Niềm Tin

(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý

Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 038 -

Tiếng Gà Gáy

 

Tiếng Gà Gáy

Nt. Anh Thư

(RVA News 04-04-2023) - Trong tâm thức của người Việt, tiếng gà gáy là một thanh âm quen thuộc và thân thương. Tiếng gà gáy sáng đánh thức mọi người trở dậy để bắt đầu một ngày mới với những công việc đồng áng. Tiếng gà gáy không những tác động đến những sinh hoạt trong nhịp sống con người, mà nó còn vang vọng như một lời nhắc nhủ thiêng liêng.

Bập bùng dưới ánh lửa khuya

Phê-rô chối nhận tông đồ Giê-su

"Tôi vốn chẳng biết ông ta"

Thầy liền đưa mắt nhân từ trách yêu

Phê-rô chợt tỉnh mê lầm

Gà liền gáy sáng, lệ nhòa đôi mi.

 

Quý vị và các bạn thân mến,

Giữa lúc phiên tòa xử án Chúa Giêsu, tông đồ Phêrô đang ngồi sưởi ở dưới sân, bỗng một người tớ gái của thượng tế tới hỏi có phải ông cũng thuộc nhóm Chúa Giêsu. Tông đồ Phêrô liền phủ nhận không biết. Ngay lúc đó, có tiếng gà gáy, Phêrô bừng tỉnh nhớ lại lời Thầy nói và ông đã ra ngoài khóc lóc thảm thiết (x. Lc 22,54-62). Từng là tông đồ trưởng đầy lòng nhiệt thành, Phêrô đã khẳng khái tuyên xưng "Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,16), vậy mà lúc này ông lại tỏ ra hèn yếu. Phêrô từng can ngăn Thầy đừng lên Giêrusalem để phải chịu đau khổ vì các kỳ mục (x. Mc 8,31-33). Ông không chấp nhận một Thiên Chúa phải đau khổ và thất bại. Trong những giờ phút Thầy Giêsu gặp nguy khốn, Phêrô đã ba lần từ chối có mối liên hệ với Thầy. Thế nhưng từ "tiếng gà gáy", ông được thức tỉnh để không rơi vào cái bẫy của ma quỷ mà ăn năn khóc lóc về tội lỗi của mình.

Những lầm lỗi yếu đuối của Phêrô là một điển hình trong cuộc sống hôm nay. Ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua những hoàn cảnh khó khăn nhất. Chúng ta theo Chúa khi thuận buồm xuôi gió, nhưng chúng ta cũng dễ dàng trốn chạy khi gặp khó khăn. Lúc đó chúng ta mới thực sự thấm thía câu nói của người xưa "Khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì rời tay ra". Bản tính của con người là yếu đuối và dễ dàng sa ngã, nhưng biết đứng dậy trở về mới là người có bản lĩnh. Ðó mới là thước đo của lòng trung thành. Chúng ta cần phải khiêm tốn cậy dựa vào ơn Chúa, nếu không chúng ta cũng dễ dàng thoái lui và thất bại thảm hại.

Tỉnh thức và sửa lỗi là một điều rất khó bởi lẽ chúng ta thường không dễ dàng chấp nhận mình là người có lỗi. Vì thế Ðức Thánh Cha Phanxicô khuyên chúng ta phải biết khiêm tốn xin ơn "biết xấu hổ" về những hành vi sai trái. Ðây là bước khởi đầu cho tiến trình trở nên hoàn thiện. Trong mỗi chúng ta luôn có khuynh hướng thấy rõ những lỗi phạm của người khác nhưng lại "mù lòa" về chính mình. Với thánh Phaolô tông đồ, con người luôn bị giam cầm trong u mê tội lỗi nên cần phải được khai thị để nhận biết mầu nhiệm Thiên Chúa, tức là Ðức Kitô, trong Người có cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết (x. Cl 2,2-3). Thiên Chúa có nhiều cách để sửa lỗi đưa dẫn chúng ta từ chốn tối tăm vào miền ánh sáng, từ kiếp nô lệ thành người tự do. Nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Ðức Kitô, mọi thứ xiềng xích của tội được tháo gỡ, thay vào đó là sợi dây công chính gắn kết chúng ta vào với thập giá cứu độ, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta (x. Rm 5,5).

Nhân loại chúng ta đã được sinh ra trong tội lỗi và luôn mang nơi mình những di chứng của tội. Tội lỗi đã làm con mắt chúng ta ra mờ tối và không nhận ra sự hiện diện của Chúa. Chúng ta chối bỏ Thiên Chúa hằng sống để tôn thờ ngẫu tượng, đem chân lý đổi lấy dối trá. Trái tim vốn sẵn hạt mầm yêu thương hướng về Chúa nay lại mù tối hướng về satan, yêu chuộng trần gian, đi tìm thứ hạnh phúc tạm bợ ngoài Thiên Chúa khiến tâm hồn chúng ta ra cằn cỗi. Vì thế, Thiên Chúa đã đi một bước vạn dặm của tình yêu, mặc lấy bản tính loài người để cho chúng ta được thông dự vào bản tính Thần Linh. Nhìn vào cuộc đời và con người của Ðức Giêsu, chúng ta mới hiểu thế nào là tình yêu. Người đã đến làm bạn với những người nghèo khổ đau bệnh. Người không kết án các tội nhân nhưng mở cho họ con đường sống. Nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Ðức Kitô, số phận của con người đã được thay đổi, từ hư vô trở nên vĩnh cửu, từ mục nát trở thành bất tử.

Lạy Chúa, qua những người thân, qua từng biến cố trong cuộc sống, Chúa đã gửi đến những "tiếng gà gáy" để thức tỉnh lương tâm chúng con. Xin cho chúng con can đảm dứt bỏ thói hư tật xấu, để trung thành bước theo Chúa là nguồn cứu rỗi và hạnh phúc đích thực. Amen.

Nt. Anh Thư

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page