Niềm Tin

(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý

Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 105 -

Niềm vui của sự cho đi

 

Niềm vui của sự cho đi

Bích Liễu

(RVA News 13-06-2023) - Một thầy giáo tổ chức cho học sinh đi dã ngoại ở nông thôn để tìm hiểu về thiên nhiên. Những đứa trẻ thành phố rất phấn khởi khi được nhìn tận mắt cảnh đồng quê yên bình. Khi thầy trò chuẩn bị ra về thì bất chợt một học sinh nhìn thấy đôi giày cũ gần bờ ruộng, có lẽ là của một bác nông dân nghèo nào đó đang còn làm việc. Cậu liền reo lên:

- "Này các bạn, hay là mình giấu đôi giày này rồi trốn đi, thử xem bác nông dân kia hoảng hốt thế nào. Chắc là sẽ có chuyện vui để cười đấy, các cậu đồng ý không?"

Không kịp để mấy đứa trẻ khác gật đầu đồng ý, thầy giáo đã bước tới phê bình:

- "Thầy không nghĩ đó là chuyện vui đâu, ngược lại thì rất tệ đấy. Hôm nay chúng ta đã có một buổi dã ngoại thành công ở đây, các em hãy biến nó thành một kỷ niệm đáng nhớ nhé. Tại sao chúng ta không để vài đồng tiền xu vào hai chiếc giày rồi trốn đi xem bác nông dân phản ứng thế nào nhỉ?"

Bọn trẻ nhìn nhau, rồi mỗi đứa bỏ một đồng xu vào từng chiếc giày cũ và nhanh chân tìm chỗ trốn với sự chờ mong. Người nông dân mệt mỏi bước từ ruộng lên, từ từ xỏ chân vào một chiếc giày. Ông rất ngạc nhiên khi thấy những đồng tiền xu. Ông lấy ra và đưa mắt nhìn xung quanh xem có ai đánh rơi không. Sau mấy lượt tìm kiếm mà chẳng thấy ai, ông cẩn thận cất vào túi. Rồi ông xỏ chân vào chiếc giày còn lại, và cũng thấy những đồng tiền xu trong đó. Ngay lập tức, ông cảm động chắp tay trước ngực, ngước mặt lên trời và nói:

- "Tạ ơn Chúa! Cho con gửi lời cám ơn tới người ẩn danh đã giúp đỡ con hôm nay, vì nhờ có sự hào phóng của người này mà lũ trẻ nhà con không phải nhịn đói nữa. Con sẽ cầm số tiền này để mua thuốc chữa bệnh cho vợ và mua bánh mì cho lũ trẻ".

Sau đó, ông trở về nhà mà nước mắt vẫn chực trào trên khuôn mặt khắc khổ.

Mấy cậu học sinh nghịch ngợm, sau khi chứng kiến câu chuyện của người nông dân đáng thương đều xúc động không nói nên lời. Thầy giáo nhẹ nhàng hỏi:

- "Bây giờ thì các em cảm thấy thế nào?".

Cậu học sinh bày ra trò đùa đã xúc động nói:

- "Em xin lỗi thầy vì đã không suy nghĩ kĩ. Bài học này em sẽ nhớ mãi không quên. Giờ em đã hiểu niềm hạnh phúc của việc cho đi lớn hơn rất nhiều so với nhận lại. Niềm vui của việc cho đi là không có giới hạn. Em cảm ơn thầy rất nhiều!"

Kính thưa quý vị và các bạn rất thân mến,

Hai từ "cho đi" nghe có vẻ bình dị nhưng lại chứa đựng một triết lý sống thật cao đẹp. Thật vậy, sống cho đi là một lối sống đẹp vì người cho đi thường không tính toán thiệt hơn mà luôn sống vì lợi ích của cộng đồng: Gặp hoàn cảnh khó khăn thì "chia cơm sẻ áo"; rơi vào cơn hoạn nạn thì "đồng cam cộng khổ" và biết suy nghĩ cho hoàn cảnh của người khác... Sự cho đi của thầy trò trong câu chuyện ở trên, dù là nhỏ bé, nhưng nó đã làm cho người nhận cảm thấy mình được sự quan tâm và yêu thương thật sự. Giữa cuộc sống vội vàng và bộn bề những lo âu vất vả của xã hội hôm nay, chúng ta đang rất cần những chia sẻ yêu thương như thế.

Trong đoạn kết của bài thơ "Một khúc ca xuân", nhà thơ Tố Hữu đã viết lên những câu thơ thật hồn nhiên và đầy ý nghĩa:

"Nếu là con chim, là chiếc lá

Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh

Lẽ nào vay mà không có trả

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình"

"Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình"! Bạn và tôi cảm nhận như thế nào về câu thơ mang đậm triết lý sống này?

Thực ra, cho đi cũng là nhận lại, nhận lại niềm vui và những bài học từ cuộc sống về sự đồng cảm cũng như cách trân trọng người khác. Cho đi đâu nhất thiết phải là vật chất; đôi khi chỉ là một lời an ủi hay một nụ cười động viên, nhưng sự cho đi ấy cũng đủ để làm ấm áp lòng người. Tuy nhiên, thực trạng của xã hội cho thấy tâm hồn của nhiều người vẫn đang bị bao vây bởi bóng tối của vật chất và hưởng thụ ích kỷ. Tình trạng bạo hành, tham nhũng, bất công... vẫn đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Trong những câu chuyện gặp nhau, chúng ta hay phàn nàn về sự xuống cấp và suy đồi đạo lý, nhưng ít thấy ai trong chúng ta nhìn nhận trách nhiệm về mình trước thực trạng đó và mở lòng "cho đi" sự hy sinh của mình để xây dựng một cộng đồng xã hội tốt đẹp hơn.

Là Ki-tô hữu, chúng ta được mời gọi trở nên muối và ánh sáng cho cuộc đời, mà thuộc tính của muối và ánh sáng, xét cho cùng, chính là "cho đi". Quả vậy, khi muối dùng để ướp thực phẩm thì muối phải chịu tan biến đi và ngọn nến nếu muốn lan tỏa ánh sáng cách rộng rãi thì cũng phải chấp nhận tiêu hao đi chính bản thân mình. Ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta đã được trở thành con cái của ánh sáng và được mời gọi chiếu soi ánh sáng cho trần gian để xua tan những bóng đêm của tội lỗi. Ước gì sự hiện diện của mỗi chúng ta giữa cuộc đời này đều là sự góp phần nhỏ bé để thắp lên ngọn lửa của tình yêu, ngõ hầu Ánh Sáng Chúa Ki-tô có thể đến với mọi người và lan tỏa khắp mọi tâm hồn.

Lạy Chúa, cuộc sống của chúng con chỉ thực sự ý nghĩa khi chúng con biết lấy yêu thương làm nền tảng và biết quảng đại sống cho đi. Xin Chúa biến chúng con trở nên muối, nên men và ánh sáng cho người khác, để sự hiện diện và những công việc tốt đẹp chúng con làm đều giúp cho nhiều người nhận biết Chúa và sống yêu thương nhau hơn. Amen.

Bích Liễu

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page