Ngày 27.05.2002
Nghi Thức Truy Ðiệu
Có mấy người muốn đi tham gia lễ truy điệu của người một người bạn mới qua đời, nhưng không hiểu nghi thức truy điệu phải như thế nào. Có ông Giáp nọ nói với họ:
- " Tôi hiểu, các anh cứ theo tôi mà làm là được".
Mấy người ấy theo Giáp đến trước linh đường. Giáp phục trên chiếu cỏ hướng về phía người chết khấu đầu vái lạy, mấy người ấy chen chen lấn lấn người này sau lưng người nọ, cũng khấu đầu vái lạy.
Giáp dùng chân đá lui phía sau một chút, chửi nho nhỏ: "Ðồ ngớ ngẩn!"- Kết quả mấy người ấy cũng người này tiếp người nọ đá lui phía sau một chút, chửi nho nhỏ: " Ðồ ngớ ngẩn!"
(Tiếu lâm)
Suy tư:
Khổng tử rất coi trọng lễ nghĩa, ông nói:"Người ta mà chẳng có lòng nhân, làm sao mà thi hành lễ tiết?- Vậy muốn thi hành lễ tiết thì trước hết phải có lòng nhân. Người có lòng nhân là người biết phải biết trái, biết kính trên nhường dưới, biết đem hoà thuận đến cho mọi người.
Trong đời sống tâm linh, mỗi một tôn giáo đều có cung cách thờ tự khác nhau, màu sắc khác nhau, nhưng chung quy vẫn là phải có lễ tiết bên ngoài để bày tỏ tấm lòng thành bên trong của mỗi người đối với vị thần mà mình tin.
Người Kitô hữu không những chỉ lấy lòng tin để thờ lạy Thiên Chúa mà thôi, nhưng cần phải dùng lễ nghĩa là những cử chỉ bên ngoài để tỏ lòng cung kính với Thiên Chúa, nhất là qua Thánh Lễ và các lễ nghi của Giáo Hội Công Giáo. Có các Kitô hữu không hiểu tầm quan trọng của việc phụng tự của Giáo Hội, nên đã đơn giản đến mức coi thường về việc tham dự thánh lễ, họ giải thích rằng: đạo tại tâm, đi lễ làm gì!
Bởi vì suy nghĩ như thế, nên chúng ta không lạ gì khi họ thờ ơ với Thánh Lễ, và cũng không ngạc nhiên gì khi họ trở thành những người khích bác hàng giáo phẩm, chê bai lễ nghi này, nghi thức nọ, và cuối cùng thì mất đức tin.
Lý do, là bởi vì họ không nhìn thấy tình yêu của Thiên Chúa đang trãi dài trong vũ trụ, họ cũng không tiếp xúc được với ân sủng, vì họ không tham dự các bí tích, mà các bí tích là những lễ nghi cần thiết bên ngoài để được hưởng ơn cứu độ bên trong của Thiên Chúa, và ân sủng gia tăng ân sủng.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch và viết suy tư)