Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

Linh Mục Juse Maria Nguyễn Nhân Tài, CSJB. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Ngày 6.11.2001

Thay Ðổi Thất Thường

 

            Ở nước Tống có một người nuôi rất nhiều khỉ chó, ông ta rất hiểu lòng dạ của chúng nó, khỉ chó cũng rất biết làm cho ông chủ vui lòng, ông ta thà để người trong nhà ăn thiếu, và cũng để lũ khỉ chó có cảm giác thỏa mãn khi ăn.

           Chẳng bao lâu, lương thực không đủ dùng, chỉ có cách là hạn chế phần ăn của lũ khỉ chó, ông bèn nói với chúng : "Từ này về sau cho chúng bay ăn hạt dẻ, buổi sáng 3 hạt, buổi tối 4 hạt, đủ ăn chứ ?" Lũ khỉ chó không hài lòng, rộ lên giận dữ.

           Một lát sau, người nuôi khỉ lại thay đổi chủ trương như sau: "Vậy thì buổi sáng 4 hạt, buổi tối 3 hạt, toàn bộ như thế đủ ăn chưa?" Lũ khỉ chó cho rằng đã tăng thêm phần ăn, nên tất cả đều thích chí không thôi.

                                                                                                    (Liệt tử)

 

Suy tư:

              Khỉ là loài linh trưởng, có tài bắt chước, so với các loài vật khác thì khỉ là loài thông minh. Nhưng dù thông minh đến đâu thì khỉ vẫn là khỉ; dù thông minh đến đâu khỉ cũng không thể giống như con người. Theo thuyết tiến hóa của ông Darwin thì loài vượn là tổ tiên của con người, nhưng cả mấy vạn năm qua, con người ngày càng phát triển vượt bậc đến mức kiêu ngạo đòi thay Thiên Chúa vắt trời ra nước, làm mưa làm gió .v.v... vậy mà loài khỉ loài vượn vẫn cứ là khỉ là vượn, chẳng vượt qua con người về trí óc cũng như về trong cung cách sinh hoạt.

            Giống khỉ là như thế, cho ăn 3 hạt buổi sáng và 4 hạt buổi tối, thì cũng giống như buổi sáng 4 hạt và buổi tối 3 hạt, số lượng vẫn là 7, vậy thì chỉ có ... khỉ mới vui vẻ phấn khởi khi đổi ngược con số lại.

          Con người ta tuy không phải là loài khỉ, nhưng cũng có lúc tâm của chúng ta biến thành khỉ khi chúng ta tham lợi, khi chúng ta tham danh, khi chúng ta tham sắc dục. Lòng tham thì luôn thay đổi, nó không dừng lại ở một diểm nào, miễn là có lợi cho bản thân. Người có lòng tham thì luôn thay đổi cách suy nghĩ cho phù hợp với lòng tham của mình, nên họ không coi trọng tình nghĩa, họ không coi trọng danh dự, không thích nói chuyện dạo đức, và họ sẵn sàng từ bỏ mọi sự để được thỏa mãn lòng tham.

         Cũng có những lúc tôi suýt đánh mất ơn thiên triệu của mình vì lòng tham, bởi vì tôi đã hoan hỉ cung nghinh lòng tham đặt trong lòng mình, mà đem Ðấng tạo dựng nên mọi sự quẳng ra ngoài đường.

  

                                                                                  Lm. Nhân Tài, csjb.

                                                                                  (Dịch và viết suy tư)

 


Back to Home Page