Ngày 04-05-2002
Lời Can Gián Giữa Tiệc Vui
Sau khi quân nước Sở triệt thoái, Tề Uy vương bày đồ nhậu phía sau hậu cung, mời Thuần Vu Khôn vừa đi sứ về cùng uống rượu. Tề Uy vương hỏi ông ta:
- "Ông có thể uống bao nhiêu mới say?"
Ðáp: "Cho thần tử uống một bát thật lớn cũng say, mà uống một cốc nhỏ cũng say".
Tề vương hỏi: "Ðó là vì duyên cớ gì?"
Thuần Vu Khôn trả lời:
- "Khi ngồi uống trước mặt đại vương, quan chấp pháp đứng một bên, viên kí lục đứng sau lưng, tôi rất sợ, uống không tới một bát lớn thì đã say".
"Nếu phụ thân có khách quý đến thăm, thì tôi đứng bên hầu hạ, khách thường đưa rượu uống thừa cho tôi, nhiều lần bưng rượu dâng rượu, uống không tới hai bát lớn thì đã say mèm".
"Nếu bạn cũ lâu ngày không gặp mặt, đột nhiên gặp lại, lòng dạ sảng khoái, kể chuyện tình bạn xa xưa, thổ lộ tâm tình, như thế uống 5, 6 bát lớn thì mới say".
"Nếu ở thôn làng có hội họp, nam nữ ngồi xen kẻ lẫn lộn, cùng nhau chuốc rượu uống, bịn rịn lưu luyến mãi không rời, lại còn chơi lục bát, ném bình, thi ghép đôi, tay kéo tay không chịu phạt, mày mắt không ngớt đưa tình. Trước mặt có cái vòng rũ xuống, sau lưng có cái trâm để mất, tôi thầm cho rằng, như thế thì rất vui vẻ, rượu uống đến 8 bát lớn, cũng mới chỉ có cảm giác say 2, 3 phần mà thôi".
"Trời tối, rượu uống đã đủ, ly chỉ dùng chung một cái, ngồi chật chật bên nhau, nam nữ cùng ngồi chung một manh chiếu, giày dép bỏ bừa bãi, ly rượu mâm trà ngỗn ngang bề bộn, trong sảnh đường thắp lên ngọn nến, chủ nhân tiễn đưa khách về, nhưng giữ tôi ở lại, nhẹ nhàng mở ra vạt áo trước đẹp đẽ, ngửi được mùi thơm nhè nhẹ, giữa lúc này tâm tình của tôi vui sướng tột điểm, có thể uống được một bể lớn rượu".
Cho nên tục ngữ có nói: "Rượu uống quá mức thì sẽ quấy rối, vui sướng quá độ thì sẽ hại tâm". Ngàn vạn sự việc tóm lại chỉ là việc ấy. Thật sự mà nói, hể việc gì quá đáng thì sẽ chuyển hướng suy tàn, cho nên dùng việc này để thuyết phục Uy vương vậy".
Tề Uy vương tán thưởng nói: "Nói rất đúng".
Bèn ra lệnh ngưng ngay việc uống rượu suốt đêm, trao cho Thuần Vu Khôn sứ vụ ngoại giao để làm chủ quản giữa các chư hầu.
(Sử kí)
Suy tư:
Thuần Vu Khôn đã trả lời rất đúng tâm lí của con người khi uống rượu: cao cao hứng, càng phấn chấn thì uống rượu càng nhiều mà vẫn không cảm thấy say xỉn, đến khi say thì trời sập đất rung cũng không biết.
Có tửu thì thường có sắc, người ta thường nói: tửu sắc - tửu là rượu, sắc là gái; nói đến việc uống rượu là phải có gái phục vụ. Do đó mà không lạ gì biết bao người đàn ông tan gia bại sản, danh dự tiêu tan cũng chỉ vì thích rượu và mê gái. Rượu vào thì lời ra, mà lời ra thì bao giờ cũng gây xích mích, bởi vì không có ai uống nhiều rượu mà nói ra những lời khôn ngoan.
"Rượu nồng sinh nhạo báng, men say tạo ồn ào,
kẻ nào vướng vào đó, đâu còn là người khôn" (Cn 20, 1).
Rượu là sản phẩm do con người làm ra và được Thiên Chúa chúc phúc, vì chính nó làm cho tâm hồn phấn khởi hân hoan. Nhưng rượu cũng làm cho con người trở nên sa đoạ nếu con người lợi dụng nó, bởi vì:
"Nhìn rượu làm chi : rượu màu đỏ hồng,
óng ánh trong ly rồi trôi xuống cổ.
Nhưng rốt cuộc, rượu như rắn cắn,
như nọc độc hổ mang..." (Cn 23, 31-32)
Rượu đau khổ là khi uống vào thì quên mất cả mình là ai, và khi tỉnh dậy thì tiêu tan cả danh dự và sự nghiệp. Ðó cũng là nguyên nhân để đi đến tù tội, gia đình bất hoà và thân tàn ma dại...
Rượu đem lại niềm vui, và rượu cũng đem lại sự đau khổ, chúng ta chọn loại rượu nào trong cuộc sống cho phù hợp với thân phận Kitô hữu của chúng ta?
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(dịch và viết suy tư)