Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

Linh Mục Juse Maria Nguyễn Nhân Tài, CSJB. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 08.05.2002

 

Lời Can Gián Trong Cơn Mưa

 

Triều đại nhà Tần có một diễn viên cung đình rất giỏi mà nhỏ bé, tên là Ưu Chiên.

Có một lần, Tần Thuỷ Hoàng mở một đại yến tiệc, gặp lúc trời mưa lớn, các đại thần hò reo phấn chấn, vui vẻ, nhưng các vệ sĩ đứng bên ngoài bậc thềm lên xuống đài, thì lại bị mưa ướt hết, lạnh đến phát run.

Ưu Chiên nói với các vệ sĩ:

- "Nếu các anh muốn nghỉ ngơi, đợi lúc tôi hô lên một tiếng, các anh chỉ cần đáp ứng là được".

Một lúc sau, mưa rơi càng lớn. Ưu Chiên đứng nơi lan can lớn tiếng nói với các vệ sĩ:

- "Các vệ sĩ !"

Các vệ sĩ cùng nhau đáp: "Có mặt".

Ưu Chiên nói: "Mặc dù các anh tài nghệ rất cao, nhưng không được lợi lộc gì cả, lại còn đứng ngoài trời mưa. măc dù tôi sinh ra rất nhỏ con, nhưng lại có thể được nghỉ ngơi !"

Tần Thuỷ Hoàng biết Ưu Chiên thay các vệ sĩ mà nói, bèn ban chiếu chỉ ra lệnh cho họ thay phiên nhau mà nghỉ ngơi.

                                                                                                (Sử kí)

 

Suy tư:

Tần Thuỷ Hoàng là một ông vua bạo tàn, nhưng vẫn nghe lời can gián của kẻ bề tôi, như thế cũng đủ biết, để trở thành một người hoàn toàn vô lương tâm thì thật khó chứ không phải dễ dàng.

Khuyên bảo những bậc vị vọng, có chức quyền thì không như khuyên bảo trẻ em hay bạn bè thân thiết, bởi vì khi khuyên bảo trẻ em, bè bạn thì chúng ta thường hay dùng tình cảm chân thành mà khuyên, chứ không dùng đến lời lẽ văn hoa bóng bảy. Nhưng khi mở miệng khuyên bảo những bậc vị vọng, thì không những phải có tình cảm chân thành, mà còn dùng những lời lẽ ra sao cho hợp thời, đúng lúc, để họ không những nhìn thấy thiện chí của chúng ta, mà còn nhìn thấy sự tôn trọng họ trong lời nói và thái dộ của chúng ta.

Người có chức quyền càng cao, thì sĩ diện càng lớn, cái tôi càng bự, do đó mà họ thường cảm thấy "sốc" khi có người khuyên bảo họ, nhất là người đó là những thuộc hạ, bề tôi của họ.v.v... Chỉ có những người có tinh thần khiêm tốn của Phúc Âm mới vui vẻ khi được khuyên bảo, mà đã có tinh thần khiêm tốn thì đâu cần đợi người khác khuyên bảo góp ý, vì chính họ đã tự biết mình phải làm như thế nào rồi...

"Lạy Chúa, xin cho chúng con trước khi khuyên bảo ai, thì biết tự vấn mình trước và bàn hỏi với Chúa, để lời khuyên bảo của chúng con không làm cho người khác nổi giận và bị mặc cảm, bởi vì họ thấy ra được sự chân thành trong lời khuyên và thái độ khiêm tốn của chúng con..."

 

                                                                                    Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

                                                                                    (dịch và viết suy tư)

 


Back to Home Page