Nước Mắt và Hạnh Phúc

(Những bài Suy Niệm Và Cầu Nguyện

của Linh Mục Nguyễn Tầm Thường, SJ.)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 24 -

Giáo Hội

 

... Nó còn ở đằng xa thì cha nó đã thấy nó, và ông chạnh lòng thương: chạy lại, ông bá lấy cổ nó mà hôn lấy hôn để. Người con mới nói với ông: Thưa cha, con đã trót phạm tội nghịch với Trời và trước mặt cha, con không còn xứng đáng gọi là con cha nữa. Nhưng cha của nó đã nói cùng đầy tớ mau mau mang áo thượng hạng mà mặc cho nó... (xem Lc 15,14-32).

*

* *

"Nó còn ở đàng xa thì cha nó đã thấy nó". Phúc Âm không nói người cha đã thấy con trong trường hợp nào. Ngày ngày ông đứng ngóng trông trên đường? Hay vô tình ông thấy con về? Lúc gặp con, người cha chạnh lòng thương và sai gia nhân mau mau về nhà lấy áo thượng hạng mà mặc cho nó. Sai gia nhân về nhà lấy áo có nghĩa là lúc bấy giờ phải có mặt gia nhân ở đấy. Theo thứ tự thời gian, câu chuyện xẩy ra ngắn gọn như sau: --- ông ôm con --- ông truyền lệnh. Từ lúc ông gặp được con cho đến lúc ông sai gia nhân về nhà lấy áo chỉ kéo dài có khi không đầy một phút. Với thời gian ngắn như vậy, làm sao lại có thể có mặt gia nhân ở đó được? Ðiều ấy có thể tìm trong hai suy diễn:

Một là --- gia nhân đã có mặt ở đó trước khi ông tới.

Hai là --- ông thấy con rồi gọi gia nhân cùng chạy theo đón.

Nếu gia nhân thấy trước rồi về báo tin, thì vai trò của gia nhân ở đây là sứ giả đem tin vui cho chủ mình. Nếu gia nhân ghét đứa con phung phá này thì chẳng có lý do gì họ phải về báo tin cho chủ. Mặc kệ. Vì thế, hành động về báo tin là dấu chỉ họ mong chờ. Thái độ của gia nhân ở đây phản ảnh trung thực tâm hồn hiệp thông của những người thuộc về một gia đình. Hình ảnh này gợi lên trong tâm hồn tôi đây là lối sống thật của ơn gọi sống trong gia đình Chúa. Một thứ gia nhân trong gia đình Chúa có thể mang nhiều tên gọi khác nhau: giàu, nghèo, văn hóa, lập trường chính trị, Công Giáo, Tin Lành, Phật Giáo, vô tôn giáo... Là Kitô hữu mà không sống bác ái thì không bằng không là Kitô hữu nhưng sống hiệp thông trong tình thương.

Nếu người cha thấy trước, rồi gia nhân cùng chạy theo đón người con thì vai trò của gia nhân ở đây là làm cho niềm vui của người cha thêm trọn vẹn. Không có gia nhân, người cha không sai ai về nhà lấy áo thượng hạng, lấy nhẫn và giầy cho con mình được. Từ suy diễn này, mỗi phần tử trong gia đình Chúa đều mang ơn góp niềm vui cho Chúa Kitô. Ðem niềm vui cho chủ là lời cám ơn của gia nhân đối với chủ. Bởi đó, thái độ đón tiếp nhau không phải chỉ là đón tiếp riêng lẻ. Trong ý nghĩa như thế, bí tích giải tội của cá nhân trở thành bí tích hiệp thông với toàn thể Giáo Hội.

Không có gia nhân ở đó thì người con không có áo đẹp, không có nhẫn đeo, không có giầy đi, niềm vui của người con cũng kém trọn vẹn. Thế thì, vai trò của gia nhân cũng là đem niềm vui cho người con trở về. Trong ý nghĩa ấy, người con không những phải biết ơn cha mà cũng phải cám ơn gia nhân. Ðây cũng chính là thái độ sống thích đáng của Kitô hữu. Không phải tôi chỉ cần cám ơn Chúa mà thôi, nhưng phải ghi ơn cả người đồng loại. Từ điểm này, hiệp thông càng là yếu tính của Giáo Hội.

Dù với luận cứ nào đi nữa, người cha đã thấy con mình trước, hay gia nhân đã thấy trước thì việc đón người con về với gia đình vẫn là sự đón tiếp của cả người cha và gia nhân, của đại gia đình.

*

* *

Nhìn hình ảnh các gia nhân cùng đi đón người con trở về, Giáo Hội mang ý nghĩa là chỉ những ai sống hiệp thông trong bác ái, mới xứng đáng gọi là sống trong Giáo Hội. Niềm vui ở đây không chỉ là của riêng người cha, mà của cả gia đình. Ý tưởng này được làm nổi bật ở cả dụ ngôn con chiên lạc, và người đàn bà tìm thấy đồng tiền đánh mất. Khi gặp lại chiên lạc, người chăn chiên đã gọi bạn bè hàng xóm đến chung vui. Khi tìm thấy đồng tiền đánh mất, bà ta mời cả chung quanh láng giềng đến ăn mừng, chứ không riêng bà.

Xét theo kỹ thuật viêt văn và trình bày của Luca trong Phúc Âm này, ta thấy trước khi kể dụ ngôn người con đi hoang trở về, Chúa kể dụ ngôn chiên lạc tìm thấy, tiếp liền sau đó là dụ ngôn đồng bạc đánh mất lại gặp. Ðặt ba dụ ngôn cùng tư tưởng thành một chùm sao rực rỡ, sống động. Luca muốn làm cháy sáng lên những ý nghĩa quan trọng mà Chúa muốn nhấn mạnh. Cả ba dụ ngôn đều nói đến niềm vui là niềm vui của toàn thể cộng đoàn, chứ khôngphải biệt lập cá nhân. Nếu niềm vui là của toàn thể, thì nỗi buồn mất mát cũng phải là nỗi buồn chung. Trong suy diễn đó, Giáo Hội không thể chỉ hệ tại lãnh thổ, văn phòng, tên gọi, mà nơi nào có hiệp thông và chia sẻ nơi đó có Giáo Hội.

*

* *

Muốn tìm hiểu sâu hơn ý nghĩa của danh từ Giáo Hội, thiết tưởng, khi nhìn lại câu chuyện người con hoang đàng, ta phải xét đến một khía cạnh khác: gia nhân là ai?

Trong câu chuyện người con đi hoang trở về, ta thấy gia đình này là một thảm cảnh. Cả ba người: ông chủ, người con thứ, người con trưởng đều đau khổ.

- Ông chủ đau khổ vì người con thứ mang theo tiền bạc, bỏ nhà đi. Ông mất tiền, mất con.

- Người con trưởng đau khổ vì ghen tức mà mất tình thương với em, làm đau lòng cha, không chung nổi tiệc mừng.

Lối kết cấu của câu chuyện không nói rõ tương lai gia đình này ra sao. Nhìn vào lối kết hiện tại ta có thể thấy một suy diễn khác:

- Ông chủ vừa vui mừng khi người con thứ trở về thì ông lại mất người con trưởng vì anh ta không chấp nhận đường lối của ông.

- Người con thứ trở về, cảnh làm thuê độ nhật vừa chấm dứt thì lòng ghen tức của anh lại bắt đầu. Ðau khổ cũ vừa qua thì đau khổ mới lại nẩy sinh.

Ðiểm nổi bật trong câu chuyện là ta không hề thấy những gia nhân phải đau khổ. Họ chẳng những không đau khổ mà còn là sứ giả đem tin vui:

- Họ chạy về nhà lấy áo thượng hạng, nhẫn, giầy theo lời chủ.

- Họ là người đã hạ bò tơ, mở tiệc ăn khao.

- Họ là người đưa tin xum họp cho người con trưởng lúc đi làm về.

Ðây là hình ảnh đáng suy nghĩ khi đặt vấn đề ai là người ở trong Giáo Hội, ai là người sống Tin Mừng. Trong dụ ngôn này, kẻ chống đối chính là người trong gia đình. Khi người con trưởng đi làm về, được gia nhân báo tin là đang có tiệc mừng cho cậu em, "chàng nổi giận không thèm vào nhà". Nhìn vào lịch sử của Giáo Hội, có khi chống đối xẩy ra trong đoàn thể, trong giáo xứ, trong Giáo Hội nhiều hơn là do kẻ bên ngoài. "Và họ mở tiệc ăn khao", trong ngày vui như vậy thì chính người con trưởng lại là nguyên nhân đem đến những đám mây mù ảm đạm. Chính người con trong gia đình, ngày ngày ở bên cha lại không nhận ra nỗi héo hắt, u buồn của cha. Không nhận ra nỗi khổ tâm của cha đã là một ơ hờ. Ngăn cản niềm vui của cha thì không còn là thờ ơ nữa mà là xúc phạm.

Ðối với người con trở về, nó phải cám ơn ai? gia nhân hay anh nó? Ðối với người cha, ai là người đem tin vui? gia nhân hay con ruột?

*

* *

Chương 13 của Phúc Âm Luca nói đến gia đình Chúa với ý nghĩa rất chua xót: "Sẽ có kẻ tự phương Ðông, phương Tây, từ phương Bắc, phương Nam đến dự tiệc với Abraham, Isaac trong Nước Thiên Chúa, còn con cái trong nhà lại bị loại ra (Lc 13,28-29). Trong tiệc vui, các gia nhân được tham dự hân hoan, còn chính người con trưởng trong gia đình lại không biết niềm vui là gì. Ở ngoài Giáo Hội không có nghĩa là không có sự cứu rỗi. Ở trong Giáo Hội cũng không đồng nghĩa là đương nhiên được cứu rỗi. Ðược tham dự Tiệc Thiên Chúa hay không là tùy thái độ sống hiệp nhất và loan báo tình thương. Hạnh phúc của gia nhân hệ tại là đáp lời gọi của chủ, là sứ nhân mang tin vui. Từ đó, đi tìm đặc tính của người là con Chúa, không thể căn cứ trên giấy rửa tội. Ðặc tính của người là con Chúa là lối sống trong xã hội, với ấn dấu được đóng là tình thương đồng loại.

Gia tài của Giáo Hội là các bí tích chứ không phải đền đài, dòng tu, tiền bạc. Nhìn lại dụ ngôn người con đi hoang trở về, gia tài của người cha đã bị hoang phí bởi chính người con. Gia tài của cha giàu có, nhưng bao năm anh ta phải ăn bám dân trong vùng, phải đi chăn heo, thèm ngốn rau heo cho đầy bụng mà chẳng có ai cho. Bởi đó, tôi ở trong Giáo Hội, chưa chắc tôi đã sống nhịp sống phong phú của Giáo Hội. Có thể tôi còn nghèo ân sủng thiêng liêng hơn những kẻ ở ngoài Giáo Hội.

Nếu định nghĩa Giáo Hội là những người rửa tội, nhận Chúa Kitô là thủ lãnh, sống trong xứ đạo, đi lễ, đọc kinh, kính phục Ðức Giáo Hoàng thì tôi đang ở trong Giáo Hội. Nếu hiểu Giáo Hội là nơi sống trong tình thương, là nơi không kỳ thị, là nơi nối kết nên một, là nơi những bông hoa biết cám ơn nhau vì sự khác biệt của mình đã làm đẹp vũ trụ, chứ không phải ghen tức vì duyên sắc, thì rất có thể tôi đang sống ngoài Giáo Hội.

*

* *

Lạy Chúa, yếu tính của gia đình Chúa là hiệp thông trong tình thương. Nếu con hiểu Giáo Hội chỉ là nhà thờ, là xứ đạo, thì con có thể đấu tranh để bảo vệ nhà thờ, để có xứ đạo, con có thể xóa bỏ hiệp thông và bác ái để đạt mục đích. Nếu con hiểu Giáo Hội là sống trong tình thương thì con có thể hy sinh danh từ Công Giáo mà vẫn giữ được căn tính làm con Chúa. Con có thể hy sinh nhà thờ mà vẫn có chỗ cầu nguyện.

Xin Thánh Thần Chúa

- Ðổi mới tâm trí con hiểu biết sự phong phú của Giáo Hội.

- Ðổi mới lối sống đạo khô cằn, thụ động thành sáng tạo.

- Thanh tẩy những hẹp hòi, nhỏ nhen của một tâm hồn giữ luật hơn giữ tình thương.

- Xin cho con nhìn thấy mọi người đều là con Chúa. Nhà thờ là nơi hiệp thông của tình thương, không còn biên giới của văn hóa, chủng tộc và ngay cả tôn giáo.

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page