Nước Mắt và Hạnh Phúc
(Những bài Suy Niệm Và Cầu Nguyện
của Linh Mục Nguyễn Tầm Thường, SJ.)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 19 -
Kỷ Niệm:
Hạnh Phúc Hay Vết Thương
Những bài ca nói về ngọt ngào của tình yêu hay nhắc đến kỷ niệm. Những bài thơ viết về hạnh phúc cũng thường mang hình ảnh của quá khứ. Những tìm về con đường cũ vết chân xưa. Sân ga thủa nào hẹn hò. Chiều Giáng Sinh lần đầu gặp gỡ. Tất cả là kỷ niệm. Kỷ niệm là hành ảnh ghi lại những yêu dấu đã buông cánh đậu xuống đời mình. Nhưng, cũng có những bài thơ buồn nhắc nhở một dòng nước mắt. Cũng có những nốt nhạc sầu âm vang một dang dở. Những nước mắt, những dang dở cũng là kỷ niệm. Như thế, kỷ niệm là con đường hai chiều: một lối xuôi hạnh phúc, một nẻo ngược đau thương.
Tờ thư cũ. Tấm hình năm xưa. Kỷ niệm và kỷ niệm. Tuổi học trò có kỷ niệm của sân trường. Tình yêu vợ chồng có kỷ niệm của hôn nhân. Kỷ niệm ở khắp nơi. Ai cũng có kỷ niệm. Ai cũng có lúc sống với kỷ niệm. Ðã như thế, nơi nào có con người là có kỷ niệm.
Kỷ niệm không bao giờ nhắc đến con người nhưng con người lại hay nhắc đến kỷ niệm. Chính con người tạo nên kỷ niệm, chứ kỷ niệm không bao giờ hiện hữu độc lập. Mặc dù con người tạo nên kỷ niệm, nhưng sự yếu đuối của con người trước kỷ niệm là khi sinh ra kỷ niệm rồi thì con người lại bị kỷ niệm chi phối. Một khi kỷ niệm ra đời rồi thì khó mà chối bỏ được sự có mặt của chúng. Và kỷ niệm lại có quyền năng không ngờ: con người không giết được kỷ niệm, nhưng kỷ niệm lại có thể giết được con người.
Kỷ niệm là một gạch nối. Kỷ niệm là một lối đi về để tôi có thể đến được với người và người đến với tôi trong không gian xa cách, trong thời gian chảy xuôi. Kỷ niệm là lối đi về, là sự nhắc nhở giữa hai người. Ðã là nhắc nhở thì tùy sợi giây liên hệ ấy thơ mộng hay vụng về, thân ái hay oán trách mà hai người có kỷ niệm đẹp hay đau buồn.
Cái kỳ diệu và cũng là bi đát của con người là con người sống trong hiện tại nhưng lại có thể mơ ước tương lai và kéo cả quá khứ tới. Chính vì thế mà sống hiện tại, nhưng đau nỗi đau của quá khứ và lo nỗi lo của tương lai. Chính cái khả năng vượt thời gian này mà mới có kỷ niệm. Nếu không sống lại được quá khứ thì sẽ không có kỷ niệm. Do đấy, kỷ niệm có thể là hồng ân mà cũng là ngục tù.
Vì khả năng có thể kéo quá khứ tới hiện tại nên người ta có thể đem những kỷ niệm đẹp năm xưa làm hành trang cho hôm nay. Và cũng có thể là ngục tù nếu kỷ niệm đó là những kỷ niệm buồn. Con người không thể chỉ sống hướng tới tương lai. Quá khứ đã làm nên đời họ, luôn luôn nhắc nhở họ. Cánh cửa thời gian vật lý đã đóng kín, nhưng cánh cửa tâm lý của con tim chẳng chịu im lìm. Nó không ồn ào nhưng vẫn thăm thẳm sâu. Khi quay về quá khứ, họ sẽ không sáng tạo được kỷ niệm nữa, mà chỉ nhìn ngắm kỷ niệm và để kỷ niệm tham dự vào đời mình mà thôi. Con người bất lực trước quá khứ. Nhưng quá khứ không hẳn là bất lực trước con người. Chẳng thể lẩn tránh được kỷ niệm thì chỉ còn lối đi đẹp nhất là hãy xây dựng những kỷ niệm đẹp.
Một cánh thư viết thăm mẹ. Một món quà tặng nhau. Một dòng chữ cám ơn thầy, cô dạy cũ. Ðơn sơ nhưng đều là những kỷ niệm hồng có giá trị hạnh phúc dọc theo thời gian của một cõi lòng. Có những kỷ niệm êm đềm cho nhau bóng mát thì cũng có nhiều kỷ niệm đã giết chết bao tâm hồn. Ðưa dằn vặt câm nín đến đời nhau. Hối tiếc phũ phàng. Dọc theo thời gian còn lại của họ là nỗi đắng. Kỷ niệm là những hạt mầm đã gieo xuống hôm nay sẽ trổ sinh ngày mai. Có thể là quả ngọt, có khi là trái đắng.
Khó mà xóa nhòa được kỷ niệm. Nó có thể hằn sâu đời đời. Bởi đó, gieo kỷ niệm đau buồn cho nhau là có thể hành hạ nhau cả một tương lai. Tặng nhau những kỷ niệm đẹp là sắm sẵn cho nhau bóng mát hạnh phúc trong những ngày sắp tới. Vì kỷ niệm có quyền năng như vậy, nên khi trao tặng nhau kỷ niệm, những kỷ niệm đó phải là những kỷ niệm hồng.
*
* *
Thánh Kinh có nói đến kỷ niệm. Con người mong muốn những kỷ niệm đẹp. Nhưng Chúa lại là người yêu thích kỷ niệm hơn ai hết. Trước khi chia ly, bữa cơm chiều hôm ấy Chúa đã trao kỷ niệm cho các môn đệ của Ngài. "Này là mình Ta, các con hãy lãnh nhận ... để nhớ đến Ta" (Lc 22,19). Cho kỷ niệm để nhớ nhau. Kỷ niệm là một nhắc nhở để tình thân ấy đẹp mãi, đẹp thêm. Chúa cũng yêu quý kỷ niệm thì con người cũng cần kỷ niệm để giữ ấm đời nhau.
Chúa đã chuẩn bị bao nhiêu năm trời để trao tặng kỷ vật cho con người. Chúa đã coi tặng vật như một giá trị vô cùng thiêng liêng nên đã dành vào giờ quan trọng nhất là giờ trước khi Chúa chết. Chúa cũng đã chọn một tặng vật cao quý nhất để tặng con người, đó là bữa Tiệc Ly, Chúa lập phép Thánh Thể.
Sự việc Chúa lập phép Thánh Thể được coi như một trong những cao điểm quan trọng của Phúc Âm. So sánh bốn Phúc Âm, ta thấy một sự khác biệt rất lớn. Cả ba Phúc Âm Máccô, Mátthêu, Luca đều nói tới bữa Tiệc Ly, nhưng lại không đề cập đến việc Chúa rửa chân. Còn Phúc Âm Yoan, trái lại, chỉ nói đến việc Chúa rửa chân cho môn đệ, nhưng lại không đề cập tới biến cố Chúa lập phép Thánh Thể.
Yoan muốn làm nổi bật một tư tưởng khác. Không đề cập đến bữa Tiệc Ly, nhưng người môn đệ này mở đầu cuộc loan báo Thương Khó bằng kỷ niệm Chúa rửa chân cho các môn đệ. Yoan dùng biến cố rửa chân để chuẩn bị cho giây phút trao tặng kỷ vật xẩy ra kế tiếp. Ngay khi rửa chân xong, Chúa long trọng tuyên bố gởi gắm lại di sản cuối cùng trước khi chết: "Cha chỉ ở lại với các con một ít nữa... nơi Cha đi các con chẳng thể đến được, thì này Cha nói với các con, Cha trao cho các con một kỷ vật mới là: các con hãy thương mến nhau" (Yn 13,33). Ðối với Yoan, kỷ vật là tình yêu.
Yoan đã bỏ qua, không nói đến bữa Tiệc Ly để hết sức thâm thúy diễn tả ý nghĩa liên hệ giữa tình yêu và kỷ vật. Không có tình yêu, bữa Tiệc Ly không còn ý nghĩa. Bữa Tiệc Ly chỉ là kết quả của tình yêu. Không có tình yêu kỷ vật trở nên tội nợ. (Cor 11,26-29).
Trong ý nghĩa đó, tình yêu phải luôn luôn đi với kỷ vật. Chính vì có tình yêu nên kỷ vật trở thành kỷ niệm của quá khứ vẫn còn sức sáng tạo cho hạnh phúc hiện tại và nối tiếp đi vào tương lai. Cũng trong ý nghĩa đó, không có tình yêu, kỷ vật chỉ là nợ nần, kỷ niệm sẽ là gánh nặng, là ngột ngạt khó thở. Người nhận kỷ niệm mà không có tình yêu là vô ơn. Kẻ tặng kỷ vật mà không có lòng mến thì kỷ niệm là thừa, hoặc đánh lừa.
*
* *
Vì thực tế lắm lúc nghèo nàn nên con người muốn tìm về kỷ niệm, mong gặp được bóng hình hạnh phúc để xóa bớt đi nỗi khô cằn hiện tại. Nhưng đã có biết bao tâm hồn thở dài vì một quá khứ chỉ toàn kỷ niệm u uẩn. Có biết bao cõi lòng phải chạy trốn kỷ niệm, mỗi lần nhớ về kỷ niệm là vết thương càng sâu và bước chân vào tương lai càng ngần ngại. Sống trong hiện tại, con người không thể trở về quá khứ để thay đổi những gì đã xảy ra. Ðó là sự yếu đuối của con người trước quá khứ. Trái lại những gì đã xẩy ra ở quá khứ vẫn tiếp tục cắn rứt hay an ủi con người trong hiện tại. Ðó là sự yếu đuối của con người trước quá khứ. Trái lại những gì đã xẩy ra ở quá khứ vẫn tiếp tục cắn rứt hay an ủi con người trong hiện tại. Ðó là sức mạnh của quá khứ. Tuy nhiên, đây chỉ là định luật tương đối để con người ý thức thái độ sống của mình hầu cẩn trọng gieo trồng kỷ niệm đẹp, tránh những kỷ niệm đau thương. Trong cuộc sống, nhiều trường hợp đã xẩy ra, tôi không gieo kỷ niệm gai góc nhưng nó vẫn xẩy tới do sai lầm của tha nhân, hay sự khờ dại của chính tôi.
Như vậy, tôi bất lực trước tàn phá của kỷ niệm u buồn?
*
* *
Trong thực tế, có phần đúng, nhiều người đã bất lực trước kỷ niệm đau đớn. Vì không trốn nổi, kỷ niệm đã giết chết họ bằng con đường tự tử. Yuđa hôn Chúa. Nụ hôn phản bội đã là kỷ niệm bất hạnh dẫn đến cõi chết. Con người không thay đổi được sự kiện của quá khứ. Một mùa thu qua rồi là một mùa thu không thể thêm một cánh lá rơi. Kỷ niệm là kỷ niệm. Trọn vẹn. Dứt khoát. Kỷ niệm trong quá khứ ảnh hưởng đến hiện tại của tôi. Nhưng, tự nó, kỷ niệm không hiện hữu độc lập mà phải có con người dựng nên nó. Thì cũng vậy, nó không thể ảnh hưởng đến tôi như một sức mạnh toàn năng, mà vẫn chịu sự chi phối của suy tư và tự do của tôi đối với nó. Ðời sống tội lỗi của Augustino trong những ngày ăn chơi ở kinh thành Paris không phải là những kỷ niệm đẹp. Nhưng Augustino đã thành thánh nhân. Trong thực tế, nhiều người không chịu đựng nổi sự tàn phá của kỷ niệm buồn. Nhưng, cũng trong thực tế, nhiều tâm hồn đã vượt thắng.
Làm sao để xóa nhòa những kỷ niệm buồn?
*
* *
Sự khác nhau giữa một tâm hồn đã vượt thắng được những kỷ niệm thương tích về kẻ để cho thương tích dằn vặt là một cõi lòng đi tìm những kỷ niệm đẹp hơn, là một cõi lòng mở rộng cho một kỷ niệm mới. Tôi không thể tránh được những kỷ niệm đau buồn. Nhưng mầu nhiệm trong cuộc đời là tôi có khả năng để mơ những kỷ niệm đẹp hơn và khả năng sáng tạo những kỷ niệm mới. Khi đạt được những kỷ niệm đẹp hơn rồi thì những kỷ niệm buồn trong quá khứ, không hẳn là mất, nhưng phai mờ. Khi chưa đạt được thì tôi cũng đã trên đường đi tìm kỷ niệm đẹp, điều đó cũng có nghĩa tôi đang trên đường từ giã những quá khứ u uẩn. Trên con đường từ giã những kỷ niệm u uẩn cũng hàm ý là tôi không hoàn toàn bị nô lệ quá khứ.
Kỷ niệm đẹp không phải là thành công vật chất mà là sự tươi mát của tâm hồn. Nói về hy vọng và đi sáng tạo những kỷ niệm đẹp hơn, thì con người, một là đạt được, hai là chưa đạt được, chứ không bao giờ có nghĩa là không bao giờ đạt được.
Tại sao?
*
* *
Vì thời gian là tình yêu của Chúa cư ngụ. Chúa không bao giờ rải gai trong tương lai cho tôi vấp ngã. Một tâm hồn mở rộng cõi lòng để tìm kỷ niệm mới, họ sẽ gặp: "Ai tìm thì sẽ thấy. Ai gõ, cửa sẽ mở cho" (Lc 11,9-10). Thời gian là Nước Chúa. Trong Nước ấy: "Kẻ mù nhìn thấy, kẻ què đi được, người phong hủi được chữa lành, kẻ điếc nghe thấy, người chết sống lại và người nghèo khổ được nghe rao giảng Tin Mừng" (Lc 7,22-23). Vì thế, trong Nước Chúa, tôi còn cả một vũ trụ mênh mông để sáng tạo những giấc mơ đẹp, xóa đi những kỷ niệm buồn. Biết tôi một khi đau khổ vì kỷ niệm đen tối rồi sẽ sợ hãi và nghi ngờ tương lai, nên Chúa đã bảo đảm: "Cha ở với các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20).
Lời hứa trên đây phải hiểu trong toàn mạch văn của thánh Mátthêu. Trong chương mở đầu Phúc Âm, thánh sử giới thiệu bản tính của Thiên Chúa là làm người để ở với nhân loại: "Một người nữ sẽ sinh con và người ta đặt tên là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở với chúng tôi" (Mt 1,23). Rồi những dòng chữ sau cùng, thánh sử đã kết thúc Phúc Âm cũng bằng tư tưởng đó: "Cha ở với các con mọi ngày cho đến tận thế". Tư tưởng mở đầu và kết thúc của một quyển sách nói lên tính cách quan trọng độc nhất mà toàn bộ cuốn sách nhắm tới. Thánh sử muốn làm nổi bật chân lý Chúa đi song hành với con người.
Bởi đó, tương lai là sự chờ đợi của Chúa. Nơi Ngài là một vũ trụ mênh mông để tôi mở lòng cho những kỷ niệm tươi đẹp hơn.
*
* *
Chúa đã đề cao giá trị của tặng vật và kỷ niệm. Chúa đã cho con tặng vật đẹp nhất là chính Chúa. Xin giúp con cố gắng đem kỷ niệm đẹp đến cho người. Một hy sinh trao tặng nhau hôm nay là một kỷ niệm có thể nẩy sinh nhiều an ủi cần thiết cho một lúc trống trải nào đó của một tâm hồn.
Và, xin Chúa cũng hãy nhắc nhở con luôn luôn khôn ngoan gieo xuống đời mình những kỷ niệm đẹp hôm nay để ngày mai con khỏi dằn vặt hối tiếc.