Nụ Cười Trong Cung Lòng Thiên Chúa
(100 Câu Chuyện Vui Gợi Ý Suy Tư Và Cầu Nguyện
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia - Radio Wahrheit)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 55 -
Một Giấc Mơ
Vào cuối thế kỷ 19, một vị giám mục đến thăm một trường công giáo ở một thành phố miền đông Hoa Kỳ. Ngài được mời ngụ tại nhà của chính ông hiệu trưởng, một giáo sư lý hóa có đầu óc phóng khoáng.
Ông hiệu trưởng tổ chức một bữa tiệc để khoản đãi vị giám mục. Ông mời ban giáo sư đến để gặp gỡ giám mục và để học hỏi kinh nghiệm từ một con người nổi tiếng là khôn ngoan và đạo đức.
Sau bữa ăn, mọi người bàn đến viễn ảnh của năm 1900. Xem ra vị giám mục không tỏ ra lạc quan lắm về những gì sẽ xảy đến vào năm 1900. Ngài cho rằng tất cả mọi sự trong thiên nhiên đã được khám phá. Do đó, có lẽ con người không còn gì để phát minh nữa.
Một cách lịch sự, ông hiệu trưởng bác bỏ ý kiến của vị giám mục. Ông cho rằng nhân loại đang đứng trước ngưỡng cửa của những phát minh rạng rỡ nhất.
Vị giám mục cười hỏi:
- Thế thì, theo ông, đâu sẽ là phát minh lớn nhất của thế kỷ 20?
Ông hiệu trưởng trả lời không chút do dự:
- Trong năm mươi năm nữa nhân loại sẽ bay được.
Nghe vậy, vị giám mục bật cười bảo:
- Ông thật là mơ mộng. Nếu Thiên Chúa muốn cho con người bay thì tất Ngài đã cho con người đôi cánh. Bay lượn trên không trung là chuyện của chim chóc và các thiên thần mà thôi.
Ông hiệu trưởng đã nghĩ đến chuyện bay của con người trong câu chuyện trên đây chính là ông Rai-tơ. Ông có hai người con là Vin-bơ Rai-tơ va Oc-vin Rai-tơ. Sau này chính hai người con này đã sáng chế ra chiếc máy bay đầu tiên tại Hoa Kỳ vào những năm 1903-1904.
*
* *
Có một giấc mơ để đeo đuổi, đó là sức mạnh giúp con người có thể thành công và kiên trì trong cuộc sống.
Trong đời sống đức tin cũng thế, xem ra người tín hữu cũng đeo đuổi một giấc mơ.
Ngay từ khi còn nhỏ, thánh Don Boscô đã mơ được chăm sóc và hướng dẫn các trẻ em lang thang nơi đầu đường xó chợ.
Mục sư Luther King cũng đã từng mơ ước một ngày nào đó, con cái của những người nô lệ da đen sẽ được ngồi đồng bàn với con cái của những người chủ nhân da trắng. Cả cuộc đời ông là một cuộc tranh đấu không ngừng cho đến giọt máu cuối cùng để thực hiện giấc mơ ấy.
Riêng mẹ Têrêsa thành Calcutta cũng đã có lần mơ được lên tới cổng thiên đàng. Nhưng khi thấy thánh Phêrô không cho những người khốn khổ cùng được vào thiên đàng, thì mẹ đã trở lại trần gian để tranh đấu cho tới khi nào những người cùng khổ cũng được vào nơi vĩnh phúc.
Ðâu là giấc mơ của chúng ta?
Ðâu là động lực khiến chúng ta tiêu hao tất cả cuộc sống?
Ðâu là lẽ sống của đời chúng ta?