Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Linh Mục Juse Maria Nguyễn Nhân Tài, CSJB. phụ trách
Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan
Ðể Gia Ðình Có Hạnh Phúc
Ðặc biệt là tìm hạnh phúc trong gia đình, hoặc nói: làm sao để gia đình có hạnh phúc, thì cũng thế thôi. Con người ta ai cũng muốn sống hạnh phúc, ai cũng muốn có hạnh phúc, mà gia đình hạnh phúc thì tuyệt vời hơn tất cả mọi sự trên thế gian này, nhưng làm thế nào để có hạnh phúc chứ?
Hạnh phúc, có rất nhiều định nghĩa: đối với người nghèo thì hạnh phúc của họ chính là có tiền, có cơm ăn ngày hai bữa, có áo có quần mặc là đủ rồi; hạnh phúc đối với người giàu có thì muốn có nhiều tiền hơn, có quyền thế hơn; đối với các bạn trẻ thì hạnh phúc là có một nghề nghiệp ổn định, có tiền lẻ để xài, và có một cô bồ dể thương, xinh xắn là nhất trên đời... ... và những ước mơ hạnh phúc khác mà con người muốn có trong cuộc sống hiện tại.
Nhưng tất cả những điều ấy không phải là hạnh phúc, bởi vì có tiền thì muốn có tiền nhiều hơn, có tiền nhiều hơn thì ăn không ngon miệng, ngủ không ngon giấc, vì sợ... trộm, mà sống trong lo sợ thì làm sao mà có hạnh phúc được chứ? Và các bạn trẻ đã có người yêu, thì ngày đêm đều sống trong nổi lo, lo bị mất việc, lo bị bồ giận, lo bị bồ đá, lo đủ thứ. Như thế thì làm sao mà có hạnh phúc được.
Hạnh phúc, không phải tự trên trời rơi xuống cho mình hưởng, cũng chẳng phải ai cho mình cả, nhưng chính là do mình tự tạo lấy hạnh phúc cho mình (các nhà cố vấn, các chuyên gia về gia đình, cũng chỉ đưa ra cho ta những phương pháp, những lời khuyên mà thôi). Và khi đã có hạnh phúc rồi, thì làm thế nào mà giữ được nó?
Thiên Chúa đã tạo dựng nên Adong, đặt ông ở trong vườn địa đàng, tức là vườn hạnh phúc, Ngài ban cho ông một tình yêu (bà Eva), đã ban cho ông mọi thứ cần dùng cho cuộc sống như ăn, uống, mà không cần phải làm lụng mỗi ngày 8 tiếng đồng hồ nơi công xưởng, nơi nhà máy làm chi cho mệt nhọc, Ngài cũng đã ban cho ông mọi thứ trong vườn làm sở hữu của mình, ban cho ông quyền cai quản vũ trụ... ... Tóm lại: Thiên Chúa đã ban cho ông vật chất (có đủ mọi thứ cần dùng), danh vị (làm con người) và quyền lực (trên mọi loài ở mặt đất) để ông được hạnh phúc, và hạnh phúc nhất là được sống mãi với Thiên Chúa.
Nhưng ông Adong đã đánh mất tất cả hạnh phúc ấy (lý do tại sao thì khỏi cần nói lại vì ai cũng biết). Nguyên tổ đã đánh mất hạnh phúc, thì con cháu bây giờ và mãi mãi sau này đều đi tìm lại hạnh phúc ấy.
Mà cái hạnh phúc lớn nhất, theo tôi, chính là hạnh phúc gia đình.
Người ta thường nói: Gia đình là nhà trường đầu tiên, là nơi đào tạo con người; người ta thường quan niệm rằng, gia đình là cái mắt xích liên kết xã hội thành một khối đoàn kết... Nếu gia đình không có kỉ cương, không có một nền giáo dục tốt, thì sẽ sản sinh ra một thế hệ trẻ không có đạo đức, gây nguy hại cho xã hội. Mà con cái trong gia đình được giáo dục tốt thế nào được khi mà bố mẹ "cơm không lành, canh không ngọt". Mấy năm trở lại đây, tại Saigon báo chí đã đăng nhiều tin tức: những phần tử tội phạm thanh thiếu niên đều là những đức con nhà giàu có, con cán bộ cao cấp, tất nhiên chúng nó có rất nhiều tiền và cũng rất... túng tiền. Nhiều tiền là vì cha mẹ có tiền cho chúng nó xài chơi quen rồi, đến khi không còn tiền nữa thì đi giựt dây chuyền của người đi đường, đi ăn cắp để hút, để chích choác, để ăn nhậu, để bao gái, đó không phải là túng tiền sao?
Nguyên nhân chính không phải là con cái, mà là tại bố mẹ. Sau khi con cái bị công an bắt, bố mẹ mới biết là con mình đi bụi, lý do: bởi bố mẹ chỉ biết lo việc kiếm tiền, chỉ lo việc bên ngoài xã hội, mà không, hoặc rất ít ngó ngàng tới con cái. Nhưng nguyên nhân lớn nhất chính là bố mẹ không còn yêu thương nhau nữa, nghĩa là bố mẹ không còn sống hạnh phúc bên nhau nữa, có thể là đã li dị, đường ai nấy đi, cũng có thể là đã li thân, ông ăn chả bà ăn nem, huề cả đám. Ðây chính là điều mà tôi muốn nói với các bạn trẻ, bởi vì, nếu bạn không đi tu làm linh mục hay làm bà phước, thì các bạn sẽ lập gia đình, nghĩa là đi kiếm "cái xương sườn" của mình, để thủ thỉ, để âu yếm "cái xương sườn" của mình mới kiếm lại được. Hay nói cách văn vẻ hơn là: các bạn sẽ kết hôn với một người xa lạ, nhưng rất gần gũi, để thành lập một gia đình, mà một gia đình đúng nghĩa của nó là là: cha + mẹ + con. Nếu thiếu một trong ba, thì sẽ không đúng nghĩa một gia đình thật sự.
Vậy làm thế nào để có hạnh phúc?
Theo các nhà đạo đức học phân tích thì muốn gia đình được hạnh phúc phải có 5 yếu tố hoặc 5 có sau đây:
1- Có Tình yêu.
2- Có cùng (một) tôn giáo.
3- Có đạo đức.
4- Có nghề nghiệp.
5- Có sức khỏe.
Chúng ta cùng nhau tìm hiểu từng cái "Có" để có thể giúp cho bản thân hoặc giúp ý kiến cho ai đó muốn hỏi về điều kiện để gia đình có được hạnh phúc.
1/ Có Tình yêu.
Ðây là tình yêu song phương, nghĩa là hai người cùng tự nguyện yêu nhau, chứ không phải bị ép buộc, không phải yêu để được hưởng gia tài... ...nghĩa là một tình yêu mà hai người nam nữ "nhìn thấy mình" trong người mình yêu. Không thể nói là tình yêu, nếu một trong hai người lợi dụng người kia, hoặc yêu giả vờ, yêu để đạt được mục đích. Tình yêu không tự nó mà đến, nhưng từ hai con tim rung nhịp, hòa hợp như dây đàn rung lên dưới bàn tay kì diệu của người nghệ sĩ vĩ đại: Thiên Chúa.
Chính Thiên Chúa là tác giả của tình yêu, nhưng Ngài không đem tình yêu đó ấn định, hay bắt anh nầy phải yêu cô nọ, mà là để cho tình yêu bay bỗng, lơ lững trong ánh mắt, trong cử chỉ, trong con tim, trong lời nói của một "nửa con người", và tự nó -tình yêu- đi tìm "nửa con người" còn lại của mình, để trở thành "một" trong hai, đó chính là tình yêu (xin coi bài nói chuyện - tình yêu).
Như vậy cái có thứ nhất để tạo nên hạnh phúc gia đình chính là tình yêu song phương, tình yêu chung thủy, không ai chối cãi được.
2/ Có cùng một tôn giáo.
Một tuần sau lễ Giáng Sinh năm nọ, có một cô vợ trẻ gặp tôi nói: "Thầy biết không (1) con muốn chết cho rồi, thằng chồng con nó không cho con đi lễ đêm Noel, lễ sáng nó cũng chẳng cho con đi, con chán quá"... Tôi nói đùa: "Sao lại là thằng chồng con, phải gọi là anh, hay ông xã chứ?"- Cô ta nói tiếp: "Thầy coi, đêm Noel nó bắt con ở nhà làm đồ nhậu để nó nhậu với bạn bè, còn nói con đi lễ để hẹn hò với trai chứ lễ gì mà lễ, còn lễ sáng (25.12) thì nó nói đi Vũng Tàu chơi, bắt con đi theo".
Cùng một tín ngưỡng, tức là hai người cùng chung một niềm tin, thì không những họ tìm được những niềm an ủi trong niềm tin của mình, mà chính bản thân của họ cũng nhận thấy rằng, tình yêu được xây dựng trên nền tảng Ðức tin, đem lại cho họ những xác tín khi gặp khó khăn, và biết thông cảm cho nhau, ít nữa là trong niềm tin vào Ðức Kitô.
Tại một nhà thờ nọ, trong nhà thờ có một hàng ghế, mà theo thói quen, giáo dân không ai ngồi hoặc qùy ở đó cả, bởi vì ai cũng biết đó là hàng ghế của một gia đình, mà mỗi lần đi dự thánh lễ, thì cả bố mẹ, con cái đều cùng quỳ ngồi ở hàng ghế ấy, không phải là họ "xí" trước hàng ghế ấy, mà là chính giáo dân, người ta tôn trọng một gia đình mà mỗi lần tham dự thánh lễ, đều có đầy đủ cả gia đình. Họ giàu nghèo ra sao không ai biết, nhưng người ta đều biết rõ họ là một gia đình kính Chúa. Ðó không phải là hạnh phúc sao?
Trước Công Ðồng chung Vatican II, người công giáo không được kết hôn với người khác đạo, xem ra Giáo Hội có lý do chính đáng để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Sau Công Ðồng Vatican II, Giáo Hội đã mở rộng nhiều trong mọi lãnh vực, trong đó có: người công giáo được phép kết hôn với người khác đạo. Dĩ nhiên người có đạo phải luôn gìn giữ Ðức Tin của mình, và tìm cách đưa người bạn của mình trở thành Kitô hữu. Và người khác đạo phải cam đoan để cho bạn mình tự do tham dự các lễ nghi của đạo Công Giáo.
Không cùng tín ngưỡng, trên thực tế, cũng có nghĩa là một cuộc chiến tranh lạnh đang âm thầm hình thành trong ý thức của người không công giáo (vợ hoặc chồng), nếu họ hiểu và ý thức được niềm tin của người bạn mình, thì không có gì phải lo ngại. Nhưng nếu họ không hiểu và có khi đưa đến thái độ ghét đạo, và làm khó dể cho người bạn của mình như trường hợp của câu chuyện trên, thì thật là một sự đáng tiếc, và ảnh hưởng lâu dài trên gia đình, con cái.
Có một lần dạy giáo lý hôn nhân cho một đôi bạn trẻ không cùng một tôn giáo (ông chồng không phải là Kitô hữu), thú thật, trong lòng tôi không vui chút nào cả, bởi khi nhìn thấy dáng vẻ chìu chuộng, nũng nịu, lã lơi của cô gái đối với anh chàng, tôi thầm biết rằng, anh chàng nầy chẳng thích gì Chúa Mẹ cả, trước sau gì cũng hành hạ cô vợ và bắt vợ phải từ giã... nhà thờ cho mà coi. Và đúng như thế, không những cấm vợ không được đến nhà thờ dự thánh lễ, mà ông còn cấm không được rửa tội cho con cái, đó là chưa kể tới ảnh hưởng của bố mẹ chồng có thành kiến với đạo Công Giáo.
Như vậy, có cùng một tín ngưỡng, cũng là một yếu tố để đem lại hạnh phúc cho gia đình vậy.
3/ Ðạo Ðức:
Ðạo đức mà tôi muốn nói ở đây, không phải là loại đạo đức của các dì phước, phải đi dâng lễ mỗi ngày, phải lần chuổi Mân Côi mỗi ngày, hoặc như các Linh mục, mỗi ngày phải đọc ít là 5 lần giờ kinh phụng vụ (PVCGK) (2), hoặc là như các cụ già rảnh việc đến nhà thờ cầu nguyện, đọc kinh riết cho đến giờ ăn thì về nhà. Ðạo đức mà tôi nói ở đây "nhẹ" hơn một chút, đó chính là "biết" bổn phận của mình đối với gia đình (vợ, chồng, con cái).
Thế nào là không có đạo đức?
Trong gia đình, người chồng không có đạo đức thì không biết lo tròn bổn phận của mình, này nhé, người chồng không có đạo đức thì suốt ngày lè nhè chửi mắng vợ con, vì là bợm nhậu; cuối tháng lãnh lương thì cùng bạn bè đi nhậu bia ôm, hát karaokê... ...mọi việc trong nhà thì hoàn toàn một tay vợ trông coi, nhưng ông chồng lại không biết điều ấy, cứ lấy quyền làm chồng mà xử tệ với vợ con.v.v... đó là những ông chồng nhà nghèo không có đạo đức. Còn những ông chồng nhà giàu có không có đạo đức thì sao? Ðọc qua báo chí chúng ta thấy những ông chồng loại này, thì sa đà trong tứ đổ tường, nói không nổi. Những hạng ông chồng như thế, thì làm sao mà đem lại hạnh phúc cho gia đình được.
Và những bà vợ không có đạo đức, xét cho cùng, càng tệ hại hơn cả ông chồng không có đạo đức! Một bà vợ không có đạo đức thì suốt ngày la cà hàng xóm, hết nói xấu nhà này đến nhà nọ, hết con mẹ này đến thằng cha kia, và khi hết chuyện để nói, thì đem chuyện chồng con ra "đấu tố" với hàng xóm: nào là thằng chồng nhà tôi chẳng biết làm gì cả, chỉ biết đạp xích-lô, mánh mung chẳng biết, thật thua những thằng đàn ông khác; hoặc là: chồng chị sao mà giỏi quá vậy, biết chìu chuộng vợ con, biết... ..., đủ thứ lời lẻ để tố khổ chồng mình. Một người vợ không có đạo đức thì hằng ngày đánh phấn môi son, áo quần lòe loẹt đi khoe với thiên hạ, trong lúc đó, con cái nheo nhóc, cơm không có ăn, áo quần rách vá trăm chổ, chồng đi làm đầu tắt mặt tối để kiếm tiền, tối về chẳng thấy cơm nước gì cả, thử hỏi thằng chồng nào mà không buồn không bực tức chứ? Và thế là to tiếng, đánh đập, chửi bới nhau. Như vậy thì làm gì mà có hạnh phúc?
Trái lại, một ông chồng có đạo đức thì biết chu toàn bổ phận của một người cha, người chồng trong gia đình, biết yêu thương vợ, biết giáo dục con cái theo tinh thần Phúc Âm, nghĩa là biết thực hành Ðức Ái ngay trong cuộc sống gia đình, biết ý thức vai trò to tát mà Thiên Chúa đã "phân quyền" cho, để tiếp tục tạo ra con người mới, sự sống mới mà không oán trách, than van. Cũng vậy, người vợ có đạo đức thì như viên kim cương quý báu của người chồng (Cn 31, 10), nó tăng thêm niềm hãnh diện cho người chồng và cho con cái: "Nàng khôn ngoan trong lời ăn tiếng nói, và dịu dàng khi dạy dỗ bảo ban" (Cn 31, 26). Người vợ đạo đức không bao giờ đem chuyện chồng con ra nói xấu với hàng xóm, không to tiếng khi chồng mệt nhọc, không bỏ mặc chồng gánh vác việc nhà một mình. Người vợ đạo đức biết dạy dổ con cái kính Chúa yêu người, là người biết chia sẻ, biết nhu cầu của con cái mà hướng dẫn chúng nó. Trong gia đình, ảnh hường của người mẹ trên con cái rất nhiều, do đó, có được một người vợ đạo đức, theo tôi, thì hơn cả viên kim cương quý báu vạn lần (dù nghĩa bóng lẫn nghĩa đen), vì viên kim cương dù có đắt giá bao nhiêu lần chăng nữa, thì cũng chỉ là hạt kim cương vô tri, để trang sức, nó không thể dạy dổ một thế hệ (và hơn thế nữa) trở nên người tốt được, nhưng chính người mẹ lại làm được chuyện ấy, vì khi dạy dổ con cái mình sống đạo đức, thì bà mẹ đã chuẩn bị xây dựng một thế hệ tương lai của con mình tốt đẹp rồi vậy. Có một người vợ như thế thì 100 viên kim cương cũng không thèm, chứ đừng nói 1 viên. Không biết các bạn trẻ thích 100 viên kim cương hay thích 1 người vợ phúc hậu đạo đức như thế ? Vậy thì yếu tố thứ ba nầy, cũng đem lại hạnh phúc cho gia đình chúng ta vậy!
4- Có nghề nghiệp.
Trước năm 1975, tôi có nghe qua bài hát "Túp lều lí tưởng" do đôi ca sĩ nổi tiếng hát, đúng là bài hát vui nhộn và "lí tường hóa" tình yêu. Bài hát đại khái là: một túp lều, trong đó có 2 quả tim vàng (tức là chàng và nàng, chứ không phải bằng vàng thứ thiệt đâu mà ham), được xây dựng bằng duyên bằng tình, chứ không bằng tiền. Lí tưởng quá đi chứ! Và thời nay, tức là thời đại ngày nay, cũng có những "đôi tim vàng" như thế, họ yêu nhau mà không cần... ăn uống, cũng không cần ... áo quần mặc (tiền đâu mà mua sắm), bởi vì họ chỉ cần một túp lều tranh là đủ rồi. Một túp lều tranh, hai trái tim vàng và một bầy con thơ, đúng là lí tưởng. Nhưng nếu có gió bão cấp 12 thì còn túp lều tranh không? Nhà xây bê tông cốt sắt cũng còn sập nữa chứ đừng nói là túp lều tranh; và khi con cái bệnh hoạn, thiếu ăn, thiếu mặc, thì còn có hai quả tim vàng nữa hay không, hay trở thành hai quả tim... đất sét vỡ nát vì túp lếu tranh dột nát và bầy con đói meo nheo nhóc? Tuy là một bài hát, nhưng chúng ta cũng nên thấy thực tế của cuộc sống. Hai quả tim vàng, dù yêu nhau đến đâu chăng nữa, cũng không thể ngày ngày nhìn nhau mà sống, hay cạp đất mà ăn, nhưng phải đi làm việc. Thánh Phaolô Tông đồ đã nói rất thực tế: "Ai không làm thì đừng có ăn". Do đó, chúng ta phải có nghề nghiệp, một nghề ổn định, bởi vì: nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Không nhất thiết phải làm bác sĩ, kỉ sư hay nhà giáo... chỉ cần một nghề cho thông, cho rành, thì sẻ có tiền bạc vật chất, mặc dù tiền bạc không phải là yếu tố của hạnh phúc, nhưng nó cũng có một phần quyết định hạnh phúc trong gia đình. Không có tiền, chúng ta sẽ không có những vật dụng trong gia đình, không có tiền, con cái chúng ta không được đến trường học... Dù nam nữ bình đẳng, nhưng bình đẳng ở ngoài xã hội, còn trong gia đình, theo tôi, người chồng vẫn là số một, mà các bà vợ phần đông cũng thích như thế, chỉ có những bà vợ nào dử tợn như sư tử Hà Ðông, mới thích mình trên cơ ông chồng thật thà của mình. Vì vậy, chồng phải có một nghề nghiệp để đem lại hạnh phúc cho gia đình. Tôi đã thấy những bạn thanh-niên-lớn-tuổi chưa lập gia đình, vì chưa có một nghề nghiệp nhất định để bảo đảm cuộc sống cho một gia đình tương lai. Tôi cũng thấy (và cũng dạy giáo lý cho họ) những bạn trẻ kết hôn mà không có một nghề nghiệp nào cả, khi được hỏi tại sao, thì họ chỉ cười và nói: trời sinh voi, thì sinh cỏ. Ðúng là có... đức tin to lớn và cũng liều ghê gớm. Trên thế giới nạn thất nghiệp ngày càng gia tăng đáng kể, ở Việt Nam cũng thế, nhưng không phải vì thất nghiệp nhiều mà vật giá rẻ đi, hay là đợi các công ty bán hạ giá (hạ giá vì quá hạn) rồi mua, nhưng dù cho đại hạ giá như bánh trung thu hết "đát", mua một cái tặng một cái chăng nữa, thì cũng phải có tiền mà mua để được tặng chứ! Trách nhiệm người chồng trong gia đình rất nặng nề, một trách nhiệm mà nếu suy nghĩ cho thật thấu lí thấu đáo, thì quả là đáng sợ thật, bởi Thiên Chúa biết cái đáng sợ ấy của các ông chồng, nên đã ban cho các ông chồng một người bạn đường, bạn đường đây không phải là bạn đứng nơi đường Huyền Trân công chúa, hay đường Lê Hồng Phong (1), cũng chẳng phải là bạn nhậu nhẹt "cầy tơ" bên lề đường Cống Quỳnh, mà là một người bạn đường đúng nghĩa của nó: đường của đời người, đó chính là người vợ, là "xương sườn", là "một nữa còn lại" của mình, mà người đàn ông đã "tìm lại" được sau nhiều ngày tháng suy nghĩ, bàn hỏi với bố mẹ, với cha sở và với... "xương sườn" tuyệt vời của mình, tức là người vợ ngày hôm nay vậy. Chính nàng - chứ không ai khác - sẽ cùng đi với chồng suốt quãng đời, chia sẻ những vui buồn, những lo âu của hôm nay và của ngày mai với chồng. Người vợ, tuy là lo công việc nội trợ, nhưng nếu có một nghề nghiệp để phụ với chồng về kinh tế gia đình, thì tuyệt vời không chê vào đâu được. Chẳng hạn như khi chồng đau ốm bệnh hoạn không thể đi làm được, thì nghề nghiệp của vợ sẽ đỡ đần cho chồng biết bao nhiêu mà kể. Mà xã hội ngày nay, chồng vợ đều đi làm việc, vì tiền lương của một người không đủ trang trãi việc nhà, cho nên, có một nghề nghiệp lại càng quan trọng hơn. Như vậy, yếu tố nghề nghiệp cũng là khâu quyết định hạnh phúc gia đình vậy!
5- Có sức khỏe.
Ðây là yếu tố cuối cùng trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình. Bạn đã thấy cây đu đủ còi cọt chưa, nó ốm tong ốm teo, cao nghều nghệu, vài ngọn lá lưa thưa trên đầu, và những quả đu đủ thì ốm o gầy còm, đung đưa theo gió như muốn rụng... Tất cả mọi người bệnh (nam và nữ) cũng đều như nhau: ốm o, nói không ra hơi, đi không nổi, mắt sâu má hóp, biếng ăn... Tóm lại là không nhìn thấy sinh khí nơi họ. Trong gia đình, chồng vợ là hai trụ cột chống đở gia đình, nhưng nếu hai trụ cột này bị mối mọt đục nát, thì có thể chống nổi gia đình không? Do đó, sức khỏe là một điều rất quan trọng, quan trọng vì: sức khỏe quý hơn vàng, vì có sức khỏe là có tất cả. Xét về mặt thể xác mà nói Một người mẹ bệnh hoạn, sẽ sinh ra những đứa con bệnh hoạn, còi cọt. Nhưng một người mẹ mạnh khỏe sẽ sinh ra những đứa con mạnh khỏe và thông minh. Xét về mặt tinh thần mà nói Một người vợ bệnh hoạn, thì tinh thần sa sút, tâm thần bất định, bà sẽ trở nên bi quan yếm thế với cuộc sống, trở nên cáu gắt với chồng con. Nhưng một người vợ mạnh khỏe sẽ làm cho gia đình có tiếng cười vui, vì bà chính là niềm vui của chồng con. Còn ông chồng bệnh hoạn thì như thhế nào? Tôi có quen biết một gia đình, chồng nghiện rượu mà trở nên bệnh nặng, mọi việc đều do bà vợ và con cài đảm đang, nhưng bệnh lâu ngày không thuyên giảm, kết quả: vợ chán nản trở thành kẻ cờ bạc, đồ đạc trong nhà bán dần để lo cho chồng và để có tiền đánh bạc, con trai thì bỏ nhà ra đi, con gái cũng đi làm đĩ, cuối cùng ông chết trong cô đơn. Vậy thì, có sức khỏe cũng là điều rất cần thiết cho hạnh phúc gia đình, mà nếu khi còn trẻ, chúng ta biết luyện tập thân thể, biết quý sức khỏe, thì lo gì mà không đem lại hạnh phúc cho gia đình tương lai của mình chứ! Tóm lại, năm yếu tố trên đây, chính là sự đúc kết qua quá trình nghiên cứu của các nhà đạo đức học, theo tôi, nó đúng là những yếu tố rất cần thiết mà rất thực tế để giữ gìn và đem lại hạnh phúc cho gia đình. Nó không lí thuyết chút nào cả, nhưng rất gần bên cạnh chúng ta, trong đời sống thường ngày của chúng ta. Chúng ta thường hay đi tìm hạnh phúc ở đâu xa xăm trên mây trên gió, mà không để ý đến cái căn bản để được hạnh phúc đang ở kề bên chúng ta. Các bạn trẻ, chúc các bạn được hạnh phúc trong cuộc sống gia đình sau này.
Lm. Nhân Tài, csjb.
---------------------------------------------------
Ghi chú:
(1) Hồi đó tôi còn là một đại chủng sinh.
(2) Phụng vụ các giờ kinh: Các linh mục phải đọc là kinh sách, kinh Sáng, kinh trưa, kinh Chiều và kinh tối, Phó tế thì không đọc Kinh Sách. Nhưng vẫn phải đọc các kinh khác.