Niềm Tin

(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý

Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 041 -

Lời Tự Sự Của Ngọn Giáo

 

Lời Tự Sự Của Ngọn Giáo

Nt. Anh Thư

(RVA News 07-04-2023) - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến,

Vào một buổi chiều oi bức, trên đỉnh đồi trọc, một làn gió nhẹ thoảng qua mang theo lời tự sự của một ngọn giáo. Nó chậm rãi kể rằng:

Tôi là một cây giáo, một loại vũ khí cận chiến của lính Hy Lạp và La Mã từ thời cổ đại. Tôi được làm bằng sắt nung trên lò lửa cực nóng. Vì thế mà thân thể tôi rắn chắc cường tráng. Với chiếc cán dài và cái mũi sắc nhọn, người ta dùng tôi như một loại binh khí để bảo vệ công lý, diệt trừ tà đạo, mang lại sự bình an cho dân chúng.

Một buổi chiều định mệnh, tôi chứng kiến vụ án thật đau thương và rất đỗi huyền diệu. Người ta bắt một người có tên là Giêsu vác cây thập giá đi lên núi Sọ, tiếng Hípri gọi là Gôngôtha. Sau một đêm xử án với nhiều khổ nhục, giờ đây họ đóng đinh Người vào thập giá cùng với hai người trộm cướp. Sức tàn lực kiệt, thân thể Ðức Giêsu bầm dập và rướm máu. Máu từ các vết roi ứa ra. Máu từ các dấu gai chảy xuống che mờ đôi mắt. Dưới chân thập giá, ngoài đám dân chúng cuồng nộ hả hê còn có toán lính cầm giáo đứng canh gác, có Mẹ Ðức Giêsu và mấy người phụ nữ khác. Các phụ nữ nét mặt tỏ rõ niềm cảm thương với người chịu đóng đinh.

Sau khi nói mấy lời trăng trối, Ðức Giêsu gục đầu xuống và kết thúc cuộc đời. Ðể tránh phạm luật ngày sabát, quân lính tới đánh dập ống chân hai người trộm. Thấy Ðức Giêsu đã chết, một người lính đến rút ngọn giáo đâm vào cạnh sườn Ðức Giêsu xuyên qua trái tim (x. Ga 19). Người lính này có tên là Longinus, anh là đại đội trưởng chịu trách nhiệm theo dõi vụ hành quyết Ðức Giêsu. Anh có một con mắt bị đục thủy tinh thể và gần như mù. Kỳ diệu thay, từ vết giáo đâm, máu và nước chảy ra bắn vào mắt của anh. Ngay lập tức mắt anh được chữa lành. Giữa cảnh đất trời tan hoang, người lính giở chiếc nón sắt ra, mắt ngấn lệ hướng lên thập giá, giọng nói run run đầy tôn kính và thương cảm, anh nói "Người này đúng là Con Thiên Chúa". Sau đó, anh lính này cũng được chia cắt canh mồ Ðức Giêsu và cũng chứng kiến Chúa sống lại. Anh bị các quan chức Do Thái mua chuộc để che dấu về vụ việc Ðức Giêsu nhưng anh đã không làm theo họ. Theo truyền thuyết người lính này sau đó đã rời quân ngũ và sống thánh thiện như một tu sĩ. Cuối đời, anh còn bị cầm tù và chịu tử vì đạo.

Một mũi giáo vô tri vô giác đã khiến cho người lính thức tỉnh. Một ngọn giáo sắc lạnh vô cảm khi đâm vào kẻ phản loạn nhưng mềm lại khi chạm vào thân thể Ðấng Cứu Ðộ. Cuộc hiến thân trên thập giá của Ðức Giêsu đã mang lại giá trị tuyệt vời và ý nghĩa cho những đau khổ của con người. Thập giá Chúa là lời mời gọi yêu thương tha thứ, là lời vâng phục trọn vẹn thánh ý Chúa Cha. Từ đây, thập giá không còn là hình phạt cho kẻ tội lỗi nhưng trở thành biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa. Từ đây thập giá không còn là điều ô nhục điên rồ như người Do Thái từng nghĩ, nhưng trở thành mầu nhiệm của Ơn Cứu Ðộ. Từ đây thập giá trở thành chiếc cầu nối liền sự chết với sự sống, trở thành ánh sáng chiếu rọi vào mọi đau khổ, vào nỗi tăm tối cô đơn của kiếp người và cho chúng ta được giao hòa cùng Thiên Chúa. Thập giá không còn là chướng ngại nhưng là con đường dẫn đưa chúng ta đến nguồn sống đích thực. Suy niệm về điều này, thánh Phanxicô Salêsiô đã gọi núi Sọ là "ngọn núi tình nhân". Vì ở đó và chỉ ở đó, người ta mới hiểu rằng: không thể có sự sống nếu không có tình yêu, cũng không thể có tình yêu nếu không có cái chết của Ðấng Cứu Chuộc. Ngoại trừ ở đó, mọi thứ đều là cái chết vĩnh viễn, và toàn bộ sự khôn ngoan của Kitô giáo hệ tại ở việc biết lựa chọn cách khôn ngoan (x. ÐTC Phanxicô, Tông thư Tất Cả Thuộc Về Tình Yêu - Totum Amoris Est).

Thập giá biểu hiện mọi sắc thái hỷ, nộ, ái, ố và đam mê dục vọng của con người. Mỗi người chúng ta đều đang mang thập giá của chính mình, của gia đình, của vợ chồng con cái. Thập giá đó có lúc làm ta sợ hãi chùn bước. Ðôi lúc chúng ta lại là kẻ gây đau khổ thập giá cho người khác. Ðức Thánh Cha Phanxicô quả thực có lý khi nói rằng "Tất cả chúng ta đều là chuyên gia trong việc đóng đinh người khác để tự cứu mình. Ngược lại, Ðức Giêsu để mình bị đóng đinh để dạy chúng ta không được đổ sự ác lên người khác".

Lạy Chúa Giêsu, qua mầu nhiệm thập giá, chúng con cảm nghiệm sâu xa hơn tình thương của Chúa, xin cho chúng con biết đón nhận những điều trái ý với niềm vâng phục yêu mến, biết từ bỏ mọi đam mê tội lỗi, để được hưởng niềm vinh quang của Ðấng Phục Sinh. Amen.

Nt. Anh Thư

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page