục của mình trong cùng một ngày: việc bày biểu lộ một cách bí tích sự duy nhất của Hy Lễ Tạ Ơn và sự duy nhất của chức tư tế. Các linh mục dòng cũng thế, vẫn có thể đồng tế trong thánh lễ tu viện, cho dù đã cử hành thánh lễ cho giáo dân.
Hầm
(= Crypt)
Trong tiếng Hy Lạp kruptès nghĩa là che giấu. Ðối với người Rôma, crypta là một hành lang được che kín, nhưng cũng có khi là một hầm nhỏ hay một căn phòng đào dưới đất. Trong ngôn ngữ nhà đạo, crypta dùng để chỉ nhà thờ hầm, tức là một nhà nguyện nằm dưới nền nhà thờ chính. Tầng hầm của các nhà thờ cổ thường là nơi an táng những người quá cố.
Hân Hoan Lên
(= Laetare)
Ðây là chữ đầu của bài ca nhập lễ bằng tiếng La tinh của Chúa Nhật thứ IV mùa Chay, có nghĩa là Hãy Hân Hoan. Cũng như Chúa Nhật Gaudete (Chúa Nhật thứ III mùa Vọng), Hội Thánh tạm dừng lại trong thời gian 40 ngày chay tịnh và hướng đến niềm vui phục sinh. Ðể làm rõ thêm ý nghĩa, trong lễ này có thể mặc phẩm phục màu hồng, chưng hoa trên bàn thờ, đánh đàn.
Hiển Thánh
(= Confesseur)
Theo ngôn ngữ Kitô giáo, confessor trong tiếng La tinh dùng để chỉ một vị thánh đã tuyên xưng, tức là đã công bố niềm tin của mình. Những vị tuyên xưng tuyệt vời nhất là các vị thánh tử đạo, những chứng nhân hào hùng của đức tin (martyr trong tiếng Hy lạp có nghĩa là chứng nhân). Theo nghĩa này, nơi tuyên xưng (confessio) là nơi đáng tôn kính, nơi vị tử đạo đã tuyên xưng niềm tin của mình (xc. Màn che bàn thờ; Thú nhận).
Trong ngôn ngữ chuyên môn của phụng vụ, thánh hiển tu (confessor) là tên gọi để chỉ một vị thánh nam, không tử đạo. Giám mục thì được gọi là hiển tu giám mục (confessor pontifex). Ngày nay, trong phần chung các thánh, người ta thích gọi là các thánh mục tử, giáo hoàng, giám mục, linh mục, các thánh tu sĩ, các thánh lo việc giáo dục, các thánh lo việc bác ái.
Thông dụng hơn, từ confessor dùng để chỉ vị linh mục giải tội cho tín hữu trong bí tích Sám Hối (xc. Sám hối).
Hiệp Lễ / Hiệp Thông
(= Communion)
Từ La tinh communio và từ Hy Lạp tương đương koinônia trước hết có nghĩa là một sự hiệp nhất bền bỉ giữa nhiều người thành một cộng đoàn thông hiệp (communicat) với nhau, nghĩa là được thừa hưởng việc chung góp (communis), chia sẻ và trao đổi tài sản, phúc lợi với nhau.
Việc hiệp thông Kitô giáo chính là việc nối kết các Kitô hữu với nhau, đặt căn bản trên sự hiệp nhất giữa họ với Thiên Chúa. Cội nguồn và đích điểm của một cuộc hiệp thông như vậy chính là sự hiệp nhất của Ba Ngôi vị Thiên Chúa. Thánh Gioan Tông Ðồ mở đầu bức thư thứ nhất của người bằng câu: "Ðiều chúng tôi đã được thấy, được nghe, chúng tôi xin loan báo cho anh em để anh em được hiệp thông với chúng tôi. Việc hiệp thông của chúng ta chính là nhờ nơi Thiên Chúa Cha và cùng với Thánh Tử của Người, Ðức Giêsu Kitô" (1,3).
Nhờ hy tế của Người, Ðức Giêsu đến nối kết con cái Thiên Chúa đã bị tản lạc (Ga 11,52), bằng cách đưa họ vào trong chính đời sống hiệp nhất của Chúa Cha với Chúa Con (Ga 17,11.21.22.23).
Thánh Thể do Người truyền lại cho các tín hữu làm chứng cho một tình yêu siêu vời, lập nên thần lương có khả năng tác tạo và tái tạo sự hiệp nhất của các môn đồ Chúa Kitô. Là sự hiện tại hóa mang tính bí tích của hiến lễ lưu huyết duy nhất, Thánh Thể cũng là phương tiện độc đáo đem lại cho các tín hữu khả năng được tháp nhập vào chính sức sống của Thiên Chúa. Hiệp thông Thánh Thể theo nghĩa vừa nói là nhận lãnh Thân và Huyết Ðức Kitô như lương thực trường sinh.
Hiệp thông Mình và Máu Ðức Kitô chính là đi vào huyền nhiệm Phục Sinh của Người và chia sẻ thân phận của Người. Việc hiệp thông Thánh Thể xây dựng Hội Thánh và thực hiện cuộc hiệp thông các thánh (xc. Tin Kính). Lãnh nhận Thân Thể Chúa kitô là chiếm lấy một vị trí trong Nhiệm Thể của Người và sống việc hiệp nhất hôn lễ giữa Hôn Phu và hôn Thê. Hấp thụ Ðức Kitô hệ tại việc trở nên giống như Người, tức là Ðấng Thiên Tử, để triển khai đầy đủ cuộc sống làm con: "Cũng như Chúa Cha, Ðấng hằng sống đã sai Tôi và Tôi sống nhờ Chúa Cha thì người nào ăn Tôi cũng sẽ sống nhờ Tôi" (Ga 6,57). Vậy tận điểm của hiệp thông Thánh Thể là đời sống Ba Ngôi, có thể nói, cô đọng trong Ơn ban của Thánh Thần, mối liên kết sống động giữa Chúa Cha và Chúa Con. Trong khi chờ đợi giây phút chúng ta được biểu lộ tỏ tường chân chính của mình trong vinh quang (1Ga 3,2), hiệp thông Thánh Thể ngày ngày giúp chúng ta tiến vào sâu xa hơn trong Huyền Nhiệm của Ðức Kitô (xc. Ep 3,2), tùy theo mức độ hưởng ứng và nỗi khao khát của chúng ta (xc. Ga 6,11).
Tự thân việc hiệp thông dưới hai hình là đầy đủ ý nghĩa nhất. Nhưng vì lý do thực tiễn, lại không phải lúc nào cũng dễ thực hiện. Do đó, Hội Thánh xác định những trường hợp nào mới được phép chịu lễ hai hình. Giáo luật 1983 cho phép hiệp lễ lần thứ hai trong cùng một ngày khi tham dự một cuộc cử hành Thánh Thể khác (Gl 917). Thiết tưởng nên lưu ý Thánh Thể là lương thực của người sống. Ðể được hiệp lễ, cần phải ý thức mình không mắc một lỗi lầm nào có thể gây đổ vỡ thảm hại mối thân tình với Thiên Chúa. Trước khi lãnh nhận Thánh Thể, cần có một cử chỉ tôn kính thích hợp (xc. Chay Tịnh).
Hòa Chung
(= Commixtion)
Trong tiếng La tinh, commixtio có nghĩa là việc pha trộn (động từ La tinh commisceo: pha với, trộn với). Ðây là một nghi thức trong thánh lễ, sau nghi thức bẻ bánh, linh mục bỏ một miếng nhỏ Mình Thánh vào trong Chén Thánh. Khi đang làm nghi thức ấy, linh mục đọc: "Xin Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô hòa lẫn với nhau mà chúng con sắp lãnh nhận, cho chúng con được sống muôn đời". Mình và máu, hai hình thái tách rời, tượng trưng và hiện tại hóa, một cách không đổ máu, hiến tế độc nhất trên núi Canvê: Ðức Giêsu vinh hiển đang hiện diện trên bàn thờ, và một cách bí tích, Người cũng đang ở trong trạng thái một của lễ. Cử chỉ pha trộn nhắc đến việc Người Phục Sinh, linh hồn và thân xác Ðức Kitô được liên kết với nhau mãi mãi.
Nghi thức này rất cổ kính: ở đâu người ta cũng giữ. Có lẽ nghi thức này có liên hệ với thói quen ban đầu, là đưa Mình và Máu đã được truyền phép đến các nhà thờ khác để tỏ dấu chỉ hiệp thông. Trong các thánh lễ có Mình Thánh đã truyền phép sẵn (Nghi thức phụng vụ thứ Sáu Tuần Thánh) (xc. Thánh Thể), người ta cũng có thói quen chấm Bánh Thánh vào Chén Thánh để cho Bánh Thánh đã được truyền phép trước mềm ra (xc. Chấm).
Hoan Hô
(= Hosanna)
Hosanna là tiếng tung hô của người Do thái, được ghép bởi mệnh cách của động từ hoshi'ah nghĩa là cứu vớt và từ tố chỉ nghĩa van xin na'. Hoshi'ah na' nên hiểu sát nghĩa là xin cứu vớt. Từ này xuất hiện thành văn trong câu 25 của thánh vịnh 117, thánh vịnh vượt qua tiêu biểu nhất, mô tả quang cảnh đón rước Ðấng Messia dịp lễ đăng quang của Người (câu 19-27).
Chẳng có việc gì phải kinh ngạc khi thấy dân Israel hát bài ca này để chào mừng Ðức Giêsu lúc Người tiến vào thành Giêrusalem (Mt 21,9). Sau này, hosanna mất đi ý nghĩa nguyên thủy để chỉ còn là tiếng hô vui mừng và chiến thắng. Hosanna được phụng vụ Hội Thánh nhắc lại hai lần trong kinh Thánh Thánh Thánh, như lời tung hô của các tín hữu vào cuối kinh Tiền Tụng để dâng lên Thánh Ðức Thiên Chúa. Vào giây phút hy lễ Thánh Thể sắp được tái diễn, ý nghĩa căn gốc của từ hosanna lột tả trọn vẹn nội dung của mầu nhiệm: Xin cứu vớt. Ðây là công trình của Ðức Giêsu, Thánh Danh có nghĩa là Ðức Giavê cứu vớt hoặc Thiên Chúa đã cứu vớt: Yehoshu'a.
Hội Thánh / Nhà Thờ
(= Eglise)
Trong tiếng Hy Lạp, eklesia có nghĩa là cộng đoàn các công dân tự do được triệu tập. Giáo Hội là cộng đoàn Dân Thiên Chúa, được Thiên Chúa triệu tập cho Người để cử hành Giáo Ước.
Trong Cựu Ước, Israel đã được sinh ra làm Dân Thiên Chúa vào Ngày Ðại Hội (Ðnl 9,10; 10,4; 18,16) khi chấp thuận Giao Ước với Ðức Chúa (xh 24). Quehal-Yahvé là tiền thân xác thực của Giáo Hội. Trong bản LXX (bản 70), từ Hípri qâhal thường được dịch là eklesia. Ta có thể ghi nhận sự thông vận giữa động từ Hípri qâhal (triệu tập) và động từ Hy lạp káléô (kêu gọi) cùng có những phụ âm căn bản q hay k và l. Trước hết, cần phải lưu ý rằng: Dân của Ðức Chúa sinh ra làm Dân trong phụng vụ Giao Ước. Bởi thế, căn tính của Dân có tính cách phụng vụ.
Giáo hội trong Tân Ước là cộng đoàn con cái Thiên Chúa đang tản mác (Ga 11,52) được đưa về trong sự duy nhất của Ba Ngôi (17,11.21.22) nhờ Máu Ðức Kitô (Cv 20,28). Giáo Hội được thai ngén nơi Thập Giá, nhờ Thánh Thần, Nước và Máu (Ga 19,30-34; 1Ga 5,6-8), tức là ở trung tâm Hy Lễ duy nhất của Tân Ước. Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, khi Thánh Thần tuôn đổ xuống, Giáo Hội sinh ra như một cộng đoàn cử hành những kỳ công của Thiên Chúa (Cv 2,11). Thánh Phêrô đã chẳng nhắc lại những tước hiệu mang tính phụng vụ của đại hội Xinai, khi nói với các tín hữu: "Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hoàng tộc chuyên lo tế tự, là Dân Thánh, Dân riêng của Thiên Chúa để loan truyền những công trình vĩ đại của Người" (1Pr 2,9-10; xc. Xh 19,5-6) đó sao?
Như vậy, bản chất của Giáo Hội có tính cách phụng vụ, và chính trong khi cử hành phụng vụ Giáo Hội bày tỏ cách hoàn hảo nhất cho thấy hiện mình đang là gì và càng ngày càng phải trở nên như thế nào: đó là Dân - Hiền Thê, nhờ hiệp nhất với Hôn Phu của mình, và được sinh ra nhờ Thánh Thần, tiến vào trong sự trao đổi của Ba Ngôi, thực tại cuối cùng của phụng vụ. Những cuộc gặp gỡ phụng vụ ở dưới thế, tập trung vào bí tích Thánh Thể, không ngừng qui tụ Giáo Hội, do từ sáng kiến của Thiên Chúa, sẽ được diễn tả một cách hiệu quả nhờ tác vụ thánh, để Giáo Hội chấp thuận Giao Ước, và để Giáo Hội ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa.
Các nhà thờ, nơi qui tụ Giáo Hội, được trở nên cao quí là nhờ có cuộc gặp gỡ Giáo Ước giữa Thiên Chúa và Dân Người, là địa điểm cho cuộc gặp gỡ diễn ra. Những nghi lễ cung hiến long trọng làm cho nhà thở trở thành những Lều Hội Ngộ của Giao Ước mới.
Hôn
(= Baiser)
Hôn là cử chỉ tôn trọng, hiệp thông và kính mến (xc. Thờ lạy). Khi linh mục và phó tế hôn bàn thờ trong lúc cử hành thánh lễ, các vị bày tỏ sự hiệp thông với Thiên Chúa, với Ðức Kitô và với toàn thể Hội Thánh trên trời, được biểu tượng nơi hài cốt của các thánh. Sự kiện vị linh mục - chứ không phải phó tế - thường đặt hai tay lên bàn thờ khi hôn kính, chứng tỏ rằng nhờ chức tư tế, linh mục có thẩm quyền hành xử theo tính bí tích đối với bàn thờ (xc. Bàn thờ).
Sau khi đã đọc Tin Mừng trong thánh lễ, phó tế và linh mục hôn sách Phúc Âm, bày tỏ dấu hiệu liên kết một cách kính cẩn với Lời Ðức Kitô.
Các tín hữu thực thi việc hôn kính khi tôn thờ Thánh Giá trong nghi thức thứ Sáu Tuần Thánh. Tín hữu cũng hôn Thánh Tích Thánh Giá được trưng bày trong ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá (14/9). Hài cốt các thánh cũng được tôn kính như vậy, hoặc theo tính cách tư riêng, hoặc công khai và trọng thể trong các dịp hành hương, các dịp lễ... (xc. Bình an).
Hộp Ðựng Thánh Thể
(= Custode)
Là hộp bằng kim loại, dùng đựng mặt nguyệt. Khi mặt nguyệt có chứa Thánh Thể, sẽ được đặt vào hộp này và cất giữ trong nhà chầu.
Cũng có thể đó là một chiếc hộp nhỏ đựng Thánh Thể như của ăn đàng hoặc để cho bệnh nhân chịu lễ.
Hương (Bình)
(= Encensoir)
Là bình hương hoặc lư hương cầm tay, treo bằng ba sợi dây nhỏ. Nắp bình hương có đục lỗ và có thể kéo lên được nhờ một sợi dây khác. Cũng có loại bình hương một dây. Khi đốt hương, vị chủ tế đổ hương vào cục than cháy đỏ trong bình. Người ta xông hương bằng cách lắc bình hương.
Hương (Người Cầm Bình)
(= Thuriférage)
Tiếng La tinh thus, thuris: hương; ferre: mang, cầm. Người cầm bình hương là thừa tác viên có nhiệm vụ cầm tàu hương và bình hương trong các nghi thức phụng vụ; tiếng La tinh thus hay tus xuất xứ từ tiếng hy lạp thuos vừa có nghĩa là hương thơm, vừa có nghĩa là lễ vật: việc đốt hương dâng lên Chúa cũng là một hiến lễ (xc. Tv 140,2).
Hương (Tàu)
(= Navette)
Tàu hương là một bình nhỏ hình chiếc thuyền dùng để đựng hương. Tàu hương thường đi chung với bình hương, và người cầm bình hương cầm cả hai thứ đó.
Hương (Xông)
(= Encensement)
Xông hương là dâng khói hương thơm lên Thiên Chúa, Ðấng được biểu tượng qua Thánh Giá, bàn thờ, các tế phẩm, cũng như chính bản thân vị chủ tế. Các tín hữu cũng được xông hương vì lẽ họ mang địa vị làm nghĩa tử Thiên Chúa, thi hành ấn tích Thánh Tẩy qua việc tham dự phụng vụ.