Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

Linh Mục Juse Maria Nguyễn Nhân Tài, CSJB. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 16.05.2002

 

Nước Dạ Lang Tự Ðại

 

Thời nhà Hán, ở tây nam bộ Trung Quốc có một tiểu quốc gọi là nước Dạ Lang.

Nước này chỉ lớn khoảng bằng một huyện của Trung Quốc.

Nhà vua nước này từ trước đến nay chưa hề đi qua một địa phương khác, nên cho rằng thiên hạ có to chi lắm thì cũng chỉ lớn bằng nước Dạ Lang mà thôi, bởi vậy nên thường đắc ý.

Có một lần, sứ giả của Hán triều đến thăm nước Dạ Lang, thế mà nhà vua không biết trời cao đất thấp, hỏi:

- "Hán triều và quốc gia của tôi, ai lớn hơn?"

Sứ giả chỉ cười cười, không tiện trả lời.

                                                                                (Hán thư)

 

Suy tư:

Cái tự đại của nhà vua nước Dạ Lang cũng giống như truyện con ếch ngồi đáy giếng nghĩ rằng: thiên hạ chỉ lớn bằng cái miệng giếng.

Người tự cao tự đại cũng giống như thế, họ nghĩ rằng sự hiểu biết của mình thì bao la, tài trí của mình thì vượt trên mọi người, chứ không biết rằng trong thiên hạ còn có người giỏi hơn mình trăm ngàn lần. Kiến thức có được là nhờ không ngừng học hỏi và nghiên cứu, kinh nghiệm có được là nhờ những lần thất bại chua cay, và có khi phải đổi bằng máu, do đó mới có câu nói: kinh nghiệm xương máu.

Tôi thấy có rất nhiều người trẻ mới ra trường, cũng thông minh học giỏi lắm. Hậu sinh khả úy. Thế giới phải tiến lên, đó là lẽ thường. Tôi cũng thấy có một số không ít những người trẻ khác mới ra trường, tài giỏi chẳng đến đâu, mai sau không biết có giúp gì được cho đời chăng, nhưng kiểu cách ta đây, thái độ kênh kiệu, chỉ biết chỉ trích, chê bai các bậc lớn tuổi đáng bậc... cha, ông của mình là cổ hủ, là lạc hậu và cho rằng quan niệm của các ngài là... xưa rồi, không hợp với thời đại!? Những người trẻ này đã quên mất rằng, một ngày nào đó mình cũng sẽ già đi, và cũng sẽ có những lớp trẻ đàn em khác chê bai mình là lạc hậu, là xưa hơn cả trái đất...

Cái xưa, cái lạc hậu chính là do tâm hồn của mình có sống phù hợp với tinh thần Bác Ái mà Chúa Kitô đã dạy dỗ mình không? Bởi vì tinh thần Bác Ái của Chúa Kitô thì muôn đời vẫn thế, chỉ có khác nhau về phương cách thực hành, cho nên nó đổi mới mỗi ngày, hợp với mọi thời đại.  Và tinh thần Bác Ái lớn nhất, gần gủi chúng ta nhất, chính là hết mình phục vụ, đến nổi giống như Chúa Giêsu, dám hy sinh mạng sống mình cho người mình yêu... Nếu mình không theo kịp, tức là không thực hành Lời Chúa, thì là lạc hậu, là... xưa như trái đất rồi chứ còn gì nữa.

Ếch ngồi đáy giếng là ở đó vậy !

 

                                                                                                                                      Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

                                                                                                                                                   (dịch và viết suy tư)

 

Back to Home Page