Học Và Hành - Ðạo Ðức
Học để mở mang kiến thức, thêm tri thức cho mình, là một điều may mắn cho gia đình và cho xã hội. Ðây là về phương diện tri thức mà mọi người ai cũng muốn đạt thành.
Nhưng có một thứ tri thức vượt trên mọi tri thức của con người mà chúng ta cần phải học, đó là Ðạo Ðức. Xã hội càng phát triển, khoa học kỹ thuật càng tiến bộ vượt bực, thì Ðạo Ðức cần phải đứng vị trí hàng đầu trong mọi lĩnh vực. Người Trung Quốc họ ít khi dùng chữ "nhân đức" để chỉ về một người có tính hạnh tốt nào đó, mà họ thường dùng 2 chữ "đạo đức" , khi gặp một người đạo hạnh, họ nói: anh là người đạo đức, chứ không nói: anh là người nhân đức.
Theo tôi, người đạo đức là người có đầy đủ Nhân, Trí, Dũng. Nhân để biết tha thứ, bao dung, đó là rộng lượng. Trí để nhìn xa thấy rộng, để biết việc mình làm, đó là khôn ngoan. Dũng để hành động, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự bất bình mà không sợ bị trù dập, gọi là dũng cảm.
Các bạn trẻ thường cho rằng, chỉ có các linh mục, các bà xơ, các thầy tu, hoặc những người già cả cao niên mới có đạo đức, còn những người trẻ thì không thể nào luyện tới mức độ đạo đức ấy được! Các bạn trẻ thường quan niệm rằng, đạo đức là ngồi "lì" cả ngày trong nhà thờ để đọc kinh, đạo đức là không bao giờ nở nụ cười vui đùa với anh em, vì họ phải luôn luôn tạo cho mình một bộ mặt nghiêm nghị như một nhà... mô phạm thứ thiệt. Ðó không phải là đạo đức, bởi vì, có nhiều người ngồi cả ngày trước tượng Ðức Mẹ Maria trong nhà thờ mà cầu nguyện, nhưng vừa bước ra khỏi nhà thờ, thì một tay bịt mũi, một tay xua xua người ăn xin trước cổng nhà thờ, miệng thì nói lẩm bẩm: "đồ dơ dáy, hôi quá!". Cũng có những ngưới làm bộ mặt nghiêm trang trước công chúng, trước mọi người, nhưng ngồi thật "chăm chỉ" trước bộ phim sex trong quán cafe đèn mờ ở đường Lãnh Binh Thăng, Tp. Sàigòn.
Tôi rất phục các bạn trẻ lăn lộn với trẻ bụi đời vô gia cư, các bạn trẻ nhóm Thảo Ðiền, các sinh viên trẻ trong những đợt hè đi về các vùng quê xa xôi, hẻo lánh để đem ánh sáng văn minh, đem chữ nghĩa cho những người dân ở đó, vậy thì, đó có phải là đạo đức không? Ðạo đức quá đi chứ!
Nhưng cũng có những người, thay vì đem chữ nghĩa cho người khác, thì lại đi ăn cắp chữ nghĩa của người khác làm của mình. Những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước, có nhiều "nhà văn kiếm hiệp" mọc lên như nấm gặp mưa, họ viết văn bằng cách cạo các địa danh, tên tuổi của các nhân vật trong truyện, và thay vào một cái tên mới, rồi đề tác giả là tên của mình. Lúc tôi còn ở Saigon, đọc báo có biết ông nhạc sĩ T... kiện ông nhạc sĩ W... vì đã ăn cắp nhạc của ông mà in thành sách, phát hành băng nhạc, mà không chịu "thông qua" ông ta một tiếng. Ðó gọi là ăn cắp bản quyền, đối với các nước văn minh như Mỹ, như Pháp.v.v... họ có luật báo chí, luật về bản quyền, thì những chuyện ăn cắp bản quyền như thế, sẽ bị kiện cho đến ngồi tù, sạt nghiệp. Bởi vì, đó là ăn cắp trí tuệ của người khác làm của mình, sửa đổi một vài địa danh, nhân vật trong truyện, sửa một vài nốt nhạc của bản nhạc gốc, và đề thật lớn: Tác giả Hồ Mộng X... hoặc đề bên trên dòng nhạc: Nhạc và lời của Trịnh Thanh J... như vậy, đố các bạn, đó có phải là đạo đức không? Chắc chắn là không, bởi vì những người nầy không có Nhân, không có Trí và cũng chẳng có Dũng. Nếu họ có Nhân, thì họ sẽ không đi ăn cắp tri thức của anh em, mà ăn cắp tức là chiếm đoạt của người làm của mình. Nếu họ có Trí, thì họ sẽ dùng trí tuệ của mình mà viết tác phẩm mới, hoặc sáng tác bản nhạc mới hay hơn. Nếu họ có Dũng, thì họ sẽ dũng cảm thà chịu chết đói (nếu kinh doanh ăn cắp bản quyền), hoặc dũng cảm chịu thua thiệt anh em bạn bè vì mình không thể làm hay như họ được.
Học cao, kiến thức nhiều mà không có đạo đức thì sẽ gây đau khổ cho gia đình, cho xã hội, người ta thường gọi hạng người nầy là gian hùng. Nhưng nếu có đạo đức mà không có tri thức, thì chỉ bảo vệ được thân mình mà thôi, chứ không giúp ích được cho ai gì cả.
Muốn có tri thức thì cần phải học, và muốn có đạo đức thì không những phải học tập, mà còn phải thực tập và sống nữa. Chúng ta có thể nói: tri thức và đạo đức như xác và hồn, nó cần phải tồn tại trong con người chúng ta như thức ăn và nước uống, mà mỗi ngày chúng ta cần phải dùng để được tăng thêm sức khỏe và để được sống lâu.
Ðài Loan là một đảo quốc theo chủ nghĩa "tam dân" của nhà cách mạng Tôn Trung Sơn (Tôn Dật Tiên): Dân tộc, dân sinh, dân quyền, và họ quyết chí đạt cho được "tam dân" nầy, và họ đã đạt được, giờ đây họ trở thành một đảo quốc giàu có, tri thức, họ có đầy đủ "tam dân", phát triển "tam dân" mà không có nền tảng là đạo đức để nâng đỡ "tam dân" ấy, hậu quả là gì? Coi tin tức trên truyền hình, không giết người thì cướp của, chính phủ lên tiếng báo động đạo đức xuống cấp trầm trọng, cần phải làm lại từ đâu. Nhưng làm thế nào được, 100 kênh truyền hình phát sóng liên tục mỗi ngày 24/24 đủ thứ phim ảnh dâm loạn, chết chóc, cướp của giết người, mà ai coi cũng được, không hạn chế tuổi tác. Chỉ cần đóng tiền "rất rẻ" cho công ty truyền hình bắt một sợi dây "cáp" (cable) vào TV thì tha hồ mà coi. Coi các chương trình vui chơi của các nghệ sĩ thì quái... đản hơn nửa, tục tĩu chịu không nổi... nhưng đối với họ, thì đó là giãi trí văn minh theo kiểu Mỹ. Theo thống kê của bộ y tế Ðài Loan năm 1996, thì mỗi ngày có khoảng 36 ngàn vụ phá thai trên toàn quốc. Các ông nghị viên thì cãi nhau, có nên cho phép phá thai vào tháng 9 không? Tại sao lại tháng 9 mà không là những tháng khác? Bởi vì tháng 9 là tháng tựu trường, mọi học sinh, sinh viên đều đến trường, mà trong 3 tháng nghỉ hè, các cô cậu du hí với nhau, có bầu, thì phá bỏ để đi học chứ; có cô học sinh, sinh viên nào dám mang "cái trống" phía trước mà đi học, và có nhà nào nhận con dâu miệng còn hôi sữa? Rất giàu có, rất tri thức, rất dân chủ, nhưng không có căn bản đạo đức thì xã hội sẽ lộn tùng phèo, gia đình chẳng còn kỷ cương gì cả.
Người có đạo đức thì như cây cao bóng mát, ai cũng thích ngồi dưới gốc của nó mà nghỉ ngơi, hóng nát, sau khi làm việc mệt nhọc. Người không có đạo đức thì như cây gai nhọn, chẳng giúp ích gì cho xã hội, ai thấy cũng phải tránh.
Ðạo Ðức là nền tãng của Hòa Bình
Tri thức là chim bồ câu trắng trên nền tảng ấy ./.
Lm. Nhân Tài, csjb