Niềm Tin

(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý

Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 091 -

Thánh vịnh 49 (48)

Của Ðời Phù Vân

 

Thánh vịnh 49 (48) - Của Ðời Phù Vân

Nt. Maria Thérèse Bùi Thị Minh Thùy, O.P.

(RVA News 30-05-2023) - Ðã bao giờ bạn trầm trồ khen ngợi một bông hoa nở rực vào buổi sớm tinh sương, vì vẻ đẹp tươi tắn của nó như thể không có tạo vật nào trên đời này sánh bằng, nhưng rồi lại vô cùng tiếc nuối, khi chiều về nụ hoa đã ủ rũ héo tàn... Vạn vật đổi thay, thay đổi... tiến trình ấy vẫn không ngừng lại. Kiếp người chúng ta cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vậy thì cuộc đời này còn có ý nghĩa gì, sinh ra trên đời để làm gì rồi phải trở về hư không? Triết lí nào có thể giúp chúng ta hiểu được điều đó? "Tai lắng nghe nhịp câu ngạn ngữ, mượn phím đàn giải nghĩa nhiệm mầu." Một ít phút lắng đọng tâm hồn, chúng ta mượn lời thánh vịnh 49 (48), để cùng nhau suy ngẫm về "của đời phù vân."

Mở đầu thánh vịnh 49 (48) là một lời mời gọi trịnh trọng cho tất cả mọi thành phần, ắt hẳn đó cũng là lời cho từng người trong chúng ta:

Hãy nghe đây, ngàn muôn dân hỡi,

lắng tai nào, hết thảy thế nhân,

cả thường dân lẫn người quyền quý,

hạng phú gia với kẻ cơ bần.

Tiếp đến, tác giả thánh vịnh đã phác họa cho chúng ta thấy hình ảnh chung cuộc của kiếp người, điều mà dường như ai trong chúng ta cũng biết nhưng mấy ai dám đối diện và khiêm tốn đón nhận:

Nào phàm nhân sống mãi được sao

mà chẳng phải đến ngày tận số?

Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết,

kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong,

bỏ lại tài sản mình cho người khác.

Việc tìm kiếm của cải vật chất để nuôi sống bản thân, phát triển xã hội vì đó là nhiệm vụ mà Thiên Chúa đã giao phó cho con người ngay từ lúc khởi đầu công trình sáng tạo (x. St 1,28-30). Nhưng đối với những người xem của cải vật chất, danh vọng ở trần gian là cùng đích cuộc đời mình thì thật đáng cười chê. Hơn nữa:

Dù sống trong danh vọng,

con người cũng không thể trường tồn;

thật nó chẳng khác chi

con vật một ngày kia phải chết.

Quả thật, nếu chỉ dừng lại ở sự chết thì con người cũng chỉ ngang hàng với "con vật." Vậy thì đâu là giá trị thật sự của con người? Tác giả đang làm một điều cao quý, hơn là vẽ một bức tranh u ám, điểm chính yếu mà thánh vịnh muốn nói đến là "giá cứu chuộc." Những sự trên đời này phù vân là thế, nhưng vẫn còn một thứ trường tồn mãi mãi, giúp cho con người chúng ta có một niềm hy vọng để vươn lên, một ánh sáng phía sau sự tăm tối và đau thương của cái chết - đó là ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Nhưng Chúa Trời sẽ chuộc mạng tôi,

gỡ tôi ra khỏi quyền lực âm phủ.

Thật vậy, Kitô giáo không xem cái chết là dấu chấm hết cho cuộc đời con người. Chết là để mở ra một cuộc sống mới, cuộc sống vĩnh hằng, nơi đó chúng ta sẽ được sống mãi bên Ðấng đã tạo nên chúng ta, yêu thương chúng ta và sẽ cho chúng ta cảm nếm mọi thứ hạnh phúc mà chúng ta không thể tìm kiếm được ở trần gian. Chỉ khi nào chúng ta tin và xác tín vào điều đó thì chúng ta không mải mê đi tìm kiếm những sự thế gian, nhưng chú tâm để tìm kiếm những gì thuộc về Thiên Chúa.

Mỗi ngày chúng ta luôn phải đối diện với những mất mát, chia lìa, đôi khi chúng ta cảm thấy cuộc sống vô nghĩa. Nhưng sự Phục Sinh của Chúa Giêsu có thể làm cho những thứ vô nghĩa trở nên có ý nghĩa hơn. Làm sao có Phục Sinh nếu không trải qua Thập Giá. Làm sao chúng ta cảm nhận được cuộc sống có ý nghĩa khi không kết hợp những đau khổ, trái ý trong đời với Thập Giá của Chúa Giêsu. Mặc dù sự chết là định mệnh của con người, nhưng quyền năng và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu còn mạnh mẽ hơn.

Hiểu được giá trị của con người khi được cứu chuộc, chúng ta sẽ không tiếc nuối khi nhìn ngắm một nụ hoa tàn, không buồn bã thất vọng khi mất đi của cải đời này, cũng không ganh tỵ hơn thua:

Khi có kẻ phát tài, hoặc cửa nhà tăng thêm vẻ phong lưu.

Vì khi chết, nó đâu mang được cả,

kiếp vinh hoa chẳng theo xuống mộ phần.

Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng nên chúng con, lại ban cho chúng con cai quản và hưởng dùng mọi công trình của Chúa. Nhưng chúng con đã để cho thụ tạo chiếm hữu tâm hồn, thống trị cuộc đời chúng con. Chúng con mải miết chạy theo danh vọng, tiền tài, của cải vật chất... tìm kiếm những sự đời chóng qua hư mất mà quên đi bổn phận phụng thờ Chúa. Chúng con lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ, nhưng ba tấc đất mới thật là nhà. Ôi lạy Chúa! Xin đánh thức tâm hồn u mê của chúng con, để chúng con nhận biết rằng chỉ có Chúa mới là sự trường tồn mãi mãi, và việc tìm kiếm yêu mến Chúa mới là cùng đích cuộc đời chúng con. Amen.

Nt. Maria Thérèse Bùi Thị Minh Thùy, O.P.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page