Niềm Tin

(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý

Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 161 -

Cùng người bên cạnh nên Thánh

 

Cùng người bên cạnh nên Thánh.

Bích Liễu

(RVA News 16-08-2023) - Có một câu chuyện được kể lại như sau:

Xưa có một vị hòa thượng trụ trì thu nhận một đứa trẻ lang thang và dạy cậu bé viết chữ, đọc sách, tụng kinh. Tiểu hòa thượng rất thông minh và cũng ham học hỏi. Tuy nhiên, ngay khi vừa học được một đạo lý thì cậu bé liền chạy đi khắp nơi để khoe khoang và khi nghe được vài lời tán tụng thì vô cùng vui sướng. Vị hòa thượng phát hiện ra điều này, thế là ông phải nghĩ cách điểm hóa cho học trò của mình.

Một hôm, ông đưa cho tiểu hòa thượng một chậu hoa, bảo cậu buổi tối quan sát chậu hoa xem thế nào. Ngày hôm sau, tiểu hòa thượng nâng chậu hoa nói với vị trụ trì rằng:

- "Sư phụ, bồn hoa này thật tuyệt diệu! Ban đêm hoa nở, hương thơm bay khắp nơi, nhưng hễ đến khi trời sáng, từng đóa hoa lại thu mình lại."

Vị trụ trì nói:

- "Khi hoa nở, nó có khiến con thấy ồn ào không?"

Tiểu hòa thượng nói:

- "Không ạ, khi hoa nở và hoa khép đều rất lặng lẽ."

Vị trụ trì từ bi nhìn tiểu hòa thượng nói:

- "Ồ, vậy à! Ta tưởng rằng khi hoa nở nó sẽ ồn ào khoe khoang hương thơm của mình chứ!"

Tiểu hòa thượng chột dạ một lúc rồi hổ thẹn nhìn sư phụ, mặt đỏ ửng lên, cung kính nói:

- "Ðệ tử minh bạch rồi ạ".

Kính thưa quý vị và các bạn rất thân mến,

Trong cuộc sống, khi gặp sai lỗi của người khác, nếu chúng ta không để ý tới hoàn cảnh của đối phương thì sẽ dễ làm cho họ cảm thấy mất mặt khi được góp ý. Vì thế, đôi khi chúng ta phải "đi đường vòng" và "nói gần nói xa" để người khác dễ lắng nghe và nhận ra lỗi của họ, giống như cách mà vị hòa thượng trong câu chuyện chúng ta vừa nghe đã giáo dục cậu học trò của mình: ông đã khôn ngoan dùng ngữ khí uyển chuyển khi mượn hình ảnh chậu hoa để nói về tính khoe khoang của tiểu hòa thượng, giúp cậu bé tự nhận ra khiếm khuyết của mình. Vì thế, câu chuyện trên cho chúng ta một bài học thật sâu sắc về sự tế nhị trong cách góp ý và sửa lỗi cho người khác.

Nhân gian có câu: "nhân vô thập toàn", nghĩa là con người không có ai hoàn hảo! Cả bạn và tôi đều có kinh nghiệm về lầm lỗi hay thiếu sót trong cuộc sống, nhưng chúng ta vẫn luôn được mời gọi vượt lên trên những khiếm khuyết của mình để bản thân được trở nên hoàn thiện. Thế nên, chúng ta luôn luôn phải sửa đổi chính mình. Trong việc sửa đổi này, chúng ta cần người khác góp ý để nhận ra sai lỗi; đồng thời, nếu nhìn thấy những khiếm khuyết của người khác, chính chúng ta cũng được mời gọi góp ý và giúp họ sửa chữa để cùng nhau thăng tiến trong cuộc sống.

Thật vậy, là người Kitô hữu, chúng ta được ban cho ơn gọi làm người, làm con Chúa và được đặt vào xã hội nên chúng ta không sống một mình mà sống tình huynh đệ với người khác. Tâm tình Kitô giáo luôn mời gọi chúng ta sống bác ái - yêu thương qua sự ước muốn điều tốt lành cho người bên cạnh và cùng nhau thăng tiến. Ðây cũng chính là con đường hiệp hành mà chúng ta đang hướng đến.

Hôm nay, sứ điệp Lời Chúa đã chỉ cho chúng ta cách cụ thể để cùng với người bên cạnh nên thánh qua việc sửa lỗi cho nhau. Nói đến việc sửa lỗi cho người khác, có lẽ xưa nay chúng ta vẫn quan niệm rằng đây là trách nhiệm của người cấp trên đối với cấp dưới, người lớn tuổi đối với người nhỏ tuổi hơn. Chẳng hạn như thầy sửa lỗi cho trò, cha mẹ sửa lỗi cho con cái#; còn đối với những người ngang hàng nhau, thân thiết lắm người ta mới dám chỉ ra sai lỗi của nhau. Thế nhưng, với tinh thần của người môn đệ Chúa Ki-tô thì việc góp ý sửa lỗi cho người khác được coi là bổn phận chung của tất cả mọi người, nghĩa là ai trong chúng ta cũng mang trong mình trách nhiệm sửa lỗi cho người khác khi nhìn thấy lỗi lầm của họ, bất kể họ là ai.

Sửa lỗi cho người khác trong khi tôi cũng chỉ là một con người bất toàn thật không đơn giản! Cho nên, thái độ và cách cư xử của mỗi người chúng ta rất quan trọng, vì một mặt, chúng ta giúp người khác nhận ra lỗi lầm của họ; nhưng mặt khác, chúng ta vẫn phải giữ được đức ái đối với họ. Ðể làm được điều này, chúng ta phải đi vào cái nhìn yêu thương của Chúa trong cách nhìn nhận cũng như đánh giá người xung quanh. Tiến trình của bài học sửa lỗi huynh đệ mà Chúa Giê-su dạy là một tiến trình có thể sẽ phải lặp đi lặp lại nhiều lần, nên nó đòi chúng ta phải mang theo tâm tình bao dung và kiên nhẫn của tình yêu khi áp dụng vào thực tế của cuộc sống: Nếu là người có lỗi, chúng ta cần khiêm tốn đón nhận những góp ý của người khác và chân thành sửa chữa với sự trợ giúp của ân sủng Chúa để hoàn thiện bản thân. Còn nếu ở trong tư cách là người có bổn phận sửa lỗi cho anh chị em mình, chúng ta cần tôn trọng và giữ thể diện cho họ dựa trên tinh thần bác ái và nâng đỡ nhau. Ước gì mỗi người chúng ta, qua việc nhìn nhận lỗi lầm của chính mình và sửa lỗi cho người khác, luôn biết sống tình liên đới và hiệp thông với nhau trên con đường hướng đến sự thánh thiện.

Lạy Chúa, xin ban cho con trái tim của Chúa, để trong sức mạnh của tình yêu, con biết mở lòng đón nhận những lời chỉ dạy của người khác và biết cách đi vào những yếu đuối của người bên cạnh trong sự cởi mở và chia sẻ chân thành, ngõ hầu chính con và người bên cạnh con cũng được thăng tiến trên con đường thánh thiện. Amen.

Bích Liễu

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page