Nụ Cười Trong Cung Lòng Thiên Chúa
(100 Câu Chuyện Vui Gợi Ý Suy Tư Và Cầu Nguyện
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia - Radio Wahrheit)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 99 -
Pho Tượng Của Người Lạ Mặt
Một thành phố nọ đã dựng lên một pho tượng để ghi công một nhân vật lỗi lạc trong nước.
Ngày kia, có một người lạ mặt xuất hiện trước cổng thành. Ông gọi những đứa trẻ đang chơi đùa gần đó lại và xin chúng chỉ đường đi đến nơi có pho tượng.
Theo sự chỉ dẫn của các em bé, người lạ mặt đi vào thành phố. Ði được một đỗi, ông ta dừng lại ở một công viên và hỏi một cụ già đang ngồi sưởi ấm dưới ánh mặt trời. Ông cụ liền hãnh diện nói:
- Chính tôi đã đề nghị dựng lên pho tượng ấy. Nói thế rồi, ông cụ chỉ đường cho người lạ mặt đi tới chỗ đựng pho tượng. Ði được một đoạn, ông ta lại đến bên một người ăn mặc sang trọng để hỏi đường đi tiếp. Người này chỉ đường và khoe:
- Không ai hiểu rõ pho tượng cho bằng tôi. Vì chính tôi là người thầu đã điều động công trình xây dựng pho tượng ấy.
Người lạ mặt tiếp tục đi, và cuối cùng đã tìm thấy pho tượng. Ông đứng lặng yên trước pho tượng một hồi lâu, rồi lại đi tiếp.
Khi ông vừa ra đến cổng thành thì một em bé nhìn chăm chăm vào mặt ông và nói với các bạn của em:
- Ông này chính là người đã được tạc tượng dựng trong thành phố chúng ta đấy.
Quả thực, ông chính là người mà dân thành đã hy sinh đóng góp công của để tạc tượng. Vậy mà khi ông đi qua giữa các ngã phố, ông gặp gỡ từng người, trò chuyện với từng người, thì lại chẳng ai nhận ra ông.
*
* *
Câu chuyện trên đây có thể phản ánh phần nào lối sống đạo mà đôi khi chúng ta có thể rơi vào.
Chúng ta không tiếc tiền của, không ngại bỏ công sức để xây dựng thánh đường, đúc tạc tượng ảnh. Nhờ thế, dân Chúa có nơi thờ phượng, có những dấu chỉ hữu hình về sự hiện diện của Chúa, mà nuôi dưỡng và tăng trưởng niềm tin.
Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ gặp gỡ Chúa được qua những pho tượng đá, chỉ thờ phượng Chúa được nơi nhà thờ, thì đức tin của chúng ta xem ra còn quá giới hạn và chật hẹp.
Một đức tin trưởng thành không thể bị đóng khung, không thể bị nhốt kín, mà cần phải được trải rộng ra, phải đi vào cuộc sống.
Chúng ta không thể nhốt Thiên Chúa của mình nơi thánh đường, hay đóng khung Ngài vào tượng ảnh. Ngoài thánh đường ra, Ngài còn hiện diện sống động nơi tâm hồn ta, giữa cuộc sống ta, nơi người anh chị em ta gặp gỡ, nơi mọi biến cố, mọi hoàn cảnh ta giáp mặt... Chính ở những nơi chốn đó mà ta cần phải quan tâm nhận ra Ngài để gặp được Ngài.
Bằng không, thì mỗi khi đến thánh đường, mỗi khi đứng trước tượng ảnh có lẽ ta cũng chỉ gặp được những bức tượng lạnh lẽo, những pho tượng đá vô hồn mà thôi.