Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng
của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
35- Mẹ Maria
1. Mối tình đầu của tôi
* "Ðây là Mẹ con!" Sau phép Thánh Thể, Chúa không thể trối gì hơn cho con. Mẹ đã đạp đầu con rắn. Mẹ sẽ giúp con chiến thắng ma quỷ, xác thịt, thế gian. Mẹ sẽ ban ơn cho con giữ vững lý tưởng cao cả Chúa đã đặt vào lòng con (ÐHV 913).
* Ðứa con có bệnh tật, xấu xí, người mẹ vẫn thương yêu. Dù con nguội lạnh, tội lỗi, phản bội, con hãy phó mình trên tay Mẹ. "Chúa Giêsu trối: Ðây là Mẹ con!" Nỡ nào Mẹ bỏ con (ÐHV 914).
* Lúc ngã sa, con hãy khiêm tốn, khóc lóc với Mẹ, vì con đã giết chết con Mẹ, Mẹ sẽ đón nhận con. Gioan Mẹ cũng nhận, người trộm lành, Mađalêna, Mẹ cũng nhận làm con Mẹ (ÐHV 915).
Từ thuở thơ ấu, thánh J.M. Vianney đã có lòng kính Ðức Mẹ cách đặc biệt. Hồi mới 8 tuổi, đi chăn chiên ở ngoài đồng, cậu Gioan đã biết khuyến khích các bạn quỳ gối và lần hạt trước ảnh Ðức Mẹ.
Gioan thường thi đua cuốc đất với anh cậu. Người anh thì lớn và khỏe hơn cậu nhiều, thế nhưng rốt cuộc lần nào anh ta cũng thua. Ðó là vì Gioan áp dụng chiến lược thần sầu quỷ khóc sau đây: Cậu lấy một bức ảnh Ðức Mẹ để ở đàng xa rồi cứ nhắm đấy mà cuốc, cuốc đến chân ảnh Ðức Mẹ, cậu lại dời ảnh Ðức Mẹ đi xa hơn... và cụ thể, cậu nhanh chóng đạt tới đích. Cậu nhìn Mẹ, làm việc với Mẹ, nên tươi vui phấn khởi tràn ngập linh hồn. Cậu vượt thắng anh, và sau này vượt thắng mọi sự với Mẹ.
Làm linh mục, Gioan Vianney lại càng tiến triển mạnh mẽ trong việc sùng kính Ðức Mẹ; ngài miệt mài hun đúc lòng cậy trông vào Mẹ trong các tâm hồn giáo dân xa gần đến xưng tội với ngài. Các ngày lễ Ðức Mẹ đối với ngài là những dịp hân hoan vui mừng nhất. Ngài thường khuyên giục con chiên dọn mình sốt sắng trước các ngày lễ ấy.
Ðặc biệt cha xứ Ars rất có lòng sùng kính Ðức Mẹ dưới tước hiệu Vô Nhiễm Nguyên Tội. Không ai sung sướng bằng ngài trong ngày Ðức Piô IX long trọng công bố Tín điều Ðức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội (8.12.1854). Sau khi được phép Toà Giám mục ngài lên thành phố Lyon, vào tiệm mua một bộ áo lễ hạng nhất, màu xanh da trời (ngài cho là màu hợp với Ðức Mẹ, nên phải xin phép riêng); trên nền mâu áo xanh ấy, người ta thêu những nụ hoa bằng kim tuyến óng ánh rất đẹp để thỏa lòng mến yêu của ngài dành cho Ðức Mẹ trong ngày lễ trọng đại tôn kính Mẹ.
Cha Trochu thuật lại rằng: có lần, giáo dân tò mò tụ họp ngoài phòng ngài, trên căn gác của nhà xứ, tình cờ nghe có giọng nói của một phụ nữ nào đó nói chuyện với ngài trong phòng. Họ ngạc nhiên lắng tai theo dõi và nghe ngài nói với bà này những nhu cầu của các linh hồn, gởi gắm nhiều kẻ tội lỗi cứng lòng, than thở. chuyện vãn rất là thân mật... Họ to nhỏ cùng nhau: "Cha sở mình nói chuyện với bà nào vậy hả?
- Ðời nào ngài cho phép phụ nữ lên phòng ngài trên gác? Nhưng đích thực là giọng phụ nữ mà! Lạ quá!
- Ừ! Lạ thực! Tôi cũng nghe rõ ràng giọng của người phụ nữ!
- Nội dung câu chuyện lại toàn là những việc đạo đức, cầu nguyện cho kẻ có tội...
- Mà đâu phải một lần với hai! Có người đã nghe như thế nhiều lần rồi. Thôi phen này mình thử đánh liều đứng đợi ở trước cửa phòng, chờ lúc cha mở cửa ra xem thử có ai không.
Khoảng nửa giờ sau, cánh cửa xịch mở. Cha Vianney bước ra, bất ngờ gặp ngay mấy ông trong giáo xứ đang đứng đợi.
- Chào các ông, có việc gì không? Chắc là xin sổ sách rửa tội, hôn phối chứ gì? Mời các ông vào...
Sẵn dịp tốt, các ông bước ngay vào, nhìn quanh nhìn quẩn một hồi cũng chẳng thấy bóng ai! Lạ thực! Mấy ông nhìn nhau lúng túng. Cha Vianney thấy vậy vội lên tiếng hỏi:
- Mấy ông cần cha giúp việc gì, cứ nói đi!
Một ông đánh bạo nói:
- Thưa cha, chúng con xin thú thực với cha, chúng con chẳng có việc gì cần cả, mà chúng con biết rằng nói dối với cha cũng chẳng xong. Thực ra, mấy lâu nay chúng con có nghe tiếng lạ nói chuyện với cha, mà hình như... người ấy là một phụ nữ! Chúng con biết cha rất thánh thiện trinh trong, không bao giờ cho đàn bà lên gác, thế mà chúng con lại nghe rõ ràng tiếng hai người nói chuyện. Lạ quá! chúng con quyết rình ngoài cửa lần này thì bị cha bắt gặp. Chúng con xin thú thực với cha.
Nghe xong, cha Vianney tỏ vẻ lúng túng, một đàng, ngài khiêm tốn chẳng muốn nói đến ơn trọng mình được, đàng khác, nếu không nói thì nhỡ ra mấy ông này xét đoán dông dài thì thật là bất tiện. Suy nghĩ giây lát, ngài dịu dàng bảo:
- Ðể các ông an tâm, cha xin nói thật với các ông: thỉnh thoảng cha được diễm phúc thấy Ðức Mẹ hiện ra nói chuyện với cha. Cha van xin Mẹ cho các tội nhân ăn năn trở lại, nhất là những kẻ khô khan nguội lạnh, tâm hồn hoang vắng từ lâu... Các ông hãy yêu mến Ðức Mẹ. Ðức Mẹ là mối tình đầu của cha! Nhưng xin các ông giữ kín đừng tiết lộ cho ai biết việc này.
- Chúng con xin vâng lời cha. Chúng con sung sướng quá vì chúng con đã được nghe tiếng Ðức Mẹ. Cha lại còn sung sướng hơn chúng con gấp vạn lần vì cha được gặp gỡ, hầu chuyện với Ðức Mẹ. Thật hạnh phúc biết bao!
* * *
Trước toà án giáo phận, lúc thẩm vấn các chứng nhân để lập hồ sơ phong thánh cho cha xứ họ Ars, họ đã đặt tay trên Phúc Âm mà thề nói tất cả sự thật. Họ đã thuật lại câu chuyện trên đây. Ngoài ra họ còn trình bày những chứng tích khác thật đơn sơ, cảm động:
- Chính chúng con đã nghe ma quỷ đập đánh cha thánh và gầm thét: "Tao đã bảo mầy biết bao lần, tại sao mầy kính mến cái bà ấy ẳm đứa bé trên tay (Ðức Mẹ bế Chúa Giêsu); vì bà ấy mà tao không hại được mầy! Tại sao mầy vâng lời thằng mặc áo tím (Ðức Giám mục)?... Chúng con đã hỏi lại cha xứ chúng con và ngài cũng đã xác nhận có như thế.
2. Thánh nào cũng kính Ðức Mẹ
* Mẹ làm gương ẩn dật khiêm cung nhưng đồng thời Mẹ luôn luôn hiện diện phục vụ; Mẹ không ra mặt, không lên tiếng, nhưng Mẹ hằng ở gần bên Chúa Giêsu: sống trọn vẹn cho Chúa và Chúa trong con (ÐHV 926).
* Chúa Giêsu đang tiếp tục sống và hành động trong Hội Thánh vì thế Mẹ Maria hiện diện trong Hội Thánh và trong con, Mẹ Hội Thánh và Mẹ con (ÐHV 927).
Mỗi vị thánh đều có những nét đặc thù hoàn toàn khác biệt nhau, "mỗi thánh mỗi thể" mà! Nhưng nếu ta nhìn kỹ, ta sẽ thấy tất cả các ngài cùng có một điểm chung: "Vị thánh nào cũng yêu mến Ðức Mẹ".
* Thánh Gioan Tông đồ thì kể từ giây phút Chúa trối dưới chân Thánh Giá, ngài đã đưa Ðức Mẹ về nhà mình và sống thảo hiếu với Mẹ.
* Thánh Bênađô nổi tiếng về lòng sùng kính Mẹ Maria. Người ta nói chính ngài đã đặt ra kinh "Hãy nhớ" (Lạy Thánh Nữ đồng trinh Maria...) Những câu cuối cùng trong kinh "Lạy Nữ Vương" cũng do ngài thêm vào vì lòng quá mến yêu Ðức Mẹ: "Ôi khoan thay! nhân thay! dịu thay! Thánh Maria trọn đời đồng trinh!".
* Thánh Anphongsô đã nhiệt thành rao truyền lòng thành kính Ðức Mẹ hằng cứu giúp và soạn một tác phẩm gồm 2 cuốn nhan đề là "Vinh quang của Ðức Mẹ" để cổ võ mọi người yêu mến Ðức Mẹ.
* Thánh Ða-minh lãnh nhận sứ mệnh phổ biến việc lần hạt Mân coi như là một phương thế hiệu nghiệm để cứu rỗi bản thân và thế giới.
Ngoài ra còn không biết bao nhiêu là vị thánh đã chép sách, đã cổ võ lòng sùng kính Ðức Mẹ cách này hoặc cách khác; đã được Mẹ hiện ra; đã lập các dòng tu nam nữ với tước hiệu của Mẹ...
Các Ðức Giáo Hoàng cũng luôn luôn nhắc nhở toàn thể Hội thánh phải yêu mến, cậy trông và bắt chước gương Mẹ. Như Ðức Piô V, Ðức Grêgôriô XIII, Ðức Clêmentê XI, Ðức Bênêdictô XIV, Ðức Lêô XIII đều xác nhận: nhờ ơn Ðức Mẹ mà Hội Thánh thoát khỏi nhiều cơn gian nan nguy hiểm không thể tưởng tượng được. Các ngài cũng thúc giục giáo dân lần hạt Mân côi, chạy đến cùng Mẹ trong hết mọi dịp.
Gần ta hơn Ðức Piô IX đã công bố Tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm ngày 8.12.1854. Ðức Lêo XIII lập tháng Mân côi (tháng 10) trong toàn thể Hội Thánh. Ðức Piô XI dạy xây một hang đá Lộ Ðức trong vườn Vatican và mỗi chiều ngài đều xuống dạo vườn đến trước hang kính viếng Ðức Mẹ. Ðức Piô XII thì do một sự quan phòng đặc biệt đã thụ phong Giám mục vào chính ngày Ðức Mẹ hiện ra lần đầu tiên tại Fatima (13.5.1917). Ngài đã tuyên bố Tín điều Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời ngày 1.11.1950. Chính chiều hôm ấy, ngài được xem thấy phép lạ mặt trời xoay vần ngay trên khung trời Vatican y hệt như ở Fatima. Ngài đã dâng loài người cho Trái Tim Mẹ và công bố Năm Thánh kính Ðức Mẹ (1945).
Ðức Gioan XXIII thì có ra một Thông điệp về việc sùng kính Ðức Mẹ (29.9.1961). Ngài đã đi đến tận Loretto, nơi tục truyền có nhà của Ðức Mẹ để cầu nguyện và phó dâng Công đồng Vatican II cho Ðức Mẹ.
Ðức Phaolô VI đã đích thân sang chủ toạ lễ kỷ niệm 50 năm Ðức Mẹ hiện ra tại Fatima (1917-1967), gặp chị Lucia. Ngài cũng đã ban hành một Tông huấn nói về việc Sùng kính Ðức Mẹ (Marialis cultus), đặc biệt nhấn mạnh về kinh Truyền tin, chuỗi Mân Côi và Kinh Cầu Ðức Mẹ.
Trong Hiến chế Tín lý về Hội Thánh, Ðức Phaolô VI và cùng các nghị phụ công bố Ðức Mẹ là "Mẹ Hội Thánh vào ngày lễ Ðức Mẹ dâng mình vào Ðền thánh 21.11.1964. Ngài cũng đã chọn ngày lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (8.12.1965) để bế mạc Công đồng Vatican II.
Ðức Gioan-Phaolô II là một "Tâm hồn Thánh mẫu". Nhìn lên huy hiệu của ngài, ta thấy trên nền xanh, chỉ có một Thánh giá và một chữ M (Maria) màu vàng núp ẩn dưới cánh thập tự, thực là đơn sơ và giàu ý nghĩa! Khẩu hiệu của ngài càng vắn tắt, thâm thúy và bộc lộ rõ ràng hơn nữa tâm hồn Thánh mẫu: "Totus Tuus", một khẩu hiệu rất khó mà diễn tả hết mọi ý nghĩa: "Tận hiến cho Mẹ, toàn thân thuộc về Mẹ, tất cả đều là của Mẹ..."
3. Tôi ước ao làm linh mục để giảng Mẹ Maria
* Muốn nên thánh, con hãy bắt chước trẻ thơ; nó không hiểu lý thuyết gì, nhưng nó nhìn mẹ nó, nó làm theo mẹ nó, nó tin mẹ nó biết tất cả, làm đúng tất cả. Nhìn Mẹ Maria, làm như Mẹ Maria, con sẽ nên thánh (ÐHV 918).
Ðầu tháng 7 năm 1897, bệnh phổi của chị thánh Têrêxa đã chuyển sang tình trạng trầm trọng, người ta phải đưa chị xuống nằm nhà liệt.
Mẹ Agnes rất xúc động khi đưa mắt nhìn lên căn phòng vắng lạnh của em Têrêxa, nghĩ rằng từ đây chị sẽ không còn trở lại phòng này nữa! Mẹ nói cùng chị:
- Mai ngày chị ra đi, mỗi khi ngang qua phòng này, vắng bóng chị, chúng tôi đau đớn biết là chừng nào!
- Ôi! Mẹ yêu quý! Con xin an ủi mẹ thế này: Mẹ hãy nghĩ con đang được sung sướng trên Nước Thiên đàng và hãy biết rằng một phần lớn hạnh phúc ấy con đã sắm chính tại đây.
Nhìn lên trời, Têrêxa nói tiếp:
- Bởi lẽ con đã phải đau khổ ở phòng này nhiều lắm. Con ước gì được chết tại phòng này!
Vào nhà liệt, Têrêxa nhìn cách âu yếm thiết tha lạ thường bức tượng Ðức Mẹ trưng bày ở đó. Chị Maria đã chứng kiến lần Têrêxa ngất trí, khi ấy hỏi Têrêxa rằng:
- Em nhìn gì thế?
- Thưa chị, chưa khi nào em thấy Ðức Mẹ đẹp quá thế này!... Nhưng lần này là tượng Mẹ, còn lần xưa, chị biết rồi, không phải là tượng đâu...
Một chiều kia, Têrêxa than thở:
- Ôi, tôi mến Mẹ Maria lắm! Giả như tôi là linh mục, tôi sẽ rao giảng về Ðức Mẹ dịu đàng lắm! Người ta cứ bảo Ðức Mẹ rất cao sang, không thể lui tới được. Phải chi cứ giảng rằng: Ðức Mẹ bình dân rất dễ bắt chước! Ngài là Mẹ hơn là Nữ Vương! Ðã có lần tôi nghe nói: Sự sáng láng của Mẹ che lấp các thánh như Mặt trời mọc lên lấn át các vì sao trên trời. Lạy Chúa! Sao lại kỳ dị như thế được? Người Mẹ lại nhẩn tâm lấn át sự vẻ vang của con cái mình ư? Tôi không thể nghĩ như vậy; tôi tin thật rằng Ðức Mẹ sẽ ban thêm sự sáng láng cho những con cái được về Thiên đàng. Ðức Mẹ đồng trinh. Cuộc đời Ngài đơn sơ, giản dị chừng nào! (ÐHV 911, 914).
Mà suốt cuộc đời ở trong Dòng, chị Têrêxa đã liên lỉ kết hiệp mật thiết với Mẹ Maria: các tập sinh thường ngạc nhiên vì thấy chị Giám tập Têrêxa thường đoán đúng ý mình. Chị Têrêxa tâm sự với họ:
"Bí thuật của chị là thế này: Không bao giờ chị nhắn nhủ với các em điều gì mà không cầu xin Ðức Mẹ soi sáng để biết phải bảo thế nào cho các em được ích lợi hơn. Chính chị lắm lúc cũng ngạc nhiên về những điều nhắn nhủ các em. Chị chỉ biết chắc điều này: khi khuyên các em điều gì, chắc chị không lầm, Chúa Giêsu dùng miệng lưỡi chị để nói cùng các em."
4. Phải hiểu sứ điệp thế nào?
* Mấy lời vắn tắt diễn tả cuộc đời Mẹ con; với tâm tình thánh thiện, hãy ghi vào lòng mà suy niệm và bắt chước: "Này con là tôi tá": Ecce. "Con xin vâng": Fiat. "Linh hồn con ngợi khen Chúa": Magnificat (ÐHV 920).
* Chuỗi Mân Côi là giây ràng buộc con với Mẹ, là cuốn phim kỷ niệm con đường hy vọng của Mẹ: âu yếm như Bêlem, khắc khoải như Ai Cập, trầm lặng như Nazareth, lao động như xưởng mộc, sốt sắng như đền thờ, cảm động lúc Chúa giảng, đau khổ bên thánh giá, vui mừng lúc Phục Sinh, tông đồ bên thánh Gioan. Tóm tắt lại, Chúa sống trong Mẹ, Mẹ trong Chúa, hai cuộc đời chỉ là một. Ðừng bỏ chuỗi Mân Côi Mẹ đã trao và nhắn nhủ con sống như Mẹ, với Mẹ, nhờ Mẹ, trong Mẹ (ÐHV 922).
* Mẹ có thể hiện ra nơi đô thị, giữa nhà chọc trời, trong các Vương Cung Thánh Ðường, cho các nhân vật quan trọng, các nhà thần học. Nhưng Mẹ đã chọn nơi hoang vu, núi đồi, xa vắng, với những người không ai thèm đến, đến những chỗ không ai muốn đến. Mẹ muốn con cũng đến với Mẹ (ÐHV 930).
* Con hãy tìm giá trị của một đời sống thiêng liêng, một linh đạo sâu xa nơi Mẹ Maria. Mẹ hoạt động, nhưng tất cả mọi cử chỉ và tư tưởng, dù vụn vặt nhất, cũng vì Chúa Giêsu, Mẹ không thể có một giây phút nào ngoài Chúa Giêsu được. Ðời Mẹ là một vực sâu vô tận của nội tâm; trong Mẹ, hoạt động và chiêm niệm không tách lìa: chiêm niệm giữa hoạt động, hoạt động do chiêm niệm (ÐHV 937).
Ðức Mẹ đã hiện ra nhiều nơi trên thế giới: Trà kiệu, La vang, La Salette, Trols-Rivières (Canada), Lộ Ðức, Fatima. Ở đâu Ðức Mẹ cũng là Mẹ nhân lành được Chúa ủy phái đến để nhắc lại cho đoàn con tình yêu của Chúa và lời kêu gọi của Chúa trước những khúc quanh lịch sử. Mẹ đến với con người trong tư cách là Ðấng "Ðồng Công Cứu chuộc".
Các trẻ em được thấy tường tận Mẹ Maria như Bênêđêta, Phanxicô, Giacinta và Lucia đã thay đổi hẳn cả cuộc đời, trở nên thánh thiện, tốt lành. Còn chúng ta, chúng ta cũng nhận được sứ điệp của Mẹ, tại sao chúng ta vẫn bê bối và nguội lạnh. Ðó là tại chúng ta hiểu sứ điệp của Mẹ một cách nông cạn, chủ quan:
1- Cải thiện đời sống: Là câu dành cho những người tội lỗi khốn nạn, chứ còn tôi, nếu tôi vẫn giữ đạo thì câu này đâu có đáng cho tôi quan tâm!
2- Tôn sùng Mẫu Tâm: Ðối với nhiều người là trung thành làm tuần cửu nhật kính Ðức Mẹ Hằng Cứu giúp, là chịu khó đi nhà thờ ngày thứ bảy, nhất là ngày thứ Bảy đầu tháng.
3- Siêng năng lần hạt Mân côi: Ðối với nhiều giáo dân là chịu khó lần chuỗi, được càng nhiều chuỗi càng tốt cứ nhắm mắt đọc cho hết 50 kinh Kính Mừng. Giữ đúng như thế là đã làm trọn sứ mệnh của Ðức Mẹ!
Nếu hiểu như vậy mà thoả mãn là hoàn toàn sai lạc, là một cách đón nhận sứ mệnh Mẫu Tâm hoàn toàn bề ngoài, dễ bị xuyên tạc hết sức.
Kỳ thực, sứ điệp của Mẹ, với những tiếng rất đơn sơ mà ý nghĩa rất sâu xa ấy là cả một đường lối tu đức, một chương trình cứu rỗi. Thiết tưởng chúng ta nên suy niệm và thực hiện sứ điệp của Mẹ Maria như sau:
* Cải thiện đời sống: Là làm cuộc cách mạng triệt để đối với bản thân, là một sự lột xác, là hy sinh những gì dù là nhỏ mọn đến đâu mà chẳng đẹp lòng Mẹ.
Cải thiện liên lỉ để nên giống Mẹ. Cải thiện để hiệp nhất với Chúa Giêsu Con Mẹ. Cải thiện để nên giống gương mẫu trọn lành là Chúa Giêsu.
* Tôn sùng Mẫu Tâm: Không phải chỉ kính mến Trái Tim Ðức Mẹ, làm việc sùng kính Mẹ ngày thứ Bảy đầu tháng, như thế quá dễ!
Tôn sùng Mẫu Tâm đích thực là yêu Mẹ, là quyết tâm tập các nhân đức của Mẹ, là kết hiệp với Mẹ liên lỉ, là tránh tất cả những gì làm phiền lòng Mẹ, là yêu mến Chúa Giêsu và thánh Giuse như lòng yêu mến của Mẹ là hăng say làm việc tông đồ để đưa mọi người đến với Chúa Giêsu nhờ Mẹ Maria.
* Siêng năng lần hạt Mân Côi: Không phải chỉ là lần hạt cho nhiều, nhưng chính là kết hiệp với Mẹ Maria để suy niệm và sống các mầu nhiệm của Ngôi Lời Nhập Thể, để cùng Tử nạn và cùng Phục Sinh với Chúa Giêsu.
Như thế, cuộc đời chúng ta nên một chuỗi Mân Côi sống, diễn tả lại các tâm tình của Chúa Giêsu trong cuộc sống hằng ngày.
Hiểu đúng đắn như thế thì sứ điệp Mẫu Tâm mới đạt tới mục đích mà Mẹ mong muốn: Ðó là một sự tận hiến cuộc đời để dấn thân thực hiện chương trình sống đạo thâm sâu mà Mẹ đã vạch cho người Công giáo giữa lòng xã hội hôm nay.
5. Lòng sùng kính Mẹ của Ðức Gioan XXIII
* Bất cứ chỗ nào con cũng noi gương Mẹ Maria, cho thế gian Chúa Giêsu. Ðiều kiện không phải là nơi chỗ, vì lần đầu tiên, trong chuồng bò, Mẹ đã cho các mục tử Chúa Giêsu. Ðiều kiện là con phải sống bác ái, hiệp nhất vì lúc ấy mới có Chúa Giêsu ở giữa con. Ðời con phải là một lễ Giáng Sinh liên lỉ, mang Chúa Giêsu đến cho mọi người (ÐHV 940).
* Con là tâm hồn trẻ muốn sống rất trung thực, con hãy bắt chước Ðức Mẹ; trong Ðức Mẹ không còn cái "tôi" nữa, tì vết của con người cũ không có. Ðức Mẹ vô nhiễm và đầy tràn Chúa đến nỗi không thể nói đến Mẹ Maria mà không nghĩ đến Chúa Giêsu (ÐHV 941).
Từ tuổi thanh niên, Ðức Gioan đã có một lòng sùng kính Ðức Mẹ tha thiết.
Lúc còn là Ðại chủng sinh, ngày 24.3.1903, thầy Roncalli đã viết: "Ngày mai lễ trọng Truyền Tin, các chuông trên khắp thế giới sẽ vui vẻ lặp lại lời Truyền tin Ave Maria đầu tiên. Các Thiên thần lặp lại với giọng dịu dàng, loài người đọc lại lời chào Ave Maria với giọng xúc cảm!
"Ôi Maria! Maria! giữa bao lời dâng lên mầng Mẹ tốt lành, dịu hiền, thánh hảo xin nghe tiếng con chào Mẹ: Ave Maria!"
Thực là tâm tình của một tâm hồn thánh mẫu đơn sơ, trong trắng, đọc lên nghe vừa âu yếm vừa dịu dàng như một lời thơ.
Ngày 1.5.1903, thầy Roncalli lại viết: "Người có tín ngưỡng đang khai mạc tháng Năm kính Mẹ Ngôi Lời nhập thể... Với tình con thảo, con đến dâng mình dưới chân Mẹ, đặc biệt trong tháng này, xin hiến bản thân và mọi hành động để xin ơn được mến Chúa Giêsu mỗi lúc càng nóng cháy hơn.
"Thêm nhiều lời nguyện tắt để giữ trí lòng tưởng nhớ và yêu quý Mẹ. Dâng hoa, dâng lời chúc tụng, việc đạo đức để xin Mẹ phù trợ là điều làm vui lòng Mẹ. Việc làm vui lòng Mẹ rất khả ái là tháng này tôi nổ lực, liên tục nhưng không căng thẳng, để làm mọi việc thường ngày theo luật một cách trọn hảo, bình tĩnh vui vẻ không cau có không bao giờ chán chính mình.
"Ôi Mẹ Maria, chính Mẹ đã sinh ra con, xin cho tâm hồn, tư tưởng và hành động con hằng noi theo Mẹ".
Qua những dòng vắn tắt nhưng thực là súc tích ở trên đây, ta thấy thầy Roncalli là một tâm hồn toàn hiến cho Mẹ. Trong suốt cả cuộc đời, từ ngày làm Giám mục, sau các bữa tối, ngài đều lần hạt chung ở nhà nguyện với mọi người trong nhà. Người cho biết đó là thói quen lành thánh mà ngài đã học được với Ðức Cha Radini- Todeschi và Ðức Hồng Y Ferrari ở Milanô.
Trên ngôi Giáo Hoàng, ngài đã nhiều lần khuyên bảo giáo dân kính mến Ðức Mẹ Maria, ngài đã chọn 11.10.1962 là ngày Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa để khai mạc Công đồng Vatican II.
Trước đó, vào ngày 29.9.1961, ngài đã công bố Thông điệp Mân Côi. Năm ấy, dù đã đến bát tuần, lại bận rộn chuẩn bị Công đồng Vatican II, nhưng do lòng sùng kính Mẹ thúc đẩy, ngài đã công bố Thông điệp về Mẹ với tâm hồn của một con thơ đối với Mẹ hiền. Sau khi công bố Thông điệp, ngài đã cho phép đăng tải bản văn đó chính tay ngài viết về mười lăm mầu nhiệm chuỗi Mân côi.
Vì nhiều người không có sách "Tâm hồn nhật ký" để có dịp đọc hết cả mười lăm mầu nhiệm, nên ở đây cha xin ghi lại Năm sự Vui để ít là các con có dịp hiểu phần nào tâm hồn Thánh mẫu của Ðức Gioan XXIII.
Nếu con là tâm hồn tận hiến trong Tu viện hoặc ở nhà mà có sách, tại sao thỉnh thoảng con không đem mười lăm mầu nhiệm do chính tay Ðức Gioan XXIII kính mến viết ra để suy ngắm lúc lần hạt? Cha đã làm và thấy rất hữu ích.
Năm sự vui
1. Truyền Tin:
Một biến cố quan trọng nhất của mọi thời đại. Ðiểm sáng chói nhất của sự hợp tác giữa đất trời.
Ngôi Lời tạo dựng mọi sự hoá thân làm người cứu rỗi nhân loại.
Maria Vô Nhiễm, hoa thơm đẹp nhất, đẹp nhất thụ tạo, đáp lời thiên sứ: "Này tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vâng" và lập tức cưu mang để làm Mẹ Thiên Chúa và làm Mẹ chúng ta.
Cao cả dịu đàng thay mầu nhiệm Truyền tin!
Phận sự chính yếu và liên tỉ của chúng ta là tạ ơn Chúa đã nhận làm người để cứu rỗi và làm Anh của các anh em đồng tử của Mẹ Maria. Khi nguyện mười kinh, ngoài sự tỏ lòng tri ân, sẽ xin ơn khiêm nhường, trong trắng thực sự, và lòng mến Chúa cao cả mà Maria là gương mẫu dịu dàng.
2. Thăm viếng:
Cuộc thăm viếng tốt đẹp. Cả hai cùng chờ ngày sinh con. Hai lời chúc tụng rất hoà điệu: "Em có phúc hơn mọi người nữ" vì "Chúa đã nhìn đến phận hèn tớ nữ, nên mọi thế hệ sẽ khen em có phúc" (Lc 1,42).
Từ đồi Ain-Karim, đã chiếu giọi một ánh sáng vừa cao siêu vừa nhân phàm, gương mẫu của gia đình sống mầu nhiệm Mân Côi. Ngày nay cũng có nhiều gia đình như thế; từ những gia đình này phát xuất nhiều ơn gọi làm linh mục, làm thừa sai, làm tông đồ trong mọi lãnh vực: sĩ, nông, công, thương.
Khi đọc mười kinh Kính Mừng, chúng ta xin được hoà hợp yêu thương, không những trong gia đình ruột thịt mà cả những anh em họ hàng, đồng bào và đồng loại.
3. Sinh Chúa ở Bêlem:
Thiên Chúa xuất hiện từ cung lòng vô nhiễm, nằm trong máng cỏ. Quanh Ngài là yên tĩnh, nghèo khổ, đơn sơ và trong trắng. Sau tiếng thiên thần chúc tụng, đến tiếng chúc tụng của mục đồng nghèo. Tiếp sau đó là sự viếng thăm của các nhân vật với những lễ vật quý giá. Ðêm Bêlem đó là đêm quốc tế.
Mọi dân tộc đã đến quỳ quanh máng cỏ, Chúa Hài Ðồng nhìn từng người thuộc các dân nước: Do Thái, Roma, Hy Lạp, Trung quốc, Châu Phi, các dân nước thuộc dĩ vãng, hiện tại và tương lai.
Qua mười kinh Kính Mừng, ta dâng toàn thể con trẻ được sinh ra trong vòng 24 tiếng trong ngày sinh chúng, dù được rửa tội hay không, vẫn thuộc về Nước Công lý Hoà bình của Chúa.
4. Dâng vào Ðền thánh:
Thánh Giuse có mặt trong khi Chúa Giêsu trên tay Mẹ xuất hiện giữa hai Giao ước, như là ánh sáng mạc khải của nhân loại.
Khi đọc mười kinh Kính Mừng, ta mừng cho Hội Thánh đang nẩy nở, với những chủng sinh và tập sinh nơi chủng viện, tu viện, trường thừa sai, đặc biệt là lớp tông đồ giáo dân đang lên. Hội Thánh vẫn lớn lên giữa bách hại, trong viễn tượng đầy khích lệ khiến ta thốt lên lời hân hoan.
5. Gặp lại Chúa trong Ðền thánh:
Dù theo dõi, dù chăm sóc, hai ông Bà vẫn lạc mất Chúa Giêsu, vất vã ba hôm mới tìm lại được, và gặp Ngài ngồi giữa các tiến sĩ, thưa hỏi khôn ngoan.
Chúa khôn ngoan vẫn ở giữa Hội Thánh. Hội Thánh hằng lắng nghe tiếng nói của thời đại, đáp lại cho cả một giáo thuyết khôn ngoan, và khiêm nhường hướng về tương lai tìm hiểu cách khoa học.
Qua mười kinh Kính Mừng, ta đặc biệt cầu cho những ai được gọi phục vụ sự thật, bác ái, sưu tầm, giảng dạy, truyền bá chân lý bằng phương tiện truyền thông, phương pháp thính thị. Cầu cho các nhà bác học, giáo sư, nhà báo, đặc biệt những thợ Phúc Âm biết noi gương Chúa, trình bày sự thật cách chân thành, không mưu mô giả dối".
Nếu không nói trước thì ai ngờ được những tư tưởng sâu sắc, mới mẻ này là của một cụ già 80 tuổi!
Con thử suy niệm xem có hay không.
6. Ðức Bà phù hộ các giáo hữu
* Muốn biết Mẹ con tốt đẹp chừng nào, con hãy nhớ Mẹ Chúa Ngôi Hai, cao cả, toàn năng: Phúc cho con chừng nào vì Ngài cũng là Mẹ của con. Nếu không phải Chúa Giêsu nói, con không thể hiểu được (ÐHV 917).
* Ðọc kinh cầu Ðức Mẹ là sách đơn sơ Hội Thánh dạy con hiểu và nhớ các tước hiệu, quyền năng, nhân đức, lòng yêu thương của Mẹ con; càng nhìn Mẹ, con càng sung sướng, hy vọng cho số phận con đang chiến đấu vất vả và con kêu Mẹ như trẻ thơ: "Cầu cho chúng con! Cầu cho chúng con!" (ÐHV 919).
* Con trào trào nước mắt đến với Mẹ, an ủi kẻ âu lo, con đau khổ ê chề, đến với Mẹ phù hộ các giáo hữu, con tội lỗi ngã sa, đến với Mẹ bầu chữa kẻ có tội và chính con, hãy trở thành một Maria khác, để đón tiếp mọi người đến trú ẩn và con cũng sẽ là nguồn sống, là an vui, là hy vọng của anh em (ÐHV 935).
Thánh Gioan Boscô có lòng kính mến Ðức Mẹ dưới danh hiệu "Ðức Bà phù hộ các giáo hữu". Bất cứ việc gì của riêng ngài, của nhà dòng ngài sáng lập, của Toà Thánh hoặc của kẻ khác đến xin ngài cầu nguyện, giúp đỡ, ngài luôn luôn trả lời bằng câu: "Chúng ta hãy cầu nguyện cùng Ðức Bà phù hộ các giáo hữu".
Sống trong thời đại bè Tam điểm hoành hành dữ dội tại Ý, cha Boscô là một trở ngại, là kẻ thù đệ nhất của chúng. Công việc của ngài làm, sách báo do ngài viết, ảnh hưởng của ngài trên giới trẻ... tất cả đều làm cho hỏa ngục và tay sai của nó căm thù ngài cách đặc biệt.
Ðể thoả lòng sùng kính Ðức Bà phù hộ các giáo hữu và để giải quyết nhu cầu của giáo dân, ngài đã khởi công xây một ngôi thánh đường dâng kính Ðức Mẹ ở Torinô. Công việc đang tiến hành cách tốt đẹp, mọi người đều phấn khởi nô nức chờ đợi ngày khánh thành... thì bổng một đêm kia, trời quang gió lặng, người ta nghe một tiếng ầm như sét nổ: ngôi thánh đường sắp khánh thành trong phút chốc đã trở thành đống gạch vụn! Sáng hôm sau, mọi người đều tiu ngỉu, buồn phiền, cha Boscô cũng không khỏi âu sầu khi biết mình đang trong cảnh túng thiếu, lấy tiền đâu mà xây dựng lại? Ngài suy nghĩ trong chốc lát rồi nói: "Ma quỷ muốn phá công cuộc của tay Mẹ, chúng ta đừng nản lòng, cứ tiếp tục! Hãy tin tưởng nguyện cầu của Mẹ..." Và thật thế, một thời gian sau, công việc được tiến hành lại một cách đều đặn, và ngôi thánh đường đã hoàn thành.
* * *
Nhiều công việc bận rộn khiến cha Boscô phải đi sớm về khuya. Mọi người đều tỏ ý lo ngại, sợ ngài bị kẻ thù ám hại. Mỗi lần như thế, ngài đều vui vẻ trả lời: "Có Ðức Mẹ! Có Ðức Mẹ! " Và điều con cái ngài nơm nớp lo sợ thực sự đã xảy đến: Mấy lần ngài bị chúng thuê bọn du đảng chận đánh, nhưng lần nào ngài cũng thoát nạn. Tại sao?
Ðây là một trường hợp điển hình: Tối ấy cha Boscô đi qua một khu phố hoang vắng, bổng chốc từ trong một gốc đường, mấy bóng đen nhảy ra, lấy một cái bao tải chụp lên ngài:
- Phen này mày đã chết chưa? Bọn tao đã cảnh giác mà mày không nghe!
Chúng nó mới đấm đá được vài cú thì một con chó xam xám thực lớn không biết từ đâu nhảy tới, vồ lên cắn xé bọn chúng rất dữ tợn: đứa thì bị thương trên đầu, đứa chảy máu ướt cả cánh tay, đứa thì rách hết quần áo... Khiếp sợ quá, chúng bèn thả ngài ra và lớn tiếng kêu cứu: "Cha Boscô ơi, cứu chúng tôi với! Nó cắn chết chúng tôi bây giờ!" Cha Boscô vùng vẩy thoát ra khỏi bao tải và gọi đại con chó "xam xám" Con chó bổng trở nên hiền lành, ngoắc đuôi chạy lại đứng cạnh ngài. Mấy chú du đảng một phen hú hồn, đâm đầu chạy trối chết. Con chó xám đưa cha Boscô về tận nhà rồi biến mất. Từ đó về sau, mỗi khi đêm đến, ngài có chuyện phải đi đâu xa nhà, thì con xám lại xuất hiện đi kèm một bên, hễ ai động đến ngài nó liền vồ lên cắn xé khủng khiếp. Và khi ngài đã về đến nhà yên lành thì không thấy bóng dáng nó nữa. Phần cha Boscô, tử ngày con xám xuất hiện, vẫn thản nhiên điềm tĩnh. Ai bàn đến chuyện con xám, ngài chỉ trả lời: "Hãy trông cậy Ðức Bà phù hộ các giáo hữu".
* * *
Một cậu thanh niên học trò của cha Boscô bị ốm nặng. Cậu van nài gia đình tìm cho kỳ được cha Boscô để cậu xưng tội với ngài. Nhưng rủi thay, hôm ấy cha Boscô lại đi vắng. Khi được tin khẩn, ngài trở về thì cậu đã qua đời. Gia đình cậu ta vô cùng đau đớn, khóc lóc thảm thiết trước mặt cha Boscô. Ngài bình tĩnh sốt sắng quỳ bên thi hài cậu thiếu niên và tha thiết cầu xin cùng Ðức Bà phù hộ các giáo hữu.
Lạ lùng thay! Một lúc sau bỗng nhiên, cậu thiếu niên bắt đầu động đậy. Cậu mở mắt nhìn quanh, rồi ngồi bật dậy. Cậu vui mừng ôm lấy cha Boscô và sốt sắng xưng tội với ngài. Cha con tâm sự một hồi lâu trong bầu khí thân mật, âu yếm. Ngài cho cậu rước Mình Thánh Chúa rất sốt sắng. Sau đó, cha Boscô để cậu nói chuyện vui vẻ với gia đình. Trong câu chuyện, cậu thuật lại một cách vui tươi: "Bố mẹ à, đáng nhẻ ra con phải mất linh hồn vì con đã chết đi khi trong lòng còn mắc tội trọng. Con đã trông thấy hoả ngục: thật vô cùng khủng khiếp! Vừa trông thấy ma quỷ và các linh hồn khốn nạn bị giam cầm trong đó, con hãi hùng quá đỗi! Nhưng may có lời cầu nguyện và công nghiệp cha Boscô của con, Ðức Bà phù hộ các giáo hữu đã xin Chúa cho con được khỏi án phạt đời đời và sống lại đợi đến lúc cha Boscô trở về để xưng tội chịu lễ".
Cha Boscô đợi cậu nói chuyện một hồi lâu rồi nhẹ nhàng hỏi:
- Con đã được dọn mình sẵn sàng, con đã được gặp mặt gia đình vui vẻ, bây giờ tùy ý con, con muốn sống hay muốn lên Thiên đàng?
- Thưa cha, nếu sống, nhỡ con sa ngã mất lòng Chúa thì mất tất cả. Giờ đây con rất hạnh phúc, con ước ao được về Thiên đàng để ở bên Chúa và Mẹ Maria.
Cậu ôm hôn giả biệt cha Boscô, cha mẹ và gia đình rồi nằm xuống nhắm mắt an nghỉ. Cha Boscô cùng toàn thể gia đình quỳ gối cảm tạ ơn Ðức Bà phù hộ các giáo hữu.
7. Mariapolis và Opus Mariae
* Lòng con rộng bao la, nhưng túi con có giới hạn, chỉ có một món quà con còn có thể cho luôn, một quà tặng thỏa lòng con, một quà tặng quý không ai có thể mua nổi, một quà tặng tốt không gì sánh bằng: hãy cho họ Chúa Giêsu như Mẹ Maria (ÐHV 934).
Chị Chiara Lubich là người sáng lập ra phong trào Focolare vào năm 1943. Lý tưởng chị đề ra là: "Hiệp nhất mọi thành phần của nhiệm thể". Với một lòng mến yêu Ðức Mẹ tha thiết, và dần dần men theo sự phát triển của phong trào, chị đã đặt thêm cho nó một cái tên xinh đẹp: "Công trình của Mẹ" (Opus Mariae) và các cuộc đại hội hằng năm của phong trào được gọi là "Ðô thành của Mẹ Maria" (Mariapolis), vì đó không phải là những cuộc đại hội để đọc tham luận hoặc để bàn cải, nhưng là một nơi mà mọi người đều tràn ngập tình thương mến lẫn nhau như ở trong căn nhà của Mẹ Maria vậy.
Biết bao lần người ta nghe chị Chiara Lubich nói lên nhiều điều tốt đẹp về Mẹ. Ở đây cha xin ghi lại cho các con một vài mảnh vụn, tư tưởng xinh tươi về Mẹ Maria đã được chị Chiara Lubich viết ra đó đây:
* Không phải để hát Magnificat
"Ðức Trinh nữ Maria đi đến nhà bà Isave không phải để hát kinh Magnificat (Linh hồn tôi ngợi khen Chúa) mà là để giúp đỡ bà chị họ. Ta cũng thế, ta đừng đi đến với người khác để phô bày kho tàng trong quả tim ta, nhưng để cùng vác gánh nặng những khổ đau của họ và chia sẻ niềm vui cũng như trách nhiệm của họ.
"Như thế là hành động tốt đẹp. Vả lại cũng sẽ đến giờ ta mở rộng lòng ta cho người anh em để chia sẻ cho họ sự giàu có đích thực của ta và cùng nhau yêu mến Ðấng đã thúc giục ta nhìn nhận và đối xử với nhau như là anh em ruột thịt".
* Cuộc cách mạng lớn lao nhất trong lịch sử loài người, lối phản chứng trung thực nhất, Mẹ Maria đã làm với Chúa Giêsu, trong chính mình, không đập đổ, không tiêu diệt, không đến để phá lề luật, nhưng để hoàn thành lề luật, nhưng đã hy sinh để giây phút lịch sử được thực hiện: Tân Ước đã được thiết lập, thay thế Cựu Ước (ÐHV 938).
* Con thích phiêu lưu, hãy bước theo đời Mẹ là "một cuộc hành trình phiêu lưu trong đức tin", chỉ biết phó thác mọi sự trong tay Chúa, và tiến đi, dù máng cỏ, dù Ai Cập, dù Nazareth, dù Golgotha, cứ tin và đi. Phiêu lưu vô cùng bảo đảm (ÐHV 939).
* Với Mẹ Maria
"Khi các môn đệ tụ họp quanh Mẹ Maria, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trên họ cách mãnh liệt và họ bắt đầu nói lên lời hằng sống với sức mạnh phi thường, rung chuyển ngàn vạn tâm hồn khiến họ quyết tâm theo Chúa Giêsu, Hội Thánh khởi đầu như thế...
"Với Mẹ Maria là sự hiện diện của tình yêu, một tình yêu mới mẻ. Nếu người Kitô hữu biết yêu nhau như có Mẹ Maria giữa chúng ta, thì tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ hiểu rõ hơn Lời Chúa do các Ðấng kế nghiệp các Tông đồ rao giảng. Lời Chúa sẽ thấm sâu vào lòng ta và làm nổ tung quanh ta cuộc cách mạng Kitô hữu. Phải nói thẳng ra rằng nhiều người mang danh nghĩa là Kitô hữu để ngủ, để chơi, để mất giờ theo văn thư chuyện không quan trọng, đang lúc ấy cuộc cách mạng của hận thù đang xâu xé thế giới..."
* Nỗi đau khổ càng gia tăng khi cảm thấy mình bất lực; dưới chân thánh giá, Mẹ nhìn con thân yêu, Mẹ bất lực hoàn toàn; càng yêu thương, lòng Mẹ càng tan nát. Nhưng Mẹ đứng vững, để Mẹ ấp ủ con những khi con cảm thấy bất lực trước đau khổ (ÐHV 944).
* Dưới chân thánh giá, con thấy Mẹ Maria đạt đến mức độ anh hùng của mọi nhân đức: hiền lành, khiêm nhượng, thinh lặng, nhẫn nại, tin tưởng, cậy trông, yêu mến (ÐHV 945).
* Cuộc Tử nạn của Mẹ Maria
"Chúng ta ít suy ngắm về sự thương khó của Mẹ Maria quá! Chúng ta ít suy niệm lưỡi đòng đã đâm thâu trái tim Mẹ, ít nhớ đến cái cảm tưởng kinh khủng như bị bỏ rơi của Mẹ trên Núi Sọ, khi Chúa Giêsu trao Mẹ lại cho một người khác...
"Có lẽ bởi vì Mẹ Maria đã khéo léo ẩn che nổi đau thương của mình, đã giấu cơn hấp hối khốn khổ của mình trong dịu hiền ánh sáng, trong thinh lặng. Ðối với ta, Mẹ là Ðấng Vô nhiễm, là Mẹ đẹp xinh, là Mẹ Chúa Giêsu, đúng thế! Nhưng ta ít nhớ Mẹ là Mẹ chịu đóng đinh, mặc dù không có sự đau đớn nào bằng sự đau đớn của Mẹ.
"Nếu ngày nào đó, lúc sự đau đớn của ta đến cực độ, lúc cả con người của ta vùng vẫy cuồng loạn, vì chính kết quả của sự đau khố của ta hình như bi rút khỏi tay ta, cắt lìa khỏi lòng ta, giây phút ấy, ta hãy nhớ đến Mẹ.
"Vì nhờ sự khổ nạn ấy mà chúng ta nên giống Mẹ phần nào, vì nhờ đó mà hình ảnh Mẹ Maria in rõ hết vào tâm hồn ta. Mẹ là Mẹ toàn xinh, là Mẹ của mọi người vì do ý Chúa, Mẹ đã phải chia lìa khỏi mọi người và nhất là chia lìa khỏi Con yêu dấu Mẹ (nhờ hy sinh chịu phân ly như vậy mà Mẹ lại càng gần gũi ta hơn, làm Mẹ yêu thương ta hơn).
* Ðức Mẹ hoàn toàn sống cho Chúa Giêsu, sứ mạng của Mẹ là đồng công cứu chuộc với Chúa Giêsu. Tất cả vinh danh của Ðức Mẹ là do nơi Chúa Giêsu. Ðức Mẹ không là ai cả, nếu con không phải là Chúa Giêsu, nếu cả đời Ðức Mẹ không phải là cho Chúa Giêsu. Ðời con không là gì cả nếu tách lìa Chúa Giêsu (ÐHV 936).
* Sống lại cuộc đời Mẹ Maria
".. Làm sao sống lại cuộc đời của Mẹ Maria? Hãy trao tặng cho thế gian Chúa Giêsu đang hiện diện trong ta, đang hiện diện trong cộng đoàn của ta nhờ đức ái. Sống lại cuộc đời của Mẹ là phục vụ Hội Thánh, phục vụ đúng mức những kẻ giờ đây, giữa chúng ta, đang đại diện Chúa Kitô và thánh Phêrô, nghĩa là Ðức Thánh Cha và các Giám mục..."
* Sự hy sinh toàn hiến của Mẹ càng cao quý khi Mẹ phó thác cho Chúa trọn vẹn; đi ngược lại với ước nguyện của các thiếu nữ thời ấy. Mẹ đã quyết sống đồng trinh. Chúa đã ban cho Mẹ cả hai: vừa đồng trinh vừa làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ nhân loại (ÐHV 933).
* Ðây là Mẹ con
"Chúng ta hãy xưng đạo làm con đối với Mẹ, không phải chỉ để ca ngợi và noi gương Mẹ, nhưng để giúp Mẹ, chia sẻ những cuộc chiến đấu, những công việc của Mẹ, tuân theo ước muốn của Mẹ. Làm con Mẹ là chịu đau khổ và chiến đấu trong các cuộc chiến mà Mẹ chỉ huy ở trần gian qua các thế kỷ. Thánh Kinh đã giới thiệu với thế giới: Mẹ là Ðấng đã đạp nát đầu con rắn.
"Ta phải sống xứng tình hiếu thảo đối với Mẹ, chu toàn vượt mức trách nhiệm của ta, đến mức độ mà ta coi tất cả thao thức của Mẹ đối với nhiều đứa con hoang đàng của Mẹ như chính là nổi âu lo của chúng ta, đến mức độ mà ta nên như những cánh tay nối dài của Mẹ để làm lành giữa trần gian, đến mức độ mà người ta cũng có thể nói về chúng ta: "và từ lúc ấy môn đệ đem Bà về nhà mình".
8. Lòng sùng kính Mẹ chân chính
* Ðức Mẹ thiếu tất cả những gì trần gian cho là hạnh phúc. Ðọc kinh "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa", con thấy Mẹ như một vực sâu "thấp hèn", "tôi tá", "người hèn mọn", "người đói khát". Nhưng Chúa đã nhìn đến vực thẳm ấy và với lòng thương xót, đã làm cho Mẹ "đầy ơn phước", nghĩa là đầy ơn Chúa (ÐHV 931).
* Không Thiên Chúa, con hoàn toàn trống rỗng, cô đơn, khốn nạn. Mức độ sung mãn hạnh phúc của con người con tùy mức độ con liên lạc với Thiên Chúa. Mẹ Maria hoàn toàn hướng về Thiên Chúa; Ngài thấy Mẹ là thụ tạo toàn hảo như ý Ngài. Mọi sự tốt đẹp của Thiên Chúa biểu lộ cách trong sáng nhất trong Mẹ (ÐHV 942).
* Mẹ Maria là hiện thân của sự nghèo khó; Mẹ sống nghèo cách tự nhiên vui vẻ; Mẹ yêu mến cuộc sống nghèo, vì lòng Mẹ giàu, kho tàng Mẹ lớn; Mẹ nghèo nhất, Mẹ đẹp nhất, vì Mẹ đẹp với vẻ đẹp của Chúa Giêsu. Có gì nghèo bằng thiên nhiên, mà lại đẹp như thiên nhiên: từ ái như mặt trăng, rực rỡ như mặt trời, óng ánh như hạt sương, dễ thương như chim sẻ, thơm tho như cành huệ nơi thanh vắng (ÐHV 943).
Nói đến lòng sùng kính Mẹ Maria, chúng ta không thể không nhắc đến thánh Louis de Montfort (1675-1716). Ngài đã rao giảng lòng sùng kính Mẹ suốt đời, Giáo thuyết của ngài về Maria đã được cô động lại trong một cuốn sách mang tựa đề thật đẹp "Sách vàng" (Livre d'or) trong đó gồm các tác phẩm:
- Bí quyết nên thánh.
- Sùng kính chân chính.
- Phụ lục: chuẩn bị tận hiến và bảy đề tài học tập.
Tuy cuốn sách đã chào đời năm 1712, nhưng ngày nay đối với chúng ta vần là một đường lối sùng kính Mẹ Maria căn bản và thiết thực. Ở đây chỉ nhắc lại một vài điểm thiết yếu của tinh thần thánh Montfort:
Bảy hạng người và bảy lối đạo đức giả trong việc tôn sùng Ðức Mẹ
1- Hạng ưa kích bác:
Viện cớ đả phá những lợi dụng quá đáng, họ làm cho dân chúng rời xa sự tôn sùng Mẹ Maria một cách có hiệu quả.
2- Hạng quá thận trọng:
Họ quan niệm rằng tôn sùng Mẹ là làm kém thể diện Chúa Giêsu. Nhưng có lúc nào Chúa được vinh danh cho bằng lúc ta tôn sùng Mẹ?
3- Hạng tôn sùng bề ngoài:
Lần nhiều chuỗi, xem nhiều lễ, thích rước kiệu, vào các hội đoàn nhưng không noi gương Mẹ, tật xấu không chừa, lúc hết cảm hứng thì phế bỏ tất cả.
4- Hạng tự phụ đạo đức:
Họ xưng mình là con Ðức Mẹ, có lần chuỗi, làm tuần cửu nhật, ăn chay ngày thứ bảy, vào hội Mân Côi, mang áo Ðức Bà, mang ảnh Ðức Mẹ, nhưng cứ chấp nê trong tình trạng tội lỗi, không kể tiếng lương tâm; họ lạm dụng lòng tôn sùng Ðức Mẹ để tiếp tục phạm tội.
5- Hạng bấp bênh:
Họ không bền vững, lúc làm, lúc bỏ, lúc sốt sắng, lúc nguội lạnh, không phải là con trung tín của Mẹ. Tốt hơn đừng làm những việc sùng kính Mẹ lúc thái quá, lúc bất cập, nhưng phải trung kiên bất chấp ma quỷ, xác thịt, thế gian.
6- Hạng đạo đức giả:
Bên ngoài giả hình sốt sắng kính mến Ðức Mẹ, nhưng để che dấu tội lỗi bên trong, làm cho người khác lầm tưởng rằng họ là người tốt.
7- Hạng vụ lợi:
Chạy đến với Mẹ chỉ khi nào túng bấn cầu xin ơn, đòi nợ, thi đỗ, lành bệnh hay vì nhu cầu nào khẩn trương hơn. Ðược ơn rồi là phủi tay bỏ Mẹ, xa Chúa.
* Năm cách tôn sùng đích thực
1- Tôn sùng thiết thực:
Thành thực trong tâm hồn, trong trí khôn, trong hành động, trong gia đình cũng như ngoài xã hội, luôn tỏ ra xứng đáng là một người con, một người chiến sĩ của Mẹ.
2- Tôn sùng tha thiết:
Như con thơ trên tay Mẹ hiền. Qua mọi biến cố bên ngoài cũng như bên trong, liên lỉ kết hợp với Mẹ, cầu cứu với Mẹ, không sợ phiền Mẹ, phó thác tất cả cho Mẹ.
3- Tôn sùng thánh thiện:
Cùng với việc tôn sùng Mẹ bên ngoài, trong lòng dứt khoát với tội lỗi và thực thi các nhân đức của Mẹ: khiêm tốn sâu xa, tin tưởng mãnh liệt, vâng lời triệt để, nguyện cầu liên lỉ, hy sinh trong mọi việc lớn nhỏ, trong trắng trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Mến Chúa Giêsu và thánh Giuse tha thiết.
4- Tôn sùng bền đỗ:
Mặc dù có lúc yếu đuối, có hồi chán nản vì bị người ta phi bác là mình sống khác với kiểu cách tư tưởng trần gian, nhưng vẫn biết chỗi dậy, biết đứng vững trong đàng trọn lành. Không mến Mẹ theo tình cảm. Kính yêu Mẹ vì đức tin sắt đá.
5- Tôn sùng vô vị lợi:
Chân thành yêu mến Mẹ không phải để có lợi cho mình, để được phúc trần gian hay phúc thiên đàng, nhưng chỉ vì thấy Mẹ đáng mến và vì muốn phục vụ Chúa Giêsu trong Mẹ thôi. Hễ phục vụ tất nhiên sẽ được phúc thiên đàng. Dù buồn chán, khô khan, gặp thử thách, vẫn yêu mến Mẹ. Hạng vô vị lợi này thật khó tìm. Thánh Montfort viết: "Cũng vì để hạng sùng kính Mẹ vô vi lợi này được thêm nhiều lên, tôi mới viết lại những gì tôi đã trình bày trong các tuần đại phúc khắp nơi trong bao nhiêu năm trời".
* * *
Tận hiến cho Mẹ
Theo thánh Montfort, lòng thành thực sùng kính Mẹ phải đi đến tột đỉnh là tận hiến cho Mẹ.
Ngài viết: "Tôi đã nói: Ðiểm chính của đời tận hiến là làm mọi việc với Mẹ, trong Mẹ, nhờ Mẹ và vì Mẹ. Vào hội tận hiến, mỗi ngày đọc đôi kinh, việc đó không có chi là khó cả; đi sâu vào tinh thần tận hiến mới thực là khó: Ta phải thực tâm tùy thuộc, làm nô lệ của Mẹ và nhờ Mẹ làm nô lệ của Chúa Giêsu. Tôi đã gặp nhiều người nhiệt thành tận hiến nhưng chỉ bề ngoài: người có tinh thần tận hiến thật ít có, người bền đỗ sống đời tận hiến lại càng hiếm hơn". Ngài giải thích:
1- Với Mẹ: Nghĩa là khi làm bất cứ việc gì, người tận hiến phải lấy Ðức Maria làm mẫu gương trọn hảo nhất để theo.
2- Trong Mẹ: Khi làm việc gì, ta tạo trong trí khôn hình ảnh Mẹ Maria như nhà nguyện nhỏ ta vào trong đó cầu xin, Chúa Cha sẽ không bao giờ từ chối... Ta hoạt động là hoạt động trong Mẹ, không bao giờ theo ý mình trong bất cứ việc gì.
3- Nhờ Mẹ: Bao giờ đến với Chúa Giêsu cũng phải đều nhờ Mẹ, nhờ Mẹ can thiệp với Chúa. Không xin gặp riêng Chúa để thưa một việc gì.
4- Vì Mẹ: Ðã làm nô lệ của Mẹ thì việc gì làm cũng vì Mẹ, trước là làm vinh danh Mẹ, sau là nhờ Mẹ mà làm cho danh Chúa cả sáng. Trong mọi hoạt động của con, hãy loại trừ con người của con, bởi vì tính tự cao, tự đại, tự mãn, vị kỷ... nó xâm nhập lúc nào cũng không thấy được.
Tâm hồn tận hiến, theo thánh Montfort, phải phục vụ Chúa như người nô lệ của tình thương. Ngài giải thích đơn sơ rõ ràng: "Tôi xin nói ra là chúng ta phải lệ thuộc và phục vụ Chúa Giêsu không như người làm thuê có tiền, nhưng như nô lệ của tình thương, mà vì hết lòng quý mến Chúa nên hiến mình làm nô lệ để phục vụ Chúa, coi việc được lệ thuộc Chúa là một vinh dự rất cao cả...
"Xưng mình là nô lệ Maria, có nghĩa là nhờ Mẹ mà làm nô lệ của Chúa một cách hoàn hảo hơn. Maria là phương tiện Chúa dùng để đến với ta, ta cũng phải nhờ Maria mà đến với Chúa (Thánh Augustinô)".
9. Tinh thần tận hiến của đạo binh Ðức Mẹ
* Ai mến Mẹ thì yêu thích chuỗi Mân Côi. Bởi vì chỉ có người yêu mới lặp lại một chuyện, một lời mà không biết nhàm chán (ÐHV 947).
Như chúng ta đã thấy trên đây, ông F. Duff đã nhờ giáo lý Thánh Mẫu của thánh Louis Montfort mà lập ra Ðạo Binh Ðức Mẹ. Và cũng nhờ nghiền ngẫm các tác phẩm của thánh nhân mà kể từ năm 1921, ông đã hướng dẫn nhiều người tận hiến cho Mẹ cách hoàn hảo.
Theo ông, đường lối chủ yếu là trực tiếp tận hiến cho Chúa Thánh Thần theo gương mẫu Mẹ Maria, nhờ Mẹ Maria để cộng tác vào việc đổi mới xã hội.
Một thiếu nữ thuộc Ðạo binh Ðức Mẹ, bị giam trong ngục tù của Trung Quốc tại Côn-minh tới cách mạng văn hóa, đã ghi lại trong mảnh giấy nhỏ tâm tình tận hiến của chị. Mảnh giấy ấy đã được trao cho gia đình chị trước ngày chị vĩnh biệt cõi đời.
Ngày con vừa hiểu Mẹ khiết tâm.
Mẹ ôi! Con mến Mẹ vô ngần.
Nhớ một chiều hôm bên Thánh giá,
Yêu Con, âm thầm Mẹ hiến dâng.
* * *
Con dâng muôn sự giữa thế trần:
Xác hồn của cải với người thân,
Ngày đêm say sưa con cầu khẩn:
Con là của Mẹ vạn muôn lần.
10. Ðức Maria, người Mẹ làm cho chúng ta hy vọng
* Phản ứng đầu tiên của trẻ thơ là gọi: "Mẹ ơi!" khi lo sợ, khi lúng túng, khi đau buồn. Tiếng Mẹ là tất cả cho trẻ. Con hãy năng gọi: "Mẹ, Mẹ ơi! Con yêu mến Mẹ, Mẹ là tất cả của con" (ÐHV 921).
* Không quà gì quý bằng quà mà lòng Mẹ Maria tặng cho chúng ta: Chúa Giêsu, món quà quý nhất. Chính lòng Ðức Mẹ cũng quý nhất vì "Giêsu con lòng Bà" (ÐHV 923)..
* Con thơ bắt chước mẹ tất cả, dù khó khăn nguy hiểm, không phải vì có ý theo gương mẹ, vì mẹ là thần tượng, là tất cả, nhưng vì yêu mẹ, tin mẹ. Xem mẹ uống thuốc, con uống theo, mẹ đi ở tù, con vào theo. Mẹ Maria là tấm gương sáng vừa tầm con, con hãy mô phỏng gương Mẹ. Chúa Ba Ngôi không thể làm một tâm hồn thánh thiện hơn được (ÐHV 925).
Không một ai hiểu rõ lòng sùng kính Mẹ Maria của dân tộc Balan mà lại không biết đến bức ảnh danh tiếng của Mẹ ở Jasna Góra, trong giáo phận Czestochowa.
Mùa hè năm 1957, Ðức Piô XII đã làm phép bức tượng ấy. Nó vừa được người ta họa lại và không ngừng đi thăm viếng các giáo phận trong nước Balan. Bức tượng đến đâu, ơn lành Mẹ tuôn vải đến đó cho hết mọi người giáo hữu tới kính viếng.
Còn Ðức Gioan Phaolô II, người con ưu tú nhất của dân tộc Balan thì có một lòng sùng kính Ðức Mẹ cách đặc biệt. Chính khẩu hiệu của ngài: "Totus tuus" (Hoàn toàn thuộc về Mẹ) nói lên điều ấy một cách hùng hồn hơn cả.
Trong bức thông điệp đầu tiên của triều đại Giáo Hoàng của ngài (Redemptor hominis) công bố 4.3.1979, ngài đã dành số cuối cùng (22) để nói về Mẹ dưới một tựa đề thật xinh đẹp: "Ðức Maria, người Mẹ làm cho chúng ta hy vọng", tuy vắn tắt nhưng rất súc tích và là một cách trình bày khoa Thánh Mẫu học của ngài. Cha không thể ghi vào đây tất cả, nhưng ít là một đôi phần để ai không có bức thông điệp ấy trong tay cũng có thể suy niệm được giáo lý Thánh Mẫu của Ðức Gioan Phaolô II:
"..Nếu ở giai đoạn khó khăn và trọng yếu trong lịch sử của Hội Thánh và lịch sử nhân loại này, chúng ta cảm thấy một nhu cầu đặc biệt phải hướng về Ðức Kitô, Ðấng là Ðức Chúa của Hội Thánh và là Ðức Chúa của lịch sử loài người thể theo mầu nhiệm cứu chuộc, chúng ta vẫn tin tưởng rằng không ai bằng Ðức Maria trong việc đưa chúng ta vào kích thước Thiên Chúa và kích thước con người của mầu nhiệm Chúa Kitô; không một ai như Ðức Maria đã được chính Thiên Chúa cho đi sâu vào mầu nhiệm đó. Chính điều này cho chúng ta thấy tính cách đặc biệt của ân sủng đã làm cho Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Cái độc đáo và hoàn toàn đặc thù trong lịch sử con người không duy chỉ là phẩm tước gắn liền với danh hiệu Mẹ Thiên Chúa đó; cái độc nhất vô song nhờ chiều sâu và chiều rộng của ảnh hưởng của Ðức Maria chính là việc Ðức Maria, vì là Mẹ Thiên Chúa, đã tham dự vào ý định của Thiên Chúa cứu độ loài người, qua mầu nhiệm cứu chuộc.
"Có thể được là mầu nhiệm đó đã thành hình trong trái tim của người Trinh Nữ thành Nazareth, khi Ngài nói lên câu: "Fiat", xin vâng. Bắt đầu từ lúc đó, Trái Tim của Ðức Maria, một Ðấng vừa là Trinh Nữ vừa là Mẹ, với sự trợ giúp đặc biệt của Thánh Thần, không ngừng theo dõi chương trình mà Con của Ngài thực hiện, và trái tim đó đi đến với tất cả những ai đã được và không ngừng được Ðức Giêsu ôm nhận trong tình thương vô hạn của Ngài, và cũng chính vì vậy mà Trái Tim của Ðức Maria là trái tim vô hạn của một người mẹ. Ðặc tính của người mẹ mà Thánh Mẫu của Thiên Chúa đã đưa vào Mầu nhiệm cứu chuộc và đời sống của Hội Thánh, được diễn tả trong sự kiện là Ðức Maria đặc biệt gần gũi với con người và đời sống của con người. Ðây là điểm nòng cốt trong mầu nhiệm Ðức Mẹ. Hội Thánh tôn sùng Ðức Maria với một lòng hiếu thảo và một niềm hy vọng đặc biệt, Hội Thánh càng ngày càng muốn đi sâu vào mầu nhiệm đó. Trong mầu nhiệm đó nữa, Hội Thánh nhận ra con đường cho cuộc sống hằng ngày của mình và của từng người một.
"Tình yêu thương vĩnh cửu của Chúa Cha đã được biểu lộ trong lịch sử nhân loại bởi Chúa Con, Ðấng mà Chúa Cha đã ban cho nhân loại" ngõ hầu ai tin vào Người thì khỏi phải hư đi, nhưng được có sự sống đời đời tình thương yêu này đã đến gần với mỗi người chúng ta nhờ người Mẹ đó, và nhờ Ngài, tình thương này được biểu lộ một cách dễ hiểu và dễ đạt tới hơn cho mỗi người. Chính vì thế, mà Ðức Maria phải có mặt trên mọi nẻo đường của đời sống thường nhật của Hội Thánh. Nhờ có Ngài hiện diện như một người mẹ, Hội Thánh được lòng xác tín là mình sống thật sự đời sống của Ðức Kitô, Ðấng là Thầy và là Chúa của Hội Thánh; nhờ Ðức Maria, Hội Thánh biết chắc rằng mình sống mầu nhiệm cứu chuộc với tất cả chiều sâu và sự viên mãn sống động của mầu nhiệm đó. Và Hội Thánh, khi ăn rễ trong nhiều lãnh vực khác nhau của đời sống nhân loại ngày nay, cũng được lòng xác tín và có thể nói được có kinh nghiệm là mình sống gần với con người, với mỗi người, mình là Hội Thánh của họ, của mỗi người, Hội Thánh của dân Thiên Chúa..."
Nếu những dòng chữ trên đây là của một nhà Thần học, một nhà Thánh mẫu học đang lên tiếng giảng dạy, thì những lời lẽ đơn sơ chân thành sau đây lại là tâm tình của một đứa con hiếu thảo đang trình bày với Mẹ tất cả những chặng của lòng mình sùng kính Mẹ thiết tha:
Tạm biệt Mẹ Jasna Góra (6.6.1979)
* Chúa Giêsu đã chỉ rõ cho chúng ta mẫu gương để theo: Ðức Chúa Cha: "Hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời." Nhưng Cha trên trời xa vời, Chúa Giêsu đã chỉ chính mình Ngài: "Ai thấy Thầy, thì thấy Ðức Chúa Cha." Nhưng rồi Chúa muốn một mẫu gương dịu hiền ây yếm hơn cả, Mẹ Maria: "Ðây là Mẹ con" (ÐHV 924).
Lạy Mẹ Jasna Góra,
1. Những người lữ hành được Mẹ đón tiếp ở Jasna Góra, có thói quen lành thánh là đến tạm biệt Mẹ trước khi ra về. Con còn nhớ biết bao lần con đã tạm biệt Mẹ, biết bao lần Mẹ đã âu yếm đón nhận con. Ôi Mẹ Jasna Góra, con còn nhớ lúc con còn là một học sinh trung học, con đã đến đây với ba con hoặc với đoàn lữ hành thuộc giáo xứ Wadowice của con. Con còn nhớ lần con và các bạn của con phải chùng lén đến đây đại điện cho giới trẻ đại học thành Cracovie, trong giai đoạn rùng rợn nước nhà bị chiếm đóng, để khỏi gián đoạn những cuộc hành hương đại học đến Gasna Góra vốn đã khởi sự từ năm 1936 đáng nhớ. Con còn nhớ bao lần tạm biệt, bao phút chia ly, khi con đến đây với tư cách tuyên úy học sinh và về sau với tư cách Giám mục hướng dẫn các linh mục tổng giáo phận Cracovie đi hành hương.
2. Hôm nay, thưa Mẹ Jasna Góra, con về đây với Ðức Hồng Y Giáo chủ Ba Lan kính mến với Ðức Tổng Giám mục Cracovie, Ðức Giám mục Czestochowa, với tất cả hàng giáo phẩm của quê hương con, để lần nữa tạm biệt Mẹ và xin Mẹ chúc lành cho cuộc hành trình của con. Con về đây hôm nay trong tư cách đầy tớ thứ nhất của Con Mẹ, kế vị thánh Phêrô trên toà thánh Roma. Không lời chào nào diễn tả ý nghĩa của cuộc hành hương này được. Con không còn biết tìm lời gì khả đĩ nói lên được bao nhiêu ân tình của Mẹ đối với chúng con trong quá khứ, trong những ngày này và mãi mãi về sau. Lạy Mẹ của Hội Thánh và Nữ Vương của nước Ba Lan, xin Mẹ tha thứ cho chúng con, xin Mẹ cho phép chúng con chỉ cám ơn Mẹ bằng sự thinh lặng hát lên "Kinh Tiền tụng" của giây phút tạm biệt.
3. Trước mặt Mẹ, con còn muốn cám ơn các anh em của con trong hàng Giám mục: Ðức Hồng Y Giáo chủ, các Ðức Tổng Giám mục và Giám mục của Giáo Hội Ba Lan. Chúa đã chọn con trong hàng ngũ của họ, con đã chia vui sẻ buồn với họ ngay từ ban đầu và con còn tiếp tục liên kết sâu xa với họ. Ðấy là những kẻ, theo lời thánh Phêrô, đã nêu gương sáng cho đàn chiên (forma gregis, 1Pt 5,3); họ đang đem hết tâm can phục vụ Hội Thánh và Tổ quốc không quản ngại khó khăn. Thưa anh em quý mến, tôi muốn cám ơn anh em tất cả và cách riêng, thưa Ðức Hồng Y Giáo chủ, tôi muốn lặp lại một lần nữa (mặc dù tôi không nói ra) những gì tôi đã nói lên ở Roma, ngày 22 và 23 tháng 10 dương lịch năm ngoái. Những điều ấy, ở đây trong giây phút này, trước mặt Mẹ Jasna Góra, tôi xin nhắc lại bằng tư tưởng và bằng tâm hồn.
Tôi chân thành cám ơn những người cùng đi hành hương với tôi ở đây, trong những ngày này; cách đặc biệt tôi cám ơn các tu sĩ phụ trách Ðền thánh này, các cha Dòng Paulinô, cùng với vị Tổng quyền của Dòng, đồng thời là người quản nhiệm Ðền thánh Jasna Góra.
4. Lạy Mẹ của Hội Thánh! Một lần nữa con xin tận hiến mình cho Mẹ để nên nô lệ tình thương hiền mẫu của Mẹ: Totus Tuus! Con hoàn toàn thuộc về Mẹ! Con xin tận hiến cho Mẹ cả Hội Thánh, ở bất cứ nơi nào đến tận cùng quả đất! Con xin dâng hiến tất cả nhân loại cho Mẹ, anh em của con. Tất cả mọi dân tộc, tất cả mọi quốc gia. Tất cả Âu châu và tất cả các Lục địa. Con xin dâng hiến cho Mẹ thành Roma và nước Ba Lan vốn đang được nối kết với nhau, qua đầy tớ của Mẹ, bằng một sợi dây thâm tình mới mẻ.
Lạy Mẹ, xin Mẹ khấng nhậm lời con!
Lạy Mẹ, xin Mẹ đừng bỏ chúng con!
Lạy Mẹ, xin Mẹ hướng dẫn chúng con!".