Nụ Cười Trong Cung Lòng Thiên Chúa
(100 Câu Chuyện Vui Gợi Ý Suy Tư Và Cầu Nguyện
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia - Radio Wahrheit)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 24 -
Ngồi Trên Ghế Ðức Vua
Ðại đế Alexandre của Hy-lạp vào thế kỷ thứ tư trước công nguyên nổi tiếng là một quân vương biết kính trên nhường dưới.
Trong một cuộc chiến vào mùa đông, tuyết phủ tứ bề, giữa cái lạnh như cắt ấy, ông sai binh sĩ nhóm lên một đống lửa trong lều của ông để sưởi ấm. Trong khi ngồi bên đống lửa ông bỗng thấy từ xa một người lính già đang run lập cập. Tức khắc đại đế ra khỏi lều, tiến lại phía người lính ấy, cầm tay ông và dẫn về lều rồi đặt ngồi trên chiếc ghế chỉ dành riêng cho bậc quân vương.
Vừa đặt người lính già ngồi trên chiếc ghế vương giả của mình, Alexandre đại đế vừa mỉm cười vừa nói với cận vệ:
- Ðối với các ngươi ngồi trên ghế của đức vua là một tội đáng chết. Nhưng đối với ta, ngồi trên ghế vua là được cứu sống.
*
* *
Cử chỉ trên đây của Alexandre đại đế cũng đã được một vị giám mục nổi tiếng của Châu Mỹ Latinh là đức cha Hen-đơ Ca-mê-ra lặp lại cách đây không lâu.
Tên tuổi của vị Giám mục này được gắn liền với những hoạt động tích cực để bênh vực những người nghèo khổ bị áp bức trong xã hội.
Ngày nọ đức cha Ca-mê-ra tiếp một số nông dân nghèo tại tòa giám mục. Nhiều người không có chỗ ngồi, phải đứng trong phòng khách. Trong khi đó thì chiếc ghế dành cho vị giám mục thì không ai dám động đến. Thấy có một người cao niên đứng gần chiếc ghế bỏ không ấy, đức cha Ca-mê-ra cầm tay người đó và dìu ông ngồi xuống trên chiếc ghế của mình.
Ðối với một con người sống chết cho người nghèo như đức cha Ca-mê-ra thì hẳn đây không phải là một cử chỉ khoe khoang, có tính toán. Nhưng đó là một chọn lựa cơ bản của một con người thực sự dấn thân phục vụ người nghèo và đồng hóa mình với những người nghèo.
Cử chỉ của đức cha Ca-mê-ra và của đại đế Alexandre được người đời ca tụng như thể hiện của một sự quan tâm cao độ đối với người nghèo.
Nhưng với Chúa Giêsu thì cử chỉ đó là một việc làm bình thường gắn liền với quyền bính đích thực. Chúa Giêsu không chỉ quan tâm và phục vụ người nghèo. Ngài không chỉ ngồi đồng bàn với người nghèo. Ngài còn tự đồng hóa mình với người nghèo.
Qua cung cách của Ngài, Chúa Giêsu đã đưa ra định nghĩa đúng đắn về quyền bính. Quyền bính đích thực đồng nghĩa với phục vụ và phục vụ cho đến chết.
Trong cung cách của Chúa Giêsu, nhất là ở bữa ăn cuối cùng khi Ngài quì xuống rửa chân cho các môn đệ, phục vụ gợi lên thân phận của người đầy tớ. Người đầy tớ của thời xa xưa chỉ có một hiện hữu duy nhất, đó là sống chết cho người khác.
Chúa Giêsu đã thể hiện trọn vẹn cuộc sống của một người đầy tớ. Và Ngài không ngừng nhắc nhở cho các môn đệ của Ngài: "Ai trong các con muốn làm lớn, hãy làm đầy tớ của mọi người".
Kitô hữu là người được xức dầu để nên một với Chúa Kitô. Do đó, phục vụ cũng phải là nghĩa vụ bắt buộc của họ. Ơn gọi làm Kitô hữu chỉ được thực hiện qua việc quên mình để phục vụ mà thôi.