Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

Linh Mục Juse Maria Nguyễn Nhân Tài, CSJB. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 
 

Cha Giảng Hay, Cha Giảng Dở

 

Có nhiều bạn trẻ không thích các linh mục già giảng, bởi vì các ngài thường hay giảng dài, giảng dai và giảng không thu hút cho lắm, hơn nữa các ngài thường hay "ôn cố quên tân", tức là các ngài thường hay lấy "sự xưa tích cũ" không ăn nhằm gì với Lời Chúa, để nói với lớp người của thời đại vi tính. Mà lớp trẻ bây giờ thì cần cập nhật hóa Tin Mừng, ứng dụng Tin Mừng vào trong vi tính, trong trái banh da, trong từng con số khó nuốt của bài toán cao cấp.v.v... và có khi, họ cũng nuốn đem Lời Chúa ứng dụng nơi các siêu thị, mà mỗi ngày họ tiếp xúc không biết bao nhiêu là loại người khó tính và... vui tính. Tóm lại, các bạn trẻ thích các cha giảng ngắn gọn mà thực tế, dễ dàng áp dụng trong cuộc sống. Tâm lý các bạn trẻ là như thế.

Nhưng cũng có các linh mục già, nhưng tâm hồn cùa các ngài thì không già tí nào cả, mỗi lần các vị ấy giảng, thì như có... lửa, làm cho cả nhà thờ thấp thỏm vì sợ bài giảng chấm dứt. Có một linh mục tuổi đã ngoài 70, nhưng khi nghe ngài giảng thì không ai biết ngài là người lớn tuổi, cứ mỗi lần cha sở chúng tôi mời ngài đến giảng tĩnh tâm cho họ đạo, là nhà thờ đều chật cứng, bởi vì ai cũng thích nghe ngài giảng, ngài giảng rất hấp dẫn, hùng hồn và đầy tính thuyết phục. Vậy thì, cha già hay cha trẻ đều có thể giảng hay như nhau, hay hoặc dở đều tại lòng mình mà ra cả.

Cha giảng hay, cha giảng dở đối với chúng ta không quan trọng, cho bằng mỗi người trong chúng ta có khiêm tốn đủ để nghe hay không mà thôi!

Nếu chúng ta đi dâng thánh lễ mà cứ như đi đến trường học, cố gắng học cho thuộc làu bài giảng của linh mục, để rồi phân tích phê bình, đánh giá, thì bài giảng của linh mục chẳng giúp ích gì cho chúng ta cả. Còn nếu chúng ta nghĩ rằng, tâm hồn của chúng ta là những mảnh đất (tốt hay xấu là tùy mỗi người) và Lời Chúa là hạt giống, thì chỉ cần một câu Lời Chúa nghe được nơi bài giảng của linh mục trong thánh lễ, cũng giúp cho chúng ta ăn ngay ở lành, sống đẹp lòng Thiên Chúa trong cuộc sống rồi vậy.

Có những bạn trẻ (và cả người lớn) đi dự thánh lễ, khi nghe đọc Phúc Âm xong, liền... ùn ùn kéo ra khỏi nhà thờ, ngồi nơi cổng nhà thờ, nơi ghế đá, nơi bậc cấp nhà thờ để nói chuyện... thời sự, hút thuốc hoặc... âu yếm ôm nhau, trong nhà thờ cha giảng mặc cha, cha giảng cha nghe, con cứ ngồi nói chuyện ngoài nhà thờ, không ảnh hưởng, không làm rộn đến ai, "huề cả làng". Nếu chúng ta -các bạn trẻ- có thái độ như thế khi đi tham dự thánh lễ, thì: một là chúng ta không hiểu tí gì về thánh lễ và ích lợi của thánh lễ; hai là chúng ta chẳng có tí gì là lịch sự với Chúa, với linh mục và với cộng đoàn; ba là chúng ta là những người tội nghiệp nhất vì cái... ngu của mình, ngu vì được mời gọi tham dự tiệc cưới Nước Trời, được nếm mùi vị thơm ngon của bánh trường sinh là Mình và Máu của Chúa Kitô mà lại không biết thưởng thức, bỏ đi ra ngoài phòng tiệc, thật đáng tiếc thay và cũng... ngu thay!

Bài giảng của linh mục, nếu chúng ta nghe không được hay cho lắm, xét cho cùng, cũng chẳng phải là dở như chúng ta nghĩ, thực ra, chỉ vì các linh mục có những người có tài lợi khẩu, ăn nói lưu loát, không vấp váp; thì cũng có những linh mục ăn nói không được lưu loát, lợi khẩu cho lắm, nên bị chúng ta cho là giảng dở mà thôi. Sáu, bảy năm ăn học tại Ðại Chủng viện, mà các ông bà ta ngày xưa gọi là trường lý đoán, vì ở đó, các ngài chỉ chuẩn bị duy nhất có một việc, đó là làm linh mục. Linh mục có nghĩa là người dẫn dắt các linh hồn, ngoài các môn học về Triết và Thần học, thì bài giảng cũng là một phần trong chương trình học, do đó, khi các ngài giảng, chúng ta đừng lo là lạc đạo, để rồi phân tích, phê bình, nhưng chỉ nên lo cho chúng ta có lãnh hội được Lời Chúa qua miệng các ngài giảng hay không mà thôi.

Cha giảng hay, cha giảng dở, cũng là "mối bận tâm" cho giáo dân nói chung, và cho các bạn trẻ nói riêng, đành rằng, các linh mục cũng có người khi giảng, thì đem tất cả tổng luận thần học của Thánh Tôma d 'Aquino mà mình đã học trong Chủng viện nói cho giáo dân nghe, làm cho họ nghe y như là nghe... tiếng lạ; đành rằng, cũng có các linh mục khi giảng, thì đem chuyện riêng tư cá nhân của ai đó ra mà nói cho cộng đoàn nghe; và cũng có một vài linh mục khi giảng thì... nói móc họng giáo dân, làm cho họ nghe mà thêm xa Chúa. Mặc dù có các linh mục có cá tính đặc biệt như thế, nhưng đó không phải là chuyện thường xuyên, ngày nào cũng như thế, mà đôi lúc trong việc coi sóc giáo xứ, các ngài đã bị những con chiên của mình quay lại... cắn mình, nên các ngài bực tức, tâm lý bị giao động chút ít, thế thôi. Ðó không phải là giảng hay, giảng dở, nhưng đó là những điều mà chúng ta cần phải thông cảm cho những vị mục tử của chúng ta, khi chúng ta nghe được như thế trong bài giảng của các ngài.

Vậy thì, thế nào là cha giảng hay? Có một lần, sau khi tham dự thánh lễ của buổi tĩnh tâm tại một giáo xứ lớn nọ, vừa ra khỏi nhà thờ, có một bạn trẻ đã nói với tôi:

- "Chà, hôm nay cha giảng hay tuyệt".

Tôi hỏi lại: - "Hay là sao?"

- "Cha giảng hay quá, em không thấy buồn ngũ chút nào!"

Ðó chưa phải là cha giảng hay, mà chỉ là cha giảng to tiếng, vui nhộn, cho nên không thể ngũ được mà thôi.

thế nào là cha giảng dở? Sau khi tham dự thánh lễ do một linh mục giáo sư Chủng viện nọ chủ tế và giảng, có một tu sĩ đã thốt lên một câu rất là không có văn hóa:

- "Giảng gì mà dở ẹt, lặp lui lặp tới hoài, tui giảng có lẽ hay hơn !"

Ðây không phải là giảng dở, lặp lui lặp tới không phải là giảng dở, mà vì chúng ta không lãnh hội nổi ý nghĩa của bài giảng, hoặc là chúng ta nghe mà cứ tìm những khuyết điểm của bài giảng mà phê bình hay, dở, thì làm sao mà nghe hay được chứ? Khi Chúa Giêsu giảng dạy cho dân chúng, ngoài những người nghèo khó, bệnh tật, người giàu có ra, thì có cả những người biệt phái, các thầy thông luật, chúng ta thử nhìn xem thái độ của họ sau khi nghe Chúa Giêsu giảng dạy: những người nghèo khó, bệnh tật và cả những người giàu có (như thu thuế Lêvi, Giakêu lùn.v.v...) thì vui vẻ đón nhận lời của Ngài mà không phê bình, không nói giảng hay, giảng dở, nhưng các ông đã thành tâm thiện chí nghe Chúa Giêsu giảng, và tâm hồn của các ông được đổi mới hoàn toàn. Trái lại, những người biệt phái, các thầy thông luật thì phê bình, bắt bí, hăm dọa Chúa Giêsu, tại sao vậy, thưa là vì họ kiêu ngạo, họ có thành kiến, họ nghe Chúa Giêsu giảng mà y như  là thầy giáo nghe học trò thi vấn đáp, chỉ mong tìm kẻ hở của Ngài mà bắt bí, mà chê bai nầy nọ, thì làm sao mà có thể lãnh hội được hết ý nghĩa cao sâu của bài giảng chứ?

Cha giảng hay, là khi chúng ta nghe mà cố ý lắng nghe cho được một câu Lời Chúa trong bài giảng, để đem theo bên mình trong cuộc sống đời thường, để mà sống, mà thực hành, mà giao lưu với những người mà chúng ta tiếp xúc, gặp gở, thì hạt giống Lời Chúa mà chúng ta nắm bắt trong bài giảng của linh mục, cứ đơm hoa kết trái, sinh sôi nẩy nở nơi những người khác chung quanh ta, thì mới nói được là cha giảng hay tuyệt.

Còn khi cha giảng mà chúng ta cứ nghĩ rằng, nói gì mà nói hoài nói mãi, thật nhàm tai. Mà không khiêm tốn nghe giảng, hoặc là nghe mà tỏ ý kiêu ngạo ta đây đã học qua rồi, hay ít nữa là đã nghe rồi, chán lắm, thì thật là tội nghiệp cho chúng ta vậy. Bởi vì, hạt giống Lời Chúa không thể nào đâm chồi nẩy lộc nơi những tâm hồn kiêu ngạo. Hơn nữa, bài giảng không phải là một bài diễn thuyết mà linh mục tìm các phương cách để biện minh, luận cứ cho bài thuyết trình, nhưng, bài giảng của linh mục là sự cắt nghĩa Phúc Âm vừa nghe đọc, và chia sẻ kinh nghiệm sống đạo cho mỗi tín hữu của ngài, để qua bài giảng của linh mục, các tín hữu hiểu rõ hơn về Lời Chúa, và đem áp dụng trong đời sống thường ngày của mình.

Tóm lại, cha giảng hay hoặc cha giảng dở, cách chung, không hệ tại linh mục giảng hay, giảng dở. Mà là do tâm hồn và thái độ của chúng ta khi nghe giảng như thế nào mà thôi. Nếu chúng ta cho rằng cha giảng hay, mà không đem cái hay ấy đi vào trong cuộc sống của mình, nghĩa là không thực hành cái hay của bài giảng trong cuộc đời thường, thì đó không phải là bài giảng hay cho chúng ta. Trái lại, nếu chúng ta nói rằng cha giảng dở, nhưng nếu chúng ta bỏ cái tôi kiêu ngạo của mình đi, để chú ý nghe một câu của bài giảng mà thôi, rồi ra về, hân hoan thực hành Lời Chúa mà mình đã nghe được, thì không nhừng là cha giảng hay, mà chúng ta còn thêm ơn ích bởi bài giảng ấy vậy. Mà ơn ích lớn nhất, chính là chúng ta tập tành được nhân đức khiêm tốn, là nền tảng của mọi nhân đức, thì lo gì mà không nên thánh chứ?

                                                                                Lm. Nhân Tài, csjb

 


Back to Home Page