Niềm Tin
(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý
Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 019 -
Luật Lệ Trong Ðời Thường
Luật Lệ Trong Ðời Thường
Sr. Anna Phạm Thị Bích Liễu OP.
(RVA News 15-03-2023)
Một câu chuyện được kể lại như sau:
Một người thợ xây đang làm việc ở trên giàn giáo cao thì bỗng nhiên bị xẩy chân rớt xuống, chẳng may anh lại rơi trúng một người đang đi bộ ngang qua phía dưới. Ðiều oái oăm là anh thợ chỉ bị thương nhẹ, còn người khách bộ hành bị rớt trúng thì đã hôn mê và không qua khỏi khi người ta đưa vào bệnh viện.
Chiếu theo luật "Mắt đền mắt, răng đền răng" của miền này, gia đình nạn nhân đã đưa nội vụ ra tòa và đòi anh thợ xây phải đền mạng. Vị quan tòa từ lâu đã thấy cái vô lý trong bộ luật địa phương, nhưng truyền thống và hủ tục xưa rất khó thay đổi nên ông không làm gì được. Cuối cùng, để cứu người thợ xây oan ức, ông đã tuyên bố:
- Việc gia đình nạn nhân đòi mạng người thợ xây theo truyền thống là chính đáng, nhưng tôi thấy phải nói rõ: "Nếu anh ta đã giết người nhà của các ông bằng cách nào, thì các ông cũng phải giết anh ta bằng cách đó; nghĩa là một người trong gia đình các ông phải trèo lên giàn giáo, nhảy xuống đúng vào đầu anh thợ xây lúc anh đang đi ở phía dưới."
Nghe vị quan tòa phân xử, gia đình kiện cáo vội vàng xin bãi nại và anh thợ xây đã được tha.
Ngay sau đó, mọi người đều nhận thức được sự tàn nhẫn phi lý và mù quáng của bộ luật địa phương mình, dân chúng trong vùng đã quyết định loại bỏ hẳn tính cách "mắt đền mắt, răng đền răng" trong quan hệ xử thế giữa con người với nhau.
Kính thưa quý vị và các bạn thân mến,
Chúng ta có suy nghĩ gì về câu chuyện trên khi đối chiếu nội dung của nó với cuộc sống hàng ngày của chúng ta?
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng nhìn thấy cuộc sống đời thường của mình luôn được bao quanh bởi rất nhiều quy tắc và luật lệ: Ở nhà thì có "nếp nhà"; ra đường thì có luật giao thông; đến trường lớp hay nơi làm việc thì có nội quy, quy tắc làm việc... Nhìn chung, tham gia vào bất kỳ đoàn thể hay tổ chức nào, chúng ta cũng đều thấy có những luật lệ, quy tắc chung nhằm giúp cho việc tổ chức và sinh hoạt của các thành viên được duy trì cách tốt đẹp...
Ðối với nhiều người, nói đến luật là nói đến việc phải làm điều này, giữ điều kia, tránh điều nọ#. Cho nên, nhiều người coi luật lệ như là một rào cản, giới hạn sự tự do của họ; một số người khác lại cảm thấy bị ràng buộc và khó chịu khi phải tuân giữ lề luật; thậm chí có người còn cho rằng sự khắt khe và nguyên tắc của luật lệ sẽ biến con người thành nô lệ. Nhưng thực ra, lề luật được đặt ra là để bảo vệ con người. Giống như người thuyền trưởng khi điều khiển con tàu ra khơi luôn cần có một hải trình với chiếc la bàn để định hướng, luật lệ là điều không thể thiếu trong cuộc sống đời thường của mỗi chúng ta. Thử hình dung xem chuyện gì sẽ xảy ra với chúng ta, nếu tại các ngã tư đường phố, nhiều xe cộ qua lại mà không có cột đèn giao thông? Thế nên, luật lệ luôn có một vai trò quan trọng và cần thiết đối với cuộc sống của con người.
Trong đời sống xã hội, luật lệ được ví như một hàng rào giúp chúng ta xác định và tuân giữ những chuẩn mực chung trong phạm vi giới hạn cần thiết. Nó giúp cho mọi sinh hoạt và ứng xử của chúng ta đạt đến sự tốt lành và tránh được những nguy hiểm trong đời sống. Chẳng hạn, trong lãnh vực kinh doanh, y tế,... chúng ta thấy có sự đề cập đến công bằng, nhân vị và tôn trọng quyền lợi con người để tránh tình trạng bóc lột sức lao động hay lạm dụng quyền bính xảy ra, gây thiệt hại cho phẩm giá con người và làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển chung của xã hội. Bởi đó, muốn đạt được lợi ích thiết thực mà luật lệ mang lại, chúng ta cần phải học biết về luật và biết áp dụng chúng một cách khôn ngoan trong đời sống của mình. Trung thành trong việc tuân giữ lề luật, chúng ta sẽ được chính lề luật bảo vệ!
Là người Ki-tô hữu, ngoài việc tuân giữ những quy tắc chung của đời sống xã hội, chúng ta còn được mời gọi yêu mến và trung thành với lề luật của Thiên Chúa; vì nơi lề luật, Thánh ý của Chúa được tỏ bày cho chúng ta. Thật vậy, lề luật xuất phát từ sự khôn ngoan và ý muốn của Thiên Chúa nên luật cũng được coi là Thánh ý của Thiên Chúa. Qua lề luật đã được Chúa Giê-su kiện toàn nhờ tình yêu, chúng ta được mời gọi đón nhận ý nghĩa và tinh thần trọn hảo của lề luật với đức ái; đồng thời, tuân giữ luật với tâm hồn yêu mến, tự do và trách nhiệm. Khi chúng ta đón nhận luật Chúa và trung thành thực hiện trong cuộc đời mình, chính Chúa sẽ ban ân sủng để hướng dẫn chúng ta chu toàn Thánh ý Ngài trên con đường trọn lành.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết tôn trọng và tuân giữ luật Chúa với lòng yêu mến thực sự, để nhờ đó, luật không còn là gánh nặng, nhưng trở nên phương tiện thánh hóa cuộc sống của chúng con và giúp chúng con nên giống Chúa hơn. Amen.
Sr. Anna Phạm Thị Bích Liễu OP.