Ð
Ðan Sĩ
(= Moine)
Tiếng Hy Lạp monochos có nghĩa là duy nhất, đơn độc. Các đan sĩ sống thành cộng đoàn trong các đan viện không phải là những người cô độc, đúng hơn, đây là những người hiến mình để tìm kiếm một sự duy nhất cần thiết. Theo sắc lệnh "Canh tân và thích nghi đời tu" của Công đồng Vaticanô II: "Nhiệm vụ chính yếu của các đan sĩ là phục vụ Thiên Chúa uy quyền trong nội vi đan viện, với sự khiêm tốn, nhưng cao quí, hoặc hoàn toàn hiến thân phụng thờ Thiên Chúa trọn đời sống ẩn dật, hoặc phụ trách cách hợp pháp một vài công việc tông đồ hay bác ái Kitô giáo" (s. 9). Theo quy định thánh Biển Ðức, nếu suốt cuộc đời đan sĩ nơi "Trường phục vụ Thiên Chúa" diễn ra trong vâng phục và khiêm tốn, thì việc phục vụ đó là công trình Thiên Chúa, Opus Dei, ở mức độ tuyệt hảo nhất, và phải được đặt lên trên tất cả (chương 43). Việc cử hành phụng vụ, xét trong toàn bộ, nhất là Các Giờ Kinh Phụng Vụ, không phải là đặc ân của các đan sĩ, nhưng đời sống cộng đoàn của họ, có trọng tâm là kinh Thần Vụ, sẽ làm cho kinh thần vụ của họ có tính chất gương mẫu.
Ðan Viện
(= Abbaye)
Tiếng La tinh abbatia có nghĩa là một tu viện do một đan viện phụ hay một đan viện mẫu quản trị. Ðể thiết lập một đan viện, cần phải hội đủ số đan sĩ. Trước kia, đó là một tu viện có một tu viện trưởng điều hành.
Ðan Viện Phụ / Ðan Viện Mẫu
(= Abbé / Abbesse)
Tiếng Hipri nghĩa là người cha; còn trong tiếng Aram nghĩa là bố, ba (tiếng trẻ con gọi). Như thế, đan viện phụ là người cha của một cộng đoàn đan tu. Bình thường, đan viện phụ được bầu giữ chức vụ này suốt đời, vì trong một gia đình, người ta không thay đổi người cha theo hạn kỳ. Ðan viện phụ được quyền ban phép lành, một trong những phụ tích cao quý của Hội thánh (xc. Phép lành, Bí tích). Vào những dịp đại lễ, đan viện phụ có thể sử dụng những phẩm hiệu dành riêng cho giám mục (gậy, mũ), là biểu tượng quyền tài phân như một người cha đối với đan viện. Mặc dù không là giám mục, nhưng trách vụ của đan viện phụ cũng tương tự như sứ mệnh chủ chăn của đấng kế vị các tông đồ.
Vì sự nghèo túng của đan viện, vào thời Trung Cổ có tập tục ban tặng tước hiệu viện phụ cho các giám chức địa phận, hoặc ngay cả cho người giáo dân để bảo trợ cho đan viện. Các viện phụ giám hộ này không phải là đan sĩ, và vẫn dành cho vị bề trên quyền cai trị đan viện.
Ðáp Ca
(Répons)
Tiếng Latinh reponsum nghĩa là đáp trả, responsorium nghĩa là hát đối đáp. Ðáp ca là một bài hát phụng vụ hát luân phiên giữa một người hoặc một nhóm lĩnh xướng (xc. Ca viên tu viện), với ca đoàn. Ðáp ca dài gồm một bài dài có cung điệu phong phú; đó chính là một bài hát suy niệm sau các bài đọc, hoặc trong phụng vụ các giờ kinh hoặc trong thánh lễ (xc. Ca tiến cấp). Ðáp ca ngắn là một bài hát suy niệm ngắn sau một bài đọc ngắn; thành phần của kinh Sáng, kinh Chiều và kinh Tối. Bản văn đáp ca chủ yếu rút từ Thánh Kinh, nhất là Thánh Vịnh (xc. Câu xướng đáp, Cau tung hô, Cộng đoàn phụng vụ).
Ðặt Tay
(= Imposition)
Trong tất cả các tôn giáo, cử chỉ đặt tay, nhất là tay phải, là thành phần của các nghi thức có ý nghĩa nhất. Cử chỉ này chuyển ban phép lành của Thiên Chúa (St 48,14-19) và, cách này hay cách khác, diễn tả việc Thiên Chúa giải phóng một vật và thông ban Thánh Thần của Người (Tv 138,5). Trong các bí tích, đặt tay tiếp nối cử chỉ của Ðức Chúa và các Tông Ðồ.
Trong nghi lễ phong chức phó tế, linh mục và giám mục, cử chỉ đặt tay trong thinh lặng trước lời nguyện phong chức, làm thành chất liệu của bí tích Truyền Chức; nghĩa là một dấu chỉ cốt yếu khả giác. Cử chỉ này có nghĩa là chuyển thông Thánh Thần và các quyền Người ban cho để làm việc tông đồ (Cv 6,6; 13,2-3; 1Tm 4,14; 2Tm 1,6). Ðức Giám Mục đặt tay trên đầu mỗi tiến chức để phong chức linh mục. Tất cả các linh mục hiện diện cũng đặt tay như đức giám mục. Trước nghi thức cốt yếu trong bí tích Thêm Sức, Ðức Giám Mục và các linh mục sẽ cùng xức dầu với người đặt tay trên toàn thể những người sắp lãnh nhận bí tích (Cv 8,17; 19,6). Trong nghi thức chuẩn bị Thánh Tẩy, việc đặt tay gắn liền với nghi thức trừ tà. Nghi thức này có thể thay thế việc xức dầu dự tòng. Trong bí tích Sám Hối, lúc tha tội, linh mục giơ tay về phía hối nhân: cử chỉ này diễn tả quyền tháo cởi và hòa giải. Trong lúc cử hành bí tích Xức Dầu bệnh nhân, việc đặt tay tong thinh lặng đi liền trước việc xức dầu (Mt 8,3.15; Mc 5,23; 16,18). Trong lễ truyền dầu khi thánh hiến dầu thánh, các linh mục hiện diện cùng với giám mục giơ tay phải hướng về dầu lúc đọc phần cuối lời nguyện thánh hiến.
Trong thánh lễ, chủ tế và các vị đồng tế giơ hai tay trên lễ phẩm khi đọc kinh cầu Chúa Thánh Thần: cử chỉ này là để kêu cầu tác động thánh hiến của Chúa Thánh Thần. Khi so sánh với những cử chỉ tương tự trong Cựu Ước (Lv 1,4), người ta cũng thấy đó là một cách thức nói lên rằng tất cả các tín hữu, qua trung gian vị linh mục, liên kết với việc dâng hiến này để vươn tới Thiên Chúa cùng với hy lễ (xc. Linh thánh); Dâng lên, nghĩa thứ hai của cử chỉ này, phải gắn liền với ban xuống là nghĩa thứ nhất (xc. Phụng vụ). nghi lễ Xá tội trong dân Israel qui định việc đặt tay trên con dê thục tội có nghĩa là trút tất cả tội lỗi của dân lên nó (Lv 16,21): ý nghĩa này khác với việc tưởng nhớ hy tế Con Chiên gánh tội trần gian (Ga 1,29). Ðể thánh hiến bánh và rượu, các vị đồng tế giơ tay phải hướng về bánh lễ, rồi về phía chén rượu. Cuối thánh lễ, chủ tế giơ tay trên toàn thể cộng đoàn khi đọc ba lời cầu trước phép lành trọng thể trong một vài trường hợp. Cũng nên ghi nhận rằng: cử chỉ ban phép lành bình thường, tức là dấu thánh giá, là một cách đặt tay.
Trong lãnh vực phụng vụ, người ta cũng nói đặt áo trắng sau khi đổ nước, đặt áo phó tế trong lễ phong chức phó tế, đặt giây các phép và áo lễ trong nghi thức phong chức linh mục, đặt lúp trong nghi thức thánh hiến trinh nữ, đặt áo dài và có mũ trong nghi thức chúc lành đan sĩ, v.v... Ðặt (xức) tro mở đầu mùa Chay. Ðặt (xướng) điệp ca trong kinh Thần Vụ, có nghĩa là lấy cung, đặt hướng có nghĩa là rắc hương trên than trong bình hương.
Ðấng Bản Quyền
(= Ordinaire)
Tiếng La tinh ordinarius nghĩa là theo trật tự. Ðấng bản quyền cao nhất là đức giám mục, nguyên ủy của bí tích truyền chức trong giáo phận của người, và là thừa tác viên chính của mọi cử hành phụng vụ.
Phần thường lễ (ordinarium missae) gồm những phần kế tiếp nhau cố định trong cử hành thánh lễ, đối lại với lễ riêng (prorium). Mùa Thường Niên (tempus ordinarium) gồm 34 tuần kế tiếp trong khoảng giữa chu lỳ mùa Giáng Sinh và mùa Phục Sinh (xc. Năm Phụng Vụ).
Ðạo Thiên Binh
(= Sabaoth)
Sabaoth là số nhiều của từ Hipri Sâbâ, có nghĩa là đạo binh. Tước hiệu Yahvé Sabaoth Thánh Kinh dành cho Thiên Chúa có nghĩa là Thiên Chúa Các Ðạo Binh. Ðó là các đạo binh thiên quốc, tức là các thiên thần và các tinh tú. Tước hiệu ấy cũng được phụng vụ sử dụng trong kinh Thánh Thánh Thánh, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh.
Ðen (màu)
(Noir)
Màu đen là màu tang chế ở Tây Phương, có thể được dùng cho các phẩm phục thánh lễ và các kinh nguyện mai táng. Thường mầu tím được sử dụng nhiều hơn.
Ðèn
(= Lampe)
Khi lưu trữ bánh thánh đã truyền phép, phải thường xuyên đặt một cái đèn sáng bên cạnh nhà tạm. Ðó là biểu tượng sự hiện diện thực sự và sự tôn thờ luôn tỉnh thức của các tín hữu. Ý nghĩa này được tiếp nhận một cách rõ ràng hơn nếu đó là đèn thắp bằng dầu, cho một ngọn lửa thực. Do đó, người ta sử dụng những cái đèn tương tự để tôn kính hài cốt hoặc ảnh tượng các thánh.
Ðèn (Thắp)
(= Lucernaire)
Trong tiếng La tinh, lucerna có nghĩa là đèn. Lên đèn là một trong những danh từ dùng cho phụng vụ kinh Chiều, trong giờ kinh đó người ta phải thắp đèn. Ðối với người Do Thái, ngày sabát và những ngày đại lễ bắt đầu canh thức vào buổi tối bằng một nghi thức thắp sáng; phụng vụ công giáo mở đầu đêm vọng phục sinh bằng nghi thức làm phép nến phục sinh.
Ðền Tội (Việc)
(= Satisfaction)
Tiếng La tinh satisfactio nghĩa là hành động sửa lại một sự xúc phạm (satis: đủ; facere: làm). Trong bí tích Hòa Giải, việc đền tội là một việc tượng trưng (cầu nguyện, việc lành), do linh mục đề nghị và hối nhân chấp nhận, để biểu lộ một cách nào đó ý muốn sửa lại sự xúc phạm Thiên Chúa do tội lỗi đã phạm.
Ðĩa Hứng
(= Plateau)
Ðĩa hứng là một cái đĩa bằng kim loại quí, thường là hình bầu dục, dùng để hứng các mẩu vụn bánh thánh hoặc các giọt máu thánh có thể rơi rớt khi cho rước lễ.
Người ta cũng dùng một đĩa hình bầu dục để đựng các lọ rượu, nước và dùng như một cái chậu nhỏ khi rửa tay.
Ðĩa Thánh
(= Platène)
Ðĩa Thánh có hình tròn và lõm, dùng để đựng bánh thánh. Ðĩa thánh làm bằng chất liệu cứng, thường là bằng kim loại quý, tương xứng với chén thánh. Trong mức độ có thể, chỉ dùng một đĩa thánh lớn, đựng bánh của linh mục, các thừa tác viên cũng như các tín hữu.
Ðiệp Ca
(= Antienne)
Tiếng Hy lạp antiphonos nghĩa là người đối đáp. Lúc đầu, bài ca đối đáp được thực hiện luân phiên do hai ca đoàn đối đáp lẫn nhau, có lúc hòa chung. Ðó là cách thức các ban hát thực hiện trong các vở kịch Hy Lạp. Trong phụng vụ Do Thái và phụng vụ Kitô Giáo, các Thánh Vịnh là chất liệu cho việc luân phiên xướng đáp của ca đoàn.
Dần dần, sự luân phiên giữa hai ca đoàn - vẫn còn vết tích trong các bài ca tiếp liên mùa Chay - được thay thế bằng việc tất cả cùng lặp lại một điệp khúc sau những câu hoặc đoạn Thánh Vịnh do một người lĩnh xướng. Ðiệp ca không còn được thực hiện luân phiên nữa, nhưng được hát trước, giữa hoặc sau mỗi Thánh Vịnh. Thánh Vịnh này chỉ còn là một thoại khúc đơn giản, trong khi điệp ca rất giàu âm điệu.
Hiện nay, các điệp ca trong thánh lễ (Ca nhập lễ, Alleluia, Ca dâng lễ, Ca hiệp lễ) chỉ giữ lại một phần tiêu biểu của Thánh Vịnh, bình thường chỉ cần điệp khúc là đủ. Cũng cần ghi nhận rằng Thánh Vịnh xen giữa các bài đọc sách Thánh được đọc kèm với điệp khúc. Trong kinh Thần Vụ, các điệp ca thường được hát trước và sau mỗi thánh vịnh. Việc xướng thánh vịnh Hiệu Triệu khởi đầu kinh Thần Vụ của một ngày được nhấn mạnh bằng việc lặp lại nhiều lần một điệp khúc rút từ thánh vịnh. Các thức đối đáp trong khi đọc thánh vịnh như thế còn áp dụng cho các thánh vịnh khác trong nhiều trường hợp (xc. Ðáp Ca).
Ðỏ (Màu)
(= Rouge)
Màu phụng vụ gợi lên máu và lửa. Màu này được dùng trong Chúa Nhật Thương Khó (hay Chúa Nhật Lễ Lá), thứ Sáu Tuần Thánh, lễ Hiện Xuống và các lễ Kính Chúa Thánh Thần, lễ Suy Tôn Thánh Giá ngày 14 tháng 9, lễ các Tông Ðồ và các Thánh Tác Giả Tin Mừng, và lễ các Thánh Tử Ðạo.
Ðọc Sách (Tác Viên)
(= Lecteur)
Thầy đọc sách được cắt cử qua việc chúc lành đặc biệt và công khai, diễn ra trong thánh lễ hay trong buổi cử hành Phụng Vụ Lời Chúa. Thầy đọc sách có nhiệm vụ đọc hay hát những đoạn Thánh Kinh trong Phụng Vụ đã được chỉ định, và hướng dẫn cộng đoàn hiểu Lời Chúa. Việc đọc Tin Mừng trong Thánh Lễ được dành riêng cho phó tế hay linh mục. Việc cắt cử thầy đọc sách là thuộc quyền đức giám mục; còn đối với các tu sĩ, quyền này thuộc về bề trên cao cấp của họ. Những ai chuẩn bị lãnh chức phó tế hay linh mục thì trước đó phải lãnh tác vụ đọc sách cũng như tác vụ giúp lễ (xc. Giúp lễ). Nhưng người ta có thể lãnh chức vụ này mà không nhằm đến các chức thánh. Khi thiếu thầy đọc sách chính thức, thì một người giáo dân (kể cả nữ giới) có khả năng đọc rõ ràng và dễ hiểu, có thể đảm trách việc đọc sách. Thực vậy, chủ tế không nên đọc hết tất cả các bài đọc.
Ðổ Nước
(= Infusion)
Tiếng La tinh infusio nghĩa là rót, tưới, đổ nước. Thánh tẩy có thể thực hiện bằng cách đổ nước hoặc rảy (xc. Thánh tẩy vắn tắt, nghĩa hơi khác một chút). Cử hành Thánh Tẩy bằng cách đổ hoặc rảy nước là thông dụng nhất, mặc dù cử hành Thánh Tẩy bằng cách dìm vẫn là ý nghĩa nhất.
Ðồng Tế
(= Concélébration)
Từ ngữ cử hành (celebratio) tự nó bao hàm việc có số đông người cử hành, nghĩa là họp nhau để chào mừng một việc gì hay một người nào. Như vậy tiếp đầu ngữ "con" (cùng nhau) có vẻ thừa. Vì phụng vụ không bao giờ là hành động của một người, nhưng là hành động của cả cộng đoàn hội nhập vào tác động của Thiên Chúa, nên mỗi cuộc cử hành đều giả thiết rằng mỗi người tham dự đều đồng cử hành với những người khác. Mỗi tác động trong phụng vụ đều là của toàn thể Hội Thánh, Hội Thánh tại thế cũng như Hội Thánh trên trời, cho nên các bài kinh Tiền Tụng thường nhắc đến các sứ thần cùng đồng thanh tung hô (socia exultatione concelebrant) trong phụng vụ thiên quốc, tức là trong niềm hân hoan chung, các vị cùng tôn vinh Thiên Chúa. Thánh lễ là một tác động thánh tuyệt hảo nhất trong đó mỗi thành phần Dân Chúa tham dự tích cực theo phần vụ dành cho mình. Trong Thánh Lễ, cũng như trong các cuộc cử hành khác, không phải mọi người cùng có cách thức cử hành như nhau. Mỗi người tùy theo là thừa tác viên hay giáo dân, trong khi chu toàn nhiệm vụ của mình, chỉ thực hiện và thực hiện trọn vẹn phần vụ thuộc về mình, tùy theo bản chất của sự việc và qui luật Phụng Vụ (PV 28). Ýnghĩa tổng quát của từ ngữ đồng tế tương đương với từ ngữ Hy Lạp sulleitourgein, có nghĩa là cử hành phụng vụ với.
Chỉ vào khoảng thế kỷ XII hay XIII, từ ngữ đồng tế mới có ý nghĩa chuyên môn là nhiều linh mục cùng cử hành một thánh lễ. Ngược lại, việc đồng tế thì đã có từ rất xa xưa. Trong thời Thượng Cổ Kitô Giáo, việc đồng tế dối với các linh mục là cách thức có ý nghĩa nhất để cử hành Lễ Tế Tạ Ơn. Nếu công tác mục vụ không đòi hỏi các linh mục phải cử hành mầu nhiệm Vượt Qua duy nhất ở những nơi khác nhau, thì điều rất tự nhiên là các vị nên đồng tế lễ Tạ Ơn quanh vị giám mục. Thói quen đồng tế chưa hề bị bỏ quên, cả ở bên Tây cũng như bên Ðông (PV 57), nhưng vì nhu cầu mục vụ, và não trạng tư riêng hóa phụng vụ, đàng khác vào thời Trung Cổ, thánh lễ mất ý nghĩa trọn vẹn của nó, nên việc đồng tế bị giản lược thành cử hành riêng tư. May thay Công Ðồng Vaticanô II đã phục hồi việc đồng tế.
Bởi vì việc đồng tế lễ Tạ Ơn diễn tả rõ nét hơn tính duy nhất của Hy Tế Thánh Thể, và của chức linh mục (xc. Bẻ Bánh), huấn quyền không ngừng khuyến khích việc đồng tế, miễn là không gây phương hại cho nhu cầu dâng lễ của giáo dân. Kiểu mẫu tiêu biểu nhất cho việc cử hành Thánh Lễ - như được mô tả trong các sách lễ Rôma cổ xưa nhất là việc cử hành có qui tụ đông đảo giáo dân xung quanh giám mục và các linh mục đồng tế với người. Trong cuộc cử hành duy nhất này, mỗi người theo cương vị của mình, thể hiện ở mức độ cao nhất ấn tích đã nhận qua bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức (đối với giáo dân), hoặc ấn tích Truyền Chức (đối với giám mục, linh mục và phó tế).
Nếu phụng vụ đặt nền tảng trên dấu chỉ và trên mức độ biểu hiệu dấu chỉ đó, thì việc đồng tế phải chiếm chỗ ưu tiên, vì tính cách trọn vẹn của việc cử hành được thực hiện cụ thể trong việc đồng tế, mỗi người thi hành theo cương vị của mình. Dĩ nhiên mỗi linh mục vẫn còn quyền cử hành thánh lễ một mình, với điều kiện phải tránh cử hành nhiều thánh lễ trong cùng một nơi nào cùng một giờ (PV 57). Ngược lại nếu vì nhu cầu của giáo dân mà các linh mục đã cử hành lễ riêng trong cùng ngày hôm đó, hoặc đối với các linh mục dòng, thì vẫn được đồng tế trong thánh lễ cộng đoàn.
Ðỡ Ðầu (Cha, Mẹ)
(= Parrain)
Tiếng La tinh patrinus có nghĩa là người thi hành bổn phận làm cha. Cha đỡ đầu hoặc mẹ đỡ đầu là những người gần gũi với người sắp được Thánh Tẩy hoặc Thêm Sức, những người này có vai trò chăm sóc những người con tinh thần để giúp phát triển hợp với đời sống Kitô hữu.
Chính trong bí tích Thánh Tẩy người lớn, người cha (hoặc mẹ) đỡ đầu thi hành vai trò này một cách đầy đủ: người cha (hoặc mẹ) ấy do người dự tòng chọn, được vị linh mục và cộng đoàn chấp nhận. Vào ngày tuyển chọn, tức là lúc người ta quyết định cho người dự tòng được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, người cha (hoặc mẹ) đỡ đầu lãnh nhận trách nhiệm theo những nghi thức đã được soạn. Sau cùng khi đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, người đỡ đầu vẫn còn là nơi nương tựa thân thiết cho người con của mình.
Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời / Mông Triệu
(= Assomption)
Tiếng La tinh assumptio, do động từ ad-sumere, nghĩa là lấy cho mình, kéo về mình. Lễ trọng Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời là lễ mừng việc Ðức Mẹ được Thiên Chúa tôn vinh. Thánh kinh chính lục không nói đến mầu nhiệm này, nhưng lòng tin của Hội Thánh đã làm chứng điều đó rất sớm: ngay từ cuối thế kỷ V, người ta thấy những ám chỉ mầu nhiệm này qua lễ Ðức Mẹ Ngủ hoặc Ðức Mẹ Băng. Ngày 1 tháng 11 năm 1950, Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã long trọng xác định tín điều Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời bằng những lời như sau: "Ðức Maria Vô Nhiễm, Ðức Mẹ Thiên Chúa, Trọn Ðời Ðồng Trinh, khi kết thúc cuộc đời dương thế, đã được đưa cả hồn lẫn xác vào trong vinh quang thiên quốc".
Mầu nhiệm hồn xác lên trời là đặc ân Ðức Maria được thừa hưởng, tương ứng với đặc ân thụ thai vô nhiễm nguyên tội. Nếu Ðức Maria hoàn toàn tinh tuyền, được trở thành Thánh Mẫu Thiên Chúa, được liên kết với công trình cứu độ do Con yêu dấu của Người thực hiện, thì quả Ðức Mẹ đáng được Thiên Chúa cất nhắc vào trong vinh quang của Ðức Giêsu Phục Sinh và Thăng Thiên. Sau việc thăng thiên của Chúa, việc Ðức Maria được đưa về trời là một bảo đảm việc chúng ta cũng được mời gọi tham dự vào vinh quang, bởi lẽ bên cạnh nhân tính của Ðức Kitô, còn có một con người đã được tiến vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi và không ngừng, cùng với Ðức Giêsu, chuyển cầu cho chúng ta để chúng ta cũng được đi tới nơi hiện Người đang hưởng vinh quang.
Ðức Thánh Cha
(= Pape)
Tiếng La tinh papa có nghĩa là cha nuôi, người điều hành, người cha. Ðây là tước hiệu danh dự ban đầu dành cho các giám mục, rồi sau được dành cho giám mục Rôma. Ðức Thánh Cha, với tư cách là người kế vị thánh Phêrô, là đại diện Chúa Kitô và là thủ lãnh hữu hình của Hội Thánh. Với danh nghĩa này, Ðức Thánh Cha, hoặc một mình, hoặc với công đồng chung, có quyền quyết định những thích nghi phụng vụ phù hợp, liên quan đến thánh lễ, các bí tích, các phụ tích, và các Giờ kinh Phụng Vụ: những thích nghi này không ảnh hưởng đến điều Chúa đã thiết lập trong phụng vụ.
Công Ðồng Vaticanô II diễn tả vấn đề này như sau: "Việc điều hành phụng vụ thánh lễ thuộc thẩm quyền duy nhất của Hội Thánh: nghĩa là thuộc quyền Tông Tòa, và chiếu theo qui tắc luật pháp, cũng thuộc quyền giám mục. Chiếu theo quyền hạn do luật ban, việc điều hành phụng vụ trong các giới hạn đã định, cũng tùy thuộc các Hội Ðồng Giám Mục, được thiết định hợp pháp, có thẩm quyền trong từng địa phương. Vì vậy, tuyệt đối không một ai khác, dầu là linh mục, được tự quyền thêm bớt hay thay đổi bất cứ điều gì trong phụng vụ" (PV 22; xc. Nghi thức Thánh Lễ, Rôma).
Ðứng (Tư Thế)
(= Debout)
Ðứng là tư thế chỉ riêng con người mới có (homo erectus); đó là dấu chứng tỏ con người là một thụ tạo cao quí trong toàn thể công trình sáng tạo: con người có cái nhìn bao trùm trái đất và có thể hướng lên trời. Người ta đứng khi cầu nguyện: "Hai người lên Ðền Thờ cầu nguyện: một người Pharisêu và một người thu thuế. Người Pharisêu đứng và cầu nguyện rằng: "Lạy Thiên Chúa...". Còn người thu thuế đứng đàng xa, không dám ngước mắt lên trời" (Lc 18,10.11.13). Cả hai người đều đứng, nhưng đang khi người Pharisêu có thái độ tự mãn, thì người thứ hai lại tỏ ra thái độ khiêm tốn ở chỗ người ấy không dám ngước mắt lên trời: người ấy tự nhận mình bất xứng vì tội lỗi của mình không đáng đối diện với Thiên Chúa. Như vậy, ngay cả khi đứng, con người vẫn biết mình không xứng đáng đối với Thiên Chúa. Nhưng con người cũng biết rằng mình được sáng tạo để ngắm nhìn Thiên Chúa; bởi vì tư thế đứng muốn cho thấy việc hướng tâm hồn lên, được diễn tả bằng thái độ ngắm nhìn và giơ tay lên. Tư thế của người cầu nguyện lại chẳng phải là tư thế do truyền thống Kitô giáo thời xa xưa đã truyền lại sao? Vị linh mục lặp lại tư thế đó trong những giây phút trọng đại nhất của kinh nghuyện phụng vụ. Như vậy, đứng là tư thế chính yếu trong các cung cách phụng vụ: nó cho thấy con người sẵn sàng gặp gỡ Thiên Chúa của mình, cho thấy thái độ chăm chú một cách khiêm tốn, thái độ ao ước được liên kết với Thiên Chúa. Trong thánh lễ, cộng đoàn đứng khi chủ tế đọc ba lời nguyện, kinh Tạ Ơn, khi công bố Tin Mừng, khi đọc kinh Tin Kính và Lời Nguyện giáo dân trong các Giờ Kinh Phụng Vụ, mọi người đứng khi mở đầu và kết thúc giờ kinh.