Ngày 30.12.2001
Nằm Mơ Bị Nhục Liền Tự Sát
Vào thời Tề Trang công có một tráng sĩ tên là Tân Ti Tụ, dũng lực hơn người, từ trước đến nay chưa bao giờ chịu khuất phục một ai.
Vào một đêm khuya, ông ta nhìn thấy một tráng sĩ đuổi theo mình mà mắng chửi thậm tệ, lại còn nhổ nước bọt trên mặt mình. Tân Ti Tụ nộ khí xung thiên, liền tiến lên quyết đấu với tráng sĩ nọ. Nhưng nào ngờ giật mình tỉnh thức, té ra là một giấc mơ, nhưng trong lòng ông ta rất đau khổ.
Ngày hôm sau, ông ta mời bạn bè đến, đem câu chuyện bị nhục trong giấc mơ kể lại cho bạn nghe: "Tôi, từ nhỏ cho đến hôm nay là 60 tuổi, từ trước đến nay chưa một ai dám nhục mạ tôi. Tôi nhất định phải tìm cho bằng được tráng sĩ trong giấc mơ ấy để đọ sức với anh ta một trận. Tìm được thì tốt, nếu tìm không được thì thà rằng chết!"
Thế là, sáng sớm mỗi ngày anh ta cùng với người bạn đứng bên đường để nhận diện người qua lại, liên tiếp mấy ngày như thế, mà cũng không tìm được người trong giấc mơ; ông ta bèn trở về nhà tự sát.
(Lữ thị xuân thu)
Suy tư:
Tự ái với người trong giấc mơ, để đến nổi phải tự sát, thì đúng là tự ái cách ngu xuẩn, tự ái của những người hữu dõng vô mưu.
Tự ái đúng chổ thì rất có lợi cho mình, nhưng tự ái không đúng chổ, thì chỉ hại mình mà thôi.
Tự ái thì bất kể kẻ nghèo người giàu, có học cũng như không có học, ai ai cũng đễu có tự ái.
Tự ái để thi đua trong học tập là tự ái lành mạnh; tự ái để sửa đổi mình nên tốt hơn là tự ái của người đạo đức, đó là những tự ái nên tự ái.
Tự là mình; ái là yêu. Tự ái chính là yêu mình, yêu mình thì tự trọng danh dự của mình, giữ gìn thân thể của mình. Hoặc nói thực tế hơn, tự ái là cái bản năng tự trọng trong con người của mình đột nhiên bùng lên khi bị xúc phạm đến danh dự cá nhân. Do đó, người tự trọng nhiều thì tự ái cao, đó là chuyện tự nhiên, cho nên cần phải lấy Ðức Ái mà chế ngự tự ái để đời sống được quân bình.
Tự ái, tự nó không phải là xấu, là dở. Nhưng nó sẽ xấu đi khi tôi không còn nhìn thấy người đối diện là người thân cận của tôi, là anh chị em tôi.
Lm. Nhân Tài, csjb.
(dịch và viết suy tư)