Niềm Tin
(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý
Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 083 -
Giá Trị Của Lao Ðộng
Giá Trị Của Lao Ðộng
Nt. Rosa Lê Ngọc Thùy Trang, MTGCQ.
(RVA News 20-05-2023) - Chuyện kể về hai người bạn vừa mua được hai mảnh ruộng lớn cạnh bên nhau. Người thứ nhất lập tức bắt tay vào việc canh tác mảnh ruộng của mình. Mùa nắng, điều kiện nước tưới khan hiếm, anh chú trọng trồng bí đỏ, bắp, cà chua. Mùa mưa tới, anh chuyển sang trồng cải xanh, rau muống, rau ngót, bí đao. Quanh năm suốt tháng, người thứ nhất đều có hoa màu để thu hoạch, bán kiếm tiền. Cuộc sống của gia đình anh ngày một sung túc và trở nên một địa chủ giàu có trong làng.
Trái lại, người thứ hai chẳng canh tác gì trên mảnh ruộng của mình. Lâu dần, cỏ hoang mọc cao lên và rậm rạp, không có hoa màu gì, cuộc sống của người này chẳng thấy khấm khá hơn.
Một lần nọ, nhân dịp thôi nôi đứa con trai vừa mới chào đời, người bạn đã trở nên giàu có mời khách trong làng đến chung vui, dĩ nhiên cũng không quên gia đình người bạn ở ngay cạnh bên mình. Trong tiệc vui, người bạn giàu có và vài người trong làng thân tình hỏi han người chủ miếng đất hoang:
- Sao anh không trồng trọt rau củ hay cây ăn trái gì đó, để miếng đất hoang đầy cỏ như vậy?
Người chủ miếng đất hoang trả lời:
- Tôi thấy thời tiết thất thường quá! Trồng rau thì trời nắng hạn không đủ nước tưới. Phải đào giếng hay xây hồ trữ nước, chưa kể phải bón phân, diệt sâu... vất vả quá! Trồng cây ăn trái thì biết bao giờ mới có trái mà ăn, mà hễ có trái thì lại phải bỏ công canh chừng kẻ xấu vào hái trộm. Thôi tôi cứ để mảnh ruộng đó ai mua lại thì bán, đi làm thuê cho người khác kiếm cơm qua ngày là được rồi.
Mọi người nghe xong thì thở dài ngao ngán. Sống như vậy, thảo nào cuộc sống của anh chàng này không thể nào khá lên được.
Quý ông bà và anh chị em thân mến,
Lao động là điều kiện để con người tạo ra của cải vật chất để nuôi sống bản thân, chăm lo cho người khác và góp phần xây dựng cuộc sống xã hội. Ông bà xưa vẫn thường khuyên nhủ con cháu mình rằng: "Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần đến cho". Thật vậy, có chịu thương chịu khó lao động, người nông dân thứ nhất trong câu chuyện bên trên mới có thể tạo dựng được một cuộc sống sung túc, no ấm. Trái lại, do lười lao động, người nông dân thứ hai phải sống thiếu thốn và vẫn trắng tay ngay trên mảnh ruộng mà mình đang sở hữu. .
Có thể nói: lao động là một sứ vụ cao cả mà Thiên Chúa trao gửi cho con người và mời gọi con người cùng cộng tác với Người trong công cuộc không ngừng sáng tạo ra những điều tốt đẹp và mới mẻ khác trong cuộc sống. Khi lao động, chắc chắn người ta phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Nhưng khi còn có thể lao động, con người mới thật sự hiện hữu trong tương quan với tha nhân và nhận thấy sự hiện hữu của mình có giá trị và hữu dụng cho cuộc đời. Trong cuộc sống hôm nay, do ảnh hưởng của chủ nghĩa hưởng thụ, rất nhiều người lười lao động, chỉ muốn "ngồi nhà mát, ăn bát vàng" hoặc "làm việc nhẹ hưởng lương cao". Quan niệm và lối sống đó khiến nhiều người không ngần ngại làm đủ mọi cách thức bất kể những công việc mình làm có đi ngược lại với đạo đức con người hay không chỉ để kiếm được nhiều tiền, sống an nhàn và hưởng thụ.
Ý thức mình là thụ tạo được mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa, người Kitô hữu chúng ta được mời gọi có cái nhìn tích cực về ý nghĩa của việc lao động và siêng năng lao động. Kinh thánh trình bày cho chúng ta một Thiên Chúa yêu thích lao động và không ngừng lao động. Trong Cựu ước, ở những trang đầu của Sách Sáng thế, Thiên Chúa đã chăm chỉ tạo dựng muôn loài muôn vật trong trời đất và dựng nên cả con người liên tục trong suốt sáu ngày. Suốt dòng lịch sử của nhân loại, Thiên Chúa vẫn không ngưng nghỉ mà vẫn tiếp tục sáng tạo ra những kế hoạch để dẫn dắt Dân mình trong hành trình tiến tới ơn cứu độ. Và đến thời Tân ước, suốt ba mươi ba năm tại thế, Chúa Giêsu cũng miệt mài băng rừng, vượt núi để rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa, chữa lành những người đau yếu, tội lỗi. Người cũng đã tuyên bố rằng: "Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc" (Ga 5,17) và khuyến khích những người chịu khó lao động: "làm thợ thì đáng được trả công" (Lc 10,7). Là con cái Chúa, lẽ nào chúng ta lai ăn không ngồi rồi và lười lao động? Ước gì mỗi người chúng ta luôn biết noi gương Chúa, siêng năng lao động để cộng tác vào chương trình sáng tạo của Chúa ngay trong cuộc sống hôm nay.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con vượt ra khỏi sự ươn lười và khuynh hướng sống hưởng thụ, để luôn miệt mài lao động với ước mơ lớn nhất của đời mình đó là làm giàu cho Nước Chúa ở trần gian này và được Chúa ban thưởng Nước Chúa ở đời sau. Amen.
Nt. Rosa Lê Ngọc Thùy Trang, MTGCQ.